Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

Điểm tin trong nước sáng 22/5: Sắp có rào chắn​ ‘FDI núp bóng’; Nắng nóng miền Bắc có xu hướng dịu dần

Điểm tin trong nước sáng 22/5: Sắp có rào chắn​ ‘FDI núp bóng’; Nắng nóng miền Bắc có xu hướng dịu dần https://ift.tt/3ebfFXA

Mục điểm tin trong nước sáng ngày 21/5 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:

Nắng nóng miền Bắc có xu hướng dịu dần vì mưa xuống

Theo dự báo của Đài KTTV Quốc gia, thời tiết 3 ngày tới ở khu vực Trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt. Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông mạnh.

Từ chiều và đêm 22/5, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông mạnh, riêng các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai có khả năng mưa rất to (lượng mưa phổ biến 40-80mm/24h, các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai có nơi trên 120mm/24h). Trong mưa dông có khả năng cao xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ở các khu vực khác, từ ngày 22/5, nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt tiếp tục xảy ra ở các tỉnh Trung Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ, riêng vùng núi phía Tây của Trung Bộ có nơi 41-42 độ; phía Tây Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 39 độ; khu vực đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-37 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-50%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-18 giờ.

Từ ngày 23/5, nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ chấm dứt; nắng nóng ở các tỉnh Trung Bộ có xu hướng dịu dần.

Sắp có rào chắn​ 'FDI núp bóng'

Báo Tiền Phong có nhận định, trước hành vi nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) Trung Quốc núp bóng, nhất là nhằm vào khu đất có vị trí nhạy cảm, Dự thảo Luật Ðầu tư (sửa đổi) bổ sung hàng loạt quy định. Các quy định mới được ví như những rào chắn chặn đầu tư FDI trá hình.

Đại diện Bộ KH&ĐT - đơn vị soạn thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) cho biết, dự thảo luật lần này đã hoàn thiện quy định khắc phục hạn chế trong quản lý đầu tư nói chung và quản lý đầu tư nước ngoài nói riêng. Đặc biệt, dự thảo luật có thêm nhiều quy định nhằm chặn đầu tư “chui”, “núp bóng”, chặn các dự án (DA) đầu tư có nguy cơ ảnh hưởng an ninh, quốc phòng, thậm chí để chặn cả chuyện chuyển giá ngay từ khâu đầu tư.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, các biện pháp đưa ra căn bản bịt được kẽ hở của pháp luật. Theo ông Doanh, các quy định rõ ràng, công khai, minh bạch như trên có thể hạn chế được tình trạng quan chức ở địa phương tự ý cấp phép cho dự án. “Điều quan trọng nhất hiện nay là sau khi có quy định, cơ quan chức năng cần giám sát việc thực thi ở các địa phương, đơn vị. Để từ đó tránh để xảy ra việc quy định đã có nhưng không thực hiện đúng”, ông Doanh nói.

Chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng đại học: tỉnh nói 'đúng quy định', chuyên gia 'buồn cười'

Ngày 18/5, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng đã có quyết định kiêm nhiệm làm hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long.

Trường ĐH Hạ Long được thành lập năm 2014. Hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này là bà Vũ Thị Thu Thủy - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Đặng Huy Hậu - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết việc UBND tỉnh có quyết định công nhận ông Nguyễn Văn Thắng kiêm nhiệm thêm chức vụ hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long (trường trực thuộc tỉnh) là đúng quy định.

Ông Hậu chia sẻ: "Trước đó, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy cũng kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long và luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trước khi nghỉ hưu theo quy định".

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng không nên để người đang làm công tác quản lý nhà nước kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng. TS Lê Viết Khuyến - Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - cho biết: "Công việc chủ tịch UBND tỉnh hay hiệu trưởng đều đòi hỏi làm toàn thời gian, một cá nhân sao có thể làm kiêm nhiệm được? Nếu ông Nguyễn Văn Thắng làm kiêm chức vụ chủ tịch hội đồng trường (trong chừng mực nào đó) còn được.

Còn theo quy định hiện nay, khi Luật giáo dục tăng quyền tự chủ cho các trường, thì hội đồng trường là tổ chức quyền lực cao nhất, có quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm hiệu trưởng. Ông Nguyễn Văn Thắng là chủ tịch UBND tỉnh có quyền ra quyết định công nhận hiệu trưởng, giờ lại về trường làm hiệu trưởng thì hội đồng trường miễn nhiệm ông hiệu trưởng kiểu gì? Tôi thấy chuyện này buồn cười lắm".

Còn TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), khẳng định việc để chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng là trái với điều 20 của Luật giáo dục đại học 2018. "Điều 20 có quy định về tiêu chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH: là người có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục ĐH. Hiệu trưởng sẽ quản lý các vấn đề liên quan đến trường ĐH, với khối lượng công việc rất lớn. Quản lý nhà nước là công việc rất khác với quản lý nhà trường ĐH. Một người làm quản lý nhà nước về giáo dục cho về làm hiệu trưởng một trường ĐH cũng chưa chắc đã làm được, nói gì đến một người làm công tác quản lý nhà nước về làm hiệu trưởng" - ông Vinh cho biết.

Tiêu thụ điện cả nước tăng quá cao, EVN khuyến cáo khẩn cấp

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, nắng nóng gay gắt diện rộng ở khu vực Bắc bộ và các tỉnh Trung bộ kéo theo tiêu thụ điện gia tăng rất mạnh.

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, tiêu thụ điện trên toàn quốc, tại miền Bắc và TP. Hà Nội ngày 20/5 đều đã lên mức cao nhất từ đầu năm 2020 đến nay. Theo đó, lượng điện tiêu thụ toàn quốc lên tới 750,4 triệu kWh, công suất đỉnh 35.300 MW. Hệ thống điện miền Bắc cũng đạt sản lượng 320 triệu kWh, công suất đỉnh 15.400 MW. Lượng điện tiêu thụ của riêng TP. Hà Nội đạt 75,8 triệu kWh, công suất đỉnh 3.780 MW.

Trước tình hình nắng nóng còn tiếp diễn trong mùa hè, EVN khuyến cáo các cơ quan, công sở, nơi sản xuất và người dân cần tiếp tục chú ý sử dụng điện an toàn và tiết kiệm.

“Ngoài việc sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ, người dân không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện…) để giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện, vừa đảm bảo tiết kiệm điện cho khách hàng, đồng thời cũng hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do mức sử dụng điện quá cao so với bình thường”, EVN khuyên nghị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét