Đề án Văn hoá công vụ được Thủ tướng Chính phủ ký duyệt mới đây có một nội dung đang thu hút sự quan tâm của dư luận: “Công chức không được nịnh bợ lấy lòng sếp vì động cơ không trong sáng”.
Chuyện từ ngữ, khái niệm, quy định hay khuyên răn là một câu chuyện dài; ở đây người viết chỉ muốn bàn một chút về cái thói nịnh bợ làm rối điều nghĩa, thói ưa lời ngọt che mờ lý trí mà thôi.
Vấn đề thời sự mang theo tiết tấu của thời đại, nhưng vẫn có thể dùng tới bài học từ quá khứ. Muốn trừ bỏ tật xấu đó đi thì cũng nên tìm hiểu lại lịch sử, xem người xưa đã răn dạy như thế nào. Đó vừa là trí, vừa là khiêm cung.
Thềm bậc dẫn đến họa loạn
Xưa kia, vua Lê Thánh Tông từng làm bài thơ răn dạy thái tử Lê Tranh, trong đó có câu rằng: “Xiểm nịnh làm cho dạ đổi thay”. Một khi dạ đã dễ đổi thay thì khó mà giữ tâm cho chính, phân biệt được thật giả, tốt xấu.
Vua Lê Thánh Tông cũng từng có dụ rằng: "Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc dẫn đến họa loạn. Ta và các ngươi đã thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chăm không lơi. Các ngươi chớ có quên đấy!"
Khổng Tử từng nói: “Quân tử thượng giao bất xiểm, hạ giao bất độc”, nghĩa là: Quân tử giao thiệp với người trên thì không nịnh, giao thiệp với người dưới thì không quấy nhiễu, khinh nhờn (Kinh Dịch: Hệ từ hạ). Thế nên kẻ xu nịnh chính là tiểu nhân. Vua Lê Thánh Tông quyết loại bỏ kẻ tiểu nhân trong triều đình cũng chính là quyết không để loại quan nịnh hót tiến thân được tồn tại.
[caption id="attachment_1076993" align="alignnone" width="689"] Vua Lê Thánh Tông. (Ảnh minh họa: zing.vn)[/caption]
Nguyên nhân khiến quốc hồn suy yếu, khí chất lụn bại
Trong bài “Chiêu hồn Quốc văn”, ông Nguyễn Thượng Hiền khi đau đớn kêu gọi hồn thiêng sông núi nước Nam đã cảm thán rằng: Nước dù nhỏ dù to trong Trời Đất, đều có quốc hồn của mình, lẽ nào riêng nước Việt lại không có? Thật ra, đều vì những cái sau đây đã làm lụi bại khí chất người Việt mà thôi:
“Lợi thì ham muốn, danh thì đua nhau;
Cho xiểm nịnh là tài giỏi, thấy trung nghĩa thì quay đầu,
Không đau xót khi nước nhà tiêu diệt,
Chỉ vui sướng khi thân mình sang giàu”.
Trong đó, những kẻ tự cho xiểm nịnh để tiến thân là tài giỏi cũng là một trong những nguyên nhân khiến quốc hồn Đại Việt yếu mỏng dần. Đáng nhẽ người ra làm quan là để giúp dân giúp nước, đằng này lại ham lợi, ham danh, dùng xiểm nịnh thay cho tài trí, thì làm sao lo được cho nỗi lo của trăm họ?
Tứ thư bình giải, chương XV viết: “Kẻ nịnh hót chuyên dùng lời ngon ngọt ru ngủ, tâng bốc người trên để thủ lợi, dẫn người trên vào nẻo quấy đường tà; vì thế kẻ nịnh hót rất nguy hiểm cho tiền đồ đất nước”. Hơn nữa, lời nói của kẻ gian nịnh sẽ che lấp lời nói của người ngay thẳng, tài đức, thế thì người trên như đã bị chặt đứt cả hai cánh tay rồi, sao còn trợ thủ mà giúp làm việc công cho tốt.
Xưa Khổng Tử cho rằng “chính giả chính dã”, nghĩa là việc làm chính trị là làm cho ngay thẳng, vua quan liêm chính, công bằng để giáo hóa dân chúng sống cho ngay chính, chứ chính trị chẳng phải là duy trì quyền lực, kiếm danh kiếm lợi. Thế nên, cấp nào thì cũng phải duy trì chính tâm, chính hành, làm gì có chuyện cấp dưới phải luồn lọt, nịnh hót, bợ đỡ cấp trên để được tín nhiệm!
[caption id="attachment_1076996" align="alignnone" width="600"] Nếu ai cũng biết tu thân như người xưa thì có lẽ sẽ không có sự nịnh hót, bợ đỡ như ông Nguyễn Thượng Hiền than thở. (Ảnh: wikipedia.org)[/caption]
Kẻ bất tài nịnh hót bởi vẫn còn người muốn nghe lời xu nịnh
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, có tồn tại kẻ nịnh thần, thì cũng là bởi có người muốn nghe và dễ dàng bị xáo trộn nhân tâm bởi những lời tâng bốc. Kẻ dưới nịnh người trên, nhưng nếu người trên không nghe thì há còn kẻ uốn ba tấc lưỡi cầu vinh?
Làm lãnh đạo, thì chắc chắn xung quanh sẽ có biết bao điều cám dỗ. Để giữ cho được những đức tính của một lãnh đạo tốt như nhu thuận, trung chính, thì chắc chắn không thể dễ dàng xao động vì những lời xiểm nịnh.
Khổng Tử nói: “Chỉ người có đức nhân mới biết ưa người, ghét người”; “Ghét cái thứ giống mà chẳng phải thật. Ghét cỏ dữu, sợ rằng nó lộn với lúa miêu. Ghét nịnh hót, sợ rằng nó làm rối điều nghĩa. Ghét khéo miệng, sợ rằng nó làm rối niềm tin…” Trong đó, cái sự ưa ghét của người xưa không phải chỉ ở cảm xúc, cảm tính. Biết ưa ghét ở đây chính là phân biệt được người tài đức với kẻ vô hạnh, thất đức.
Thấy người tài đức thì gần gũi, sử dụng. Thấy kẻ vô hạnh, thất đức thì xa lánh không dùng. Làm người lãnh đạo giỏi, phải biết gần gũi trọng dụng người hiền, loại bỏ, không dùng những kẻ gian nịnh. Và muốn làm được như vậy thì lại phải là người có nhân đức.
Đức Nhân ấy chính là luôn biết tu thân, sống theo đạo lý, biết đặt lợi ích của người khác, của tập thể lên trên lợi ích bản thân. Người có đức Nhân vì vậy sẽ bỏ qua cái sung sướng, thỏa mãn của cá nhân mà nhìn ra được cái gì tốt cho việc chung. Thế thì đôi lời tâng bốc nào có thể che mờ được lý trí của người có nhân đức?
Tạm kết
Quay trở lại với Đề án Văn hoá công vụ mới được phê duyệt kia, nhiều người lo rằng nội dung vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Ví như thế nào là nịnh nọt, lấy lòng sếp, là động cơ không trong sáng?… Một khi đã không thể định nghĩa, định lượng, định tính, không dễ dàng phân định để có chế tài xử phạt, thì có lẽ chỉ nên là lời răn, lời hứa, lời tuyên thệ gì đó khi nhậm chức của các cán bộ.
Thật sự muốn trừ dứt thói nịnh hót, thì chỉ có thể không cho những kẻ tiểu nhân đạt được mục đích thông qua việc xiểm nịnh nữa mà thôi. Thế thì cách duy nhất là người trên phải công chính, phân biệt được đúng sai, có thái độ chuẩn mực đối với hiền tài và kẻ bất tài gian nịnh. Khi bổ nhiệm cũng phải căn cứ trên thực lực, đạo đức; người nào làm lợi được cho tập thể thì tập thể sẽ nghe theo.
Khi vua Ai Công hỏi rằng: “Làm sao để dân tuân theo?” Khổng Tử đáp rằng: “Cất nhắc người ngay thẳng, tách rời kẻ gian tà thì dân tuân theo. Cất nhắc kẻ gian tà, tách rời người ngay thẳng thì dân không tuân theo”.
Ông cũng nói: “Người quân tử trở lại với lời dạy của Thánh hiền mà thôi. Lời dạy của Thánh hiền được thực hành chính đáng, thì dân thường sẽ hưng khởi. Dân thường hưng khởi, không còn những điều gian tà, giả dối nữa”.
Thế nên, người lãnh đạo biết dùng đúng người, nghe đúng lời, thì tất sẽ có được sự đồng lòng của tập thể, lại chặn đứng được thói xu nịnh mà chẳng cần ban ra nhiều quy định, răn đe.
Thuần Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét