Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2020

Hiệp ước đường biên giữa Trung Quốc và Nepal đặt ra mối đe dọa cho người Tây Tạng

Hiệp ước đường biên giữa Trung Quốc và Nepal đặt ra mối đe dọa cho người Tây Tạng https://ift.tt/2P8Ki5V

RFA ngày 14/2 đăng tin, theo các nhóm vận động Tây Tạng và các nguồn tin khác cho biết, hiệp ước ký hồi tháng 10/2019 giữa Trung Quốc và Nepal về quản lý kiểm soát đường biên giới giữa hai nước, đặt ra mối đe dọa đáng kể cho những người Tây Tạng, vì đó là hướng mà người Tây Tạng có thể trốn thoát khỏi quê hương mình, nơi mà chính quyền Trung Quốc đang cai trị hà khắc.

Một báo cáo của tổ chức Chiến dịch Quốc tế cho Tây Tạng (ICT) có trụ sở tại Washington cho biết, Hiệp ước về quản lý kiểm soát đường biên giới được ký vào năm 2019 trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Nepal cam kết rằng, cả hai nước sẽ trao trả những cá nhân bị phát hiện vượt biên bất hợp pháp trong vòng 7 ngày.

"Điều này có thể dẫn đến việc người Tây Tạng cố trốn thoát vì tự do sẽ bị gửi trở lại sự cai trị của chính quyền Trung Quốc", ICT nói.

Bên cạnh đó, vào tháng 10, Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự được ký, có thể đặt người Tây Tạng đang sinh sống tại Nepal vào tình huống nguy hiểm, khi họ thực hành các quyền tự do của họ vốn đã bị hạn chế nghiêm ngặt ở Nepal, nhằm thể hiện bản sắc văn hóa hay quan điểm chính trị tương phản với Trung Quốc, ICT cho biết.

"Do ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Nepal kém phát triển và sự mất cân bằng quyền lực rõ ràng giữa hai nước, có những lo ngại rằng Nepal có thể coi thường các biện pháp bảo vệ pháp lý cho người Tây Tạng, trong khi đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc theo hiệp ước này".

Chi tiết về hai thỏa thuận gần đây được đưa ra khi bộ trưởng ngoại giao Nepal, Pradeep Gyawali đề nghị các văn bản làm rõ về các điều khoản của các thỏa thuận cho các thành viên quốc hội của đất nước. Trong khi đó, nhiều người lo ngại rằng Trung Quốc và Nepal, nơi có chung một đường biên giới dài với Tây Tạng, có thể sớm ký hiệp ước về dẫn độ, gây nguy hiểm hơn nữa cho người Tây Tạng đang sống ở Nepal.

Chính quyền Trung Quốc gây sức ép với Nepal 

Trao đổi với Tibetan Service của RFA, Kapil Shrestha - một nhà hoạt động nhân quyền và giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tribhuvan University ở Kathmandu nói rằng, Nepal đã chịu "ảnh hưởng rất lớn bởi áp lực và chính sách của Trung Quốc" trong những năm gần đây.

"Chính quyền Nepal đã ban hành các biện pháp rất phi dân chủ và hà khắc trong việc kìm hãm truyền thông Nepal và các nhóm quyền nói chung", ông nói, bổ sung rằng việc dẫn độ của việc "bị gọi là phạm nhân" từ Nepal tới Trung Quốc sẽ nhắm đến cộng đồng người Tây Tạng.

Cũng trao đổi với RFA, nhà báo Nepal, Gajendra Basnet - người đã đưa ra ánh sáng các câu chuyện về các hiệp ước đã ký trên cổng thông tin trực tuyến Khabarhub - cho biết, hệ thống quản lý biên giới mới của Nepal sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống của người tị nạn Tây Tạng ở Nepal ngay lập tức.

"Nhưng nó sẽ chắc chắn giới hạn các hoạt động của họ trong những ngày tới", ông nói.

Nhiều người Tây Tạng sống ở Nepal thực sự sợ cảnh sát theo dõi, một số người được Tibetan Service của RFA tiếp cận để hỏi ý kiến đồng ý trò chuyện với điều kiện được giấu tên.

Một người dân ở Kathmandu đã nhận mình là Tenzin (không phải tên thật) nói rằng cô từng tin rằng người Tây Tạng sống ở Nepal sẽ được an toàn miễn là họ tránh xa các hoạt động chính trị. Nhưng trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nepal năm ngoái, "tôi cảm thấy dường như tôi không có đất nước", cô nói.

"Cảnh sát Nepal có thể chặn người Tây Tạng ở những ngôi nhà và các cửa hàng để dò xét mọi thứ", cô nói. "Và bất cứ ai bị phát hiện sở hữu những thứ mang biểu tượng Tây Tạng, như là cờ Tây Tạng hoặc quần áo Tây Tạng, sẽ bị bắt giữ".

Chính phủ Trung Quốc đã liên tục khẳng định rằng Nepal công nhận người Tây Tạng là công dân Trung Quốc, do đó gây áp lực buộc chính phủ Nepal từ chối cấp văn bản pháp lý cho người Tây Tạng cho thấy họ là người tị nạn", theo Sangpo, một chủ tịch hội đồng Tây Tạng và cư dân tại Pokhara, Nepal kể từ năm 1959.

Nhiều người Tây Tạng sống ở Nepal không có giấy tờ

Khoảng 3.000 đến 4.000 người Tây Tạng hiện sống ở Nepal không có giấy tờ hợp pháp, nguồn tin nói với RFA với điều kiện giấu tên.

Số người Tây Tạng trốn vào Nepal từ Trung Quốc đã giảm mạnh trong 30 năm qua, từ mức khoảng 3.000 người qua biên giới mỗi năm từ những năm 1985-86 đến 2008 với số lượng đã giảm dần sau một năm sau khi các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn được áp đặt sau các cuộc biểu tình rộng khắp Tây Tạng năm 2008, các nguồn tin cho biết.

Từ 2008 đến 2012, khoảng 600 người Tây Tạng đã trốn thoát thành công vào Nepal. Giữa 2012 - 2018, khoảng 100 người đã vượt qua biên giới và chỉ có 19 người Tây Tạng vượt biên vào Nepal năm ngoái, các nguồn tin cho biết.

Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, và Hoa Kỳ đã thúc giục chính phủ Nepal bảo vệ quyền của người Tây Tạng sống ở Nepal và người tị nạn chạy trốn bằng cách băng qua những ngọn núi từ Tây Tạng.

Một phát ngôn viên của Cao ủy Liên Hợp quốc về người Tị nạn (UNHCR) ở Geneva đã kêu gọi "tất cả các nhà nước tuân thủ tuyệt đối "luật không gửi trả" (non-refoulement) cấm các quốc gia trục xuất hoặc đưa người dân trở lại lãnh thổ nơi cuộc sống của họ sẽ bị đe dọa".

Trong khi đó, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos thuộc Nghị viện Hoa Kỳ nói trong một bức thư ngày 20/11/2019 gửi đại sứ Nepal tại Hoa Kỳ rằng luật dẫn độ - một công cụ hợp pháp của cơ quan thực thi pháp luật quốc tế - "không nên sử dụng để chuyển người đến một đất nước nơi họ sẽ có nguy cơ bị vi phạm nhân quyền nghiêm trọng".

Trong khi đó, "dưới áp lực gia tăng từ Trung Quốc", Nepal đã chặn các động thái của Mỹ đưa người tị nạn Tây Tạng tới Mỹ theo các điều khoản của Đạo luật Hỗ trợ Người tị nạn Tây Tạng do Nghị viện đưa ra năm 2016, phó chủ tịch ICT Bhuchung Tsering trao đổi với RFA.

"Để những người tị nạn Tây Tạng sống ở Nepal đủ điều kiện rời đi để tới Mỹ, họ cần một giấy ủy quyền và giấy phép xuất cảnh từ chính phủ Nepal, và họ bị từ chối không được cấp", Tsering nói.

Nepal viện dẫn mối quan hệ kinh tế ngày càng tăng của họ với Bắc Kinh, với lời hứa hẹn Trung Quốc đầu tư hàng triệu đô la vào các dự án phát triển của Nepal, nhằm trấn áp các hoạt động vì Tây Tạng ở nước này, bao gồm các cuộc bầu cử trong cộng đồng tị nạn và lễ kỷ niệm ngày sinh nhật cho nhà lãnh đạo tinh thần bị lưu đày Đạt Lai Lạt Ma.

Chuyến thăm đầu tiên tới Nepal của ông Tập trong tư cách chủ tịch Trung Quốc kể từ năm 1996 trong các ngày 12-13/10, sau chuyến thăm một ngày tới Ấn Độ - đã chứng kiến có ít nhất 15 thành viên của một tổ chức lưu vong Tây Tạng bị bắt giam vì lên kế hoạch biểu tình.

(Bài đăng trên RFA ngày 14/2, do Triệu Hằng dịch và biên tập).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét