Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đang đẩy lùi các hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc gần Đài Loan và ở Biển Đông trong một buổi phỏng vấn với tờ Washington Times.
Trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn và các cuộc xâm nhập bằng chiến đấu cơ mang tính khiêu khích gần Đài Loan nhằm đáp trả chuyến thăm chính thức hòn đảo này của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tuần trước. Quân đội Trung Quốc (PLA) đã bắn 4 tên lửa cảnh cáo xuống Biển Đông vào hai tuần trước, và trong tuần trước PLA cũng đã đăng một video mô phỏng chiến đấu cơ Trung Quốc thả bom xuống đảo Guam của Mỹ.
Khi được hỏi về những căng thẳng đang gia tăng giữa hai nước trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Washington Times, ông Pompeo đã đổ lỗi cho các chính sách [của các chính quyền khác] trong quá khứ mà ông cho là đã phớt lờ các hoạt động đe dọa của Bắc Kinh. Ông ám chỉ Washington cũng đã sẵn sàng mở rộng cuộc tấn công chống lại các doanh nghiệp internet Trung Quốc hoạt động ở Mỹ đồng thời tìm cách đóng cửa hoàn toàn mạng lưới Viện Khổng Tử vào cuối năm nay.
“Những gì nước Mỹ đã làm trong nhiều thập niên là chúng ta đã cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện các hành vi đe dọa hoặc gây rối, bao gồm các hoạt động kinh tế mang tính săn mồi, và họ vẫn tiếp tục mở rộng sức mạnh và nanh vuốt của mình tại đây”, ông nói. “Rủi ro lớn nhất khi giao thiệp với Đảng Cộng sản Trung Quốc là tiếp tục xoa dịu họ”.
Ông Pompeo đã trích dẫn phản ứng của Tổng thống Trump trước vấn đề này, rằng “Quá đủ rồi. Chúng ta sẽ không để điều này tiếp diễn”.
Vị ngoại trưởng cho biết trong cuộc phỏng vấn rằng các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cần phải nhìn thấy tính nghiêm túc của chính quyền Trump và cam kết của ông Trump trong việc đẩy lùi chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.
“Chúng tôi theo dõi các hoạt động quân sự này và chúng tôi đang chuẩn bị”, ông Pompeo nói. “Tổng thống Trump đã nói rất rõ ràng: Chúng tôi không muốn xung đột với Trung Quốc. Họ nói rằng họ cũng không muốn xung đột với chúng tôi. Chúng tôi hy vọng họ sẽ giảm bớt những gì họ đang làm để tạo ra tình trạng căng thẳng này”.
Việc Trung Quốc gia tăng các lời lẽ đe nạt đã khiến một số quan chức Mỹ lo ngại, khi họ coi các hành vi này là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một số hành động quân sự nào đó. Tờ Thời báo Hoàn cầu - cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ - đã cảnh báo trong một bài xã luận vào tuần trước rằng một loạt các cuộc tập trận gần Đài Loan có thể là màn dạo đầu cho một cuộc tấn công vào hòn đảo này.
Hoa Kỳ có nghĩa vụ bảo vệ Đài Loan trước sự tấn công của đại lục theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, đạo luật này cũng cho phép Mỹ bán vũ khí phòng thủ cho Đài Loan.
Chính quyền Trump gần đây đã chính thức bật đèn xanh cho thỏa thuận bán 66 máy bay phản lực F-16 mới cho Đài Loan trong một thỏa thuận đã bị trì hoãn từ lâu trị giá 8 tỷ USD. Theo báo cáo, các vũ khí bán bổ sung cho Đài Loan bao gồm một loại tên lửa tấn công cấp cao gọi là Tên lửa tấn công mặt đất chờ sẵn, hay SLAM-ER, một tên lửa hành trình phóng từ trên không có khả năng đánh trúng các mục tiêu ở Trung Quốc đại lục.
Đấu tranh cho tự do
Ông Pompeo cho biết Mỹ quyết tâm chống lại các hành vi bành trướng của Trung Quốc thông qua các biện pháp đáp trả trên các mặt kinh tế, ngoại giao và quân sự.
“Chúng tôi đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông và các nơi khác theo những cách mà chưa có chính quyền nào làm được trước đây”, ông cho hay.
“Chúng tôi sẽ đứng lên đấu tranh cho tự do, cho quyền lợi của người Mỹ trong việc đảm bảo rằng chúng tôi có thể giao thương hàng hóa đến bất cứ nơi nào chúng tôi cần bằng các tuyến đường thủy quốc tế. Đó là những điều mà Tổng thống Trump đã yêu cầu, và tôi hy vọng ĐCSTQ sẽ nhìn nhận chúng theo đúng nghĩa của chúng: một lời tuyên bố rõ ràng về các quyền cơ bản của Mỹ và ý nguyện sẵn sàng của chúng tôi trong việc xây dựng một liên minh nhằm bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Ông Pompeo cho biết việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, vốn luôn bị Trung Quốc coi là một phần thuộc địa của mình, là được phép theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan.
“Chúng tôi đang làm những điều này theo những cách thức để nhấn mạnh rằng trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hai nước, Trung Quốc và Hoa Kỳ, những cam kết mà chúng ta đã đưa ra, những lời hứa mà chúng ta đã nói, sẽ được thực hiện”, ông nói.
Ông Pompeo cho biết một trong những thách thức trong việc ngăn chặn Trung Quốc là Bắc Kinh “chưa bao giờ bị buộc phải chịu trách nhiệm cho những lần thất hứa của mình”.
“Hiện tại chúng ta đang thấy những lần thất hứa đó tiếp diễn. Họ đã hứa với Tổng thống Obama rằng họ sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Họ vẫn làm vậy. Họ đã hứa với Hồng Kông rằng họ sẽ duy trì một hệ thống [tự trị] khác với đại lục trong vòng 50 năm và giờ họ đã phá vỡ lời hứa đó. Danh sách [những lần thất hứa] kéo dài”, ông cho hay.
Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc là tạo sức ép buộc ĐCSTQ tuân theo những lời hứa và cam kết của mình.
“Điều này cũng áp dụng với trường hợp Đài Loan”, vị Ngoại trưởng cho hay.
Ông Pompeo cũng đề cập đến lệnh cấm gần đây của tổng thống Trump đối với hai ứng dụng phổ biến của Trung Quốc là TikTok và WeChat. Lệnh cấm này được ban hành vì lo ngại rằng tình báo Trung Quốc đang sử dụng các phần mềm này để thu thập dữ liệu cá nhân của người Mỹ. Vấn đề là Trung Quốc có thể ăn cắp dữ liệu của người dùng Mỹ trên Internet khi dữ liệu này đi qua các mạng lưới nằm trong quyền sở hữu của các công ty Trung Quốc.
Ông Pompeo nói, tất cả các doanh nghiệp Trung Quốc phải chuyển tất cả thông tin cho “bộ máy an ninh quốc gia Trung Quốc”.
Bên cạnh WeChat, dịch vụ nhắn tin và giao dịch tài chính của Trung Quốc, chính phủ Mỹ cũng đang xem xét áp thêm lệnh cấm đối với một số ứng dụng khác của Trung Quốc.
Ông Pompeo nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi không phải là từ chối các hoạt động thương mại của Trung Quốc, mà là bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ và thông tin cá nhân của người Mỹ.
Một thẩm phán liên bang ở California đã ban hành lệnh chặn tạm thời đối với quyết định cấm WeChat của chính quyền Trump. TikTok, một trang web chia sẻ video phổ biến với người dùng Internet trẻ tuổi, đang đàm phán bán một phần hoạt động kinh doanh cho các công ty Mỹ dưới áp lực của chính quyền Trump.
Trên WeChat, ông Pompeo nói: “Chúng tôi nghĩ rằng họ [thẩm phán California] đã làm sai luật và chúng tôi hy vọng rằng vấn đề an ninh trọng đại mang tính quốc tế này sẽ không được quyết định tại tòa. Đây là điều mà tổng thống có toàn quyền thực hiện, và chúng tôi hy vọng rằng cuối cùng chúng tôi sẽ giành ưu thế ở đó”.
Người Mỹ cần được đảm bảo rằng việc giao tiếp và tương tác trực tuyến trên mạng sẽ không khiến thông tin của họ bị các cơ quan tình báo Trung Quốc đánh cắp, ông nói thêm.
Đóng cửa Viện Khổng Tử
Hàng loạt Viện Khổng Tử đã được thành lập trên khắp thế giới trong hơn một thập niên qua để quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, thông qua các lớp học và sách giáo khoa do viện này cấp. Cơ sở đầu tiên được thành lập tại Seoul, Hàn Quốc, năm 2004. Tính đến 2018, Trung Quốc đã thành lập 548 viện và gần 2.000 phòng học Khổng Tử ở 154 quốc gia, phần lớn các cơ sở nằm trong khuôn viên các trường đại học hoặc các tổ chức ở nước ngoài, theo SCMP.
Nhiều quốc gia cho rằng mạng lưới các viện Khổng Tử là "công cụ quan trọng để Trung Quốc quảng bá hình ảnh và sức mạnh mềm của mình". Một loạt các trường đại học Mỹ đã đóng cửa Viện Khổng Tử trong những năm gần đây, trong bối cảnh lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền giáo dục Mỹ. Các nước Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Thụy Điển cũng đóng cửa Viện Khổng Tử tại các nước này.
Ông Pompeo cho biết chính quyền Trump đang nỗ lực đóng cửa tất cả các viện này tại Mỹ, có thể sớm nhất là vào cuối năm nay.
“Chúng tôi bắt đầu bằng cách sửa lại cho đúng những gì mà chính quyền trước đó đã làm sai bằng cách chỉ điểm các tổ chức này rõ ra và thông báo cho các trường học và cơ sở giáo dục Mỹ có liên kết với chúng biết những rủi ro mà chúng gây ra cho họ”, ông nói.
Kết quả của nỗ lực này là, một số trong hơn 100 Viện Khổng Tử đã bị đóng cửa.
“Chúng tôi cũng đang xem xét các lựa chọn khác,” ông Pompeo nói. “Tổng thống đang xem xét các lựa chọn khác để có chắc chắn rằng không ai chịu ảnh hưởng của các Viện Khổng Tử này”.
Ông Pompeo nói, các Viện Khổng Tử tuyên bố chỉ dạy tiếng Quan Thoại hoặc văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, các viện này đã được sử dụng cho các hoạt động gây ảnh hưởng và đã được Bộ Tư pháp liên kết với ít nhất một trường hợp dính líu đến chương trình tuyển dụng tài năng công nghệ bất hợp pháp của Trung Quốc, ông nói.
“Chính quyền Trump sẽ không dung thứ cho điều này”, ông Pompeo cho hay.
Vị ngoại trưởng cho biết, quyết định gần đây của chính quyền Trump nhằm chặn thị thực của khoảng 1.000 sinh viên có liên quan đến “chương trình kết hợp quân sự-dân sự” của Trung Quốc và việc đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là những ví dụ điển hình cho các hoạt động gián điệp công nghệ của Trung Quốc.
Tác động bầu cử
Ông Pompeo cũng cảnh báo rằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới là “một thách thức thực sự”.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr và Giám đốc Tình báo Quốc gia John Ratcliffe đã cảnh báo rằng Trung Quốc, cùng với Nga và Iran, đang cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sắp tới.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ hoạt động khác với các nước khác trong việc cố gắng tác động đến kết quả bầu cử của chúng ta,” ông Pompeo nói, “nhưng họ cũng không kém phần nghiêm túc trong ý định tác động, gây ảnh hưởng của họ, để thu được kết quả phù hợp với mục đích của Trung Quốc chứ không phải của những cử tri ở đây ở Hoa Kỳ”.
Phó Tổng thống Mike Pence cho biết hồi năm 2018 rằng Trung Quốc đã tiến hành một nỗ lực chưa từng có để can thiệp vào cuộc bầu cử trước đó và đang nhắm vào việc hạ bệ tổng thống Trump trong năm nay. Ông nói: “Trung Quốc muốn có một vị tổng thống Mỹ khác”.
Ông Pompeo cho biết ông tin tưởng rằng chính phủ Mỹ sẽ bảo vệ cuộc bầu cử và mang lại một cuộc bầu cử tự do, công bằng, an toàn vào tháng 11 tới.
"Tôi tin rằng chúng tôi sẽ làm được điều đó, nhưng ý định của Trung Quốc chắc chắn là can thiệp mạnh đến cuộc bầu cử của chúng tôi”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét