Người ta nói rằng, Trung Quốc có hai người rưỡi là Thánh nhân: một người là Khổng Tử, một người là Vương Dương Minh, một nửa còn lại là Tăng Quốc Phiên.
Tăng Quốc Phiên xuất thân bình thường, tư chất bình thường, nhưng ông lại thông qua pháp môn đặc biệt của riêng minh, không ngừng tinh tấn. Lập đức lập công lập ngôn, trở thành sự tồn tại sánh ngang thánh nhân. Sở dĩ Tăng Quốc Phiên có thể đạt được thành tựu to lớn như vậy, điều này không thể tách rời với phương thức tư duy của ông.
Muốn có được một thành tựu to lớn, cần phải loại bỏ ba loại tư duy thấp.
Tư duy thấp thứ nhất: Độc chiếm lợi ích, ăn một mình
Một người muốn thành tựu đại sự chắc chắn cần phải có thiên thời địa lợi và nhân hòa. Thiên thời địa lợi phải dựa vào vận may, chỉ có nhân hòa là bản thân có thể tự nắm bắt được. Chia tài người tụ, tụ tài người đi.
Muốn đoàn kết những người có năng lực lại với nhau, cùng hướng về một mục tiêu mà cố gắng thì cần phải biết phân phát tiền của. Trước khi Tương quân công đánh Nam Kinh, chiếm được một thành trì quan trọng cuối cùng là An Khánh, trận huyết chiến này do Tăng Quốc Phiên một tay lên kế hoạch, tận tâm tận lực thực hiện.
Nhưng trong tấu chương mà Tăng Quốc Phiên dâng lên triều đình lại đem công lao của kế hoạch thắng lợi này nhường cho Hồ Lâm Dực, đem công lao huyết chiến nơi tiền tuyến nhường cho Đa Lộc A.
Làm quan mấy chục năm, ông luôn biết cách nhường lại lợi ích, phân chia lợi ích, giúp đỡ người khác, nâng đỡ người khác. Vì vậy dưới trướng Tương quân có vô số nhân tài tề tựu, Tăng Quốc Phiên cũng vì vậy mà lập được công lao to lớn trong việc giữ gìn đất nước thái bình.
Sau khi Hàn Tín bình định Tề vương, liền kêu Lưu Bang phong ấn, hy vọng trở thành “Tề Vương giả”. Lưu Bang nói: "Tề vương giả là sao chứ, muốn làm thì phải làm Tề vương thật". Không ngờ Lưu Bang thật sự đem nước Tề phong cho Hàn Tín. Từ đó Hàn Tín trung thành không thay lòng, chinh chiến giành thiên hạ cho Lưu Bang.
Tăng Quốc Phiên nói: "Lợi khả cộng nhưng bất khả độc". Nghĩa là lợi ích có thể cùng nhau hưởng nhưng không thể độc chiếm một mình. Ai cũng khao khát có được lợi ích, nhưng không thể độc chiếm lợi ích, chỉ khi một người biết phân chia lợi ích thì mới có thể thành tựu được sự nghiệp to lớn.
Tư duy thấp thứ hai: Thiếu mất suy nghĩ độc lập, chạy theo đám đông một cách mù quáng
Tăng Quốc Phiên nói: Đừng làm chuyện lợi lâu, đừng đến nơi mọi người tranh giành. Không nên làm những chuyện đã duy trì được lợi ích rất lâu, không nên đến những nơi mà mọi người đang tranh giành. Nhìn thấy người khác làm cái gì, mình cũng làm theo cái đó, cả đám người vây quanh một tổ ong, chỉ khiến cục diện ban đầu trở nên tồi tệ hơn.
Vào thế kỷ trước, người Mỹ phát hiện ra một mỏ vàng tại miền Tây nước Mỹ. Nhóm người đãi vàng đầu tiên đãi được đầy ắp túi mang về, nhóm người đãi vàng thứ hai cũng có một chút thu hoạch, đợi đến nhóm người đãi vàng thứ ba, thứ tư đi vào trong mỏ, thu hoạch không còn bao nhiêu cả. Nhóm người đãi vàng cuối cùng thậm chí còn không kiếm được tiền lộ phí để quay về.
Nhưng có một số người thì lại nhìn thấy được cơ hội thương mại từ những người đãi vàng, họ không đi xuống sông đãi vàng, họ chỉ bán nước uống và dụng cụ đãi vàng, vì vậy mà giàu to.
Trong Chu Dịch có nói: "Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu". Câu này có nghĩa là khi một sự vật đi đến mức độ tột cùng của nó thì buộc phải thay đổi sang một trạng thái khác, chỉ có biến đổi thì sự vật mới phát triển một cách thuận lợi, rồi mới phát triển lâu dài được.
Chỉ khi một người biết cách ứng biến theo hoàn cảnh và tình huống thì mới có thể đạt được lợi ích. Đừng chạy theo đám đông một cách mù quáng, đừng thấy người khác làm gì rồi bắt chước làm theo. Đối mặt với hoàn cảnh phức tạp, cần phải có một đầu óc tỉnh táo, học cách suy nghĩ độc lập, thì mới có thể từ trong hoàn cảnh hỗn loạn mà tạo ra một thế giới mới của riêng mình.
Tư duy thấp thứ ba: Chỉ nhìn vào lỗi lầm của người khác, không nhìn thấy ưu điểm của người khác
Tăng Quốc Phiên nói: “Đừng lấy việc xấu nhỏ mà bỏ đi cái đẹp lớn của người, đừng lấy ân oán nhỏ mà quên ơn nghĩa lớn của người”. Không nên vì lỗi lầm nhỏ của một người mà phủ định thành công và ưu điểm của người đó, đừng vì một chút ân oán nhỏ mà quên đi ơn nghĩa to lớn của người khác.
Có một nhân viên tham gia vào một dự án, anh đã phải bỏ ra thời gian nhiều ngày để làm ra một bản báo cáo tóm tắt rất đầy đủ. Bản báo cáo tóm tắt này dài mấy chục trang, khi anh đang giảng giải về bản báo cáo trong cuộc họp, thì có một đồng nghiệp phát hiện ra anh viết sai một chữ, vì thế đã nêu ra trước mặt mọi người.
Sau này người đồng nghiệp này tham gia một dự án khác, một lần thức cả đêm để làm ra một bản kế hoạch, bản thân anh cảm thấy rất hài lòng. Kết quả ngày hôm sau, chỉ vì một số liệu không quan trọng mà dẫn đến sai sót, bị quản lý phê bình thậm tệ.
Người xưa nói: Vì yêu thích mà biết được khuyết điểm của người, vì căm ghét mà biết được cái đẹp của người, thiên hạ mấy ai làm được.
Khi một người có thể phát hiện ra khuyết điểm của người khác trong một sự việc tốt đẹp, và cũng phát hiện ra ưu điểm của người khác trong sự việc không tốt đẹp, thì mới có thể đối đãi một cách bình đẳng không thành kiến, không vì một khuyết điểm nhỏ của người khác mà phủ định mọi ưu điểm của người khác.
Khuyết điểm cần phải né tránh, ưu điểm cần phải học tập, tuyệt đối không dùng quan điểm phiến diện để đánh giá toàn diện tổng thể, chỉ trích người khác một cách cực đoan.
Học cách khoan dung với người khác, khen ngợi người khác, thì mới thực sự là biểu hiện của một người trưởng thành.
Theo Vision Times
Châu Yến biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét