Kính chào quý vị đến với điểm tin kinh tế ngày 15/5 của báo Đại Kỷ Nguyên.
Giá vàng thế giới cao hơn trong nước
Phiên giao dịch đêm qua giá vàng thế giới tăng gần 15 USD/ounce, giá vàng trong nước cũng tăng mạnh theo.
Theo New Zing, trong tuần này, trên thị trường thế giới kim loại quý đã có phiên tăng thứ 3 liên tiếp, vào đêm qua (giờ Việt Nam) giá giao dịch vàng tại các thị trường thế giới đều ghi nhận đà tăng vọt.
Giá vàng trong nước tuy cũng là mức cao nhất trong 2 tuần gần đây. Cụ thể là giá vàng đã tăng 170.000 đồng/lượng nếu mua vào và 150.000 đồng/lượng nếu bán ra trong ngày 14/5. Thương hiệu vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng ngày 15/5 tại Hà Nội đã tăng thêm 130.000 đồng/lượng khi mua vào và 120.000 đồng/lượng khi bán ra, hiện niêm yết tại mức 48,30 – 48,69 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Sáng 15/5, Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh tăng 480.000 đồng/lượng so với cuối ngày 14/05, hiện đứng ở mức 47,21-47,81 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Theo các chuyên gia thế giới, trong thời gian tới dòng tiền từ các gói cứu trợ hàng nghìn tỷ USD của Ngân hàng trung ương các nước cũng như của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu được thị trường hấp thụ thì nhu cầu vàng trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng. Đây cũng là lý do khiến cả giá vàng và chứng khoán đều có xu hướng tăng.
Thất nghiệp đe dọa nền kinh tế Trung Quốc
Theo VnExpres, đại dịch covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu đi xuống và kinh tế Trung Quốc tái khởi động chậm chạp dẫn đến hàng triệu người Trung Quốc đang thất nghiệp. Hơn nữa, số liệu thống kê không rõ ràng điều đó càng khiến việc đánh giá khả năng phục hồi khó khăn hơn.
Trong tháng 4/2020, tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Trung Quốc là 5,8%. Tuy nhiên, số liệu này mới chỉ phản ánh các khu vực thành thị với tỷ lệ thất nghiệp ổn định 4-5% trong nhiều năm qua. Nếu tính cả khu vực nông thông, tỷ lệ thất nghiệp thực có thể lên tới 12% trong quý I, theo các nhà phân tích tại Paribas.
Theo nhà kinh tế học tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết, số người thất nghiệp có thể vào khoảng 80 triệu vào cuối tháng 3. Còn theo dự báo của UBS group, thị trường việc làm tại Trung Quốc có thể tệ nhất hơn 2 thập kỷ qua với hơn 10 triệu việc làm có nguy cơ bị mất trong năm 2020. Trong thời gian tới, khi lượng sinh viên kỷ lục sẽ tốt nghiệp trong năm 2020, sức ép lên thị trường việc làm quốc gia này sẽ càng lớn.
Giới hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ càng thêm đau đầu khi làn sóng thất nghiệp có thể dẫn tới bất ổn định xã hội gia tăng. "Mối lo lớn nhất của Bắc Kinh không phải là tăng trưởng, mà là việc làm", Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Trung văn Hương Cảng, Lam, cho biết.
Tuần trước, hãng Bloomberg đưa tin, chính phủ Trung Quốc đang xem xét bỏ mục tiêu con số với tốc độ tăng trưởng trong năm 2020, điều đó có thể giúp giới hoạch định tự do hơn trong việc xây dựng và xác định các gói kích thích kinh tế.
Cẩn trọng trước các hình thức lừa đảo khi sử dụng ngân hàng trực tuyến
Theo CafeF, thời gian qua, khi tình hình dịch Covid-19 bùng phát, rất nhiều tin tặc đã lợi dụng để tấn công các cá nhân sử dụng các tài khoản ngân hàng trực tuyến với các hình thức lừa đảo rất đa dạng.
Theo Chuyên gia Nguyễn Minh Đức – chuyên gia hãng bảo mật CyRadar cho biết, công ty này nhận được báo cáo từ một khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến (internet banking) và bị lấy mất 848 triệu đồng sau khi nhấn vào một đường link lạ. Cụ thể, người này nhận được tin nhắn từ một dịch vụ chuyển tiền yêu cầu vào đường link để hoàn tất các thủ tục. Sau đó, cá nhân ấn vào và thấy trang web lừa đảo có giao diện gần giống với trang web giao dịch chính thức của ngân hàng. Do không kiểm tra kỹ đường link cũng như website chính thức của ngân hàng, người này đã nhập tài khoản và mật khẩu đăng nhập internet banking của mình. Sau đó, tin tặc đã có được thông tin đăng nhập của khách hàng và sử dụng để chiếm đoạt số tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Theo chuyên gia bảo mật Công ty Cổ phần An ninh mạng (VSEC), các tin tặc thường hướng tới cá nhân đơn lẻ do việc tấn công từng cá nhân sẽ dễ dàng hơn là tấn công các hệ thống bảo mật vững chắc của các doanh nghiệp hay ngân hàng. Ngoài ra, các cá nhân có xu hướng e ngại tố cáo các cơ quan chức năng khi bị tấn công vì số tiền mất không quá lớn.
Ngoài hình thức lừa đảo trên, tin tặc còn gửi email có chứa file đính kèm, thường chứa phần mềm gián điệp. Khi ấn vào file này, phần mềm sẽ tải xuống máy người dùng, chiếm quyền điều khiển máy tính và ăn cắp các thông tin trong máy tính như tài khoản ngân hàng, mật khẩu Facebook, Skype,...Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19, nhiều tin tặc đã lợi dụng, giả mạo các cơ quan chức năng như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới,...và gửi email/tin nhắn cung cấp các thông tin về Covid-19 để lừa nạn nhân tải các phần mềm độc hại hoặc cung cấp thông tin đăng nhập của họ.
Do vậy, các chuyên gia bảo mật khuyến cáo người dùng cần cẩn trọng khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, kiểm tra kỹ các tin nhắn/email nhận được, không click vào các đường dẫn lạ hay các file đính kèm, không đặt mật khẩu dễ nhớ hay có liên quan đến thông tin cá nhân như ngày sinh, số điện thoại, sử dụng chức năng xác thực nhiều lớp OTP và các chức năng bảo mật khác của nhà cung cấp dịch vụ.
Nhập khẩu giảm, giá ô tô tăng hàng trăm triệu đồng/chiếc
Trong tháng 4/2020, số lượng ô tô nhập khẩu giảm mạnh, là mức thấp nhất của xe nhập khẩu từ trước đến nay.
Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, số lượng ôtô nhập khẩu giảm từ mức 12.151 chiếc trong tháng 3 chỉ còn 4.918 chiếc, tương đương mức giảm gần 60%.
Dù giảm mạnh số lượng xe nhập khẩu, nhưng giá trị nhập khẩu lại giảm không tương xứng. Giá trung bình của mỗi chiếc ô tô nhập về Việt Nam là 26.637 USD (617 triệu đồng), tăng 8.202 USD (189 triệu đồng) so với hồi tháng 3/2020.
Thái Lan và Indonesia vẫn là 2 thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, với 2.416 chiếc tại Thái Lan và 1.207 chiếc tại Indonesia. Trong đó, ôtô từ 9 chỗ ngồi vẫn là dòng chiếm ưu thế, chiếm 71% lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu. Như vậy, tính trong 4 tháng đầu năm 2020, lượng ô tô nguyên chiếc các loại đạt 31.586 chiếc, giảm 36,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với linh kiện và phụ tùng ôtô các loại, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2020 có 198 triệu USD linh kiện và phụ tùng ôtô được các doanh nghiệp nhập khẩu vào nước ta, giảm 36% so với tháng trước, chủ yếu xuất xứ từ các nước Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét