Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Vị thế trung tâm tài chính của Hồng Kông bị đe dọa bởi luật an ninh mới

Vị thế trung tâm tài chính của Hồng Kông bị đe dọa bởi luật an ninh mới https://ift.tt/3gD7gyv

Luật an ninh quốc gia Hồng Kông được Trung Quốc thông qua có thể làm xói mòn nghiêm trọng vị thế của Hồng Kông như một trong những nơi tốt nhất để kinh doanh trên thế giới, theo Taiwan News ngày 28/5.

Luật này, được thiết lập với mục đích đàn áp hoạt động ly khai và lật đổ ở thuộc địa cũ của Anh, đã được phê duyệt hôm thứ Năm tại Bắc Kinh, khiến Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố rằng Washington sẽ không còn đối xử với Hồng Kông, nơi đang nóng lên với các cuộc biểu tình chống chính phủ và đại dịch, như một lãnh thổ được quyền tự trị từ Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra chi tiết về luật này.

Sau 11 tháng nổ ra các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ tại Hồng Kông, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng cần phải chiến đấu với các mối đe dọa trong khu vực bán tự trị gồm 7 triệu dân này. Nhưng các nhóm kinh doanh, luật sư và nhà phân tích tài chính nói rằng có nhiều hậu quả tiềm tàng từ việc các thị trường tài chính và hãng luật Hồng Kông mất cơ hội kinh doanh, đến các hạn chế đi lại đối với cư dân Hồng Kông.

Hồng Kông được đánh giá cao về lực lượng lao động lành nghề, hệ thống pháp luật thân thiện với doanh nghiệp, tự do ngôn luận kiểu phương Tây và dễ dàng di chuyển ra thế giới. Nhưng các công ty toàn cầu đã chuyển một số hoạt động khỏi Hồng Kông do chi phí gia tăng và sự bất ổn sau các cuộc đụng độ kéo dài, đôi khi dữ dội giữa cảnh sát và những người biểu tình ủng hộ dân chủ.

Scott Salandy-Defour, người sáng lập công ty khởi nghiệp công nghệ sạch Liquidstar, đã cân nhắc việc rời khỏi Hồng Kông, và luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông chính là “cọng rơm cuối cùng", ông nói. “Tôi không thấy có thứ gì trở nên tốt hơn từ đây".

“Khi chúng tôi nói chuyện với các nhà đầu tư rằng chúng tôi là một công ty có trụ sở tại Hồng Kông, nó không còn hấp dẫn như nó đã từng như vậy một năm trước đây”, Salandy-Defour, công ty cung cấp dịch vụ cho thuê ắc-quy và sạc pin bền vững cho các nước đang phát triển cho biết. “Khả năng chúng tôi sẽ bị cắt giảm rất nhiều các kênh tài trợ khác nhau, như các khoản tài trợ từ chính phủ Hoa Kỳ”, ông nói.

Lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam đã ra sức trấn an các công ty và công chúng rằng các quyền tự do dân sự của họ sẽ không bị ảnh hưởng. Nhưng luật này đã cho thấy chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết tâm thắt chặt kiểm soát.

“Hong Kong đã trở nên rủi ro hơn trước kia”, ông Tara Joseph, chủ tịch của AmCham Hong Kong nói. “Có một mối lo ngại lớn là hai thế lực lớn đang lao vào nhau, và đó là Hoa Kỳ và Trung Quốc, và điều này có thể có tác động sâu sắc đến Hồng Kông”, ông Joseph nói.

Các nhà phê bình cho rằng luật này làm suy yếu mức độ tự trị cao của Hồng Kông mà chính quyền Trung Quốc đã ký kết khi Anh trao quyền kiểm soát cho Trung Quốc vào năm 1997. Quyền tự trị đó đã khiến Washington và các chính phủ khác coi thành phố này là một lãnh thổ riêng biệt cho thương mại, du lịch và các vấn đề khác.

Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết hôm thứ Tư rằng, những thay đổi trong chính sách của Bắc Kinh đủ nghiêm trọng đến mức Washington sẽ không còn coi Hồng Kông là tự trị.

Việc mất các đặc quyền thương mại của Hồng Kông có thể có nghĩa là chủ sở hữu hộ chiếu Hồng Kông có thể mất khả năng đến Hoa Kỳ mà không cần xin thị thực như trước. Washington cũng có thể thu hồi tình trạng tự do chuyển đổi của đồng đô la Hồng Kông sang đô la Mỹ, tiềm năng dẫn đến phá vỡ hệ thống tài chính của thành phố, nhà kinh tế Michael Spencer của Deutsche Bank cho biết trong một báo cáo.

Spencer cho biết lĩnh vực tài chính sẽ có một cú sốc lớn nếu các công ty như MSCI phân loại lại Hồng Kông thành một thị trường mới nổi tương tự như Thâm Quyến và Thượng Hải thay vì một thị trường phát triển, Spencer nói.

“Một phần rất lớn vốn đầu tư vào thị trường Hồng Kông sẽ phải ra đi”, ông nói.

Tương lai không chắc chắn của Hồng Kông đang đặt nó vào thế bất lợi so với các điểm đến châu Á khác đang cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài, như Singapore và Tokyo.

“Theo thời gian, mọi người trở nên lo lắng và nghĩ rằng nơi này có thể không còn là nơi an toàn, tiền của tôi không còn an toàn như trước đây, và tôi sẽ nghĩ về việc đi đến một nơi khác”, ông William Reinsch, cố vấn cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế. “Nó gửi đi một tín hiệu rằng Hồng Kông không còn là nơi an toàn và đáng tin cậy để cất giữ tiền của bạn hoặc để kinh doanh”.

Luật an ninh quốc gia đã làm tăng thêm lo ngại rằng hệ thống pháp luật của Hồng Kông đang mất đi sự độc lập tư pháp của nó. Hiệp hội Luật sư Hồng Kông nói rằng phương thức ban hành luật an ninh mới là một sự đe dọa: Trung Quốc đang phá vỡ chủ quyền của cơ quan lập pháp Hồng Kông bằng cách chà đạp Luật Cơ Bản, hiến pháp nhỏ của thành phố, cho phép chính phủ và tòa án thực thi các biện pháp an ninh, bất chấp các nhà lập pháp địa phương quyết định gì.

“Bắc Kinh đã cho thấy họ rất ít quan tâm đến những cân nhắc như vậy”, Reinsch nói.

“Trung Quốc không phải là một nhà nước pháp quyền, đó là một quốc gia nơi ĐCSTQ độc quyền đưa ra quyết định về những gì sẽ xảy ra, đó là những quyết định độc đoán và nếu đó là những gì sẽ xảy ra ở Hồng Kông, thì đó không phải là điềm lành cho nền kinh tế hay cho người dân”, ông nói.

Bob Broadfoot, giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu tư vấn rủi ro chính trị và kinh tế có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết các công ty có thể chuyển công việc tư vấn pháp lý sang Singapore hoặc các quốc gia khác.

“Singapore sẽ nhận được nhiều doanh nghiệp hơn như là một trung tâm giải quyết tranh chấp”, theo ông Broadfoot. “Hệ thống pháp lý của nó, vốn toàn diện hơn, sẽ được hưởng lợi từ các vấn đề của Hồng Kông”.

Những rắc rối ở Hồng Kông và sự bất ổn kinh tế toàn cầu rộng lớn hơn do đại dịch cũng có thể khiến các doanh nghiệp ở đó khó thu hút và giữ chân nhân tài hơn.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng những lo ngại về khả năng mất tình trạng đặc biệt của Hồng Kông có thể bị thổi phồng. Nhiều công ty lớn có hoạt động kinh doanh lớn ở cả đại lục và Hồng Kông, và hầu hết các cơ sở sản xuất của Hồng Kông đã chuyển sang Trung Quốc từ nhiều năm trước, Nicholas Lardy, một thành viên của Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson cho biết.

“Những hậu quả kinh tế thực sự khá hạn chế ", Lardy nói.

Hồng Kông vẫn là một cơ sở hấp dẫn đối với nhiều công ty, theo Andrew Bishop, một đối tác của Signum Global Advisors, một công ty tư vấn rủi ro cho biết. Các cuộc biểu tình năm ngoái đã cho các doanh nghiệp thời gian để suy nghĩ, ông nói.

“Tại thời điểm này, duy trì các hoạt động ở Hồng Kông đã trở thành vấn đề phải tính toán cẩn thận hơn là phản ứng mạnh mẽ trước một cú sốc bất ngờ".

Theo Taiwan News,
Hương Thảo dịch và biên tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét