Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, đang kêu gọi chính quyền Trung Quốc phóng thích ba nhà hoạt động và hai nhà báo công dân nước này bị bắt giữ vì phát tán thông tin phi chính thức xoay quanh dịch Covid-19 ở đại lục, theo The Epoch Times ngày 28/4.
Trên trang chủ HRW, Wang Yaqiu, một nhà nghiên cứu Trung Quốc tại tổ chức nói:
“Trong khi Bắc Kinh đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền toàn cầu, tuyên bố họ 'thành công' trong việc ngăn chặn Covid-19, họ lại bắt giữ những người báo cáo độc lập về đại dịch này. Có rất nhiều thông tin chân thực về dịch Covid-19 ở Trung Quốc sẽ không bao giờ được biết đến, vì chính phủ Trung Quốc đã bịt miệng những người muốn chia sẻ thông tin quan trọng”.
HRW kêu gọi chính quyền Trung Quốc phóng thích “ngay lập tức và vô điều kiện” Chen Mei, Cai Wei và bà Tang, vợ của Cai.
Chen và Cai là hai tình nguyện viên của dự án Terminus 2049, một dự án tập-hợp-từ-đám-đông (Crowdsourcing), chuyên lưu trữ các tài liệu bị kiểm duyệt khỏi truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc, trên nền tảng mã hóa nguồn mở Github, vốn không bị lọc khỏi “danh sách đen” của Vạn lý Tường lửa.
Trong những tháng gần đây, Chen và Cai đã “đăng tải các bài báo, cuộc phỏng vấn và tài khoản cá nhân” liên quan đến sự bùng phát dịch Covid-19 trên nền tảng mã hóa này, theo HRW.
Ba người đã bị bắt tại Bắc Kinh ngày 19/4. Cai và Tang bị buộc tội “kiếm chuyện và gây rối trật tự công cộng” - một cáo buộc thường được giới cầm quyền Trung Quốc sử dụng dành cho những người bất đồng chính kiến.
Theo HRW, Cai và Tang sau đó bị “giám sát tại một địa điểm chỉ định”, một hình thức mất tích ép buộc trong đó cảnh sát có thể giam giữ các cá nhân ở những địa điểm bí mật trong vòng sáu tháng.
Em trai của Chen, anh Kun nói với Reuters trước đó hôm thứ Hai (27/4) rằng anh trai của mình đang “hợp tác với một cuộc điều tra”. Trang Terminus 2049 đã bị chặn ở Trung Quốc đại lục sau khi ba người bị bắt, HRW cho biết.
Năm 2015, Github đã bị tạm ngừng trong thời gian ngắn sau một cuộc tấn công mạng, truy ra thì biết là bắt nguồn từ hãng viễn thông nhà nước Trung Quốc China Unicom, theo NPR, theo kết luận của hãng tư vấn an ninh mạng Errata Security. Thời điểm đó, Github đang phát triển phần mềm chống kiểm duyệt cho người dùng tại Trung Quốc.
HRW cũng kêu gọi thả hai nhà báo công dân, những người đưa tin độc lập về dịch bệnh ở tâm dịch Vũ Hán, nơi virus khởi nguồn. Trần Thu Thực, một luật sư kiêm nhà báo công dân 34 tuổi, đã đến Vũ Hán ngày 24/11. Sau đó, anh đã đăng hơn 100 video và dòng trạng thái trên tài khoản YouTube và Twitter của mình. Mẹ anh cho biết con trai đã mất tích vào ngày 7/2.
Người còn lại là Phương Bân, một chủ shop quần áo 47 tuổi ở Vũ Hán. Anh này chia sẻ các video quay được tại các bệnh viện ở Vũ Hán, rồi sau đó bị cảnh sát địa phương áp giải khỏi nhà ngày 10/2. “Kể từ đó, hai người này không còn thấy xuất hiện, được cho là bị cưỡng chế mất tích”, HRW tuyên bố.
Một nhà báo công dân khác báo cáo từ Vũ Hán, Li Zuhua, đã xuất hiện trở lại vào tháng Tư sau khi mất tích gần hai tháng. Trong một video trên YouTube, Li giải thích rằng mình bị cưỡng chế cách ly.
Gần đây, Hạ nghị sĩ Mỹ Jim Banks đã gửi thư cho Bộ Ngoại giao nước này, yêu cầu điều tra vụ mất tích ba nhà báo công dân, theo thông cáo báo chí ngày 1/4. Ông nói: “Mỹ cần sử dụng áp lực ngoại giao đối với chính phủ Trung Quốc để tìm ra nơi giam giữ những nhà báo này, và đảm bảo an toàn cho họ.”
Báo cáo của HRW cho rằng, chính tình trạng thiếu luồng thông tin tự do về Covid-19 tại nội địa Trung Quốc đã góp phần gây ra đại dịch toàn cầu.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) gần đây xếp Trung Quốc ở vị trí thứ 177 trên 180 trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2020, nhận định đại dịch hiện tại có thể tránh được nếu chính quyền Trung Quốc không kiểm duyệt thông tin quan trọng trong những ngày đầu cuộc khủng hoảng.
Bắc Kinh đã bịt miệng 8 bác sĩ, trong đó có bác sĩ Lý Văn Lượng, khi họ lên mạng xã hội Trung Quốc cảnh báo sớm cho mọi người về một dạng viêm phổi mới, bí ẩn đang lan rộng ở Vũ Hán cuối tháng 12.
Ông Wang Yaqiu kết luận: “Các chính phủ trên toàn cầu cần thúc ép Bắc Kinh trả tự do cho các nhà hoạt động và nhà báo công dân bị giam giữ ngay lập tức”.
Theo Frank Fang, The Epoch Times
Hương Thảo dịch & biên tập
(Nguồn ảnh thumb: ảnh chụp màn hình Youtube/AFP News Agency).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét