Vậy là một năm mới đã đến với chúng ta, đến với mỗi con người trên địa cầu. Trong khoảnh khắc thiêng liêng giao hòa giữa trời và đất này, trong tiếng pháo rộn ràng đón giao thừa, tôi lại thấy nôn nao nhớ về những ngày Tết thuở bé...
Năm nào cũng thế, cứ sau ngày ông Công ông Táo là bố mẹ tôi lại tất bật gói bánh chưng. Cái mâm đồng được bày ra giữa nhà, cả gia đình xúm lại người rửa lá dong, người vo gạo, người thái thịt, người gói bánh… Mẹ hay sai tôi ra mua bó củi ở đầu chợ, bổ sung thêm gỗ chẻ ra từ mấy món đồ gỗ cũ là đủ luộc bánh. Sau khi xong xuôi bữa tối, tôi cùng bố xuống bếp đặt cái nồi to lên ông đầu rau, xếp bánh ngay ngắn rồi đổ từng xô nước vào cho đến khi ngập bánh là bắt đầu nổi lửa.
Giống như những đứa trẻ khác trong xóm, tôi và đứa em gái được bố mẹ cắt cử thức trông nồi bánh. Trong cái tiết trời giá lạnh của mùa đông, ngồi kế bên bếp lửa, nghe tiếng sôi ùng ục của nồi bánh, tiếng nổ lép bép từ đống củi đang cháy giữa cái tĩnh lặng của đêm khuya, đối với tôi là những trải nghiệm không bao giờ quên. Thực ra, trông nồi bánh cũng chẳng có nhiều việc để làm, cơ bản chỉ là theo dõi để nước trong nồi không trào ra làm tắt lửa hay củi hết mà tàn bếp, vì thế hai anh em cứ thay nhau mà... ngủ gật. Đến chừng gà gáy sáng, hết củi, là bánh chính. Bố xuống bếp cười xòa, xoa đầu mấy đứa bọn tôi rồi chạy ra vớt bánh, đem ép bánh cho ra hết nước là biết Tết sắp đến.
Ký ức về ngày Tết trong tôi khi đó lung linh, kỳ diệu như ánh đèn nhấp nhánh ông treo trên cây đào phai ở ngoài sân, có mùi nhang nồng ấm thoang thoảng bay và tiếng pháo hoa râm ran khoảnh khắc giao thừa. Tôi vẫn nhớ ngày ấy, bình thường phải đi ngủ sớm lắm thế nhưng tới đêm 30 là mẹ cho anh em chúng tôi được thức qua 12h. Vào đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, xóm tôi nhà nào nhà nấy thi nhau đốt pháo tạo nên những tiếng nổ rộn ràng, khói mịt mù len lỏi khắp mọi nẻo đường.
[caption id="attachment_213712" align="alignnone" width="400"] Những bánh pháo hồng rực như thế này là niềm ao ước của lũ trẻ chúng tôi khi ấy.[/caption]
Tới sáng mồng Một, bố dậy thật sớm để pha sữa và rán bánh chưng cho chúng tôi ăn. Bọn tôi vừa mở mắt nhìn thao láo, bố đã ghé vào hôn hít lia lịa và chúc năm mới ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn. Mẹ nghe ồn ào, nên mặc dù hôm nay có trợ lý đắc lực là bố phụ giúp, định ngủ nướng thêm một chút nhưng cũng mắt nhắm mắt mở chạy đến ôm hôn và chúc bọn tôi năm mới khỏe mạnh và học giỏi hơn năm ngoái.
Trong ký ức của tôi khi đó, nhà nhà đều bật bài 'Happy New Year' của nhóm ABBA. Những đứa bé hồi ấy khi nghe thì chẳng hiểu gì nhưng vẫn thấy bài hát này ấm áp đến lạ thường. Cứ như vậy, nhạc phẩm của nhóm ABBA dù ý nghĩa thực sự là mang không khí ảm đạm, buồn bã của ngày đầu năm mới nhưng với chúng tôi, nó vẫn ăn sâu vào tiềm thức từ năm này qua năm khác và trở thành giai điệu bất tử mỗi dịp xuân về.
Và bây giờ, dù bao năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác thiêng liêng ngày đầu năm khi được về thăm nhà thờ họ, đi tảo mộ đầu năm thắp nén hương cho ông bà tổ tiên. Tôi thấy trời đất vạn vật như choàng tỉnh sau giấc ngủ đông, khoác tấm áo mùa xuân tươi tắn. Những giọt nắng đầu tiên trải trên nẻo đường quê. Hương mùa xuân phảng phất đâu đây...
Cuộc sống bây giờ nhiều bộn bề và lo toan, về quê ăn Tết chẳng được mấy ngày là chúng tôi lại phải vội vã lên đường, thế nhưng, chúng tôi thấy mình còn may mắn lắm, bởi vì trẻ thơ bây giờ không có được những kỷ niệm mà chúng tôi đã từng trải qua: không được phụ bố lau lá chuối gói bánh tét bánh chưng, ngắt rễ những củ kiệu, cắt su hào, cà rốt phơi khô để muối dưa, không có cảm giác yên lành nằm cuộn tròn bên bếp lửa và nghe bà kể chuyện cổ tích ngày xưa: “Sự tích cây nêu ngày tết”, “Sự tích bánh chưng bánh dày”...
Phong Vân
Video xem thêm: Phong vị phong tục ngày Tết cổ truyền
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/phong-vi-phong-tuc-ngay-tet-co-truyen_9f4a5af87.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét