Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

Dịch bệnh làm nguội biểu tình, cuộc chiến pháp lý Hồng Kông – Bắc Kinh vẫn tiếp diễn

Dịch bệnh làm nguội biểu tình, cuộc chiến pháp lý Hồng Kông – Bắc Kinh vẫn tiếp diễn https://ift.tt/2S4sdHL

Sự độc lập của hệ thống tư pháp Hồng Kông đang bị tấn công bởi giới lãnh đạo Bắc Kinh, đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tính pháp quyền của thành phố tự do nhất Trung Quốc kể từ khi Anh trao trả thuộc địa cũ này cho Trung Quốc vào năm 1997, các thẩm phán có thâm niên tại Hồng Kông chia sẻ với Reuters.

Ngay cả khi virus Vũ Hán, thường được biết đến với cái tên Covid-19, khiến các cuộc biểu tình ở Hồng Kông chững lại, thì cuộc đấu tranh cho tương lai của thành phố tự do nhất Trung Quốc vẫn tiếp diễn. Ba trong số các thẩm phán thâm niên của Hồng Kông tâm sự với hãng tin Reuters rằng, cơ quan tư pháp độc lập, nền tảng làm nên sự tự do của thành phố cảng này, đang đấu tranh cho sự sống còn của nó.

Theo thông tin từ hơn hai chục cuộc phỏng vấn với các thẩm phán, các luật sư và nhà ngoại giao hàng đầu ở Hồng Kông, nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm kiểm soát hệ thống tư pháp của Hồng Kông là rất đa hướng và nhiều chiều. Truyền thông tại đại lục do ĐCSTQ kiểm soát đã cảnh báo các thẩm phán Hồng Kông không được “tha tội” cho những người biểu tình bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình vào năm ngoái.

Các thẩm phán và luật sư cho rằng có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng hạn chế thẩm quyền của các tòa án Hồng Kông trong việc đưa ra các phán quyết về các vấn đề cốt lõi trong hiến pháp. Và những người thân cận với Thẩm phán hàng đầu thành phố, Geoffrey Ma - Chánh án Tòa Phúc thẩm tối cao - cho biết ông đã phải đấu tranh với các quan chức ĐCSTQ, những người đang thúc đẩy việc phổ cập quan điểm của Bắc Kinh cho rằng, tính pháp quyền của Hồng Kông rốt cục cũng sẽ trở thành công cụ để duy trì chế độ cai trị một đảng ở Đại lục.

Căng thẳng này đã bùng phát vào tháng 9 năm ngoái khi ông Ma phát biểu tại một hội nghị của Hiệp hội Luật sư Quốc tế tại Seoul về tính pháp quyền, bao gồm các biện pháp bảo vệ nhân quyền sâu rộng được xây dựng vào trong hệ thống pháp luật Hồng Kông. 

Các thẩm phán không thể bị ảnh hưởng bởi “các yếu tố bên ngoài như chính trị’”, Chánh án Tòa Phúc thẩm tối cao Hồng Kông khẳng định.

Khi ông Ma kết thúc bài phát biểu, một đại diện của Văn phòng Luật sư AllBright, một công ty luật hàng đầu ở Trung Quốc đại lục, tổ chức đồng tài trợ cho sự kiện bữa trưa, đã vội vã lên bục phản đối Chánh án Ma, tuyên bố rằng bài phát biểu của ông Ma mang đầy “tính chính trị”. Trong bầu không khí xáo động và chế nhạo đối với hành vi khiếm nhã, người đàn ông này đã được dẫn ra khỏi bục diễn thuyết, 3 nhân chứng có mặt tai sự kiện cho hay. Văn phòng luật sư AllBright sau đó không đưa ra bình luận khi được hỏi về sự việc.

Chánh án Tòa Phúc thẩm tối cao Hồng Kông Geoffrey Ma Tao-li (ảnh chụp màn hình Youtube/LSE).

Một số nhà lập pháp của thành phố hiện đang chuẩn bị cho khả năng Trung Quốc sẽ bắt đầu can thiệp vào việc bổ nhiệm các thẩm phán mới, theo sau sự phản đối của một số nhà lập pháp ủng hộ Bắc Kinh tại Hồng Kông đối với hai quyết định bổ nhiệm gần đây cho các vị trí tại tòa án tối cao. Khi tòa án tối cao hiện đang tìm kiếm thêm ít nhất một thẩm phán mới, ba thẩm phán chia sẻ với Reuters rằng họ e ngại các vị trí trống sẽ tạo cơ hội và thu hút sự chú ý của Bắc Kinh.

Bất kỳ sự can thiệp nào của Bắc Kinh vào quá trình tuyển chọn thẩm phán mới, có khả năng sẽ thúc đẩy sự từ chức của các ứng viên trên băng ghế dự bị, một thẩm phán nói.

“Chúng tôi lo lắng rằng họ đang mất kiên nhẫn, và sẽ tìm mọi cách để siết chặt quyền kiểm soát của mình,’ một thẩm phán nói khi đề cập đến giới lãnh đạo Bắc Kinh.

“Thông qua tiếp xúc với các thẩm phán cấp cao ở đại lục, chúng tôi biết rằng họ không hiểu được Hồng Kông chút nào”, một thẩm phán nói với điều kiện giấu tên. “Họ luôn muốn biết tại sao Hồng Kông lại hỗn loạn như vậy, chứ không ‘yêu nước’”.

Người phát ngôn của trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) cho biết chính quyền trung ương ở Bắc Kinh “đã nhiều lần nói rõ rằng” họ sẽ tiếp tục thực thi đầy đủ nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” để định hình mối quan hệ tự trị của Hồng Kông trong bối cảnh chủ quyền thuộc Trung Quốc. Người phát ngôn này nói thêm, Bắc Kinh luôn cam kết thực hiện Luật Cơ bản, một bản hiến pháp mini của thành phố nhằm bảo vệ các quyền lợi và sự tự do của đặc khu hành chính này.

Chính quyền Trung Quốc không phản hồi trước các câu hỏi từ Reuters.

Các cuộc biểu tình quy mô lớn

Mối quan ngại sâu sắc trước sự can thiệp của chính quyền Trung Quốc vào các vấn đề nội bộ của Hồng Kông đã thúc đẩy các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra vào năm ngoái. Sự bất ổn được kích hoạt bởi một sự xâm phạm vào hệ thống tư pháp. Chính quyền thành phố này đã đề xuất một dự luật cho phép dẫn độ các bị cáo sang Trung Quốc đại lục, nơi các tòa án bị ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ. 

Chính phủ cuối cùng đã phải rút dự luật trong bối cảnh các cuộc biểu tình nổ ra liên tiếp trên diện rộng, tuy nhiên lúc đó việc phản đối dự luật đã leo thang thành một phong trào đòi quyền dân chủ rộng lớn hơn. 

Những người biểu tình đôi lúc hướng sự phẫn nộ của họ vào các tòa án, nơi đang xử lý hàng ngàn các trường hợp người biểu tình đang phải đối mặt với cáo buộc hình sự.

Một cuộc thăm dò ý kiến ​​của Reuters vào tháng 3 cho thấy ngay cả khi các cuộc biểu tình trầm lắng xuống giữa đại dịch, sự ủng hộ đối với các yêu cầu của người biểu tình ủng hộ dân chủ vẫn gia tăng. Chẳng hạn, tỷ lệ ủng hộ quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu ở Hồng Kông đã tăng lên 68% từ 60% trong tháng 12. Tỷ lệ ủng hộ các cuộc biểu tình vẫn mạnh mẽ, ở mức 58%, so với 59% trước đây.

Bắc Kinh phủ nhận việc can thiệp vào việc điều hành Hồng Kông. Nó đã đổ lỗi cho các thế lực phương Tây kích động tình hình bất ổn trong thành phố. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại công thức “một quốc gia, hai chế độ”, được áp dụng khi thành phố cảng được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, đang dần bị xói mòn.

Phản hồi trước câu hỏi của Reuters, một phát ngôn viên ngành tư pháp cho biết chánh án Ma “không đưa ra bất kỳ bình luận nào”.

Ngành tư pháp hiện đang đứng ở trung tâm của cuộc chiến giành quyền tự trị cho Hồng Kông. Những cuộc xung đột này phần lớn diễn ra đằng sau hậu trường, trong bầu không khí ảm đạm của thành phố. 

Với bộ tóc giả cùng tấm áo choàng trang trọng và truyền thống của ngành tư pháp, các thẩm phán Hồng Kông tượng trưng cho một trong những cam kết cốt lõi khi đặc khu này được bàn giao: quyền được xét xử công bằng và bình đẳng trước pháp  luật, tất cả được điều hành bởi một cơ quan tư pháp độc lập.

Những quyền lợi này là di sản của nước Anh, vốn không tồn tại ở đại lục. Tuy nhiên, chúng được viết vào Luật Cơ bản, một bộ hiến pháp nhỏ của riêng Hồng Kông. 

Những quyền lợi đó từ lâu đã được chính phủ Hồng Kông tôn vinh, như nền tảng cơ sở của một trong những trung tâm tài chính quan trọng nhất trên thế giới. Đáng chú ý, nó bao gồm quyền bổ nhiệm các thẩm phán nước ngoài của Chánh án Hồng Kông.

Nhưng Luật Cơ bản có một chỗ sơ hở, rằng sau cùng, các phán quyết của tòa án tối cao Hồng Kông - Tòa Phúc thẩm Tối cao - có thể bị phủ quyết bởi Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc, cơ quan cầm quyền của chính quyền đại lục. Lần gần đây nhất, Bắc Kinh đã sử dụng quyền lực này vào cuối năm 2016 để ngăn chặn một số nhà lập pháp ủng hộ dân chủ nhậm chức. Trao đổi với Reuters, có 3 thẩm phán cho biết họ e sợ Trung Quốc sẽ bắt đầu sử dụng quyền lực này thường xuyên hơn, từ đó làm suy yếu hệ thống tòa án của đặc khu.

Vào tháng 11, một tòa án Hồng Kông đã ra phán quyết đảo ngược lệnh cấm người biểu tình đeo mặt nạ để che giấu danh tính của chính quyền đặc khu. Ngày hôm sau, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã dẫn lời một phát ngôn viên của một cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ nói rằng, các tòa án Hồng Kông không có quyền đưa ra phán quyết và thảo luận về tính hợp hiến của lệnh cấm được chính quyền thành phố ban hành. Tuyên bố này đã nhanh chóng bị lên án bởi các luật sư địa phương, các học giả trong và ngoài nước. Tuy vậy, vào tuần trước, chính phủ Hồng Kông đã giành thắng lợi bước đầu trong bản kháng cáo phán quyết trên của tòa án Hồng Kông.

Thông điệp của đại lục cho Hồng Kông

Các phương tiện truyền thông do Trung Quốc kiểm soát đã gia tăng áp lực khi các cuộc biểu tình tăng cường vào năm ngoái. Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo trực thuộc Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ - đã viết trong một bài bình luận tháng 11 như sau: 

“Tính pháp quyền có thể cứu Hồng Kông, nhưng tiền đề là những kẻ bạo loạn phải bị trừng phạt”. 

“Các thẩm phán và luật sư tuyên trắng án cho những kẻ bạo loạn sẽ bị khinh thường, tương tự như những kẻ bạo loạn đó”, tờ báo nói thêm.

Viết trên một tạp chí của ĐCSTQ vào năm ngoái, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã giải thích quan điểm của ông về tính pháp quyền. Theo ông, “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng”, ông viết trên tạp chí Qiushi, tựa đề tạp chí có nghĩa là “Tìm kiếm sự thật”. 

Trung Quốc, theo ông Tập, “không được sao chép” các quốc gia khác, hay tuân theo “tính độc lập của ngành tư pháp theo kiểu phương Tây”.

Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng từng nói rõ kỳ vọng của họ đối với Hồng Kông. Năm ngoái tại Bắc Kinh, phó thủ tướng Hàn Chính đã công khai nói với đặc khu trưởng Carrie Lam rằng, việc ngăn chặn bạo lực là “trách nhiệm chung” của chính phủ, cơ quan lập pháp và tư pháp của đặc khu. 

Khi nói như vậy, ông Hàn đã làm mờ đi đường ranh phân chia quyền lực giữa 3 nền tư pháp, hành pháp và lập pháp của Hồng Kông - một cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực của chính phủ không tồn tại ở đại lục. 

Và trong tháng này, một quan chức hàng đầu Trung Quốc tại Hồng Kông đã đề cập đến sự cần thiết phải củng cố hệ thống luật pháp của thành phố để “bảo vệ” an ninh quốc gia của đất nước.

Theo nội dung lời tuyên thệ nhậm chức, các thẩm phán Hồng Kông phải tránh xa các xung đột chính trị. Do đó, theo sau bình luận của ông Hàn, tại một vấn đề liên quan đến các cuộc biểu tình và tự do báo chí, một thẩm phán đã sử dụng phán quyết của mình ở để nhấn mạnh nguyên tắc độc lập của quyền lực các bên.

Hai ngày sau lời nhận xét của Phó thủ tướng Hàn Chính, Thẩm phán Russell Coleman đã viết như sau: 

“Tôi không nghĩ bất kỳ viên chức tư pháp nào ở Hồng Kông cần bất cứ ai, dù ở Hồng Kông hay ở nơi khác, nói cho anh ấy (hoặc cô ấy) biết họ phải thực hiện vai trò của mình, với tư cách là một bộ phận của ngành tư pháp độc lập, như thế nào”.

“Tính pháp quyền và một ngành tư pháp độc lập theo hiến pháp được bảo vệ bởi Luật Cơ Bản”, người phát ngôn của bà Lam cho biết.

Một số người ở Hồng Kông tin rằng Bắc Kinh sẽ đấu tranh để buộc hệ thống tư pháp thành phố này phục tùng.

“Cái gốc của luật phổ quát đã bám rễ sâu ở Hồng Kông và sẽ không dễ dàng bị bật nhổ, vì vậy tôi nghĩ rằng Bắc Kinh cuối cùng cũng chỉ có thể sử dụng một biện pháp tiếp cận dần dần, bất chấp những ngôn luận mạnh mẽ của họ”, ông Simon Young, một luật sư và giáo sư tại Đại học Luật Hồng Kông cho biết. “Những giá trị đó đã ăn sâu vào hệ thống này”.

Ông Young được khích lệ bởi thái độ bảo vệ công chúng mạnh mẽ của nền tư pháp thành phố, được kiến tạo bởi thẩm phán hàng đầu Hồng Kông, ông Ma, cũng như ông Coleman và những người khác.

Một thẩm phán cấp cao đã nghỉ hưu, trao đổi với điều kiện giấu tên, cho biết trong khi đại lục rõ ràng đang cố gây áp lực với ngành tư pháp Hồng Kông, nhưng vẫn chưa tạo nên một mối đe dọa hiện hữu đối với hệ thống luật pháp. Phép thử, cựu thẩm phán này nhận định, sẽ là liệu hệ thống luật pháp có khuất phục trước những áp lực này hay không. 

“Tôi chưa nhìn thấy điều đó.”

‘Lên tiếng cho tính pháp quyền của Hồng Kông’

Chánh án Ma, 64 tuổi, trở thành chánh án của Tòa Phúc thẩm tối cao vào cuối năm 2010, sau một thời gian dài làm luật sư và thẩm phán Tòa án tối cao Hồng Kông. Trong bối cảnh các cuộc biểu tình rung chuyển thành phố vào năm ngoái, ông đã mạnh mẽ bảo vệ sự độc lập của nền tư pháp thành phố này.

Kết thúc bài phát biểu tại Seoul năm ngoái, chánh án Ma nói với khán giả: “Lên tiếng bảo vệ tính pháp quyền với bản chất thật sự của nó, là một phần những gì một luật sư nên làm. Hãy nhìn vào bản thân và tự hỏi liệu bạn đã sẵn sàng đứng lên và trở thành nơi gửi gắm niềm tin của người dân hay chưa”.

Trong một lần xuất hiện công khai vào tháng 1 tại Hồng Kông, chánh án Ma lại đề cập đến tính độc lập của nền tư pháp. Ông liên tục nói với các phóng viên rằng ông không thể thảo luận về chủ đề chính trị, hoặc thậm chí các câu hỏi pháp lý được nêu ra trong các tuyên bố của giới lãnh đạo Bắc Kinh.

Nhưng, ông cũng lưu ý: “Sức mạnh của tòa án đã được nêu trong Luật Cơ bản. Hồng Kông phải có quyền tư pháp độc lập, và nó được hiểu chính xác là như vậy”.

Ông Ma còn đi xa hơn, khi nói: “Các thẩm phán không thể nhìn vào xuất thân cũng như lập trường chính trị của các bên trong vụ kiện”, ông nói. “Tính pháp quyền sẽ bị xâm phạm khi tòa án nghĩ rằng không phải ai cũng bình đẳng trước pháp luật, và một số người quan trọng hơn những người khác”.

Một số bạn bè và đồng nghiệp cũ của ông Ma nói rằng ông đang có dấu hiệu căng thẳng do công việc, bao gồm việc phải liên tục bảo vệ sự trung thực của tòa án.

Điều này có thể thấy khá rõ, khi chánh án Ma xuất hiện tại sự kiện thường niên vào tháng giêng - một cuộc họp đầu năm của các thẩm phán, luật sư hàng đầu và các quan chức chính phủ và nhà ngoại giao cấp cao.

Ông Ma xác nhận rằng đây sẽ là lần cuối cùng ông chủ trì sự kiện thường niên này bởi ông sẽ nghỉ hưu vào tháng 1/2021, khi ông tròn 65 tuổi, từ bỏ việc lựa chọn gia hạn thời gian phục vụ.

Đến lúc đó, ông sẽ phục vụ được hơn một thập kỷ với tư cách chánh án. Ông Ma là người thứ hai phục vụ ở vị trí này kể từ khi Hồng Kông được bàn giao vào năm 1997.

Người kế vị ông sẽ là thẩm phán Andrew Cheung, thành viên Tòa án phúc thẩm Tối cao và việc bổ nhiệm đã được công bố vào tháng 3 vừa qua. 

Một số người thân cận với ông Ma nói rằng dù ông không bị ép buộc phải rời đi, nhưng trận chiến dai dẳng bảo vệ sự trong sạch của nền tư pháp đã khiến ông hao mòn. Họ cho biết công việc của ông bao gồm việc đối phó với các thẩm phán đại lục đến công tác và tiếp nhận báo cáo từ các quan chức Trung Quốc tại địa phương, vốn là một công việc rất khó khăn.

Những người thân cận với chánh án Ma cho biết, các thẩm phán và quan chức Trung Quốc liên tục tìm cách thúc đẩy chương trình nghị sự “yêu nước” của Bắc Kinh bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống tư pháp trong việc bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia Trung Quốc.

“Tôi biết ông đang rất mệt mỏi với những quan chức ĐCSTQ, những người không cách nào hiểu được hình thức phân quyền tồn tại ở Hồng Kông, hiểu được ý nghĩa hay giá trị thực sự của một nền tư pháp đứng độc lập,” một người thân cận với ngài chánh án cho biết. “Đôi khi ông ấy ngừng trao đổi... và chỉ đơn giản là cố gắng tán ngẫu về chuyện bóng đá”.

Bổ nhiệm các thẩm phán mới

Ông Ma đang trông chờ thời điểm được nghỉ hưu, để có thể dành thời gian cho niềm đam mê trọn đời của ông với điện ảnh, môn cricket và đội bóng Anh Manchester United.

Sinh ra ở Hồng Kông và tiếp nhận nền giáo dục ở Anh, ông Ma hòa nhập dễ dàng trong giới luật sư quốc tế khi ông tuyển dụng các nhân tài ngành tư pháp từ nước ngoài, các đặc phái viên và thẩm phán nước ngoài cho biết. Khả năng liên tục thu hút các thẩm phán nước ngoài hàng đầu về phục vụ tại tòa án Hồng Kông là niềm tự hào của ông.

Tòa án Phúc thẩm Tối cao hiện có 23 thẩm phán, trong đó có 15 người là người nước ngoài. Nhiều người đến từ Vương quốc Anh, Canada và Úc. Tất cả phục vụ trong vai trò các thành viên không thường trực ở tòa, có nghĩa là họ được gọi định kỳ để thụ lý các vụ án. Sự hiện diện của họ bắt nguồn từ một thỏa thuận được thiết lập tại thời điểm bàn giao Hồng Kông, và nó đã trở thành một phong tục truyền thống của hệ thống tư pháp thành phố.

Tất cả các vụ kiện đưa lên tòa án tối cao Hồng Kông, Tòa Phúc thẩm Tối cao, bao gồm các vấn đề chủ chốt về hiến pháp và nhân quyền, thường được xét xử bởi một hội đồng gồm năm thẩm phán, bao gồm chánh án, ba thẩm phán thường trực và một thẩm phán không thường trực.

Ông Ma hiện đang dẫn đầu cuộc tìm kiếm ít nhất một thành viên mới cho tòa án tối cao trong vai trò người đứng đầu một ủy ban phụ trách bổ nhiệm các vị trí tư pháp.

Cơ quan tuyển chọn, được gọi là Ủy ban Khuyến nghị Cán bộ Tư pháp, bao gồm các thẩm phán, luật sư cao cấp và các nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng cũng như đại diện chính phủ, và Bộ trưởng Tư Pháp. Theo luật họ không được bàn luận về công việc của họ. Bất kỳ tài liệu cốt lõi nào được họ sử dụng đều phải được giao tận tay.

“Một câu hỏi đặt ra là liệu các thế lực bên ngoài có cố gắng can thiệp vào” khi quyết định bổ nhiệm cần phê duyệt hay không, một người có kiến ​​thức trực tiếp về các cuộc thảo luận bí mật của ủy ban, đã nói với điều kiện giấu tên. “Tôi phải có niềm tin hệ thống sẽ hoạt động, nhưng nó chỉ bị ràng buộc bởi một quy ước”.

Các vị trí bổ nhiệm phải được đặc khu trưởng Carrie Lam và cơ quan lập pháp thông qua. Trước đây, các đề xuất này thường được phê duyệt một cách thông thuận. Nhưng một số đề xuất bổ nhiệm quan trọng vào năm 2018 đã gặp phải trở ngại hiếm gặp, khi một số nhà lập pháp thân Bắc Kinh chất vấn các ứng viên trong cơ quan lập pháp, cũng như quy trình bổ nhiệm.

Brenda Hale, khi đó là chủ tịch Tòa án Tối cao Anh, và Beverley McLachlin, cựu Chánh án Canada, là những người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm vào tòa án cao nhất của Hồng Kông. Các nhà lập pháp thân Bắc Kinh đặt câu hỏi liệu họ có quá thoáng đối với Hồng Kông, dựa trên các phán quyết trong quá khứ của họ.

Các vị trí bổ nhiệm rốt cục đã được phê duyệt, nhưng thông điệp đã được gửi đi - ông Ma và những người kế nhiệm ông có thể sẽ phải đối mặt với các cuộc chiến bổ nhiệm trong tương lai, đặc biệt với việc bổ nhiệm các thẩm phán nước ngoài. “Đó là một mũi tên đã lên dây cung”, một trong ba thẩm phán cấp cao chia sẻ với Reuters. “Tất cả chúng tôi đều thấy chuyện này”.

Một trong số các thẩm phán nói với Reuters rằng ông lo ngại một sự thay đổi thế hệ đang diễn ra trên băng ghế bổ nhiệm dự bị, khiến thiếu mất các thẩm phán đủ kiên cường để chống lại sự can thiệp của đại lục trong những năm tiếp theo.

“Các áp lực sẽ đè nặng lên vai các nhà lãnh đạo tư pháp mới”, một thẩm phán cho biết. “Một số người trong chúng ta nghi ngờ liệu họ sẽ có thể chịu được những áp lực đó như các thế hệ trước đã làm được hay không. Chúng ta nên hy vọng là họ có thể làm được”, ông nói. “Bởi sự đảm bảo tính pháp quyền của Hồng Kông sẽ phụ thuộc vào họ”.

Theo The Epoch Times
Hương Thảo dịch & biên tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét