Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

Đánh giá mức độ ‘hung hăng’ của Trung Quốc trên Biển Đông qua lăng kính luật quốc tế

Đánh giá mức độ ‘hung hăng’ của Trung Quốc trên Biển Đông qua lăng kính luật quốc tế https://ift.tt/2A9XN0J

Liên quan đến tương lai của luật pháp quốc tế và trật tự trên biển ở Biển Đông.

Vụ đụng độ đầu năm nay giữa tàu hải quân Philippine và Trung Quốc xảy ra gần Đá Công Đo (Commodore Reef) như điềm báo cho thấy an ninh hàng hải khu vực trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng. Về vấn đề này, điều thiết yếu là cần tái thẩm định vụ việc thông qua lăng kính luật pháp quốc tế và trật tự trên biển để hiểu được ý nghĩa của nó, theo bài viết của nhà phân tích an ninh Christian Vicedo đăng trên báo The Diplomat ngày 18/5.

Xem xét lại sự cố Đá Công Đo

Ngày 17/2/2020, tàu hộ tống BRP Conrado Yap (PS-39) của Hải quân Philippine đã tiến hành một nhiệm vụ tuần tra gần Đá Công Đo do Philippine chiếm giữ ở Biển Đông. Trong nhiệm vụ này, tàu PS-39 đã đụng độ với một tàu hải quân Trung Quốc (CNS) có số hiệu 514.

Tàu PS-39 đã phát cảnh báo vô tuyến tới tàu CNS-514 nhưng tàu Trung Quốc phản hồi với tuyên bố như sau: "Chính phủ Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với Biển Đông, các đảo và vùng biển lân cận". Sau đó, tàu PS-39 đã chỉ dẫn tàu CNS-514 phải tiến tới "điểm tiếp theo" của nó, nhưng tàu Trung Quốc chỉ đơn giản là lặp lại phản ứng trước đó của nó và duy trì tiến trình cũng như tốc độ.

Trong một cuộc phỏng vấn, một quan chức của Bộ Tư Lệnh phương Tây thuộc Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP-WESCOM) nhấn mạnh, theo quan sát trực quan của thủy thủ tàu PS-39, thì lúc đó "hệ thống điều khiển hỏa lực" (gun control director) của CNS-514 đã chĩa về tàu của họ sẵn sàng tác xạ.

Vị quan chức giải thích, quan sát trực quan đã xác định được rằng "hệ thống điều khiển hỏa bắn được dùng để chỉ định và theo dõi các mục tiêu và kích hoạt tất cả các khẩu pháo sẵn sàng bắn trong một giây" từ phía tàu Trung Quốc. Ông cũng lập luận, quan sát trực quan xác nhận tàu Trung Quốc có "ý định thù địch".

Trong các báo cáo quốc tế về vụ việc đã gọi "hệ thống điều khiển bắn" được nói trên là một "radar điều khiển bắn" (fire control radar). Điều này có ý nghĩa là vì trong các hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, hệ thống điều khiển bắn thực hiện các giải pháp lượng giác để bắn vào mục tiêu, và rada cấp thông tin vị trí của mục tiêu, thường được sử dụng như một tổ hợp vũ khí trong hệ thống điều khiển bắn, như Ceros 200 của SAAB và radar điều khiển hỏa lực LIROD Mk2 của Thales.

CNS-514 đang được nói đến là tàu Lục Bàn Thủy (Liupanshui) của Hải quân Trung Quốc, hộ tống nó là tàu Giang Đảo (Jiangdao) Type 056A trang bị radar điều khiển hỏa lực Type LR66 và Type IR 17 quang điện tử dẫn hướng hệ thống vũ khí.

Sự cố Đá Công Đo và Luật quốc tế

Về mặt pháp lý, Đá Công Đo được coi là một đá nổi (rock), theo sau Phán quyết Trọng tài 2016 về vụ kiện của Philippine chống Trung Quốc. Về phần này, Đá Công Đo được hưởng quy chế lãnh hải. Đồng thời, Đá Công Đo nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippine (EEZ).

Vì vậy, tùy thuộc khoảng cách vị trí chính xác trong vụ việc Đá Công Đo, một trong hai cách thức điều hướng có thể được áp dụng, theo 2 tình huống như sau:

Trong tình huống lãnh hải, theo Công ước Luật Biển (LOSC), tàu CNS-514 chỉ được quyền tiến hành "đi qua vô hại" ("innocent passage"). Và theo LOSC, PS-39 có thể thực hiện các bước cần thiết để "ngăn chặn việc đi qua không vô hại" ("prevent passage which is not innocent") là một trong những điều gây phương hại đến "hòa bình, trật tự hoặc an ninh" quốc gia. Như vậy, việc PS-39 chỉ hướng cho CNS-514 "tiến hành đến điểm kế tiếp" là đúng thẩm quyền. Như LOSC quy định, CNS-514 cần nhanh chóng thực hiện yêu cầu của tàu Philippines và không sử dụng các mối đe dọa bằng vũ lực.

Trong tình huống EEZ, CNS-514 chỉ đơn giản là họ được phép khẳng định việc thực thi quyền tự do hàng hải của mình chứ không thể tuyên bố là "chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc". Trong kịch bản này, tàu Philippines PS-39 không thể chặn quyền tự do hàng hải, bởi EEZ được coi là một phần của vùng biển quốc tế nơi một quốc gia được thực hiện các quyền tự do trên biển. Cũng phải nhấn mạnh rằng, theo LOSC, các vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế sẽ được dành cho các mục đích hòa bình. Điều này có nghĩa là việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực không được khuyến khích.

Do đó, câu hỏi liên quan tiếp theo là liệu việc CNS-514 nhắm radar điều khiển hỏa lực vào PS-39 có được xem là mối đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có ý định thù địch hay không.

Theo Cẩm nang về quy tắc Ứng xử San Remo (ROE) năm 2009, các hành vi "nhắm vào và chỉ hướng vũ khí" hoặc "dùng rada chiếu sáng hoặc chỉ hướng laser" được coi là biểu thị của "ý định thù địch".

Hành động kích hoạt radar điều khiển hỏa lực trên tàu dưới hình thức cảnh báo chỉ được chấp nhận là một biện pháp chủ động trong việc xác định ý định thù địch của một tàu khác nếu sau khi nó biểu thị dấu hiệu của thù địch.

Do "cảnh báo vô tuyến" không phải là dấu hiệu của ý định thù địch trong Cẩm nang ROE, nên hành động của PS-39 được hiểu là không biểu thị cho "ý định thù địch", khiến cho hành động chĩa radar hỏa lực của CNS-514 vào PS-39 là không phù hợp.

Thêm vào đó, áp dụng "Bộ Quy tắc tránh va chạm ngoài ý muốn trên biển" (Code for Unplanned Encounters at Sea - CUES) trên Biển Đông, thỏa thuận mà Trung Quốc đã đạt được với các nước ASEAN trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc lần 19 vào năm 2016. Trung Quốc cũng nhận được sự tán thành từ các nước thuộc ASEAN + đối với thỏa thuận CUES trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) lần thứ 5 năm 2018.

Xét theo CUES, một giao thức được chuẩn hóa, mang cả ý nghĩa về hoạt động hàng hải và chính trị khi nó được thông qua trong Hội nghị chuyên đề Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS) do Trung Quốc tổ chức vào năm 2014, các hành động của tàu 514 Trung Quốc mâu thuẫn với CUES, do tàu này đã sử dụng "radar điều khiển hỏa lực".

Sự cố Đá Công Đo và Trật tự trên Biển

Các hành động của tàu CNS-514 cũng mâu thuẫn với các nguyên tắc được đặt ra trong các thỏa thuận đa phương về trật tự và hòa bình trong các tranh chấp trên Biển Đông mà Trung Quốc đã tuyên bố ủng hộ.

Cần nhắc lại rằng theo Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (Declaration on Conduct of the Parties in the South China Sea - DOC), các bên cam kết "giải quyết tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán của họ bằng biện pháp hòa bình, không dùng đến đe dọa hoặc sử dụng vũ lực" như quy định của LOSC.

Tương lai của luật pháp quốc tế và trật tự trên biển được cho là có triển vọng mờ mịt, khi quốc gia ven biển mạnh nhất và có ảnh hưởng nhất ở Biển Đông không tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như các quy tắc được đặt ra bởi các thỏa thuận an ninh hàng hải đa phương mà trong đó nó đứng riêng một bên.

Trong trường hợp thiếu một sự hòa giải an ninh đa phương, để có thể chủ động bảo vệ trật tự biển dựa trên các quy tắc và ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, thì có thể Trung Quốc tiếp tục tuyên bố rằng họ tôn trọng luật pháp quốc tế và ủng hộ trật tự trên biển nhưng thực tế đó họ sẽ hành xử theo một kiểu hoàn toàn khác.

Tương tự, Trung Quốc có thể mở rộng các hoạt động cưỡng chế "Vùng Xám” (Gray Zone) và thúc đẩy các kịch bản tấn công gần như vũ trang để áp đặt các yêu sách lãnh thổ và hàng hải của mình đối với các quốc gia tiểu cường láng giềng.

Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục đe dọa các quốc gia yếu nhược bằng cách lớn giọng bác bỏ các phản đối ngoại giao và những biện pháp pháp lý khác là "cáo buộc sai trái", "khiêu khích" và là "phán quyết quốc tế không thể chấp nhận được", như cách họ từng ra rả tuyên bố liên quan đến vụ việc Đá Công Đo nói trên và Cuộc tranh chấp bãi cạn Scarborough năm 2012 cũng như Phán quyết Trọng tài năm 2016 trong vụ kiện của Phillippine chống Trung Quốc.

Theo The Diplomat
Triệu Hằng dịch và biên tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét