Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

Tại sao thế giới lại hoài nghi ‘thành công’ của Trung Quốc trong dịch Covid-19?

Tại sao thế giới lại hoài nghi ‘thành công’ của Trung Quốc trong dịch Covid-19? https://ift.tt/3ccT38t

Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm và tử vong mới vì Covid-19 được giới chức Trung Quốc công bố ở mức khá thấp, cho thấy dường như nước này đã khống chế được dịch bệnh. Điều đáng chú ý là, sáng 7/4, lần đầu tiên từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh công bố không có ca tử vong mới nào. Sáng 8/4, thành phố Vũ Hán chấm dứt 76 ngày phong tỏa. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những nghi vấn về các con số của Trung Quốc.

Trong nhiều tháng nay, hầu như vào mỗi sáng, Trung Quốc lại công bố những con số mới nhất về dịch Covid-19. Tính đến hết ngày 9/4, Trung Quốc ghi nhận 81.865 ca nhiễm và 3.335 ca tử vong.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã ca ngợi Trung Quốc vì "tốc độ phát hiện dịch" và "sự cam kết minh bạch". Bất chấp những lời khen nồng ấm mà WHO dành cho chính quyền Bắc Kinh, nhiều quan chức trên thế giới bày tỏ hoài nghi về tính chính xác của những con số mà giới chức Trung Quốc hàng ngày báo cáo, trong đó có  Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Michael Gove và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong khi các ca bệnh và tử vong vì Covid-19 trên thế giới đang gia tăng, một số nước dường như đang tìm đến Trung Quốc để có được câu trả lời về cách "làm phẳng đường cong". Nhưng ngày càng có nhiều quan ngại về việc chính quyền Bắc Kinh đã không trung thực về mức độ lây nhiễm và tử vong. Vậy sự nghi ngờ này đến từ đâu? Theo BBC, một phần liên quan đến những gì trong quá khứ, phần khác là sự thiếu minh bạch của chính quyền Bắc Kinh.

Lịch sử che giấu dữ liệu

Chính quyền Trung Quốc đã có tai tiếng trong việc cung cấp số liệu. BBC bình luận, điều này đặc biệt đúng với dữ liệu về nền kinh tế của Trung Quốc, được coi là thước đo thành tựu của đất nước và của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Không giống như hầu hết các quốc gia khác, số liệu GDP hàng quý của Trung Quốc từ lâu đã được coi là một chỉ dẫn hơn là sự phản ánh chính xác về hiệu quả kinh tế.

Trước đại dịch viêm phổi Vũ Hán, chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6% vào năm 2020. Trong nhiều năm, dự báo gần như luôn đạt được, hầu như không có sai sót nào. Nhưng có rất ít nhà kinh tế bên ngoài Trung Quốc tin vào các con số này.

Nhiều người cho rằng mức tăng trưởng kinh tế thật của Trung Quốc chỉ bằng một nửa con số công bố.

Nếu Trung Quốc liên tục bị cáo buộc không minh bạch thông tin về một thứ quan trọng như GDP, thì cũng không khó hiểu vì sao nhiều người cho rằng chính quyền nước này cũng sẽ làm thế với đại dịch Covid-19.

Thiếu minh bạch ngay từ đầu

Trong những ngày đầu, Bí thư đảng của tỉnh Hồ Bắc, ông Ứng Dũng, đã thúc giục các quan chức trong tỉnh, nơi dịch bệnh khởi phát, là phải "che giấu và ngăn chặn tình trạng chểnh mảng".

"Chúng ta biết rằng loại virus này bắt đầu xuất hiện tại Vũ Hán vào cuối 12/2019. Thế nhưng, có một điều ai cũng biết là, Trung Quốc đã thực sự che giấu dịch bệnh, che giấu sự tồn tại và mức độ nghiêm trọng của dịch trong giai đoạn đầu", theo phóng viên Robin Brant của BBC.

Thị trưởng Vũ Hán đã thừa nhận chậm trễ xử lý trong tháng 1, khi có khoảng 100 trường hợp được xác nhận, đến 23/1, là lúc chính quyền áp lệnh phong tỏa cả thành phố.

Trung Quốc đã báo cáo về nCov cho WHO vào ngày 31/12. Tuy nhiên, vào cùng lúc đó bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã cố gắng cảnh báo các đồng nghiệp của mình về sự bùng phát của một loại virus giống virus Sars, đã bị cảnh sát triệu tập. Anh là một trong số các bác sĩ đầu tiên lên tiếng về dịch bệnh bị chính quyền Bắc Kinh bịt miệng. Anh đã qua đời vào đầu tháng 2 vì chính loại virus này.

Vài tuần trước, vào lúc ông Tập Cận Bình có chuyến thăm đầu tiên tới Vũ Hán kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thông kê chính thức đã công bố không có trường hợp mới nào nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc, ngoại trừ tỉnh Hồ Bắc.

Trong khoảng thời gian đó, hãng tin Kyodo News của Nhật tường thuật những lo ngại của một bác sỹ giấu tên trong thành phố Vũ Hán. Vị bác sĩ này nói rằng các quan chức yêu cầu ông và những người khác không được báo cáo các ca nhiễm mới vào số liệu chính thức.

Theo hãng tin Bloomberg, một số quan chức trong chính phủ Mỹ điều tra cụ thể hơn. Báo cáo từ các quan chức tình báo gửi Nhà Trắng kết luận rằng, Trung Quốc "cố tình không công bố đầy đủ" và các số liệu là "giả".

Vậy lý do khiến chính quyền Bắc Kinh che giấu dịch là gì?

Theo phóng viên Robin Brant là có nhiều nguyên nhân: có thể là để che giấu công chúng về một cuộc khủng hoảng y tế sắp xảy ra, để ngăn chặn cơn hoảng loạn hoặc có lẽ là để kiểm soát tin tức với hy vọng tình hình sẽ không leo thang và sẽ không bao giờ bị tiết lộ hoàn toàn.

Ngay cả khi dữ liệu mà giới chức Trung Quốc công bố được cho là xác thực, thì vẫn còn tồn tại những nghi vấn khác.

Từ tháng 1 tới đầu tháng 3, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã 7 lần đưa ra định nghĩa về việc nhiễm Covid-19.

Giáo sư Ben Cowling từ Trường Y tế Công thuộc Đại học Hồng Kông nói với phóng viên của BBC rằng, việc xét nghiệm ban đầu chỉ tập trung vào các ca viêm phổi nặng nhất liên quan khu chợ phát dịch ở Vũ Hán. Ông cho rằng có thể có tới 232.000 ca nhiễm nếu các định nghĩa sau này được dùng ngay từ đầu, gấp gần 3 lần con số được giới chức Trung Quốc báo cáo đến nay.

Ở giai đoạn tiếp, có những trường hợp nhiễm bệnh nhưng không xuất hiện triệu chứng. Cho đến tuần trước, Trung Quốc vẫn không tính số ca bệnh như vậy, ngay cả khi những người nhiễm đã được phát hiện và xác nhận.

Giáo sư Cowling nói thêm, ổ dịch trên du thuyền Diamond Princess ở Nhật Bản cho thấy tỷ lệ các trường hợp nhiễm Covid-19 nhưng không có triệu chứng chiếm khoảng 20%.

Tập Cận Bình và các quan chức thân cận xung quanh ông đã bắt đầu cố gắng "sửa chữa" để nâng cao vị thế và danh tiếng.

Tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố, các địa phương phải minh bạch trong công bố thông tin.

Bác sĩ Lý Văn Lượng và những người đầu tiên lên tiếng cảnh báo công chúng về dịch bệnh nhưng sau đó đã qua đời được trao tặng danh hiệu "liệt sĩ quốc gia".

Vài tuần sau khi phong tỏa Vũ Hán, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin Tập Cận Bình đã đích thân chủ trì cuộc họp trong tuần đầu tiên của tháng 1, dù điều này không được báo cáo trong thời điểm trước đó.

Trung Quốc đã gửi đồ bảo hộ y tế cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có Ý và đồng minh Serbia. Tuy nhiên, không ít quốc gia phản hồi rằng lô hàng của Trung Quốc không đạt chuẩn.

Gần đây, chính phủ Trung Quốc tuyên bố hoàn thành giai đoạn đầu thử nghiệm vắc xin trên người.

Phóng viên của BBC bình luận, dù dữ liệu có chính xác hay không, thì dường như trên bề mặt Trung Quốc đã vượt qua thời gian khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng. Trung Quốc, nước đã "sinh ra" đại dịch toàn cầu này, giờ đây lại muốn là nước "kết thúc" đại dịch.

Theo BBC
Hải Lam dịch và biên tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét