Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

Chuyện ‘Vong báo oán’, luật Nhân Quả và lời dạy của Đức Phật

Chuyện ‘Vong báo oán’, luật Nhân Quả và lời dạy của Đức Phật https://ift.tt/2HAud6X

Trong Phật giáo có câu chuyện kể rằng, Tôn giả Mục Kiền Liên vì muốn cứu ngạ quỷ đã phải dựa vào uy đức rất nhiều cao tăng. Nhưng ngày nay có những người xưng là ‘thầy’ này, ‘cậu’ nọ, ‘cô’ kia, chẳng cần khổ nhọc tu hành sao lại có thể sai khiến được quỷ Thần?

Chuyện một ngôi chùa nọ truyền bá “Vong báo oán” và cúng vong, giải nghiệp kiếm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, thiết nghĩ đã có các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nơi thờ tự của cá nhân và tổ chức cũng đang tiến hành những việc như cầu hồn, gọi vong, dâng sao giải hạn, giải nghiệp tiêu tai, cầu phúc cầu bình an…  

Vậy tại sao lại nở rộ những sự việc này? Việc ấy đúng sai thế nào, lý lẽ ra sao, có tác dụng như thế nào, có hại gì không…? Đó cũng là câu hỏi chung của nhiều người. Người viết mạn phép góp đôi lời về vấn đề này theo thiển nghĩ nông cạn của bản thân.

Vong là gì?

“Vong” là từ Hán Việt, chữ Hán viết “亡” nghĩa là ‘mất, chết’ như trong các từ diệt vong, vong linh. Trong cụm từ ‘vong báo oán’, chữ vong nghĩa là vong linh, vong hồn, tức là linh hồn người đã khuất.

Hiện nay khoa học dù chưa chứng minh được nhưng cũng không phủ nhận sự tồn tại của vong, vì có rất nhiều trường hợp cận tử đã nói về trải nghiệm khi linh hồn thoát xác.

Còn các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian thì đều tin là con người có tồn tại linh hồn, linh hồn bất diệt. Theo quan điểm Phật gia, sau khi nhục thân chết đi thì linh hồn sẽ tùy theo nghiệp lực mang theo mà sinh vào một trong sáu đạo luân hồi sau: Cõi Trời (deva), cõi A Tu La (asura), cõi người (manussa), cõi súc sinh (tiracchānayoni), cõi ngạ quỷ (petta), cõi địa ngục (niraya).

Cũng theo quan điểm Phật gia thì thông thường sau khi chết, trong vòng 49 ngày linh hồn người quá cố (Phật giáo gọi là 'thân trung ấm') sẽ đầu thai luân hồi chuyển thế. Khi chưa chuyển thế thì linh hồn vẫn còn lưu luyến duyên trần. Đó cũng chính là lý do vì sao có tục cúng 3 ngày, 7 ngày, 49 ngày, 100 ngày. Khi con người đã đầu thai sang kiếp khác rồi thì không còn tồn tại linh hồn, nên ‘vong’ lúc này cũng không còn tồn tại.

Văn hóa truyền thống tin rằng con người là có định số. Phật gia cũng cho rằng một đời người là đã được định trước, con đường nhân sinh chính là như thế, tuy nhiên cũng có yếu tố bất định. Khi một sinh mệnh chưa đi hết đường đời đã định nhưng lại bị giết hại oan uổng, thì sinh mệnh này chưa thể đầu thai luân hồi được. Những linh hồn ấy lang thang chờ đợi, có thể vài năm, vài chục năm hoặc lâu hơn. Đây chính là ‘cô hồn dã quỷ’ được nói đến trong Phật giáo. Có lẽ đây cũng chính là ‘vong’ trong tín ngưỡng dân gian. Vì thế rằm tháng 7 được gọi là ngày “Xá tội vong nhân”, chính là cúng những ‘cô hồn dã quỷ’ này, cúng siêu độ để giúp vong linh sớm siêu thoát đầu thai.

Chuyện ‘vong báo oán’ có hay không?

Phật gia giảng nhân quả báo ứng, tức là mỗi việc làm thiện ác sẽ tạo ra đức và nghiệp tương ứng, khi chết rồi chuyển sinh vào lục đạo thì tùy theo đức và nghiệp mà có phúc họa nhiều hay ít. Thế nên nói, con người sinh ra là đã có mệnh, chính là đức và nghiệp mang theo sẽ quyết định đường đời của họ. Tuy nhiên sau khi sinh ra, những hoạt động của người này cũng tạo ra đức mới khi làm việc tốt và nghiệp mới khi làm việc xấu.

Cổ nhân nói ‘hành thiện tích đức được phúc báo’, hay ‘chịu khổ là trả nợ nghiệp’. Trong Kinh Dịch cũng viết: “Nhà tích thiện thì dư phúc lành, nhà tích bất thiện thì thừa tai ương” (Nguyên văn: “Tích thiện chi gia hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia hữu dư ương”). Thế nên tất cả chính giáo cũng như các tín ngưỡng truyền thống đều khuyên con người hành thiện tránh làm ác.

Nhân loại sống chính là tạo nghiệp và hoàn trả nợ nghiệp. Đức Phật dạy con người làm việc thiện để tránh tạo nghiệp, và chịu khổ để hoàn trả nghiệp. Phật Đà thần thông quảng đại nhường ấy, Ngài chỉ cần phẩy tay là có thể tiêu tai giải nạn cho con người thế gian. Nhưng tại sao Ngài không phát tâm trừ bỏ hết thảy nghiệp lực cho chúng sinh? Chính là bởi vì Ngài cũng tôn trọng luật Nhân Quả, vốn là quy luật của vũ trụ. Thế nên mới có việc Phật Thích Ca từng thấy trước dòng họ Thích Ca bị tiêu diệt mà chẳng thể can thiệp.

Các cõi khác nhau đều có quy luật vũ trụ tại các tầng thứ khác nhau chế ước, không thể tùy tiện can thiệp được. Thế thì một vong linh nhỏ bé, một ‘cô hồn dã quỷ’ đang vất vưởng chờ đợi về nơi trở về kia, sao có thể làm được ‘vong báo oán’ đây? Nếu quả thực vong đó bị giết hại oan uổng thì kẻ sát nhân kia đã tạo nghiệp lực rất to lớn. Vong linh vẫn chưa siêu thoát kia có thể vẫn tức giận kẻ giết hại mình, thì cái nghiệp do tức giận gây ra sẽ cấp thêm lên kẻ sát hại. Khi nghiệp lực lớn đến một mức độ nhất định thì sẽ xảy ra các tai nạn như ốm đau bệnh tật, tiêu tán tiền tài, nặng hơn nữa là mất đi sinh mạng. Đó hoàn toàn là luật Nhân Quả báo ứng khống chế chứ không có chuyện ‘vong báo oán’ bằng cách nhập hồn điên đảo, tác oai tác quái, gây bệnh gây họa… đến mức phải ‘chuyển khoản’ cho vong thì vong mới chịu ngừng.

Chuyện ‘gọi hồn’, ‘vong nhập’ thì thế nào?

Cũng có người nói rằng, họ đã chứng kiến chuyện gọi hồn, vong nhập, rồi chuyện thầy này cao tay, cô kia linh nghiệm, hay Thần này, Thánh kia nhập vào người nào đó, v.v.

Thế gian dưới con mắt chư Thần là cõi ô uế dơ bẩn, hồng trần cuồn cuộn, nghiệp lực đen thui, trong khi Thần Thánh là sinh mệnh cao cấp, ngự trong những thế giới tinh khiết và long lanh như châu ngọc. Thế nên mới gọi cõi Phật là Tịnh Thổ - Cõi Tinh Khiết. Thần Phật muốn đến chốn nhân gian thì cũng phải giáng sinh hạ phàm như Đức Phật Thích Ca, Chúa Jesus, rồi lại phải trải qua tu luyện gian khổ mới quay trở về nơi thượng giới. Thế thì làm gì có chuyện Thần Thánh nhập vào người phàm tục đầy rẫy tham sân si, đầy rẫy các chủng dục vọng ham muốn và những toan tính bẩn thỉu nhơ nhớp kia được? Chỉ có những bậc chân tu đắc Đạo và những bậc đại đức, tâm trong sạch tinh khiết, không mưu cầu danh-lợi-tình-tiền thì mới có thể linh ứng đến Thần Phật. Họ là những cao tăng, đại sư, hay các nhà tiên tri như chúng ta đã biết.

Còn chuyện gọi hồn, vong nhập thì thế nào? Chuyện này có lẽ rất hiếm có, và chỉ trong trường hợp đặc biệt ví như có duyên nợ, và bản thân người bị nhập cũng là bệnh nhân nặng, thể trạng yếu ớt, tinh thần yếu đuối, hốt hoảng tỉnh tỉnh mê mê. Người tin khoa học thì cho rằng đó là họ bị hôn mê thần hồn điên đảo, còn người theo Thần học thì tin là nhập hồn. Nhưng hiện tượng này rất hiếm, và có xảy ra thì cũng rất ngắn, thường là ‘vong’ vì muốn truyền một thông điệp nào mà lúc họ chết vẫn chưa hoàn thành, và thường là khuyến thiện.

Như đã nói trên, sau khi con người chết, linh hồn đã đầu thai sang kiếp khác rồi thì chẳng còn nhớ được các tiền kiếp, cũng chẳng có khả năng thoát xác, trừ trường hợp cận tử, hoặc tu luyện có thành tựu. Thế nên, về căn bản là không có chuyện nhập hồn. Thế thì vì sao vẫn có người chứng kiến chuyện nhập hồn? Kỳ thực đó không phải ‘hồn nhập’ hay ‘vong nhập’, mà là do có mang tâm truy cầu rất lớn, như cầu danh lợi, cầu tình tiền, cầu tiêu tai giải hạn...nên mới khiến những linh thể tầng thấp ở không gian khác nhập vào.

Những linh thể ấy ở không gian khác, không phải là cõi mê của nhân loại nên nó có thể nhìn thấy một số điều như quá khứ của một người nào đó, rồi kể ra rành rọt, khiến người ta tin là ‘hồn nhập’. Vì nó ở tầng rất thấp nên mới thích được người ta cúng rượu, thịt, thuốc lá, tiền, vàng, hương khói… Nó cũng có chút năng lượng có thể ức chế bệnh tật khiến người ta lầm tưởng rằng bệnh đã được chữa khỏi, từ đó lại càng có nhiều người tin theo và thờ cúng nó. Nó cũng tự xưng là Thần nọ Thánh kia, là Người Trời, là Phật… để người ta tin theo, thờ cúng sùng bái mình. Thực ra là chỉ ức chế bệnh thôi, sau một thời gian bệnh lại phát ra. Loại này rất nguy hiểm, nó hút tinh khí của người. Thế nên những kẻ xưng là ‘thầy’ kia, ‘cậu’ nọ, sau một thời gian chuyên đi chữa bệnh cho người lại thường gặp những chuyện không hay. Có người nói là vì họ ‘tiết lộ thiên cơ’ nên bị trừng phạt. Thực ra, là do họ tự chiêu mời linh thể tầng thấp đến, tự mình hại mình mà thôi.

Có thể đuổi vong trừ tà không?

Với chính nhân quân tử, trên thân đầy chính khí thì chẳng ma tà quỷ quái vong hồn nào nhập vào được. Người xưa nói: “Nhất chính áp bách tà”, hay “Ma quỷ cũng sợ người chính trực”, hoặc là “Người không làm chuyện trái lương tâm, nửa đêm không sợ quỷ gõ cửa” chính là đạo lý đó.

Thế nên, nếu làm người chính trực, thiện lương, không trái với lương tâm thì không thể bị ‘vong nhập’. Còn những ai đã lỡ làm chuyện xấu, hành ác thì có thể thông qua hối lỗi, tu thân tích đức, bỏ ác theo thiện, tự kiểm điểm từng hành vi, suy nghĩ của mình trong đời sống thường nhật thì sẽ ‘hóa hung thành cát’, ‘biến nguy thành an’. Còn những kẻ đã làm nhiều việc xấu, việc đại ác mà vẫn không biết sám hối, không biết hướng thiện, thì khi nghiệp lực tích tụ nhiều lên sẽ phát ra thành tai họa như ốm đau, bệnh tật, tai nạn, thậm chí mất mạng. Những người như thế thì cầu Trời khấn Phật, cúng thầy nọ cô kia, lễ đền này chùa nọ cũng đều vô ích, bởi vì “thiện có thiện báo, ác có ác báo, không phải không báo mà là chưa đến lúc”.

Chúng ta có thể thấy trong câu chuyện cổ Phật giáo, Tôn giả Mục Kiền Liên là đệ tử “đệ nhất thần thông” của Phật Thích Ca. Ngài dùng thần thông nhìn thấy mẹ mình phải đọa vào đạo ngạ quỷ, chịu đói khát khổ sở hành hạ. Ngài đem thức ăn cho mẹ nhưng bà vừa đưa lên miệng thì thức ăn biến thành lửa thiêu đốt. Bất lực, Ngài thỉnh cầu Đức Phật. Theo lời Phật dạy, vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, tôn giả Mục Kiền Liên và các tăng nhân dùng trăm loại thức ăn gồm ngũ quả, đồ cúng chay để cúng chúng sinh ở địa ngục, rồi cùng tăng đoàn đọc kinh, niệm chú. Nhờ vậy những ngạ quỷ đói khát lâu ngày kia mới được ăn. Nhờ tích đức của chúng tăng nên Mục Kiền Liên mới cứu được mẹ ra.

Qua câu chuyện trên có thể thấy, để ‘cứu ngạ quỷ’ còn cần phải hợp đức của một tập thể gồm rất nhiều cao tăng. Thế thì một người xưng là ‘thầy’, ‘cô’, ‘cậu’ kia, chẳng hiểu công phu tu hành đến đâu mà có thể sai khiến quỷ Thần?

Thật và giả, thiện và giả thiện, chính và tà

Nước ta vốn có nền văn hiến lâu đời, từ hàng ngàn năm nay người dân vẫn luôn tin ‘ở hiền gặp lành’, ‘ác giả ác báo’, ‘cha mẹ hiền lành để phúc cho con’, ‘đời cha ăn mặn đời con khát nước’. Cội nguồn văn hóa truyền thống với trung tâm là Tam Giáo: Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian luôn coi trọng việc thờ cúng ông bà tổ tiên, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, biết ‘uống nước nhớ nguồn’, ‘ăn quả nhớ người trồng cây’. Trong đó Phật giáo du nhập vào nước ta sớm nhất, cách đây trên 2000 năm, trước cả Phật giáo Trung Quốc, nên cũng có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của người dân.

Thế nên truyền thống tín ngưỡng kính Trời, kính Phật, thờ Thần đã ăn sâu vào dòng máu Việt. Tuy nhiên đã có chính thì có tà, đã có Phật thì có ma, đã có người thì có quỷ, đã có chính đạo thì có tà đạo, đã có chánh kiến thì có tà kiến, đã có quân tử thì có tiểu nhân, đã có người xả thân vì nước thì cũng có kẻ bán nước cầu vinh, đã có người vì nghĩa quên thân thì cũng có kẻ vì tiền tài mà mờ mắt.

Xã hội nhân loại vốn thế, con người sống trong cõi mê, thật giả lẫn lộn, chỉ có thể dựa vào lý trí tỉnh táo mới phân biệt được. Vì cái giả thiện nói giống như cái thiện nên mới lừa được người ta. Ví như một việc có trăm điều thì 99 điều thiện và trộn 1 điều giả thiện vào thì việc đó vẫn là ác. Tại sao? Cũng giống như một nồi canh thơm ngon, toàn thứ tốt lành cả, nhưng đổ một thìa thuốc độc vào thì nó chính là nồi thuốc độc. Nồi canh độc đó, mặc dù trông vẫn là nồi canh, nếm vẫn thơm ngon, nên mới lừa được người ăn, mà ăn vào trúng độc, tàn hại biết bao nhiêu người.

Trước khi niết bàn, Đức Phật Thích Ca căn dặn các đệ tử rằng: “Dĩ giới vi sư”, nghĩa là hãy lấy giới luật làm thầy. Có lẽ Ngài biết rõ rằng sau khi Ngài niết bàn thì có những người hoặc vô tình, hoặc cố ý mà làm loạn Pháp. Một trong những điều giới luật đó là “không tồn tiền, tồn vật”. Thế nên, những người tu hành theo pháp môn của Phật mà không làm theo lời Phật, cúng bái, dâng sao giải hạn, tiêu tai trừ tà để kiếm tiền ‘cúng dường’ thì có thực sự là đệ tử của Phật không? Do đó chân tu, giả tu có thể phân biệt được.

Sau khi Đức Phật nhập niết bàn khoảng 300 năm là thời đại vua A Dục. Khi đó Phật giáo rất phát triển, dân chúng cúng dường nhiều, rất nhiều tín đồ các tôn giáo khác vì tham cúng dường nên đã tự xưng là tăng nhân Phật giáo, trà trộn lẫn vào trong tăng đoàn. Họ coi thường giới luật, vượt khỏi quy phạm của tăng đoàn, đồng thời thường đưa ra kiến giải của bản thân đối với Pháp và giáo nghĩa của Phật giáo. Vua A Dục cùng các cao tăng thanh lọc những người này, nhưng vẫn còn khoảng 300 người giỏi biện luận, thuộc kinh sách, không cách nào đuổi đi được. Đó cũng là ý nghĩa câu nói trong dân gian: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Nếu không tu cái tâm, buông bỏ những danh vọng, địa vị, chức quyền, tiền tài, và những lời tán dương chốn thế tục thì thiên kinh vạn điển cũng chỉ là hư giả.

Thời còn tại thế, để giúp các đệ tử phân biệt chính đạo với tà đạo, Đức Phật giảng trong Kinh Tăng Chi Bộ rằng:

“Đừng tin tưởng vào một điều gì vì phong văn. Đừng tin tưởng điều gì vì vin vào một tập quán lưu truyền.

Đừng tin tưởng điều gì vì cớ được nhiều người nói đi nhắc lại. Đừng tin tưởng điều gì dù là bút tích của Thánh nhân.

Đừng tin tưởng điều gì dù thói quen từ lâu khiến ta nhận là điều ấy đúng.

Đừng tin tưởng điều gì do ta tưởng tượng ra lại nghĩ rằng một vị tối linh đã khai thị cho ta.

Đừng tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ vin vào uy tín của các thầy dạy các người.

Nhưng khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là đáng chê; Các pháp này bị các người có trí quở trách; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời hãy từ bỏ chúng.

Nhưng chỉ tin tưởng cái gì mà chính các người đã từng trải, kinh nghiệm và nhận là đúng, có lợi cho mình và người khác. Chỉ có cái đó mới là đích tối hậu thăng hoa cho con người và cuộc đời. Các người hãy lấy đó làm chỉ chuẩn”.

Xưa thầy trò Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh, các đồ đệ đều thần thông quảng đại mà còn đi nhầm vào chùa Tiểu Lôi Âm. Thế nên người tín Phật chỉ có thể chiểu theo lời dạy của Đức Phật thì mới phân biệt được chân tu với giả tu, chính đạo với tà đạo, chùa Lôi Âm thật và Lôi Âm giả, từ đó bước đi cho chính trên con đường hướng tới tương lai của mình, tránh bị cái giả thiện lừa gạt để rồi phải ôm nỗi hận thiên thu.

Bạch Nhật


[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/di-chua-online-rot-cuoc-ngoi-chua-nao-moi-co-phat-day_e10be2d3b.html"]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét