Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

Triều Tiên: Ai sẽ lên nắm quyền sau Kim Jong Un?

Triều Tiên: Ai sẽ lên nắm quyền sau Kim Jong Un? https://ift.tt/2VqIeK6

Triều Tiên chưa bao giờ tuyên bố công khai rằng ai sẽ thay thế nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong trường hợp ông không thể tiếp tục cầm quyền. Quốc gia ẩn dật này cũng không tiết lộ thông tin về những người con của Kim. Các nhà phân tích cho rằng em gái và những quan chức trung thành của Kim có thể sẽ điều hành chính phủ cho đến khi con ông đủ tuổi để tiếp quản.

Các quan chức Hàn Quốc và Trung Quốc ngày 21/4 đã hoài nghi về thông tin Kim Jong Un gặp nguy hiểm sau ca phẫu thuật tim, trong khi các quan chức Mỹ đang theo dõi sát sao tình hình. Những suy đoán về sức khỏe của vị lãnh đạo Triều Tiên dấy lên sau khi ông vắng mặt trong Ngày Mặt trời hôm 15/4, tức ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành (Kim Il-Sung), ông nội của Kim Jong Un và là ngày lễ quan trọng hàng đầu ở Triều Tiên.

Giới truyền thông đã đặt ra câu hỏi về việc ai sẽ là người kế nhiệm nếu Kim Jong Un, 36 tuổi, bị bệnh nặng hoặc qua đời. Un trở thành người đứng đầu Triều Tiên khi cha ông là Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) qua đời năm 2011 vì một cơn đau tim.

Mỗi lần thay đổi nhà cầm quyền ở Triều Tiên lại làm tăng nguy cơ về khoảng trống lãnh đạo hoặc sự sụp đổ của nhà họ Kim.

Cho đến nay, cả ba thế hệ lãnh đạo nhà họ Kim đều cai trị đất nước bằng chế độ độc tài. Tuy nhiên, dưới thời Kim Jong Un, kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã tăng lên đáng kể, gây lo ngại về việc ai sẽ kiểm soát những vũ khí đó.

Dưới đây là những nhân vật chủ chốt trong vòng tròn lãnh đạo của Triều Tiên và vai trò mà họ có thể đảm nhận khi chuyển đổi người cầm quyền trong tương lai.

Em gái Kim Yo Jong

Kim Yo Jong là em gái của Kim Jong Un. Đây là người có sự hiện diện rõ ràng nhất xung quanh Kim Jong Un trong hai năm qua. Bà là phó chủ nhiệm Ban Tuyên giáo đảng Lao động Triều Tiên. Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), Kim Yo Jong đã được bầu làm ủy viên dự khuyết của Bộ Chính trị hôm 11/4. Kim Yo Jong, được cho là 31 tuổi, có quyền kiểm soát chặt chẽ các nhiệm vụ chính của đảng.

Lúc này, Kim Yo Jong sẽ là cơ sở quyền lực chính với sự kiểm soát của tổ chức và bộ phận hướng dẫn, bộ phận tư pháp và an ninh công cộng, theo ông Cho Han-bum của Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc.

"Lúc đó, Kim Yo Jong sẽ nắm quyền lực chủ yếu cùng sự kiểm soát các tổ chức và ban chỉ đạo, bộ phận tư pháp và an ninh công cộng", ông Cho Han-bum, Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc bình luận.

Các quan chức kỳ cựu

Choe Ryong Hae, sinh năm 1950, đã phục vụ cho gia tộc Kim hàng chục năm. Ngày 12/4, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên Choe Ryong-hae trở thành Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao. Ông Choe từng đảm nhiệm các vị trí như Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Triều Tiên năm 2012 - 2014, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương năm 2012 - 2014.

Một quan chức kỳ cựu khác của Triều Tiên là ông Pak Pong Ju, cựu thủ tướng Triều Tiên, hiện là Ủy viên Bộ chính trị, chịu trách nhiệm về các chiến lược kinh tế quốc gia. Ông Choe cùng ông Pak có khả năng sẽ là những người đứng đầu một tập thể lãnh đạo, nhưng không có thực quyền.

Kim Yong Chol, Phó Chủ tịch Ủy ban Đảng Lao động, cựu đặc phái viên hạt nhân và Bộ trưởng Ngoại giao Ri Son Gwon có thể được giao nhiệm vụ xử lý các vấn đề ngoại giao, bao gồm các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ với Mỹ. Hai quan chức này từng đóng vai trò quan trọng trong hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Anh trai Kim Jong Chol và cô ruột Kim Kyong Hui

Kim Jong Chol là người con thứ hai của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Nhật. Theo ông Thae Yong Ho - cựu quan chức ngoại giao Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc, Kim Jung Chol không tham gia lãnh đạo đất nước mà có một cuộc sống khá kín tiếng.

Kim Jung Chol được cho là không quan tâm tới việc lãnh đạo đất nước và có thể không hiện diện nhiều, nhưng một số nhà phân tích cho rằng ông vẫn duy trì mối quan hệ với các anh chị em và có khả năng đảm nhận vai trò công khai hơn nếu có tình huống bất thường xảy ra.

Kim Kyong Hui đã từng là một nhân vật quyền lực trong giới lãnh đạo khi anh trai bà là Kim Chính Nhật cai trị đất nước. Chồng bà là Jang Song Thaek, từng được coi là người đàn ông quyền lực thứ hai ở Triều Tiên, đã bị Kim Jong Un xử tử vào năm 2013. Sau đó, bà đã không xuất hiện mãi cho đến tháng 1 năm nay. Bà được trông thấy ngồi cạnh vợ chồng Kim Jong Un trong một buổi diễn âm nhạc mừng Tết Nguyên đán.

Thế hệ lãnh đạo thứ tư

Theo Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc, Kim Jong Un được cho là có ba người con với Ri Sol Ju. Người con út sinh năm 2017, còn người con cả sinh năm 2010. Điều này có nghĩa là, bất kỳ người con nào của Kim Jong Un cũng cần sự giúp đỡ của người thân hoặc người giám hộ chính trị nếu trở thành nhà lãnh đạo thế hệ thứ tư.

Kim Jong Il đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trong 20 năm để lãnh đạo đất nước, trong khi Kim Jong Un chỉ mới có hơn một năm để chuẩn bị, do cha ông đột ngột qua đời vì đột quỵ.

"Kim Yo Jong không thể lên nắm quyền nhưng có thể giúp xây dựng một chế độ tạm quyền cho đến khi những đứa trẻ lớn lên, và Kim Jong Chol có thể trở lại để giúp đỡ trong một thời gian", ông Go Myong-hyun thuộc Viện Nghiên cứu chính sách châu Á tại Seoul bình luận.

Theo Reuters
Hải Lam dịch và biên tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét