Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Điểm tin trong nước sáng 26/5: Lập đoàn thanh tra vụ Tenma Việt Nam hối lộ hơn 5 tỷ đồng để trốn thuế

Điểm tin trong nước sáng 26/5: Lập đoàn thanh tra vụ Tenma Việt Nam hối lộ hơn 5 tỷ đồng để trốn thuế https://ift.tt/2X0R4Pv

Mục Điểm tin trong nước sáng 26/5 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:

Lập đoàn thanh tra vụ Tenma Việt Nam hối lộ để trốn thuế

Chiều 25/5, trả lời nhanh báo chí tại hành lang phòng họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đã lập đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra công vụ tại Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh và các cá nhân, tổ chức liên quan, theo Tuổi trẻ.

Cho rằng những vụ việc như thế này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn bởi liên quan tới môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, sau khi có kết quả cuối cùng sẽ công bố công khai.

Theo thông tin ban đầu trên báo Asahi Shimbun (Nhật Bản), tháng 6 năm 2017, sau khi nhận được thông báo về khoản truy thu thuế giá trị giá tăng với vật liệu thô nhập khẩu lên tới 400 tỷ đồng, lãnh đạo của công ty con Tenma Việt Nam đã đưa ra với trụ sở về “sáng kiến” hối lộ cho các cán bộ địa phương Việt Nam nhằm được miễn khoản tiền trên.

Được sự đồng ý của ông Kento Fujino, Chủ tịch tại trụ sở chính của công ty, Tenma Việt Nam đã trả 2 tỷ đồng (khoảng 10 triệu yên) cho cán bộ của Việt Nam để tránh khoản phụ phí. Kết quả, công ty này đã được miễn 400 tỷ đồng.

Ngoài ra, vào tháng 8 năm 2019, sau một cuộc kiểm tra thuế và được cán bộ địa phương Việt Nam yêu cầu nộp thêm khoản thuế 17,8 tỷ đồng (khoảng 89 triệu yên) bao gồm thuế doanh nghiệp. Tuy nhiên, cán bộ điều tra thuế yêu cầu phía công ty trả tiền mặt 3 tỷ đồng. Công ty này thực hiện theo và sau cùng được giảm khoản truy thu thuế doanh nghiệp từ 17,8 tỷ đồng xuống còn khoảng 570 triệu đồng (2,62 triệu yên).

Tuy nhiên, cả Cục Thuế và Cục Hải quan Bắc Ninh đều phủ nhận thông tin trên.

Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 viết Lý Công Uẩn thành 'Lí Công Uẩn'

Ngày 25/5, trả lời phóng viên báo Tin tức, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam viết Lý Công Uẩn (y dài) thành “Lí Công Uẩn” (i ngắn) trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 là chưa đúng với quy định.

Cụ thể Quyết định 1989 ngày 25/5/2018 của Bộ GD&ĐT yêu cầu tôn trọng tên riêng của các tổ chức, cá nhân. 

Trong giấy tờ hành chính cũng như trong sử sách, chỉ có họ “Lý" (y dài) mà không có họ “Lí" (i ngắn). Do đó, việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam viết Lý Công Uẩn (Y dài) thành “Lí Công Uẩn” (i ngắn) trong sách giáo khoa Ngữ văn 8 cần phải được chỉnh lý lại.

Học sinh đi học dưới cái nắng đổ lửa, nhiều trường nhanh chóng đưa ra giải pháp

Trong những ngày qua, thời tiết tại nhiều tỉnh thành trên cả nước tăng cao tới 40 độ C khiến việc dạy và học của giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng. Đặc biệt, đối với học sinh không bán trú, các em phải ra về vào khoảng thời gian giữa trưa từ 11-13h30, là lúc nắng nóng đỉnh điểm trong ngày, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian kết thúc năm học 2019-2020 dự kiến kéo dài đến ngày 15/7. Trước tình hình này, một số trường đã điều chỉnh lịch học để tránh nắng cho học sinh.

Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, Hà Nội đã gửi thông báo tới phụ huynh về việc không phải mặc đồng phục: "Do thời tiết nắng nóng, để tạo điều kiện cho các con được thoải mái vận động, nhà trường sẽ không yêu cầu các con mặc đồng phục. Các con có thể mặc các trang phục thoáng mát nhưng vẫn đảm bảo lịch sự".

Ngoài ra, để học sinh không phải ra về trong thời điểm trời nắng nóng, Nhà trường cũng đã điều chỉnh thời gian kết thúc buổi học. Cụ thể, Nhà trường thực hiện lùi thời gian kết thúc buổi học từ 16h30 sang 17h hàng ngày.

Ngoài thay đổi lịch đón học sinh, một số trường đã chủ động rút từ 5 tiết học xuống còn 4 tiết/buổi để tránh khung giờ nắng nóng cho học sinh ra về. Các trường cũng điều chỉnh lịch học môn Thể dục nhằm tránh những khoảng thời gian nền nhiệt cao trong ngày. 

Đứt cáp công trình, 6 người thương vong

Báo VnExpress đưa tin, chiều 25/5, trong quá trình thi công Dự án thuỷ điện Plei Kần (huyện Ngọc Hồi), sáu công nhân đang đứng trong giỏ sắt để đục bêtông. Bất ngờ, dây cáp bị đứt, giỏ sắt và người rơi xuống sông Pô Kô ở độ cao trên 20 m. Hơn 10 công nhân đang thi công gần đó chạy đến ứng cứu.

Tai nạn làm 3 công nhân (25-27 tuổi) tử vong. 3 người còn lại bị thương, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum.

Đề xuất để Nhà nước bán bảo hiểm xe máy, quản lý tập trung quỹ

Ngày 25/5, Công ty TNHH dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair có văn bản gửi Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) góp ý về Dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới, theo Zing.

Infair đề xuất thay đổi cách triển khai nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới. Cụ thể, không để doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ này, Nhà nước trực tiếp triển khai và quản lý tập trung quỹ bảo hiểm xe cơ giới trên nền tảng công nghệ thông tin.

Về phương pháp thu phí xe máy, người dân nhắn tin theo cú pháp định danh biển số xe, phí trừ trực tiếp vào thuê bao điện thoại; thu qua tài khoản ngân hàng. Đối với ôtô, thu qua hệ thống đăng kiểm tương tự như đang thu phí bảo trì đường bộ, thời hạn bảo hiểm theo thời hạn đăng kiểm xe.

Toàn bộ dữ liệu xe tham gia bảo hiểm được đồng bộ hóa và quản lý tập trung, mọi chủ xe và cảnh sát giao thông đều truy cập được thông tin bảo hiểm, tương tự như tra cứu hiệu lực đăng kiểm xe đang áp dụng.

Về mức trách nhiệm, mức chi trả 100 triệu đồng cho cả người và tài sản hiện nay không đủ để đền bù các vụ tai nạn phổ biến. Đơn vị này đề xuất mức trách nhiệm đối với cả người và tài sản lên 300 triệu đồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét