Tờ Bitter Winter, một tạp chí nhân quyền có trụ sở tại Ý, cho biết chính quyền Trung Quốc cưỡng ép một số người vào viện tâm thần như một biện pháp để trừng phạt họ.
Trong một bài báo hôm 18/4, Bitter Winter chỉ trích việc Bắc Kinh đối xử với các nhà hoạt động nhân quyền, những người có đức tin và các nhà bất đồng chính kiến như bệnh nhân tâm thần, giam giữ họ trong các bệnh viện và ép họ sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Tờ Bitter Winter đã kể một câu chuyện về một người đàn ông nghèo khổ đi đến Bắc Kinh để xin chính phủ giúp đỡ nhưng đã bị đưa đến một bệnh viện tâm thần.
"Ba thế hệ của một gia đình sống cùng nhau trong điều kiện vô cùng nghèo khó tại một ngôi làng được quản lý bởi thành phố Truy Bác (Zibo), ở phía Đông tỉnh Sơn Đông. Vợ của chủ hộ là người khuyết tật, vì vậy ông đã nhiều lần nộp đơn xin chính quyền địa phương trợ cấp sinh hoạt nhưng đều bị từ chối. Năm 2018, người đàn ông quyết định đến Bắc Kinh để kiến nghị với chính quyền trung ương. Thay vì giải quyết các vấn đề cho gia đình ông, các nhân viên của Sở Công an đã bắt giữ ông và đưa đến bệnh viện tâm thần", tờ Bitter Winter cho biết.
Người đàn ông đó kể với Bitter Winter rằng, trong bệnh viện, ông bị trói vào giường khi không chịu uống thuốc. Sau vài lần cố gắng chống cự, ông đã bỏ cuộc và quyết định tự uống thuốc để tránh bị trói. Sau khi được thả ra, tình trạng tâm thần của ông bị ảnh hưởng rõ rệt và ông trở thành mục tiêu giám sát của chính phủ. Vào tháng 9/2019, cảnh sát một lần nữa lại đến nhà ông và đe dọa sẽ cho ông một bản án nặng nếu tiếp tục đi kiến nghị.
Một nhân viên tại một bệnh viện tâm thần ở thành phố Đức Châu (Dezhou) của tỉnh Sơn Đông nói với Bitter Winter rằng, đa số bệnh nhân được đưa đến bệnh viện mà người này làm việc đều bị còng tay và bị trùm túi trên đầu.
"Nếu đã bị gửi đến đây, bệnh viện sẽ điều trị cho họ bất kể họ có bị bệnh hay không", nhân viên này cho biết. "Nếu họ từ chối dùng thuốc, chúng tôi sẽ ép buộc họ. Chính phủ không tha thứ cho người đi kiện, chính phủ gọi họ là bị 'bệnh tâm thần'. Khi họ được gửi đến đây, tình trạng tâm thần của họ là bình thường, nhưng nó sẽ xấu đi sau khi điều trị".
Nhân viên này kể rằng, anh nhớ có một người đàn ông lớn tuổi đã bị đưa đến bệnh viện này ba lần vì đi thỉnh nguyện ở Bắc Kinh. Gia đình người đàn ông này đã phải trả tất cả các chi phí y tế của ông. Lần thứ ba, người đàn ông này chỉ được thả sau khi gia đình ông viết một tuyên bố hứa rằng người đàn ông sẽ không đi kiến nghị nữa.
"Rất ít người được đưa tới đây thực sự bị bệnh", nhân viên bệnh viện cho biết. "Có thể nó trông như một bệnh viện, nhưng thực tế nó không khác gì một nhà tù. Cổng được bảo vệ bằng xích sắt lớn, vì vậy không có cách nào để trốn thoát. Để cho bệnh nhân yếu đi, bệnh viện chỉ cung cấp cho họ ít thức ăn".
Một trường hợp khác, cô Đổng Dao Quỳnh (Dong Yaoqiong), 28 tuổi, được biết đến với biệt danh "cô gái mực" khi vào mùa hè năm 2018, cô đã đăng một video lên Twitter quay cảnh cô hất mực lên ảnh ông Tập Cận Bình. Sau đó, cô đã bị đưa vào bệnh viện tâm thần.
Hơn 1 năm sau, khi cô ra khỏi viện, cha cô nói rằng cô đã hoàn toàn trở thành một người khác khi có triệu chứng sa sút trí tuệ do tác dụng phụ từ thuốc chống loạn thần nặng.
Theo tờ Breitbart, Trung Quốc có một hệ thống các bệnh viện tâm thần do Bộ Công an quản lý với tên gọi “An Khang”, có nghĩa là bình an và khỏe mạnh. Tuy nhiên, trái với tên gọi, nơi này liên tục bị cáo buộc vi phạm nhân quyền kể từ khi nó bắt đầu hoạt động vào cuối những năm 1980.
Tờ Breitbart cho biết, các bệnh viện tâm thần ở Trung Quốc thường được che giấu, nhưng các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng hàng trăm người bị bắt giữ có thể bị đưa vào đây vào bất kỳ lúc nào, và thường sẽ không được xét xử hay tuyên án công khai.
Vào cuối năm 2017, nhiều người đã đặt câu hỏi khi dữ liệu công khai từ ngành y tế xã hội ở Trung Quốc cho thấy số lượng người bị rối loạn tâm thần ở nước này rất cao, khoảng 243.264.000 người, chiếm 17,5 % dân số.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét