Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

Lợi dụng đại dịch, Trung Quốc theo đuổi chính sách liều lĩnh ở Biển Đông

Lợi dụng đại dịch, Trung Quốc theo đuổi chính sách liều lĩnh ở Biển Đông https://ift.tt/2zSrQK1

Trong khi thế giới chiến đấu với COVID-19 thì Trung Quốc đang tiến gần hơn đến việc thiết lập sự thống trị trong khu vực.

Bắc Kinh đã gia tăng áp lực đối với các nước láng giềng trong nỗ lực thống trị toàn bộ Biển Đông. 

Trong khi thế giới bị phân tâm bởi đại dịch viêm phổi Vũ Hán, Trung Quốc đã âm thầm thực hiện các hành động bán quân sự và chính trị - pháp lý ở Biển Đông nhằm thay đổi cuộc chơi trong khu vực. Đặt cược rằng Hoa Kỳ đang tập trung ở đâu đó và kiệt sức sau nhiều năm bị Trung Quốc lấn lướt, những nỗ lực của Bắc Kinh đang tiến đến một điểm bùng phát không thể cứu vãn. Trung Quốc đặt mục tiêu ép các nước láng giềng từ bỏ tuyên bố chủ quyền hợp pháp của họ và khuất phục trước yêu sách đường chín đoạn của Bắc Kinh. Đây là một ranh giới không được quốc tế công nhận, chiếm 85% Biển Đông và gần như toàn bộ vùng biển quốc tế với 3,4 nghìn tỷ USD hàng hóa được tự do vận chuyển qua lại mỗi năm.

Trung Quốc không quan tâm đến các yêu sách của họ về cơ bản có phù hợp với luật pháp quốc tế về biên giới trên biển hay không. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển mà nước này đã phê chuẩn và tuyên bố tuân thủ cũng như các tuyên bố của Trung Quốc đã bị tòa án quốc tế ở Hague bác bỏ. Nó là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn để tìm kiếm một phạm vi ảnh hưởng mang tính quyết định với khả năng phòng thủ quân sự để tăng tổn thất cho bất kỳ sự can thiệp tiềm năng nào của Hoa Kỳ.

Những hành động này và phản ứng của Hoa Kỳ cùng các quốc gia trong khu vực sẽ quyết định liệu tương lai của khu vực là hòa bình và thịnh vượng chung giữa các quốc gia hay bị cuốn vào xung đột với Bắc Kinh.

Cố gắng tạo ra một “sự đã rồi” là cách duy nhất để diễn giải hành vi của Bắc Kinh trong những tuần gần đây. Vào ngày 18/4, Trung Quốc tuyên bố thành lập hai khu hành chính mới trên Đá Chữ Thập, là một hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, và một khu khác trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa. Họ đã đặt tên cho 80 đảo nhỏ và rạn san hô bao gồm không chỉ các đảo nhân tạo mà còn 55 thực thể đá ngầm tồn tại dưới nước. Những hành động này nhằm tạo cớ bành trướng kiểm soát 1,4 triệu dặm vuông của Biển Đông.

Để thực thi những yêu sách này trong năm qua, Trung Quốc đã tăng áp lực bằng cách sử dụng ba lực lượng trên biển - gồm các đội tàu của Quân đội Trung Quốc PLA, Lực lượng hải cảnh Trung Quốc và dân quân hàng hải - quần thảo ở vùng biển ngoài khơi Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philippines. Việc đánh bắt cá bất hợp pháp đã khiến Indonesia đẩy mạnh các hoạt động của hải quân bao gồm bắt và đánh chìm hơn mười tàu đánh cá Trung Quốc quanh quần đảo Natuna, được quốc tế công nhận là nằm ở vùng biển Indonesia. Thay vì dừng lại, Trung Quốc đã nối lại hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp quanh quần đảo Natuna vào cuối tháng 3. Trong khi Trung Quốc không tranh chấp chủ quyền với Indonesia ở khu vực này, Bắc Kinh đưa ra tuyên bố vô lý rằng đây là “ngư trường truyền thống của Trung Quốc từ thời cổ đại” như thể ngư dân Indonesia, Malaysia hoặc Việt Nam không tồn tại trong quá khứ.

Đáng ngại hơn, Bắc Kinh đã tăng cường gây hấn trong năm vừa qua bằng cách đe dọa các dự án dầu khí lớn ngoài khơi thuộc lãnh hải của Malaysia và Việt Nam được quốc tế công nhận là vùng đặc quyền kinh tế EEZ (200 hải lý tính từ bờ biển). Vào cuối tháng 4, một tàu khảo sát được hộ tống bởi hải cảnh Trung Quốc đã quấy rối một tàu thăm dò năng lượng của người khổng lồ Petronas vận hành bên trong vùng EEZ của Malaysia. Sự đe dọa này đã diễn ra sau những diễn biến tương tự vào năm ngoái. Trước khi đến Malaysia, tàu khảo sát đã đi qua vùng EEZ của Việt Nam gần địa điểm xảy ra tranh chấp trước đó. Năm 2019, các tàu Trung Quốc đã cố gắng ngăn chặn Việt Nam thăm dò 5 khối dầu khí ngoài khơi bên trong vùng EEZ của Việt Nam. Điều này đã làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc đang cố gắng phá vỡ và dần dần bóp nghẹt các hoạt động dầu khí của Malaysia và Việt Nam trong khu vực và xóa bỏ các tuyên bố chủ quyền của họ. Tổn thất cho Malaysia sẽ rất lớn nếu Petronas phải dừng các dự án quan trọng.

Sự gây hấn của Trung Quốc là một thử thách về vai trò và uy tín của Hoa Kỳ tại Châu Á. Hoa Kỳ không có yêu sách lãnh thổ nhưng có lợi ích lâu dài đối với tự do hàng hải. Đến nay, phản ứng của Hoa Kỳ đối với sự hiếu chiến của Trung Quốc chủ yếu là lên án ngoại giao và tăng cường hoạt động tự do hàng hải của Hải quân Hoa Kỳ trong vùng biển quốc tế mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Các hoạt động này là cần thiết nhưng không đủ vì chúng không có tác động rõ ràng đến cách hành xử của Trung Quốc. Tương tự, trong khi ASEAN vẫy tay với Bắc Kinh, tổ chức này đã mất gần 20 năm để cố gắng đàm phán một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông với Bắc Kinh mà không có kết quả. 

Vai trò trung tâm trong việc chống lại Trung Quốc thuộc về ASEAN, một liên minh có tiềm năng rất lớn của 10 quốc gia với 625 triệu dân và gần 3 nghìn tỷ đô la GDP. Nhưng bởi vì các quyết định của ASEAN đòi hỏi phải có sự nhất trí hành động mạnh mẽ, đã bị chặn bởi hai thành viên là Campuchia và Lào, được coi là hậu thuẫn cho Bắc Kinh, đã cho phép Trung Quốc phủ quyết tiếng nói của  khối. 

Do vậy ASEAN cần xem xét lại quá trình ra quyết định của mình. Nếu ASEAN không thể tìm thấy sự đồng thuận như một khối thống nhất thì những thành viên ASEAN muốn hành động nên lập một liên minh hàng hải riêng để thể hiện ý chí của mình.

Các quốc gia Đông Nam Á giáp biển nhận thức sâu sắc rằng các rủi ro vì không hành động sẽ mang lại cho Bắc Kinh quyền kiểm soát vĩnh viễn các hoạt động kinh tế và quân sự ở Biển Đông, đó sẽ là một đòn chí mạng đối với quyền tự chủ chiến lược của họ. Do đó, thời gian đã chín muồi cho một liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc sẽ là lựa chọn khôn ngoan để đi đầu trong việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho Tây Thái Bình Dương dựa trên luật pháp quốc tế được công nhận và thành lập các tổ chức pháp lý hàng hải.

Nếu ASEAN có thể có hành động tập thể, sức mạnh của Trung Quốc đối với từng nước thành viên sẽ tiêu tan. Ngược lại, chiến thuật bắt nạt của Bắc Kinh có hiệu quả nhất khi nó chia rẽ và cô lập thành công các nước láng giềng. Sau khi tàu hải cảnh Trung Quốc đánh chìm một tàu Việt Nam và làm tám ngư dân bị thương vào ngày 3/4, Bộ Ngoại giao Philippines đã thực hiện động thái hiếm hoi bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam. Bắc Kinh đã chú ý. Tương tự, nó đã tạo ra sự khác biệt khi Việt Nam giải cứu ngư dân Philippines bị mắc kẹt vào năm ngoái sau khi bị một tàu nghi là của Trung Quốc đâm chìm thuyền của họ.

Để ngăn chặn việc Tây Thái Bình Dương biến thành một hồ nước thuộc sở hữu của Trung Quốc đòi hỏi phải có sự hợp tác của các bên và luật pháp quốc tế. Các quốc gia hàng hải như Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei nên tăng cường hợp tác bằng cách phối hợp các hoạt động của lực lượng bảo vệ bờ biển, tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và đạt được thỏa thuận về cách phân định ranh giới trên biển ở Biển Đông.

Trong khi đó, Hoa Kỳ nên đóng vai trò là chất xúc tác cho hệ thống phòng thủ khu vực bằng cách tài trợ cho Sáng kiến ​​Răn đe Ấn Độ-Thái Bình Dương, nơi sẽ cung cấp tài chính cho hoạt động quân sự và xây dựng dựa trên những nỗ lực trước đó. Nếu Bắc Kinh thành công, đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào uy tín của Hoa Kỳ, uy hiếp các liên minh và quan hệ đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực. Trung Quốc hiểu rõ điều này, và ASEAN, Hoa Kỳ cũng vậy.

Theo Foreign Policy
Hương Thảo dịch và biên tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét