Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

Trung Quốc xả nước đập thủy điện không tới được ĐBSCL

Trung Quốc xả nước đập thủy điện không tới được ĐBSCL https://ift.tt/2SPikyD

Liên quan thông tin Trung Quốc tuyên bố xả đập thủy điện trên sông Mekong, PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ) cho rằng nước xả từ đập này sẽ không tới được Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo ông Tuấn, năm 2016 Trung Quốc từng xả đập với lưu lượng 2.100m3/giây nước còn không tới được ĐBSCL, trong khi lần này mới ở mức 850m3/giây thì sẽ không tới được, chưa nói tới việc các nước thượng nguồn khác như Thái Lan, Lào… cũng lấy nước.

"Vấn đề là mùa khô đã đi gần hết mùa. Xả đầu mùa thì khác. Đó là chưa nói tới bây giờ Trung Quốc xả đập, nếu nước tới được Đồng bằng sông Cửu Long cũng phải mất 3 tuần sau, lúc đó thì lúa đang thiếu nước ở đây cũng chết hết rồi", Tuổi Trẻ dẫn lời ông Tuấn nhận định.

Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, mới giữa tháng 2, là giai đoạn bắt đầu bước vào mùa khô, nhưng nhiều địa phương đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn mặn. Nguyên nhân mùa khô năm nay sẽ khốc liệt hơn do toàn bộ thượng nguồn sông Mekong thiếu 65% tổng lượng mưa. Do thiếu nước, hiện độ mặn 2,9% trên sông Tiền đã vào sâu cách biển 81km. Sông Vàm Cỏ, độ mặn 7,6% đã vào cách cửa biển 75km.

Theo ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 10/2, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm thiệt hại gần 29.700 ha vụ Mùa 2019 và Đông Xuân 2019-2020; khoảng 332.000 ha lúa Đông Xuân; 136.000 ha cây ăn quả khả năng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tiếp theo của mùa khô 2020.

Ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Stimson ở Washington DC cho rằng, cơ hội để Việt Nam tự giải quyết vấn nạn hạn mặn, có thể xem là không nhiều. Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực sản xuất nông nghiệp trọng yếu của Việt Nam, cách để giảm thiểu tác động từ thượng nguồn là trữ nước trong mùa mưa cho mùa khô.

Theo nghiên cứu của Mekong Freedom Network (Thái Lan) công bố vào cuối tháng 7/2019, 8 đập thủy điện chắn ngang sông Mekong (Lan Thương) trên đất Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng hơn 40 tỷ m3 nước cho các mục đích phát điện, tưới tiêu... Và đây được xác định là nguyên nhân chính khiến dòng chảy sông Mekong trở nên bất thường thời gian qua.

Trước đó, tại cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị bộ trưởng ngoại giao Mekong - Lan Thương lần thứ 5 hôm 20/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo về việc xả đập thủy điện như nêu trên để giúp các nước lưu vực sông Mekong đối phó khô hạn đang diễn ra khốc liệt.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét