Năm 2018, giáo sư Tề Đông Phương cho ra đời cuốn sách "Hoa Vũ đại Đường Xuân" trong đó diễn giải về "Hà gia thôn di bảo", khiến cho việc nghiên cứu di sản của 'Hà gia thôn' được tiến thêm một bước, đồng thời cũng để cho nhiều người hiểu rõ hơn về di bảo này và hiểu thêm những phong tục, màu sắc của con người thời xưa.
"Hà gia thôn" là một địa danh hết sức phổ biến; hầu như nơi đâu trên đất nước Trung Hoa cũng có "Hà gia thôn". Nhưng nhắc đến "Di bảo Hà gia thôn", thì lại có nghĩa là một nhóm các di tích văn hóa độc nhất vô nhị trên thế giới. Mặc dù việc phát hiện và công bố di sản của Hà gia thôn đã qua gần nửa thế kỷ, nhưng các học giả và công chúng vẫn tràn đầy nhiệt huyết với các di tích văn hóa và bảo vật này.
Thông qua vật phẩm thời xưa, để thấy một thời kỳ lịch sử
Công trình mới này của Giáo sư Tề Đông Phương có cấu trúc và trọng tâm khác với các công trình liên quan trước đó. Ông chia lô di tích văn hóa này thành 5 bộ phận, lần lượt được đặt tên là "Ngọc thạch phẩm thứ", "Chân kim bạch ngân", "Dát hoa khắc kim", "Dị bảo kỳ trân" và "Kim thạch duyên niên". Ba bộ phận đầu tiên chủ yếu giới thiệu các báu vật từ ngọc thạch, tiền vàng, kim ngân; hai bộ phận sau giới thiệu các di tích với văn hóa độc đáo kỳ lạ, cùng với các vật phẩm đi theo văn hóa Đạo giáo. Kiểu phân loại này cho phép người đọc sách hiểu rõ ràng về diện mạo tổng thể của quần thể di bảo, đồng thời cũng phản ánh ý nghĩa và mức độ phong phú của chúng.
Trong mỗi phần, các mô tả vẫn dựa trên một nhóm hiện vật chủ đạo, nhưng không có nghĩa chỉ đơn thuần giới thiệu ngắn gọn về các di tích văn hóa, mà tác giả làm đúng như từ "diễn giải" trong tiêu đề, nhìn thấu vật thể để biết về con người thời bấy giờ; do ông đã chú trọng nhiều vào phong cách của thời đại và ý thức tập thể được phản ánh trong các di tích văn hóa.
[caption id="attachment_1086681" align="aligncenter" width="600"] Đồng tiền vàng “Khai nguyên thông bảo” (Ảnh: sohu)[/caption]
Chẳng hạn, một đoạn trong sách đã nói về đồng tiền "Khai nguyên thông bảo", cung cấp những thông tin từ việc đúc tiền đến tục xưng tên của đồng tiền vàng này; ông còn bỏ nhiều công phu hơn để khám phá phương pháp chế tạo thủ công của đồng tiền trong thời Đường Huyền Tông. Một ví dụ khác là phần giới thiệu của ông về chiếc giỏ thơm đựng quả bồ đào với hoa văn bằng bạc hình hoa điểu, không chỉ là nêu rõ về nguyên lý sử dụng giỏ thơm, kiểu mẫu hoa văn, mà còn tiết lộ việc sử dụng hiệu quả và lý do xuất hiện của loại giỏ này trong thời đại đó.
Tác giả đã viết: "Thông qua một vật phẩm cổ xưa, bạn có thể thấy một kỷ nguyên xã hội." Di sản của Hà gia thôn còn chứa đựng rất nhiều thông tin về xã hội thời Đường. Thông qua giới thiệu của tác giả, người đọc không chỉ hiểu rõ hơn về tiền tệ và giỏ thơm thời Đường, mà còn khiến người đọc có thể đi sâu vào đời sống triều đình của nhà Đường, mang đến sự hiểu biết đa chiều về lịch sử. Đây cũng là giá trị chính yếu của cuốn sách này.
[caption id="attachment_1086682" align="aligncenter" width="424"] Giỏ thơm đựng quả bồ đào hoa văn hoa điểu bằng bạc (Ảnh: sohu)[/caption]
Tiến bộ mới và đột phá mới trong quan điểm học thuật
Từ quan điểm học thuật, cuốn sách này dung nạp không ít tinh túy của kết quả nghiên cứu cổ vật trong những thập kỷ gần đây, nhiều trong số đó là những đóng góp của chính tác giả. Đặc biệt là liên quan đến đồ vàng và bạc, một kiệt tác của tác giả Tề Đông Phương - "Nghiên cứu đồ vàng và đồ bạc thời nhà Đường" 20 năm trước vẫn có ý nghĩa định hướng quan trọng. Các di bảo bằng vàng và bạc trong kho báu của Hà gia thôn gồm có chén, ly có chân bằng bạc và bát vàng với hoa văn hoa sen. Tác giả đã từng thảo luận về chúng, chỉ ra các xuất xứ kỳ lạ và sự phát triển của hình dạng và quy trình tạo ra chúng; trong cuốn sách mới các thông tin này lại một lần nữa được nhắc lại, nhưng tác giả cũng bổ sung nhiều tiến bộ và đột phá trong nghiên cứu.
[caption id="attachment_1086683" align="aligncenter" width="508"] Bình nhỏ bằng bạc. (Ảnh: sohu)[/caption]
Một số di bảo được kể đến trong cuốn sách là những đồ dùng hàng ngày, chẳng hạn như các bình nhỏ bằng bạc được đề cập trong phần "Kim thạch duyên niên", được coi là một đồ dùng phổ biến trong cung đình thời nhà Đường. Tề Đông Phương chỉ ra rằng những chiếc bình bạc nhỏ này có kích thước nhỏ hơn 5cm so với những chiếc bình thông thường, miệng bình thường có nắp rất chặt, là một đặc điểm đặc trưng. Theo khái niệm thời Đường, các bình đựng bằng vàng và bạc thường để đựng thuốc, khiến cho thuốc tránh ẩm mốc, giữ được trong thời gian dài, những loại thuốc được đựng trong đó thường là thuốc quý như linh đơn, đan dược v.v..
Một số phần trong cuốn sách nói về nguồn gốc của các cổ vật, như đồng tiền Nhật Bản được đề cập trong phần "Dị bảo kỳ trân". Quách Mạt Nhược tiên sinh từng cho rằng đây là một cống phẩm do sứ quan nhà Đường khi qua Nhật Bản đã mang về vào năm thứ tư của vua Đường Huyền Tông. Tuy nhiên, sau khi đi sâu vào nghiên cứu, thời gian chôn cống phẩm này được cho là vào thời Đường Đức Tông. Trên cơ sở này, Giáo sư Tề Đông Phương cũng đề xuất rằng triều đại nhà Đường thường xuyên đưa các sứ quan tới Nhật Bản, tổng cộng mang về 5 đồng tiền, ước tính có thể trong khoảng thời gian 2 năm.
[caption id="attachment_1086684" align="aligncenter" width="600"] Đồng tiền Nhật Bản được sứ quan nhà Đường mang về (Ảnh: sohu)[/caption]
Chủ nhân của di bảo và truyền thuyết "Vô song truyện" thời Đường
Tất nhiên, điều quan trọng nhất cần bàn đến chính là nguồn gốc của di sản Hà gia thôn. Khi lô di tích văn hóa đầu tiên được công bố, nó từng được cho rằng thuộc về thái thú Vương Lý, người đã chôn số di bảo này trong vụ "An Sử loạn". Sau đó, ông Đoàn Bằng Kỳ đã đính chính lại rằng các di tích mới nhất trong di bảo Hà gia thôn thuộc về thời kỳ Đường Đức Tông, vị trí của chúng cũng không nằm trong vương phủ; khám phá này đã lật đổ tất cả những giả thiết trước đó. Năm 2003, Giáo sư Tề Đông Phương đã đề xuất những phát hiện mới.
Ông tin rằng những kho báu di sản này là kết quả của việc sơ tán một số vật phẩm trong quốc khố nhà Đường, do Đường Đức Tông cất giấu trong 4 năm xảy ra cuộc nổi loạn Kinh Nguyên. Quan điểm này đã gây ra một cuộc tranh cãi nhất định. Một số học giả tin rằng các bản ghi chép có liên quan của Lưu Chấn chủ yếu xuất phát từ tiểu thuyết nhà Đường - cuốn tiểu sử "Vô song truyện" - nên có độ tin cậy thấp. Một số học giả thì cho rằng di tích trong kho báu Hà gia thôn rất khó rơi vào tay quan viên. Kể từ đó, nhiều quan điểm mới xuất hiện, chẳng hạn như vật phẩm mang nét văn hóa Đạo giáo, di tích từ các xưởng thủ công v.v..
[caption id="attachment_1086685" align="aligncenter" width="600"] Ly bạc mạ vàng với hoa văn thị nữ đi săn (Ảnh: sohu)[/caption]
Giáo sư Tề Đông Phương gần như đều xét tới những quan điểm nói trên trong tác phẩm mới này. Ông đã kết hợp các tài liệu lịch sử và khảo cổ liên quan, vì cho rằng mặc dù những lập luận đó dựa trên những lý do nhất định, nhưng tất cả đều có những điểm không hợp lý và không thể không được xem xét kỹ lưỡng. Đó là vì nhiều học giả thảo luận về một số cổ vật trong di sản chưa xem xét đầy đủ sự xuất hiện tổng thể của di sản, vì vậy chúng đã bị sai lệch. Trên cơ sở đó, Giáo sư Tề nhấn mạnh vào phán đoán ban đầu trong tác phẩm mới và tin rằng chủ sở hữu có khả năng nhất của di sản này vẫn là Lưu Chấn, ngoài ra ông còn thêm vào một số cơ sở thông tin mới: Đầu tiên là miệng của những chiếc bình bằng bạc đều có dấu vết do người đập lên, khiến nắp của chúng được đóng rất chặt. Thứ hai, những nét chữ trong di sản Hà gia thôn không giống nhau, nhưng cách viết rất cẩn thận, không vội vàng viết trước khi chôn, giống như bản ghi trước khi nhập kho.
Do đó, nhóm khí vật này có khả năng xuất ra từ kho của quan phủ trung ương. Thứ ba, mặc dù "Vô song truyện" là một cuốn tiểu thuyết thời nhà Đường, nhưng nội dung về đời sống xã hội rất đáng tin cậy, nó có giá trị như một tài liệu tham khảo. Sau các bổ sung trên, cơ sở của quan điểm này đầy đủ hơn và có độ tin cậy cao hơn; ít nhất là có lời giải thích đầy đủ về thời gian chôn dấu, lý do chôn dấu và người chôn dấu các di sản.
[caption id="attachment_1086686" align="aligncenter" width="500"] Miệng đệm tay trên chỗ tay cầm đánh dấu bằng chi tiết chú hươu và bông hoa (Ảnh: sohu)[/caption]
Các câu hỏi mới chờ được nghiên cứu
Vẫn còn một số câu hỏi mà tác giả chưa thể trả lời rõ ràng; nhưng những phát hiện khảo cổ học ở các khu vực khác có thể đem lại một số nhận thức mới. Ví dụ, về chiếc ly bạc mã vàng với hoa văn thị nữ săn bắn, tác giả đã chỉ ra rằng miếng đệm ngón tay trên chiếc quai cầm được đánh dấu bằng chi tiết chú hươu và bông hoa, là hết sức độc đáo mới lạ. Loại hoa văn kiểu này có khả năng bắt nguồn từ địa khu Túc Đắc; hình con hươu trên miếng đệm ngón tay bạc cũng là loại hươu sao phổ biến tại địa khu Túc Đắc. Một loại khí cụ tương tự hiện được tìm thấy như đồ dùng bằng vàng và bạc của dân tộc Thổ Phiên, một chiếc ly có hình con sư tử đang nhảy được trang trí trên phần đệm ngón tay được cất giữ trong Bảo tàng Metropolitan, Hoa Kỳ. Chiếc cốc này được khai quật ở Tân Cương, có niên đại vào khoảng từ giữa tới cuối thế kỷ thứ 8. Phong cách trang trí và đặc điểm hình dạng của nó gần giống với các sản phẩm bằng vàng và bạc thời nhà Đường. Do đó, việc thực hành trang trí các mô hình động vật trên các miếng đệm ngón tay như vậy có thể là một nét nghệ thuật mới du nhập vào thời nhà Đường.
[caption id="attachment_1086687" align="aligncenter" width="500"] Ly có hình con sư tử đang nhảy được trang trí trên phần đệm ngón tay được cất giữ trong Bảo tàng Metropolitan. (Ảnh: sohu)[/caption]
Các di tích khảo cổ và văn hóa mới được công bố thường rất phong phú. Cuốn sách "Hoa Vũ đại Đường Xuân: diễn giải Hà gia thôn di bảo" chỉ là một cuốn sách tương đối nhỏ; tuy nhiên, nội dung bên trong rất phong phú cùng với giá trị quan trọng mà nó bao hàm là không thể đánh giá thấp. Thông qua cuốn sách này, các nhà nghiên cứu hàng đầu đã giới thiệu một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất về văn hóa thời Đường cho mọi người, bằng một ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu. Sự kết hợp giữa phương pháp nghiên cứu tiên tiến với các kinh điển cổ xưa đã tạo nên một mô hình giúp lý giải cổ vật một cách sâu sắc và đầy ý nghĩa.
[caption id="attachment_1086688" align="aligncenter" width="467"] Cuốn sách "Hoa Vũ đại Đường Xuân: diễn giải Hà gia thôn di bảo" - Tác phẩm của giáo sư Tề Đông Phương. (Ảnh: sohu)[/caption]
Theo sohu.com
Uyển Vân biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét