Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

Bộ Tài chính kiến nghị tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ

Bộ Tài chính kiến nghị tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ https://ift.tt/2wycfyg

Trong văn bản 3905 gửi Bộ Công thương, Bộ Tài chính đề nghị tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6/2020 để đảm bảo thu mua đủ lượng gạo dự trữ quốc gia. 

Báo VnExpress dẫn góp ý trong văn bản với Bộ Công Thương về tình hình xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính cho biết, việc mua gạo dự trữ quốc gia năm 2020 đang gặp khó. Kế hoạch Thủ tướng giao mua dự trữ 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc tẻ loại thường. Các doanh nghiệp đã bỏ thầu và trúng thầu cung cấp khoảng 178.000 tấn.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, khi thấy nhu cầu xuất khẩu gạo tăng, một số doanh nghiệp lại trì hoãn ký hợp đồng, không thương thảo dù đã trúng thầu.

Nông dân xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ thu hoạch lúa vụ Đông Xuân đầu tháng 3 (ảnh: Thanh Trần/VnExpress).

Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị dừng xuất khẩu gạo tẻ đến 15/6. Các mặt hàng gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm vẫn được xuất khẩu bình thường. Sau khi cơ quan dự trữ quốc gia đã mua đủ theo kế hoạch, sẽ tiếp tục để xuất khẩu linh hoạt.

Báo Dân Trí cho biết, với đề nghị này, Tổng cục Hải quan sẽ giám sát chặt chẽ việc xuất khẩu đối với các loại gạo. Sau ngày 15/6 khi gạo tẻ được xuất khẩu bình thường, hải quan sẽ căn cứ số lượng gạo do Bộ Công Thương công bố, giám sát thủ tục hải quan theo quy định.

Bộ Tài chính đề nghị dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến 15/6 để đảm bảo công tác mua dự trữ quốc gia (ảnh: Dân Trí).

Về tình hình mua gạo dự trữ, chiều 9-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Việt Đức, tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ - Bộ Tài chính cho biết, hiện mua gạo dự trữ cực kỳ khó khăn. 

Theo ông Đức, Tổng cục Dự trữ đã mở thầu 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa từ ngày 12/3, tuy nhiên đến nay, mới chỉ mua được 7.700 tấn gạo.

Ngoài ra theo báo Lao Động, Bộ Tài Chính đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Vinafood 1 và các công ty thành viên của Vinafood 1 ưu tiên ký ngay hợp đồng đối với số lượng gạo đã trúng thầu tại Cục dữ trữ Nhà nước khu vực theo kết quả đấu thầu.

Các doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia có tình trạng kéo dài thời gian ký hợp đồng (ảnh: Lao Động).

Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo trên địa bàn thực hiện kê khai giá theo quy định của pháp luật về giá.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 23/3 với Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất dừng xuất khẩu gạo tới cuối tháng 5 để đảm bảo an ninh lương thực. Đề xuất này sau đó được Thủ tướng chấp thuận. Nhưng chỉ một ngày sau, Bộ này lại đề nghị Chính phủ cho tiếp tục xuất khẩu gạo.

Việc dừng xuất khẩu gạo đột ngột đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này. Báo cáo Thủ tướng ngày 6/4, cơ quan này tiếp tục đề nghị cho xuất khẩu 800.000 tấn gạo trở lại trong tháng 4 và 5 sau khi "tính toán kỹ".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét