Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU tổng giá trị hàng hoá đạt giá trị trên 16 tỷ USD, trong đó nhóm hàng chủ lực là dệt may, giày dép. Tuy nhiên do ảnh hưởng nặng nề của dịch virus Vũ Hán nhiều doanh nghiệp (DN) đã lâm vào cảnh khó khăn, có thể nói là cứ "sốc" khá lớn với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, đặc biệt là với những doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn sang hai thị trường này. Trước những khó khăn đó, các DN đã đưa ra kiến nghị với Chính phủ về các biện pháp phù hợp giúp tháo gỡ khó khăn.
Tháng 01/2020, khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát tại Trung Quốc đã khiến ngành dệt may Việt Nam rơi vào khó khăn do thiếu hụt nguyên phụ liệu sản xuất. Khi nỗi lo về nguyên liệu chưa kịp giải tỏa thì mới đây nhiều doanh nghiệp lại nhận được thông báo các đối tác tại thị trường Mỹ và EU sẽ tạm ngưng nhận hàng trong khoảng thời gian từ 3 tuần đến 1 tháng. Cùng với đó, các biện pháp hạn chế giao thương nhằm ngăn chặn dịch bệnh khiến những ngành sản xuất, xuất khẩu này chắc chắn đang chịu áp lực lớn, thậm chí sẽ chịu sự sụt giảm mạnh về kim ngạch trong thời gian tới nếu không có những giải pháp hữu hiệu, kịp thời.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM cho biết, trong thời gian dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, do thiếu nguyên liệu, các DN trong ngành đã chủ động chuyển sang phương án sản xuất cầm chừng. Còn hiện nay, khi có nguyên liệu DN lại không thể sản xuất vì các biện pháp hạn chế về giao thương, chưa xác định chắc chắn thời gian hoãn nhận hàng của đối tác hay đối tác có tiếp tục thực hiện hợp đồng không.
Theo dữ liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan (trong 15 ngày đầu tháng 3), các nhóm hàng nhập khẩu chủ chốt là nguyên liệu đầu vào của 2 lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu quan trọng nêu trên tiếp tục sụt giảm về kim ngạch so với cùng kỳ 2019, cụ thể sụt giảm tới 12%, tương đương 270 triệu USD. Và lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/3, 3 nhóm hàng còn lại cũng ở tình trạng tương tự. Cụ thể, nguyên phụ liệu dệt may, giày, dép đạt 967,3 triệu USD giảm gần 8%; bông đạt 494 triệu USD giảm khoảng 15%; xơ, sợi dệt đạt 423,8 triệu USD, giảm khoảng 6%.
Dự báo diễn biến thị trường thời gian tới, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, nhiều khả năng thời gian ngưng nhận hàng của Mỹ và EU có thể kéo dài đến 2 tháng, tức là phải đến cuối tháng 4/2020. Lý do là thời điểm này vẫn chưa phải là đỉnh điểm của dịch viêm phổi Vũ Hán.
Tại EU và Mỹ bệnh lại lây lan quá nhanh khiến nhiều ngành; trong đó có thương mại, dịch vụ tê liệt, người dân chỉ tập trung vào tích trữ hàng thực phẩm và ở trong nhà để tránh dịch. Các khách hàng tại Mỹ và EU đưa lý do dịch viêm phổi Vũ Hán đang lây lan với tốc độ chóng mặt tại đây khiến Chính phủ các nước phải ban bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa biên giới để đề nghị DN Việt Nam hoãn các đơn hàng đặt trước, với các đơn hàng đang sản xuất dở thì tạm dừng đến lúc mở cửa biên giới mới nhập.
Trong khi đó, Mỹ và EU đang là 2 thị trường xuất khẩu dệt may lớn và quan trọng của Việt Nam. Nếu tính riêng các DN dệt may TP.HCM thì thị trường Mỹ nắm giữ khoảng 50%, EU chiếm khoảng từ 15 -18 % tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm.
Chính vì vậy việc đối tác ở thị trường này thông báo tạm ngưng nhận hàng đồng nghĩa với việc gần 2/3 cánh cửa thị trường của hàng dệt may bị thu hẹp. Đây là cú "sốc" khá lớn với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, đặc biệt là với những doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn sang hai thị trường này.
Thêm vào đó, việc dừng nhận hàng đột ngột ngay khi đưa ra thông báo đã khiến DN không kịp trở tay, nhiều container hàng đang trên đường vận chuyển khi đến cảng biển của Mỹ và EU sẽ phải lưu kho, chờ đến khi đối tác nhận hàng. Điều này khiến DN tốn thêm rất nhiều chi phát sinh còn dòng tiền bị "đóng băng", không thể lưu chuyển.
Mặc dù việc xuất khẩu bị đình trệ, DN vẫn phải trả lương cơ bản cho công nhân, ước tính một DN quy mô vừa, có khoảng 1.000 lao động thì mỗi tháng phải chi trả hơn 6 tỷ đồng tiền nhân công. Trong khi đó dòng tiền của DN bị đọng lại trong nguyên phụ liệu và hàng lưu kho.
[caption id="attachment_1416093" align="alignnone" width="700"] Ảnh chụp màn hình tờ Dautuchungkhoan.[/caption]
Dệt may là một trong những ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động nhất, phần lớn là lao động phổ thông, khó có khả năng chuyển đổi công việc trong tình hình hiện nay. Do đó, việc duy trì việc làm và thu nhập cho công nhân không chỉ là bài toán sống còn của doanh nghiệp mà còn tác động rất lớn đến đời sống xã hội.
Trước những khó khăn đó, các DN dệt may đã đưa ra kiến nghị sau:
Thứ nhất: Chính phủ nhanh chóng giải ngân các gói hỗ trợ đã phê duyệt, đồng thời xem xét việc cho phép sử dụng một phần các quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục chi trả lương cho công nhân.
Thứ 2: Bộ Tài chính và hệ thống ngân hàng cần triển khai ngay các phương án giảm lãi hoặc cho vay không lãi suất các khoản mà doanh nghiệp dùng trả lương cho công nhân trong các tháng tiếp theo cho đến khi hoạt động sản xuất, thương mại quay lại tình trạng tthường.
Thứ 3: DN cũng mong muốn được giảm thuế hoặc hoãn đóng thuế thu nhập của năm 2019, sử dụng khoản tiền đó vào việc duy trì vận hành doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Trước tình hình đó, hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cùng các doanh nghiệp hội viên gửi kiến nghị lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong thời gian dịch bệnh.
Ngành dệt may, da giày và thuỷ sản hiện nay là những ngành kinh tế chủ chốt, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt gần 80 tỷ USD và tạo ra việc làm cho gần 8 triệu lao động. Dịch Covid-19 đang diễn biến phực tạp, với tâm dịch ở Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu… đây cũng chính là thị trường chính xuất khẩu dệt may, da giày và thuỷ sản Việt Nam,
Trước mắt, các hiệp hội đề nghị cho phép DN và người lao động ngừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và tuỳ theo tình hình tác động của dịch bệnh xin miễn đóng với mức tương ứng. Dùng tiền dư của quỹ BHXH, BHTN hỗ trợ 50% tiền lương ngừng việc cho người lao đông, còn 50% do doanh nghiệp chi trả. Dùng tiền dư quỹ BHXH và BHTN cho DN vay không lấy lãi để chi phí cho người lao động. Quốc hội thông qua việc giảm tỷ lệ đóng của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ BHTN từ 1% xuống còn 0,5%.
Về lương của người lao động, các hiệp hội đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho phép lựa chọn 1 trong 2 giải pháp. Người lao động chấp nhận mức lương thấp hơn lương tối thiểu vùng do 2 bên thoả thuận. Đề nghị cho phép áp dụng ngay Điều 99 của Luật Lao động 2019, trong trường hợp ngừng việc do dịch bệnh thì 14 ngày đầu tiên lương không thấp hơn lương tối thiểu vùng, từ ngày 15 trở đi mức lương do 2 bên thoả thuận.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, các hiệp hội xin cho phép nộp chậm thuế DN 2019 đến hết 2020 và không tính lãi nộp chậm. Thuế VAT hoãn cho các DN trong năm 2020 và không tính lãi nộp chậm. Các hiệp hội cũng xin miễn kinh phí công đoàn cho các DN và phí công đoàn cho người lao động trong năm 2020.
Các hiệp hội cũng xin hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay trước năm 2020, cụ thể hạ 4-5% đối với VNĐ và 2-3% đối với USD. Ngân hàng có chính sách cho các DN giãn các khoản nợ đến hạn trong năm 2020 (với thời gian trả chậm được phép tối thiểu là 3-6 tháng) mà không tính lãi suất chậm trả nợ và đề xuất giảm giá điện và nước 30% trong năm 2020./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét