Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

Tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông hoạt động như dân quân

Tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông hoạt động như dân quân http://bit.ly/2GeYnLs

Một lượng lớn các tàu cá Trung Quốc trọng tải khoảng 550 tấn, đang "lang thang" trên Biển Đông, không phải để đánh bắt cá mà như một lực lượng bán quân sự của Bắc Kinh tại vùng biển giàu tài nguyên, theo chuyên gia an ninh tại Washington. 

"Có một loại đội tàu đánh cá khác, đóng vai trò như một lực lượng tham gia vào hoạt động bán quân sự thay mặt cho nhà nước chứ không phải là những nghiệp đoàn thương mại đánh bắt cá, đã nổi lên như một lực lượng quân sự lớn nhất ở Trường Sa", chuyên gia an ninh Gregory Poling viết trong một báo cáo đặc biệt, tờ Gmanetwork trích dẫn.

Gmanetwork cho hay, số lượng tàu cá hoạt động trên Biển Đông chiếm tới hơn 50% số tàu cả hiện có trên thế giới.

Để theo dõi và có được hình ảnh rõ hơn về sự hiện diện của các tàu cá trong vùng biển tranh chấp, nhiều công nghệ khác nhau như Hệ thống nhận dạng tự động (AIS), Bộ đo phóng xạ hình ảnh hồng ngoại (VIIRS) và Radar khẩu độ tổng hợp (SAR) đã được sử dụng trong nghiên cứu được công bố bởi Dự án An ninh Đại dương Stephenson do nhóm Poling phụ trách, và được Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Chiến lược (CSIS) của Mỹ hỗ trợ.

Sự hiện diện ồ ạt của các tàu trong và xung quanh các tiền đồn của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là hai đảo lớn nhất mà nước này đang chiếm đóng trái phép tại Trường Sa là Bãi đá Subi và Vành Khăn, được Poling mô tả là phát hiện lớn nhất trong nghiên cứu của ông và đồng sự.

Hơn một trăm tàu cá đã được phát hiện trong khu vực đảo Trường Sa bằng các công nghệ đã đề cập ở trên vào tháng 8 và tháng 10/2018.

[caption id="attachment_1090719" align="aligncenter" width="625"] Đảo Subi đã bị Trung Quốc chiếm đóng và cho cải tạo thành một đảo nhân tạo lớn. (Ảnh: Reuters)[/caption]

Sau đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao để có cái nhìn cận cảnh hơn về các các tàu cá xuất hiện trong khu vực biển Trường Sa.

Bằng cách phóng to hình ảnh, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các tàu đánh cá Trung Quốc chiếm số lớn nhất trong khu vực biển Trường Sa từ trước cho đến nay.

"Một phân tích về hình ảnh lịch sử cho thấy số lượng tàu Trung Quốc tại Subi và Vành Khăn năm 2018 cao hơn nhiều so với năm 2017", báo cáo cho biết.

"Vào tháng 8, dường như là tháng có số lượng tàu [Trung Quốc] xuất hiện nhiều nhất, có khoảng 300 tàu neo đậu tại hai hòn đảo này tại bất kỳ thời điểm nào", báo cáo viết.

Ông Poling lưu ý thêm rằng 90% các tàu cá này có chiều dài trung bình 51 mét và trọng tải khoảng 550 tấn.

Điều đáng lưu ý là các tàu cá Trung Quốc được cho là không thực hiện việc đánh bắt cá, "Hầu như trong tất cả các trường hợp, các tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện trong các hình ảnh, thả neo trong khu vực nhưng không cho thấy có hoạt động đánh bắt cá", báo cáo cho biết.

Bênh cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự hiện diện của một số lượng lớn tàu như vậy ở Trường Sa đã vượt xa số lượng tàu đánh bắt cá có thể hiện diện trong khu vực này.

Hơn 270 tàu đánh cá có mặt tại Bãi đá Subi và Vành khăn trong tháng 8 có thể đánh bắt khoảng 3.240 tấn hải sản mỗi ngày hoặc gần 1,2 triệu tấn mỗi năm. Con số này chiếm từ 50 đến 100% tổng sản lượng cá ước tính ở quần đảo Trường Sa, báo cáo viết.

"Sự vượt quá giới hạn" của các tàu đánh cá Trung Quốc và "chúng có xu hướng tập trung xung quanh các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền" là cơ sở để ông Poling kết luận rằng hầu hết các tàu cá này, ít nhất ở dạng bán chuyên, đều đang thực hiện các nhiệm vụ quân sự như tuần tra, giám sát, tiếp tế, hoặc các nhiệm vụ khác trong khu vực biển Trường Sa.

Báo cáo cũng dẫn chứng trường hợp Hạm đội tàu cá Yue Tai Yu của Trung Quốc, được quan sát thấy có thời gian lưu trú dài ngày xung quanh Subi và Vành Khăn, nó cũng thường xuyên đi lại xung quanh các đảo khác mà Trung Quốc chiếm giữ ở Biển Đông.

"Những tàu đánh cá lớn và hiện đại có thể có giá từ 100 triệu đô la trở lên, thường không tạo ra nhiều lợi nhuận cho chủ sở hữu của nó", ông Poling đánh giá.

"Đó là chỉ dấu cho thấy, Bắc Kinh đang bỏ ra một số tiền khổng lồ để duy trì hoạt động cho một đội tàu rất lớn mà đa số không dùng để đánh cá", ông nhận định.

Ông Poling cho rằng với tình hình như vậy thì cần có một cơ chế để giám sát sự hoạt động của các đội tàu này trên Biển Đông "để cứu ngư trường trên Biển Đông và giảm các sự cố không mong muốn giữa các tàu cá đánh bắt trên vùng biển này".

Yên Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét