Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019

Dấu ấn tuần qua: Trung Quốc đề xuất ‘điệu nhảy cũ’ tại Hồng Kông đối với Đài Loan

Dấu ấn tuần qua: Trung Quốc đề xuất ‘điệu nhảy cũ’ tại Hồng Kông đối với Đài Loan http://bit.ly/2QoV9qk

Hôm thứ Tư (2/1), tại Đại Lễ đường Nhân dân, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng tập trung vào vấn đề Đài Loan. Ngay lập tức, Đài Loan đã có những phản ứng cho thấy họ không muốn trở thành một trường hợp như Hồng Kông.

Năm 2019, là thời điểm Trung Quốc đánh dấu nhiều sự kiện lớn, 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, 30 năm thảm sát Thiên An Môn, 20 năm cuộc đàn áp Pháp Luân Công, 30 năm chiến tranh Trung-Việt và 40 năm quân đội Trung Quốc ngừng tấn công lực lượng vũ trang của Quốc Dân Đảng ở Đài Loan, và Quốc hội Trung Quốc công bố “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, bài phát biểu của ông Tập hôm thứ Tư chính là để kỷ niệm sự kiện này.

Thông điệp từ bài phát biểu của ông Tập

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập nói Đại Lục và Đài Loan là những thành viên của cùng một gia đình và "phải và sẽ" thống nhất. Ông cũng tuyên bố, việc Đài Loan đứng tách ra là "một dòng chảy ngược trong lịch sử và sẽ đi vào ngõ cụt". Dường như để cho người Đài Loan 'yên tâm', ông Tập trấn an, "người Trung Quốc không đánh người Trung Quốc" và "người Trung Quốc sẽ giúp đỡ nhau".

Ông Tập chỉ ra rằng sự trở về với Đại Lục của Đài Loan là một xu thế tất yếu, “Đất nước ngày càng lớn mạnh, dân tộc đang phục hưng và sự thống nhất giữa hai bờ eo biển [Đài Loan] là xu hướng tất yếu của lịch sử”. Ông cũng nói rằng không có lý do gì để Đài Loan trì hoãn việc trở về với 'đất mẹ', và việc viện dẫn sự khác biệt về chế độ chính trị để không trở về 'nhà' là điều phi lý, đồng thời nếu trở về thì người dân xứ đảo vẫn được sống với đầy đủ quyền lợi đã có từ trước.

“Chế độ khác biệt không phải là rào cản cho việc thống nhất, thậm chí chúng cũng không phải là cái cớ cho sự ly khai. Tài sản riêng, tín ngưỡng, quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào Đài Loan sẽ vẫn được bảo đảm đầy đủ”, ông Tập nhấn mạnh.

[caption id="attachment_1076195" align="aligncenter" width="488"] Một người phụ nữ đi ngang qua một Tivi chiếu hình ảnh ông Tập đang đọc bài phát biểu về Đài Loan. (Ảnh: AFP)[/caption]

Ông Tập cũng cảnh báo rằng các thế lực bên ngoài nên từ bỏ ý định can thiệp vào việc giữ nguyên trạng đôi bờ, “một thực tế hợp pháp là cả hai bờ eo biển Đài Loan đều thuộc về một Trung Quốc và [điều này] không thể bị thay đổi bởi bất kỳ ai hay thế lực nào”.

Thông qua bài phát biểu của mình, ông Tập nhắc lại thông điệp của Bắc Kinh đối với Đài Bắc rằng, chính quyền Trung Quốc sẽ không loại trừ việc sử dụng vũ lực để buộc Đài Loan phải trở về với Đại Lục, “Chúng tôi không hứa [sẽ] từ bỏ việc sử dụng vũ lực, đồng thời bảo lưu phương án sử dụng mọi biện pháp cần thiết để chống lại các thế lực bên ngoài với ý đồ can thiệp vào tiến trình thống nhất hòa bình [đôi bờ eo biển], cũng như các động thái [nhằm] tạo cơ sở cho Đài Loan độc lập”.

Phản ứng của Đài Loan

Năm 1997, Vương quốc Anh trao Hồng Kông cho Trung Quốc với điều kiện thành phố này phải được hưởng các quyền tự do dân chủ. Khi đó Bắc Kinh cam kết đảm bảo điều kiện đó với quy chế đặc biệt: "Một nhà nước, hai chế độ". 

Tờ Liberty Times cho hay, một cuộc khảo sát của Đại học Hồng Kông năm 1997 cho thấy 45,5% người dân của hòn đảo bày tỏ sự tin tưởng vào "một quốc gia hai chế độ", tuy nhiên với số người tương tự được hỏi vào cuối năm 2018, thì chỉ còn lại chưa tới 1% trả lời rằng còn tin vào khẩu hiệu này của Bắc Kinh.

[caption id="attachment_1076196" align="aligncenter" width="530"] Một cuộc biểu tình trong phong trào "cây dù", năm 2014, đòi các quyền cơ bản cho người dân Hồng Kông. (Ảnh: Getty)[/caption]

Trường hợp của Hồng Kông khó có thể là một ví dụ truyền cảm hứng cho người Đài Loan chấp nhận trở về với Trung Quốc. Ngay sau bài phát biểu của chủ tịch Trung Quốc, tổng thống Đài Loan đã bày tỏ mong muốn duy trì nguyên trạng đôi bờ eo biển. "Tôi muốn kêu gọi [chính quyền] Trung Quốc nhìn thẳng vào thực tế về sự tồn tại của [nhà nước] Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan", bà Thái nói, và Trung Quốc nên "tôn trọng quan điểm nhất quán của 23 triệu người [Đài Loan] đối với tự do và dân chủ, và phải sử dụng hòa bình, và sự tôn trọng để xử lý những khác biệt của chúng tôi".

Nữ tổng thống cho rằng bà có sứ mạng phải bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan: “Với tư cách là nhà lãnh đạo được dân bầu [trong một môi trường] dân chủ, tôi phải bảo vệ nền dân chủ, tự do và đời sống của [người dân] chúng tôi”.

Khi nói về vấn đề Đài Loan, chính quyền Trung Quốc thường viện dẫn tới "Đồng thuận 92", một thuật ngữ mà chính trị gia Tô Khởi của Quốc dân Đảng dùng để gọi về một thỏa thuận đạt được trong một cuộc họp giữa những đại diện không chính thức của Đài Loan và Trung Quốc tháng 11/1992, trong đó đề cập tới việc hai bên thống nhất chỉ có "một Trung Quốc. "Đồng thuận 92" sau đó được hai bên giải thích khác nhau, tất nhiên Bắc Kinh muốn dùng "Đồng thuận 92" như một bằng chứng để nói rằng Đài Loan thừa nhận mình là một phần của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều chính trị gia thuộc đảng Dân Tiến không thừa nhận "Đồng thuận 92", và bà Thái, nguyên chủ tịch của đảng này, đã nhiều lần bác bỏ nó. Nhưng điều quan trọng là không chỉ những chính trị gia thuộc đảng Dân Tiến không thừa nhận "một Trung Quốc" mà đa số người dân Đài Loan cũng không thừa nhận điều này.

Theo Taiwan News, một cuộc khảo sát qua điện thoại do Hiệp hội chính sách xuyên eo biển thực hiện từ ngày 27-28/12/2018 cho thấy 84,1% người Đài Loan được hỏi không chấp nhận "Đồng thuận 92". Cuộc khảo sát còn chỉ ra 45,1% người Đài Loan được hỏi không tin rằng tồn tại cái gọi là "đồng thuận", và hơn 50% số người cho biết không thực sự rõ ràng về ý nghĩa của thuật ngữ này.

[caption id="attachment_1076194" align="aligncenter" width="595"] Người Đài Loan cầm những tờ giấy ghi "Đài Loan không phải Trung Quốc". (Ảnh: Ken Lin)[/caption]

Thế giới sẽ đứng bên Đài Loan?

Với sự phản ứng mạnh mẽ sau bài phát biểu của ông Tập, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã nhận được sự ủng hộ tăng cao của người dân trong một cuộc khảo sát trực tuyến, theo Taiwan News.

Quan điểm của bà Thái và những chính trị gia ủng hộ việc giữ nguyên trạng đôi bờ eo biển cũng nhận được sự tán đồng từ Hồng Kông. Nhà bình luận nổi tiếng Hồng Kông Lưu Duệ Thiệu gọi lời đề nghị "một nhà nước hai chế độ" là "giai điệu và điệu nhảy cũ" của chính quyền Trung Quốc. Ông Lưu cũng cho rằng việc Bắc Kinh muốn áp dụng "giai điệu và điệu nhảy xưa" từng dùng cho Hồng Kông đối với nền dân chủ Đài Loan là không thích hợp.

[caption id="attachment_1076304" align="aligncenter" width="549"] Một cuộc biểu tình yêu cầu dân chủ của người Hồng Kông năm 2014. (Ảnh: AFP)[/caption]

CNA đưa tin, một số nghị sỹ Mỹ cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Đài Loan và kêu gọi Bắc Kinh dừng đe dọa quân sự chống lại Đài Bắc. Thượng nghị sỹ John Kennedy, viết trên Twitter: "Cách tiếp cận khiêu khích của Trung Quốc đối với Đài Loan có nguy cơ gây ra sự mất ổn định của khu vực và thể hiện sự thiếu tôn trọng của Trung Quốc đối với các nền dân chủ trên thế giới".

Hạ nghị sỹ Ted Yoho cho biết hôm thứ Sáu (4/1) trên Twitter rằng sự ủng hộ của Nghị viện Hoa Kỳ đối với Đài Loan vẫn "không lay chuyển", và "tính hợp pháp của Đài Loan là một sự thật hiển nhiên".

"Mỹ cần phải tuân thủ cam kết lâu dài của chúng ta với Đài Loan và đảm bảo họ không bị cô lập", hạ nghị sỹ Don Bacon viết hôm thứ Tư, ngay sau bài phát biểu của ông Tập.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan gia tăng trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với Bắc Kinh, trong khi có động thái tạo điều kiện cho Đài Bắc.

Khi mới trúng cử năm 2016, ông Trump đã tiếp nhận cuộc điện thoại chúc mừng của Tổng thống Thái Anh Văn, một động thái gây chấn động mối quan hệ Mỹ-Trung vì các tổng thống Mỹ chưa từng làm điều đó trong suốt 40 năm.

Vào tháng 3/2018, Tổng thống Trump ký ban hành đạo luật khuyến khích quan chức chính phủ Hoa Kỳ thăm viếng Đài Loan, và ngay trước thềm năm mới Tổng thống Trump đã ký đạo luật ARIA, cho phép bán vũ khí cho Đài Bắc. Cũng theo đạo luật này, Hoa Kỳ thể hiện cam kết đối với châu Á, tăng cường hiện diện trong khu vực, và một phần quan trọng là tiến hành các hoạt động tự do hàng hải cùng các đồng minh chống lại tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Viễn Triết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét