Booker Washington (1856-1915) là một nhà giáo dục, tác giả, nhà hùng biện nổi tiếng và cố vấn cho nhiều tổng thống Hoa Kỳ. Giữa năm 1890 và 1915, Washington là nhà lãnh đạo chính trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi và của giới thượng lưu da màu đương đại.
Trong cuộc đời ông đã xảy ra một câu chuyện như thế này:
Một ngày nọ, Washington đi trên đường cùng một người bạn da trắng. Khi họ vừa đi vừa trò chuyện, Washington đã bị một người đàn ông da trắng kiêu ngạo đẩy xuống đất.
Ông đứng dậy, dùng tay vỗ nhẹ vào quần áo, không nói gì và cũng không có bất kỳ biểu hiện phẫn nộ nào trên khuôn mặt.
Nhưng người bạn da trắng đi cùng đã tức giận và nói: "Làm thế nào anh có thể tha thứ cho người bắt nạt mình dễ dàng vậy chứ?"
Washington bình tĩnh nhìn người bạn và nói, "Bất kể là ai muốn làm tôi tức giận, tôi cũng sẽ không làm theo mong muốn của họ. Cách tốt nhất là giữ im lặng và phớt lờ anh ta đi!"
Trong cuộc sống, đôi khi bạn sẽ thấy rằng nói cả ngàn lời cũng không bằng hai từ "Im lặng". Im lặng là một loại lực lượng to lớn, mang lại sự hòa hoãn, có thể khiến người đang tức giận bình tâm, có thể khiến họ nhìn lại bản thân mình.
Nếu lời nói là bản năng thì yên lặng chính là bản lĩnh. Một người khôn ngoan là người biết lắng nghe, không tùy tiện nói những điều không nên nói. Người xưa vẫn có câu "Nói dài, nói dai thành ra nói dại" hay "Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói". Có thể thấy khi người ta nói mà không cân nhắc trên dưới, trước sau, lợi hại thì lời nói ra có thể mang theo sự hiển thị, phô trương, khoe khoang bản thân hoặc châm biếm khiến người nghe khó chịu.
Các bậc trí giả thường kiệm lời, họ nghĩ trước, sau đó mới mở miệng nói. Nhưng người nóng nảy vội vàng lại ngược lại, họ nói trước rồi mới nghĩ. Do đó họ thường hối hận vì những lời mình đã nói và đôi khi làm tổn thương người khác. Không ai hối hận vì đã im lặng, bởi sự im lặng không làm hại ai.
Im lặng là vàng, im lặng đúng lúc thường là sách lược thông minh nhất. Trí tuệ đến từ lắng nghe, hối hận do nói mà tới. Trí tuệ này là một loại cảnh giới tinh thần bởi vì nói thì dễ, còn lắng nghe thì không. Rất nhiều người, đều là thích nói về bản thân mình, mấy ai nguyện ý nghe người khác nói? Vậy nên những người biết lắng nghe, cho dù họ không nói nhiều, đều khiến người khác cảm mến, yêu quý và thấy tin tưởng.
Nhưng lắng nghe cũng không phải dễ làm. Nếu tìm hiểu chữ Nho trong các thư tịch cổ, chúng ta sẽ thấy nội hàm chữ "Thính" (lắng nghe) này là vô cùng thâm sâu.
Chữ “Thính” (聽) nghĩa là lắng nghe, bao gồm bộ “Nhĩ” (耳 – tai), bộ “Vương” (王 – vua), chữ “Thập” (十 – mười), chữ “Mục” (目 – mắt), chữ “Nhất” (一) và chữ “Tâm” (心).
Nếu ghép các bộ này vào nhau chúng ta sẽ hiểu được hàm ý mà người xưa muốn gửi gắm: Khi lắng nghe một ai đó, chúng ta không chỉ lắng nghe bằng đôi tai của mình (bộ Nhĩ), mà còn phải dồn mọi ánh nhìn tới họ (chữ Thập, chữ Mục). Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, còn phải dành trọn trái tim để cảm nhận những điều họ nói (chữ Nhất, Tâm) khiến họ cảm nhận mình quan trọng như một vị vua (chữ Vương). Đó mới là lắng nghe thực sự, mới có thể thấu hiểu và trân trọng người khác.
Người im lặng cũng không phải kẻ lạnh lùng, nhưng họ không ồn ào, kiêu ngạo, không tùy ý khoe khoang, không ăn nói lung tung. Họ dùng tâm thái bình yên và cởi mở để đón nhận và quan sát mọi thứ xung quanh.
Người yên lặng thường có khả năng tập trung cao và không hay thể hiện bản thân mình. Họ cũng không bốc đồng mà thường quan sát kỹ lưỡng trước khi hành động.
"Con người tranh hơn nhau khẩu khí", sẽ chỉ khiến bạn sống cả đời mệt mỏi. Học cách tĩnh lặng, tùy duyên mới có thể an nhiên tự tại. Miệng ác thắng một thời, rộng lượng thắng một đời. Những người hẹp hòi chỉ muốn "nói cho bõ tức", chỉ tranh phần hơn, những người từ bi sẽ không tranh không đấu, khoan dung với người khác. Nhưng mà ngay cả khi ngoài miệng thắng, cũng sẽ mất đi lòng người, chi bằng lùi một bước, giữ hòa khí, không ai làm tổn hại ai?
Những người im lặng không cần khoe khoang vì họ có cả thế giới phong phú trong nội tâm của chính mình.
Sự im lặng của một số người không phải vì họ không nói, mà là nói như thế nào. Khi nào nên nói và khi nào không nên nói, họ đều đã có cân nhắc rõ ràng.
Ngọc Mai
Tham khảo Secret China
Video xem thêm: Những người trí thức của xã hội phương tây nói gì về lợi ích tốt đẹp của Pháp Luân Công
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/nhung-nguoi-tri-thuc-cua-xa-hoi-phuong-tay-noi-gi-ve-loi-ich-tot-dep-cua-phap-luan-cong_ef96b2930.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét