Kể từ khi bùng phát dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, thường được biết đến là Covid-19, thế giới đã tỏ ra hoài nghi về số ca lây nhiễm và tử vong theo báo cáo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trên thực tế, đây không phải là lần đầu chính quyền toàn trị này đối mặt với sự ngờ vực của thế giới vì tuyên truyền thông tin sai lệch trong các vấn đề liên quan đến tình trạng khẩn cấp sức khỏe toàn cầu: Năm 2003, chính quyền này cũng đã che đậy thông tin về dịch SARS.
Nhưng liệu có bao nhiêu người nhận thức được rằng, ngay cả sách giáo khoa Trung Quốc cũng chứa đựng những thông tin sai lệch có chủ đích về lịch sử Trung Quốc và thế giới? Dưới đây là năm điều dối trá lớn nhất mà học sinh Trung Quốc được dạy ở trường.
Điều dối trá thứ 1: Chiến tranh Trung-Nhật
Trong nhiều thập kỷ, chính quyền ĐCSTQ từng tuyên bố nó đã lãnh đạo Trung Quốc đến chiến thắng và đánh bại phát xít Nhật trong chiến tranh Trung-Nhật. Tuy nhiên, điều này cách rất xa sự thật, khi quân đội Quốc dân Đảng mới chính là những người lính trực tiếp chiến đấu trong cuộc chiến này.
“Phát xít Nhật không phải bị đánh bại bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc”, Thiếu tá kỳ cựu Tao Shin-Jun nói với Thời báo Los Angeles năm 2015. “Trong suốt 8 năm đó, chính chúng tôi [Quốc dân Đảng] đã tham gia chiến trận - trong khi những người lính cộng sản không hề chiến đấu với phát xít Nhật. Họ chỉ cố gắng lôi kéo lính Quốc Dân Đảng gia nhập phe họ.”
Theo cuốn “Cửu Bình”, 9 bài bình luận về ĐCSTQ của tờ The Epoch Times, bằng chứng lịch sử cho thấy ĐCSTQ đã “chủ động né tránh tham chiến trong chiến tranh Trung-Nhật”. Loạt bài này cũng nói rằng vào năm 1972, Mao Trạch Đông đã có lời cảm tạ với Thủ tướng Nhật Bản Kakuei Tanaka rằng, “ĐCSTQ sẽ không thể giành được quyền thống trị Trung Quốc đại lục” nếu cuộc chiến này không nổ ra.
Bất chấp những bằng chứng lịch sử và tài liệu lưu trữ xác thực, năm 2017, chính quyền độc tài này đã yêu cầu các nhà giáo dục Trung Quốc viết lại sách giáo khoa về cuộc chiến với phát xít Nhật. Thời báo New York đưa tin, thay vì “Cuộc kháng chiến tám năm chống phát xít Nhật”, kéo dài từ năm 1937 đến năm 1945, các nhà giáo dục đã được yêu cầu đổi thành “Cuộc kháng chiến mười bốn năm”, để bao gồm giai đoạn 1931 đến 1936 khi Quân đội Đế quốc Nhật Bản xâm chiếm Mãn Châu.
Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết lý do viết lại sách giáo khoa là để nhấn mạnh “vai trò then chốt” của ĐCSTQ trong cuộc chiến và cũng để thúc đẩy “giáo dục yêu nước”, theo tờ Thời báo New York. Tuy nhiên, ông Kerry Brown, giáo sư về chính trị Trung Quốc tại Đại học King’s College London (Anh) cho rằng sự xuyên tạc lịch sử này cho thấy sự bất an trong thâm tâm ĐCSTQ.
“Nó chứng tỏ sự nhiệt tình của ĐCSTQ trong việc tìm kiếm những cái cớ hợp pháp cho sự tồn tại của nó, từ bất cứ nơi nào có thể. Hành vi này đã hé lộ nhiều sự bất an hơn là sự mạnh mẽ,” ông nói với tờ New York Times.
Điều dối trá thứ hai: Nạn đói lớn
Nạn đói lớn ở Trung Quốc, kéo dài 3 năm, từ năm 1959 đến 1961, đã được chính quyền Trung Quốc gọi là “ba năm thiên tai”, nhằm đổ lỗi cho yếu tố khách quan bên ngoài.
Yang Jisheng, một nhà báo kỳ cựu người Trung Quốc và tác giả của “Tombstone,” một cuốn sách kể lại chi tiết về Nạn đói lớn, đã xem qua các nguồn và hồ sơ dữ liệu khí tượng lưu kho từ năm 1958 đến 1961, và không tìm thấy ghi chép nào về thảm họa thiên nhiên như lũ lụt hay hạn hán.
Trên thực tế, Nạn đói lớn là một thảm họa kinh tế lớn gây ra do Đại nhảy vọt, một chiến sách của ĐCSTQ đòi hỏi toàn dân Trung Quốc tham gia sản xuất thép và ép buộc nông dân rời bỏ mùa màng, không được trồng trọt thu hoạch. Nó đã dẫn đến cái chết của 40 triệu người Trung Quốc, theo báo cáo về Nạn đói lớn trong cuốn sách “Hồ sơ lịch sử về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” được xuất bản vào tháng 2/1994 bởi Nhà xuất bản Cờ Đỏ, theo Cửu Bình.
Tuy nhiên, Helen Raleigh, một người nhập cư Trung Quốc, kiêm cộng tác viên cao cấp của tờ The Federalist, đã viết trong một bài báo năm 2016 rằng, cuốn sách dạy lịch sử ở trường trung học của cô không hề đề cập đến số lượng người chết. Thay vào đó, nạn đói chỉ được tóm tắt “trong một vài câu”.
Raleigh nói thêm rằng không có cuốn sách chính thức nào đề cập chi tiết đến những gì đã xảy ra. Nhưng cô biết được thông qua cha mẹ mình rằng, cô có một người chú đã chết từ khi còn ẵm ngửa vì đói. Cô nói rằng bà cô “đã quá đói nên không có sữa cho con bú, mà thời đó thì chưa có sữa bột”.
Trong một bài viết trước đó trên tờ The Epoch Times, ông Jiang, từ huyện Xie, tỉnh Sơn Tây, đã nhớ lại một ký ức kinh hoàng trong nạn đói năm nào - thảm cảnh ăn thịt người. “Người dân [đói quá] nên ăn bất cứ thứ gì [tìm được]”, ông nói. “Gia đình nào cũng có người chết. Xác chết la liệt khắp nơi. Đói đến mức, mọi người bắt đầu ăn thịt người, ăn cả những người đang sống và người thân”.
Video: Sự thật thảm khốc về việc ăn thịt người trong Nạn Đói Lớn ở Trung Quốc
Điều dối trá thứ 3: Thảm sát Thiên An Môn
Có lẽ cả thế giới không thể nào quên được tấm ảnh kinh điển chụp Tank Man, người đàn ông đứng cản trước một dòng xe tăng tiến vào Quảng trường Thiên An Môn ngày 5/6/1989, cũng như cuộc Thảm sát Thiên An Môn, xảy ra một ngày trước đó vào 4/6/1989. Đó là ngày mà hàng ngàn người dân vô tội, bao gồm nhiều học sinh sinh viên, bị bắn hạ và nghiền nát bởi xe tăng quân đội.
Vụ việc bắt đầu vào tháng 4/1989 khi hàng ngàn sinh viên ủng hộ dân chủ tập trung trên đường phố Bắc Kinh để kêu gọi cải cách chính trị và kinh tế, và chấm dứt vấn nạn tham nhũng trong chính phủ. Đáp lại, quân đội có vũ trang đã xông vào Quảng trường Thiên An Môn đêm ngày 3/6 và sát hại nhiều người.
Theo thông tin giải mật từ một nguồn tin cấp cao ẩn danh trong Quốc vụ Viện Trung Quốc, khoảng 10,454 người đã bị quân đội sát hại trong vụ thảm sát. Bất chấp thực tế sự kiện đã được báo cáo rộng rãi trên toàn cầu, không nhiều sinh viên Trung Quốc hay biết về cái ngày định mệnh này.
Eric Fish, tác giả cuốn “China’s Millennials: The Want Generation” (Ngàn năm Trung Quốc: Thế hệ bị truy nã), đã viết trên tạp chí TIME rằng ông đã gặp một nữ sinh trẻ người Trung Quốc học báo chí tại Đại học Columbia. Cô này không hề hay biết về vụ thảm sát cho đến khi một giáo viên phát đoạn phim phóng sự. Nữ sinh này đã tỏ ra bất bình và nghĩ rằng đây là tài liệu tuyên truyền bôi xấu Trung Quốc của Mỹ. Chỉ sau khi cô tự mình tìm hiểu trên internet, cô mới vỡ lẽ chuyện gì đã xảy ra, ông Fish nói.
Trên thực tế, lý do khiến một số sinh viên không biết gì về sự kiện lịch sử quan trọng này là do sự tuyên truyền và kiểm duyệt của ĐCSTQ. Chính quyền này tuyên bố rằng không có sinh viên nào bị giết, một số sinh viên đã tấn công quân đội, làm tử vong một số người; Tuy nhiên, ĐCSTQ sau đó đã thay đổi nội dung tuyên truyền. Theo BBC, ĐCSTQ đã nói rằng “các cuộc bạo động phản cách mạng” xảy ra hôm 4/6 đã dẫn đến cái chết của 200 thường dân và một số sĩ quan an ninh.
Đối với những người nghe phong thanh một hai điều về sự kiện, họ đã phủ nhận nó như một sự việc không liên quan gì đến họ. Cui, một kiểm toán viên, nói với tờ Foreign Policy rằng, dịp kỷ niệm ngày 4/6 không liên can gì đến anh ta. Hơn nữa, “Tôi cũng không biết bất cứ người trẻ nào quanh tôi quan tâm đến lễ kỷ niệm 4/6,” anh nói.
Video: Lịch sử "giết người và thoát tội" của chính quyền Trung Quốc
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/lich-su-che-giau-toi-ac-cua-chinh-quyen-trung-quoc-video_50949d31a.html"]
(còn tiếp ...)
Theo Epoch Times
Hương Thảo dịch, Quý Khải biên tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét