Thiền sư Mã Tổ đời nhà Đường sống trên núi Ngũ Đài là một vị cao tăng nổi tiếng. Ông rất thích đưa ra các đề bài làm khó đồ đệ để điểm ngộ, trợ giúp họ nhanh chóng ngộ được đạo lý thành tựu bản thân.
Một lần, thiền sư Mã Tổ chuyển chiếc ghế dựa đến đặt ở lối đi nhỏ ở cổng sau chùa đọc sách. Không lâu sau, một tiểu hòa thượng đẩy xe từ vườn rau trở về. Bởi vì con đường quá hẹp, thiền sư lại duỗi chân ra giữa đường nên tiểu hòa thượng muốn sư phụ rụt chân lại để cậu có thể đi qua. Không ngờ thiền sư Mã Tổ nói: "Từ trước tới giờ ta chỉ duỗi không co".
Tiểu hòa thượng thoáng chút ngây người, làm vẻ khó xử nói: "Sư phụ, người không thu chân lại thì con không thể quay về chùa được ạ".
Thiền sư Mã Tổ thậm chí còn không hé mắt nhìn, ông nói: "Đó là việc của con".
Tiểu hòa thượng suy nghĩ một chút rồi nói: "Sư phụ, người không co chân lại, con cũng không thể làm gãy chân của người được. Hay là đổi một chút, con ngồi vào ghế, Sư Phụ đẩy xe qua".
Sau khi nghe điều này, Thiền sư Mã Tổ cảm thấy ý tưởng rất hay, thế là ông cùng đồ đệ thay đổi vị trí. Tiểu hòa thượng cũng ngồi duỗi thẳng chân, nhưng khi thiền sư Mã Tổ đẩy xe đến gần thì cậu liền co chân lại.
Thiền sư Mã Tổ hỏi: "Tại sao con lại co chân về hả?".
Tiểu hòa thượng cười nói: "Sư phụ, người chỉ duỗi không co, con có thể co có thể duỗi, cho nên con rụt chân về ạ".
Tiểu hòa thượng liền đẩy xe đi, thiền sư Mã Tổ nhìn theo bóng dáng cậu mà cười vui vẻ. Nhiều năm sau, thiền sư Mã Tổ đã đem y bát của mình truyền lại cho tiểu hòa thượng, sau này là thiền sư Ẩn Phong, cao tăng núi Ngũ Đài.
Lại có một câu chuyện ngụ ngôn của Pháp kể rằng, một ngày, mục sư sai con lừa cõng thánh vật. Nhìn thấy các tín đồ quỳ gối bái lạy mình, con lừa liền có cảm giác phiêu phiêu và nghĩ bản thân là thần tiên. Ngày hôm sau, mục sư sai con lừa đi kéo cối xay, nó không chịu làm nữa vì nó đã say sưa với cảm giác được tôn kính ngày hôm qua. Kết quả là chủ nhân đã đánh con lừa một trận đau đớn đến mức nó phải hét lên.
Một cậu bé 10 tuổi nghe xong câu chuyện ngụ ngôn thì cảm thấy con lừa thật là ngốc. Cậu nói: "Đừng quên ngươi là một con lừa!". Kỳ thực, trong cuộc sống hiện tại, việc nhầm lẫn bản thân với danh vọng giống như mối quan hệ giữa con lừa và thánh vật tồn tại không ít. Một người lúc nắm quyền hành trong tay thì mặc sức chỉ trỏ, hất hàm sai bảo, nhưng khi không còn giữ chức vị nữa thì lại nản lòng thoái chí, nói năng khép nép. Khi còn đương chức đương quyền thì người tới thăm đông như đi hội, khi thoái vị thì nhà cửa sa sút buồn tẻ. Con lừa là con lừa, thánh vật là thánh vật, làm sao giúp trẻ hiểu rõ được lý lẽ này khi mà người lớn đôi khi còn nhầm lẫn?
Có thể nói, thánh vật trong câu chuyện này giống như một thứ gây nghiện khiến ai cầm nắm đều không muốn buông xuống nữa. Sống ở trên đời, có ai không muốn đạt được vinh quang? Huống chi, khi được người đó còn được bốn phương bái lạy, tám hướng kính ngưỡng. Hơn nữa, khi đang được vinh quang thì tinh thần sảng khoái, ăn mặc ở, đi lại không thiếu thứ gì. Ngoài ra, người này còn được người mang tiền tới biếu tặng. Sau khi quen với hoàn cảnh này một thời gian thì người đó tự nhiên cảm thấy sợ mất mát. Mặc dù họ hiểu được rằng lừa là lừa và thánh vật là thánh vật, nhưng khi có quyền uy trong tay thì vẫn muốn làm tới mức không thể buông xuống dù một giây một phút.
Nói đi cũng phải nói lại, lừa vẫn là lừa, và thánh vật là thánh vật, bất kể trên lưng con lừa đang mang vật gì thì đều không thuộc về nó. Cho nên, mặc kệ bạn cõng thánh vật trong bao lâu thì nhất định sẽ có một ngày thánh vật bị dỡ xuống. Lúc đó, bạn sẽ trở về là chính bản thân mình. Đoạn thời gian cõng thánh vật cũng chỉ như bọt nổi trên mặt nước mà thôi.
Trong thực tế cuộc sống cũng vậy, nếu như bạn có tiền tài, điều người ta sùng bái chẳng qua là tiền tài của bạn, chứ không phải chính bản thân bạn, nhưng bạn lại ôm ảo vọng rằng họ đang sùng bái mình.
Nếu như bạn có danh vọng, điều người ta tôn kính chẳng qua là danh vọng của bạn, chứ không phải chính bạn, nhưng bạn lại lầm tưởng rằng người khác đang tôn kính mình.
Nếu như bạn có dung mạo đẹp đẽ, điều người ta mến mộ chẳng qua chỉ là dung mạo đẹp đẽ mà tạm thời bạn đang có, chứ không phải chính bạn, nhưng bạn lại hoang tưởng cho rằng người khác đang ngưỡng mộ chính bản thân mình.
Và khi tiền tài, danh lợi, vẻ đẹp của bạn không còn nữa, thì cũng là lúc bạn bị vứt bỏ. Có bao giờ bạn nghĩ đến điều ấy không?
Giá trị một con người xuất phát từ sự tu dưỡng nội tâm chứ không phải những thứ vật chất hay danh vọng bề ngoài. Do vậy, để không bị ảo tưởng làm ta thất vọng thì cần phân biệt rõ giá trị của mình nằm ở đâu.
Theo Secret China
San San biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét