Đến với Hà Nội, hầu như bất cứ ai cũng có ấn tượng về một thành phố đông đúc, chật hẹp với lối sống xô bồ, bon chen. Nhưng ít ai biết rằng, đó là Hà Nội của hôm nay. Còn Hà Nội xưa mang trong mình vẻ thanh lịch với văn hoá truyền thống, tinh tế với lối sống được dưỡng thành từ những tâm hồn yêu cái đẹp, sống bình dị và thiện lương, thuần phác mà không kém phần đài các, kiêu sa.
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu chưa thanh lịch cũng người Tràng An
Nhất cao là núi Ba Vì
Nhất thanh, nhất lịch kinh kỳ Thăng Long”.
Những câu ca dao vẫn luôn được mọi người nhớ đến khi nói về nét đẹp của người Hà Nội xưa. Tràng An là chỉ kinh đô Thăng Long - Hà Nội. Thanh lịch là hàm nghĩa rộng của phong cách sống đẹp từ trong nhà ra xã hội, từ lời ăn tiếng nói cho đến phép giao tiếp, ứng xử giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, môi trường.
Bức tranh về Hà Nội xưa lại vô cùng đẹp đẽ trong ký ức của không ít người, ở đó, nam hay nữ khi ra đường đều khoác lên mình chiếc áo dài truyền thống, dáng vẻ lịch thiệp, khoan thai. Ở đó người ta nói chuyện với nhau nhẹ nhàng, lúc nào cũng lễ phép, kính nhường. Và ở đó, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào họ cũng không so đo, kì kèo, quát tháo. Hà Nội lặng lẽ, êm đềm với cuộc sống yên bình và giản dị.
[caption id="attachment_1502568" align="alignnone" width="640"] (Ảnh minh họa 3D: vanthekt.blogspot.com)[/caption]
Người Hà Nội lấy chữ tình làm nguyên tắc ứng xử, luôn biết trọng danh dự và chữ tín. Trong giao tiếp thường ngày, mọi người quan tâm, hỏi han đến người khác, nhưng tuyệt nhiên không đàm tiếu, bình luận về chuyện của xóm giềng. Họ giúp đỡ nhau nhiệt tình, chân thật, không vụ lợi, toan tính.
Trong lời nói, người Hà Nội dùng ngôn ngữ chuẩn xác, thanh âm mẫu mực, không dùng những từ thô tục, sỗ sàng. Đã là người dân Hà Thành thì không quản là cô bán hàng rong trên phố hay công nhân, viên chức, ta đều có thể dễ dàng nhận ra họ qua những nét ứng xử đẹp đẽ, thanh tao. Biết nhún mình, tôn trọng người khác, mềm mỏng mà ý nhị, tài hoa mà khiêm nhường, nhẹ nhàng mà chân thành. Họ sẽ không bao giờ quên nói lời cảm ơn khi nhận được sự hỗ trợ, càng không quên nói câu xin lỗi vì phải cắt ngang lời ai đó.
Trong cách ăn mặc, người Hà Nội rất lịch sự, coi trọng sự gọn gàng, chỉnh tề và trang nhã. Mặc đẹp nhưng kín đáo, không cầu kỳ loè loẹt, không phô trương lố lăng. Khách đến chơi, chủ nhà giữ lễ tôn trọng, lui vào thay đồ tươm tất mới ra tiếp.
Hà Nội thanh lịch
Con gái Hà Nội giữ phẩm giá của người phụ nữ xưa, “công, dung, ngôn, hạnh”, luôn e lệ, dịu dàng, ý tứ, khoan thai, từ dáng đứng, bước đi, nụ cười, ánh mắt. Con gái Hà Nội thân mật nhưng không sàm sỡ, tế nhị mà không gò bó, biết chú trọng nét đẹp bên trong, thùy mị, nết na, kín đáo từ cách ăn mặc đến lối cư xử, không khiến người khác phật lòng. Vậy nên, không khó hiểu sao lắm kẻ mê đắm con gái Hà Thành đến vậy!
Người Hà Nội coi trọng gia đình, truyền thống gia phong, lễ nghĩa, quy tắc ứng xử. Cha mẹ, ông bà luôn chú trọng dạy con cháu những lễ nghi cơ bản và những phong tục của người xưa. Từ việc to đến việc nhỏ đều kính trên nhường dưới, giữ đúng phép tắc lễ nghi trong nhà. Các thế hệ luôn gắn bó và tôn trọng lẫn nhau.
Người Hà Nội rất sành trong ăn uống, từ đó đã nâng cách ăn, cách nấu thành một nghệ thuật ẩm thực. Bữa ăn ngon từ cách xếp mâm, bày đĩa, lên cỗ. Món ăn Hà Nội ngon từ cách chế biến, từ chút gia vị, nước chấm cho đến cách bày biện thế nào cho đẹp mắt mà không phàm tục. Vào mâm, ai nấy đều biết trọng già, quý trẻ, nhường món ngon tiếp cho khách, cách ăn cũng từ tốn, nhẹ nhàng.
[caption id="attachment_1502569" align="alignnone" width="1600"] (Ảnh minh họa 3D: vanthekt.blogspot.com)[/caption]
Không chỉ thanh lịch trong ngôn ngữ, ăn mặc, tính chất thanh lịch ấy còn được thể hiện trong cách làm ăn, cách giao tiếp. Bởi vì Hà Nội đã có một quá trình lịch sử lâu dài, là nơi hội tụ nhân tài của bốn phương. Người Hà Nội cần cù, chịu khó, đã làm nghề gì thì học đến nơi, đến chốn, có ý thức chịu trách nhiệm về sản phẩm làm ra. Vậy nên, người xưa vẫn truyền lại câu "Khéo tay, hay nghề" để ca tụng đất trăm nghề chốn kinh kỳ .
Nhìn về Hà Nội xưa, ta cảm thấy như cuộc sống đang diễn ra trên mảnh đất rồng thiêng hôm nay vốn không phải thuộc về nó. Dường như cái ngày xưa ấy mới là nét riêng không thể pha lẫn của đất Hà Thành.
"Những phố phường rất xưa của Hà Nội
Những hàng đào, hàng ngang, hàng vải
Những phố phường dọc ngang lối cũ
Những mái nhà ngẩn ngơ nỗi nhớ
trên từng viên ngói vỡ...."
Nhiều người Hà Nội hiện tại có chung một suy nghĩ: Hà Nội bẩn quá, bụi bặm quá, ồn ào quá. Cái náo nhiệt xô bô của thành thị đã dẫn đến những sự thay đổi trong tâm hồn con người. Tình yêu Hà Nội đã trở thành một điều gì đó nằm trong hối tiếc. Hà Nội không còn là chính nó, đã phai nhạt đi những nét quyến rũ dịu dàng mà giờ đây chỉ còn tìm thấy trong những ca khúc "đi cùng năm tháng" về Hà Nội.
"Tôi mong về Hà Nội
Để nghe gió sông Hồng thổi
Để thương áo lên cài vội
Một mùa đông rét mướt...."
Thật ngạc nhiên là những ca khúc tuyệt vời về Hà Nội lại được sáng tác bởi những nhạc sỹ không phải quê gốc ở Hà Nội. Mới nói, Hà Nội giữa những bộn bề, nhếch nhác, vẫn còn ẩn giấu những điều tinh khôi và đẹp tới nao lòng. Chỉ có điều, những điều ấy cần con người sống chậm hơn một chút, sống thơ thêm một chút, trầm tĩnh trải nghiệm, bao dung lắng nghe mới có thể cảm nhận. Rốt cuộc thì cái hồn của Hà Nội vẫn còn đó, mảnh đất nghìn năm văn hiến với sự thanh lịch quý phái vẫn đang hiện diện trên cuộc đời, nhưng phải đợi khi tâm hồn chúng ta đủ thuần khiết và quý phái như thế mới hiểu và cảm được nó.
Bởi vì Hà Nội đẹp ở lòng người...
Để giữ mãi nét thanh lịch của người Tràng An...
Video xem thêm: Có khiếm khuyết mới là vĩnh cửu, không hoàn mỹ mới gọi kiếp nhân sinh
["https://video3.dkn.tv/co-khiem-khuyet-moi-la-vinh-cuu-khong-hoan-my-moi-goi-kiep-nhan-sinh_992717e50.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét