Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng họ đang đánh bại virus corona khi số ca lây nhiễm và tử vong vì virus Vũ Hán của nước này hiện thấp hơn nhiều so với một số quốc gia khác. Tuy nhiên, dữ liệu Covid-19 của Bắc Kinh bị nghi ngờ là không đáng tin cậy bởi tình trạng thiếu minh bạch và bóp méo thông tin của chính quyền Trung Quốc.
Theo BBC, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 1/4 phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng rằng, thống kê của Bắc Kinh có vẻ "hơi thấp so với thực tế".
Theo Bloomberg News, tình báo Mỹ kết luận rằng Trung Quốc đã che giấu dịch virus corona. Ba quan chức tình báo cho rằng dữ liệu về số người chết và nhiễm bệnh trong đại dịch mà Trung Quốc công bố là "giả dối".
Những con số đáng ngờ
Tính đến 13/4, Bắc Kinh mới công bố có 3.339 ca tử vong, chiếm một phần rất nhỏ so với tổng số 114.053 người đã chết trên toàn thế giới vì Covid-19.
Theo RFA, 7 nhà tang lễ trong thành phố Vũ Hán, mỗi nơi chuyển 500 hũ đựng tro hỏa táng của các bệnh nhân Covid-19 về cho các gia đình mỗi ngày, liên tiếp trong 12 ngày, kể từ ngày 23/3 cho đến tiết thanh minh ngày 5/4. Tổng số hũ phân phát (tương đương với số người tử vong) ước tính lên tới 42.000. Một ước tính khác dựa trên công suất và mức độ bận rộn của các lò hỏa táng thì cho thấy có khoảng 46.800 người đã chết.
Một nghiên cứu chung của 6 nhà khoa học tại Đại học Hồng Kông chỉ ra rằng 232.000 người Trung Quốc có thể đã bị nhiễm bệnh vào ngày 20/2, so với khoảng 75.000 ca nhiễm mà Trung Quốc báo cáo chính thức vào lúc đó.
Tạp chí Time đặt ra nghi ngờ về số người chết vì Covid-19 của Trung Quốc khi dẫn một phân tích của kênh Radio Free Asia (RFA) cho hay, thời điểm chính quyền Vũ Hán công bố số ca tử vong là 2.535 thì số liệu này có thể thấp hơn thực tế 20 lần.
Tạp chí này hôm 1/4 cũng đăng bài phân tích cho thấy các dấu hiệu đáng ngờ về số liệu Covid-19 của Trung Quốc. "Liệu chúng ta có thể tin được những con số mà họ công bố?", bài báo viết.
Không thống kê hoặc thống kê thiếu
Cũng theo Time, nhiều cư dân Vũ Hán và là người thân của những nạn nhân Covid-19 không được đưa vào danh sách nhiễm bệnh chính thức trong thời kỳ dịch đạt đỉnh. Ngoài ra còn rất nhiều báo cáo về những người ngã bên vệ đường và các thi thể đặt bên ngoài các tòa nhà chung cư. Những người này không được tính vào số ca tử vong vì Covid-19, mà chỉ những người chết sau lần thống kê đầu tiên chẩn đoán mắc Covid-19 mới được đưa vào danh sách chính thức.
Trong một báo cáo khoa học chưa thẩm định đăng trên medrxiv vào ngày 13/3, một nhóm các nhà nghiên cứu đã xây dựng một mô hình gọi là SEIR, mô phỏng dịch bệnh trên khắp thành phố ở Trung Quốc dựa trên lưu lượng đi lại và dữ liệu dịch tễ học. Nhóm thâu thập lịch sử di chuyển của người dân từ dịch vụ định vị Baidu và kết quả cho thấy cường độ đi lại cũng như mức độ liên lạc sụt giảm trên khắp Trung Quốc. Cùng một loạt phân tích, nhóm đưa ra kết quả: Ước tính có 114.325 (chênh lệch trải giữa 76.776 - 164.576) ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc đại lục tính đến ngày 29/2/2020.
Time cho biết, một người dân Vũ Hán giấu tên nói rằng mẹ của cô không được nhập viện trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng 1, chỉ được kê đơn thuốc và về nhà mà không được xét nghiệm. Theo người này, báo cáo chính thức thời điểm đó chỉ có vài trăm ca tử vong, nhưng cô tin rằng số người chết nhiều gấp hơn 10 lần so với báo cáo đó.
Liên tục thay đổi cách thống kê
Time cho biết, sau nhiều ngày tung hô rằng Trung Quốc chỉ có một vài ca nhiễm mới, Bắc Kinh một lần nữa thay đổi cách thống kê và chỉ khi đó mới bắt đầu tính "những ca nhiễm virus corona không có triệu chứng" vào số liệu thống kê chính thức của họ.
Chính quyền Trung Quốc đưa ra động thái này sau khi bị các chuyên gia y tế thế giới chỉ trích về việc không báo cáo đầy đủ số lượng các ca nhiễm trong nước và điều đó dễ dẫn đến nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc.
Time đề cập đến một nghiên cứu được công bố vào ngày 27/3, trong đó xem xét số lượng những ca nhiễm sẽ lên tới bao nhiêu nếu sử dụng cùng một định nghĩa về nhiễm bệnh. Đó là một bộ tiêu chí nhằm phân loại liệu một người có nhiễm bệnh hay không và nó cần được áp dụng trong suốt đại dịch.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho biết Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã ban hành 7 phiên bản về định nghĩa lây nhiễm Covid-19, chỉ trong khoảng từ tháng 1 đến đầu tháng 3. Việc cộng gộp những ca nhiễm không triệu chứng nêu trên là kiểu thứ 8.
Việc áp dụng 7 phiên bản đầu tiên và chỉ áp dụng phiên bản thứ 8 khi dịch bệnh thoái trào đã khiến dữ liệu lây nhiễm mà Bắc Kinh tuyên bố là không đáng tin cậy và thấp hơn nhiều so với con số thực tế. Đơn cử một ví dụ, nhật báo Hồng Kông Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 22/3 trích các tài liệu mật, cho biết, chính quyền Trung Quốc đã gạt bỏ tổng cộng 42.000 trường hợp nhiễm Covid-19 "không có triệu chứng" ra khỏi dữ liệu chính thức vào cuối tháng 2.
Chiến dịch bóp méo thông tin
Những toan tính chính trị của Bắc Kinh đã lộ ra, khi tổng số ca nhiễm của Mỹ và nhiều quốc gia khác vượt qua con số công bố của Trung Quốc. Bắc Kinh đã lợi dụng điều này để ca ngợi cái gọi là "sự thành công" của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc dập tắt dịch bệnh.
Trong khi đó, mạng lưới tuyên truyền của chính quyền loan tin về những ca nhiễm mới có nguồn gốc từ nước ngoài. Cộng đồng người châu Phi đang đối mặt với tình trạng bị kỳ thị và ruồng bỏ ở Trung Quốc vì những bài tuyên truyền cho rằng họ mang virus vào đại lục.
Phát biểu sau một cuộc họp qua video của G7 vào ngày 25/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ rõ "chính quyền Trung Quốc đã, đang, và sẽ tiếp tục chiến dịch bóp méo thông tin có chủ ý" trong đại dịch Covid-19.
Nhiều người đã không mất mạng nếu Trung Quốc minh bạch hơn
Một nghiên cứu của Đại học Southampton (Anh) cho biết, 95% các ca lây nhiễm có thể tránh được nếu Trung Quốc hành động sớm 3 tuần.
Chính quyền Trung Quốc đã biết đến ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán từ ngày 17/11/2019. Thay vì thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bưng bít thông tin và trừng phạt những người tiết lộ sự thật ra công chúng. Khoảng 5 triệu người đã rời khỏi Vũ Hán tới nhiều nước thế giới trước khi chính quyền Trung Quốc phong tỏa thành phố này từ ngày 23/1/2020.
Sự lo lắng lẫn nghi ngờ vẫn tiếp tục xoay quanh những con số mà Trung Quốc đưa ra, ngay cả khi họ đang cố gắng đẩy mạnh "ngoại giao khẩu trang" bằng cách gửi đồ tiếp tế tới các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh bắt nguồn từ Vũ Hán.
Với nhiều dữ kiện trái với số liệu mà chính quyền Trung Quốc công bố, nhóm giám sát truyền thông đa quốc gia FAIR thẳng thắn nhận định: Mọi người không cần phải tin [về cái gọi là] chiến thắng virus corona của Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét