Chủ tịch tập đoàn Huawei, ông Lương Hoa, cảnh báo rằng công ty của ông có thể sẽ rút khỏi thị trường phương Tây, giữa bối cảnh nếu họ tiếp tục đối mặt với các hạn chế, theo BBC.
Huawei hiện đang bị giám sát bởi rất nhiều chính phủ ở các nước phương Tây, do lo sợ sản phẩm của hãng có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, ông Lương nói rằng Huawei có thể sẽ di chuyển tới những quốc gia mà ở đó "chúng tôi được chào đón hơn". Đồng thời ông Lương cũng nhấn mạnh rằng Huawei luôn tuân thủ các quy định tại những nơi mà họ đặt chi nhánh.
Huawei chuyên sản xuất điện thoại thông minh nhưng cũng là nhà sản xuất các thiết bị viễn thông lớn, đặc biệt là thiết bị cho mạng điện thoại di động 5G. Mặc dù vậy thiết bị của Huawei bị các nước như Mỹ, Anh, Canada, Úc và Đức đặt nghi vấn an ninh.
Quan ngại an ninh
Huawei đã bị cấm đấu thầu một số dự án của chính phủ Mỹ. Giới tình báo của Hoa Kỳ nghi ngờ nhà sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi, có mối quan hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tháng trước, British Telecom (Viễn thông Anh - BT) xác nhận các thiết bị của Huawei đã bị loại bỏ khỏi hệ thống liên lạc được phát triển cho các dịch vụ khẩn cấp tại Anh. Trong khi đó, Đức đang xem xét việc loại Huawei ra khỏi danh sách các nhà cung cấp thiết bị cho thế hệ mạng điện thoại di động thế hệ kế tiếp (5G) của nước này.
Mặc dù thế, theo BBC, Huawei một mực khẳng định mình là một công ty tư nhân, thuộc sở hữu nhân viên và không có mối quan hệ nào với chính quyền Trung Quốc.
Ba Lan gần đây đã cho bắt hai người, một công dân Ba Lan, và một người Trung Quốc tên là Vương Vệ Tinh, giám đốc đại diện cho một bộ phận của Huawei ở nước này và từng làm việc trong Lãnh sự quán TQ ở Gdansk (Ba Lan), với cáo buộc hoạt động gián điệp.
Xung đột Canada-Trung Quốc
Hồi tháng 12/2018, bà Mạnh Vãn Châu, con gái nhà sáng lập Huawei, đã bị Canada bắt giam và đối mặt với việc bị dẫn độ về Hoa Kỳ vì những cáo buộc công ty đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Cách đây ít hôm, Canada tuyên bố họ sẽ cho dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ. Ông Lương Hoa đã lên tiếng kêu gọi cần có "kết luận nhanh" đối với trường hợp của bà Mạnh để bà có thể được trả lại "tự do cá nhân".
Ông cũng nhắc lại tuyên bố của công ty rằng việc Bắc Kinh cho bắt giữ hai công dân Canada, được nhiều người cho là một cách trả thù vụ bắt giữ bà Mạnh, "không liên quan gì đến Huawei".
Truyền thông quốc tế hôm thứ Ba (22/1) nói có hơn một trăm nhà ngoại giao, học giả và các nhà hoạt động đã viết một là thư ngỏ gửi tới Chủ tịch Tập Cận Bình để kêu gọi trả tự do cho hai người Canada đang bị giam giữ tại Trung Quốc.
Hai ông Michael Kovrig và Michael Spavor đã bị chính quyền Trung Quốc cho bắt vào cuối năm ngoái, ngay sau khi CFP của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ tại Vancouver vào ngày 1/12.
Trong những người ký vào lá thư ngỏ gửi ông Tập có bốn cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc các thời kỳ và hai cựu đại sứ Mỹ, trong đó có ông Gary Locke, người Mỹ gốc Hoa đầu tiên đảm nhận vị trí này, và nhiều nhà ngoại giao khác của Bắc Mỹ và châu Âu.
Viễn Triết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét