Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

Giải mã tiếng khóc hối hận của Gia Cát Lượng khi trảm Mã Tốc

Giải mã tiếng khóc hối hận của Gia Cát Lượng khi trảm Mã Tốc https://ift.tt/3mcZ2Qp

Ai từng đọc “Tam Quốc diễn nghĩa” cũng rất ấn tượng với những cố sự như: “Thất thủ Nhai Đình”, “Không thành kế” hay “Gạt lệ trảm Mã Tốc”… Những câu chuyện ấy đã sớm trở thành huyền thoại trong cuộc Bắc phạt của Khổng Minh Gia Cát Lượng. Người đời vẫn nhớ mãi về một Gia Cát Lượng túc trí đa mưu, cúc cung tận tuỵ. Thế còn Mã Tốc thì sao? Mã Tốc cũng là một nhân vật quan trọng trong những cố sự này song xưa nay lại ít được đàm luận đến. Vì sao từ một lương tướng, Mã Tốc phải chịu tội mất đầu? Vì sao Khổng Minh chém Mã Tốc xong thì đổ lệ khôn nguôi? Bài viết này sẽ góp một góc nhìn cho quý độc giả.

Mã Tốc, tự Ấu Thường, người Nghi Thành, Tương Dương. Tương truyền, Tốc có tài học hơn người, rất thích bàn mưu tính kế. Thừa tướng nước Thục, Gia Cát Lượng đối với Mã Tốc vô cùng coi trọng. Tiên chủ Lưu Bị trước khi lâm chung ở thành Bạch Đế từng gọi Gia Cát Lượng đến dặn dò. Khi ấy Mã Tốc đi theo Gia Cát Lượng, đứng túc trực bên long sàng. Lưu Bị cho Mã Tốc lui, hỏi riêng Gia Cát Lượng rằng: “Thừa tướng coi tài Mã Tốc thế nào?”. Gia Cát Lượng đáp: “Thần thấy người ấy cũng là bậc nhân tài đời nay”. Lưu Bị lắc đầu: “Không phải! Trẫm thấy người ấy khoe khoang vượt quá thực tài, nói thì nhiều mà làm thì kém, không nên uỷ thác đại sự. Khanh cần xét thật kỹ mới được”. Nhưng Gia Cát Lượng vẫn giữ Mã Tốc ở bên mình, cho giữ chức Tham quân, thường thảo luận việc quân cơ, chiến lược. Bản thân Mã Tốc cũng coi Gia Cát Lượng là thầy, tự nhận rằng mình học được rất nhiều điều từ ông.

Tranh vẽ Mã Tốc (Ảnh: Wikipedia)

Năm Kiến Hưng thứ ba nhà Thục Hán (tức năm 225), Gia Cát Lượng dẫn đại quân nam chinh, trực tiếp dấn thân vào vùng đất sơn lam chướng khí để bình định quân phản loạn Ung Khải đã bỏ Thục theo Ngô ở Nam Trung (nay thuộc địa giới các tỉnh Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam). Mã Tốc khi ấy ở lại Thành Đô. Trước khi chia tay, Gia Cát Lượng hỏi Mã Tốc kế sách bình định miền nam. Mã Tốc bèn hiến kế: “Phàm đạo dùng binh, công tâm là thượng sách, công thành là hạ sách, tâm chiến là thượng sách, binh chiến là hạ sách. Mong Thừa tướng lấy đức phục người, khiến cho Nam Man không đánh mà tự quy thuận, ấy mới là thượng sách vậy!”.

Gia Cát Lượng nghe theo kiến nghị này của Mã Tốc, bảy lần bắt lại bảy lần tha thủ lĩnh quân Nam Man là Mạnh Hoạch để thu phục lòng người. Sau đó, Gia Cát Lượng dùng chính sách “lấy người Man trị người Man”, không lưu quan cũng chẳng lưu binh lại, cho các thủ lĩnh địa phương tiếp tục nắm quyền. Bởi thế, sau này dù là khi Gia Cát Lượng không còn tại thế, người Man cũng không dám làm phản Thục Hán nữa. Có thể thấy được kiến thức của Mã Tốc quả không tầm thường, đúng là người có tài nhìn xa trông rộng. Không trách, Gia Cát Lượng vốn tinh thông binh pháp vẫn luôn phá lệ hậu đãi Mã Tốc.

Khi quân Thục Bắc phạt lần thứ nhất, Mã Tốc đã bày kế ly gián Tư Mã Ý với Nguỵ đế Tào Duệ. Hậu quả là Tư Mã Ý bị cách chức, quân Thục đánh đâu thắng đó, chỉ còn một bước nữa là tiến sát đến cựu đô Trường An. Chuyện này càng khiến Gia Cát Lượng ngày càng tin tưởng Mã Tốc hơn.

Vết nhơ ở Nhai Đình

Sau khi bình định xong phía nam nước Thục, Gia Cát Lượng dâng biểu lên Hậu chủ Lưu Thiện xin cầm quân Bắc phạt Tào nguỵ, đây chính là “Xuất sư biểu” nổi tiếng lịch sử. Kiến Hưng năm thứ sáu (năm 228), Gia Cát Lượng lần đầu tiên dẫn quân Bắc phạt, lệnh cho Triệu Vân, Đặng Chi đánh nghi binh vào Cơ Cốc (nay là phía bắc Hán Trung, Thiểm Tây). Còn Gia Cát Lượng thân chinh dẫn 10 vạn đại quân bất ngờ đột kích ra Kỳ Sơn. Nguỵ đế Tào Duệ sai Tư Mã Ý và Trương Cáp ra địch. Khi ấy thủ hạ dưới trướng đều kiến nghị nên để các mãnh tướng Nguỵ Diên, Ngô Ý đã dày dặn kinh nghiệm trận mạc làm tiên phong đối địch Trương Cáp. Nhưng Gia Cát Lượng lại chọn Mã Tốc làm tiên phong, Vương Bình làm phó tướng cùng ra Nhai Đình trấn thủ. Trước khi đi, Gia Cát Lượng còn dặn dò Mã Tốc nhiều lần rằng phải dựng trại ở trên đường lớn để phòng thủ. Mã Tốc vâng dạ rồi tức tốc ra Nhai Đình.

Tuy nhiên khi đến nơi, Mã Tốc đã sớm quên lời dặn của Thừa tướng, cậy mình hiểu biết binh thư cho rằng đem quân đóng trên núi thì lúc đánh xuống có thể chiếm thế thượng phong, đập tan quân địch. Vì thế, Tốc đã không đóng trại ở đường lớn, là chỗ gần nguồn nước, mà mang toàn bộ 2 vạn đại quân đóng trên núi. Phó tướng Vương Bình nhiều lần khuyên nhủ nhưng Mã Tốc đều bỏ ngoài tai. Tốc còn nói: “Tôn Tử có câu: "Bỏ vào đất chết rồi mới sống". Nếu quân Ngụy chặn đường lấy nước, quân Thục tất nhiên phải liều chết mà đánh. Một người sẽ địch nổi trăm người. Ta học binh thư chán ra rồi đây. Thừa tướng mọi việc còn phải hỏi đến ta, sao ngươi cứ ngang ngạnh làm vậy?”. Vương Bình lại xin chia cho mình một nửa quân để đóng trại dưới núi làm thế ỷ giốc ứng cứu lẫn nhau. Tốc chỉ cấp cho Bình 5000 quân. Vương Bình gấp rút hạ trại dưới núi, sai người vẽ bản đồ đóng trại về báo cho Gia Cát Lượng, đồng thời thuật lại chuyện Mã Tốc tự ý đóng trại trên núi.

Khi đại quân của Tư Mã ý đến nơi, Trương Cáp đi trước tiến vào Nhai Đình thấy Mã Tốc bỏ nguồn nước mà lên núi đóng trại, trong lòng vô cùng mừng rỡ, lập tức xua quân giữ nguồn nước, bóp chặt đường vận lương, vây Mã Tốc ở trên núi. Chỉ mấy ngày sau, quân Thục khát nước, tràn xuống núi mấy lần đi tìm nguồn nước đều bị quân Nguỵ đánh rát, không sao tiến thoái được. Quân Thục càng thêm hoang mang, mất hết ý chí chiến đấu, không đánh mà tự loạn. Tư Mã Ý nhân đà lệnh cho quân lính phóng hoả thiêu núi, thừa dịp tập kích, đánh cho Mã Tốc đại bại. Mã Tốc thất thủ Nhai Đình, chiến cục đột ngột thay đổi. Sau thất bại của Mã Tốc, quân Thục mất đi chỗ dựa, bị Tư Mã Ý chiếm thế thượng phong. Gia Cát Lượng đành phải bày ra “Không thành kế” nổi tiếng lịch sử ở Tây thành mới thoát khỏi móng vuốt của Tư Mã Ý. Đó gần như là lần duy nhất Gia Cát Lượng mạo hiểm trong đời cầm quân của mình. “Tam Quốc diễn nghĩa” kể rằng sau khi quân Tư Mã Ý rút đi, Khổng Minh thở phào nói với tả hữu: “Quân ta chỉ có hai nghìn rưởi người, nếu bỏ thành chạy, thì trốn làm sao cho kịp. Tư Mã Ý nó chẳng tóm cổ ráo ư?”. Nhưng mất Nhai Đình, kế hoạch của Gia Cát Lượng cũng đã phá sản. Ông bèn thu dọn lực lượng rút toàn quân về Hán Trung, lần Bắc phạt này quả là đã công cốc mất rồi.

Bắc phạt lần này, Gia Cát Lượng vốn đã tính toán kỹ lưỡng, trước sau đã điều động binh tướng cẩn thận, trước đó lại chiếm được 3 quận Thiên Thủy, Nam An và An Định của nước Nguỵ. Có thể nói, tình thế lúc ấy, quân Thục đã chiếm ưu thế tuyệt đối so với quân Nguỵ. Tư Mã Ý vừa phải hành quân nghìn dặm giết phản tướng Mạnh Đạt ở Tân Thành, lại phải vội vã tiến ra Nhai Đình chặn quân Thục. Khi nhận được tin quân Thục đã đến Nhai Đình trước để thủ thế, Tư Mã Ý đã ngửa cổ than trời: “Gia Cát Lượng thực là thần nhân, ta không bằng được!”. Thế nhưng khi biết người trấn thủ Nhai Đình là Mã Tốc, Tư Mã Ý khẳng định ngay: “Đồ ấy chỉ có hư danh, chớ tài thì tầm thường lắm. Khổng Minh dùng người ấy, làm gì chẳng lỡ việc!”.

Chính vì Mã Tốc trái lệnh, làm mất Nhai Đình nên cuộc chiến Thục – Nguỵ đột nhiên đảo chiều, quân Nguỵ nắm được yết hầu của quân Thục, chặn được đường vận lương, khiến quân Thục không đánh mà phải rút về. Ở đây nói thêm một chút, từ khi mất Kinh Châu về tay Đông Ngô, quân Thục đã mất đi một con đường bằng phẳng và dễ dàng để tiến vào Trung Nguyên. Trong tất cả những lần Gia Cát Lượng phạt Nguỵ, ông chỉ có thể tiến quân ra Kỳ Sơn, vượt qua muôn núi nghìn sông của đất Thục hiểm trở để tiến vào Trường An. Vận lương luôn là điểm yếu của quân Thục. Lương thảo không đủ thì không thể tiến hành một cuộc chiến lâu dài. Quân Nguỵ chỉ cần thủ vững không ra, hoặc bằng cách nào đó làm gián đoạn đường vận lương thì quân Thục sẽ rơi vào thế bị động ngay. Tư Mã Ý lần này chiếm được Nhai Đình, tấn công Tây Thành, đã cắt đứt đường vận lương gần như duy nhất của quân Thục, trách chi Gia Cát Lượng chẳng giẫm chân than trời rằng: “Mã Tốc bất tài, làm hại đại quân ta rồi!”. Mất đi bàn đạp Nhai Đình, Gia Cát Lượng phải lui binh một hơi về Hán Trung, cuộc Bắc phạt coi như thất bại, tổn công vô ích.

Tướng quân Vương Bình nhiều lần khuyên can nhưng Mã Tốc không áp dụng chiến lược của mình
(Ảnh: mục Văn hóa Tân Đường Nhân)

Sau khi trở về, vì để giữ nguyên quân pháp, Gia Cát Lượng đem Mã Tốc cùng các tướng trấn thủ Nhai Đình khác là Trương Hưu, Lý Thịnh đem chém đầu thị chúng. Riêng Vương Bình được ban thưởng, thăng làm Tham quân, thống lĩnh 5 quân kiêm chức Đương doanh sự, Thảo khấu tướng quân và sắc phong Đình hầu. Đây là sự thăng tiến đặc biệt vượt cấp đương thời, mọi người đều cho là xứng đáng. Thừa tướng Gia Cát Lượng lại viết tờ tấu lên Hậu chủ Lưu Thiện xin hạ tước vị của mình xuống ba bậc, đồng thời công bố sai lầm của mình cho cả nước được biết, làm gương cho mọi người tự vạch khuyết điểm của mình.

Sau khi Mã Tốc chết rồi, Gia Cát Lượng đích thân đến viếng tang, chảy lệ khóc thương. Gia Cát Lượng an ủi con cháu của Mã Tốc và lo chu cấp tử tế cho cả nhà của Tốc. Năm ấy, Mã Tốc chết khi mới 39 tuổi.

Mã Tốc có bị trảm oan không?

Kết cục của Mã Tốc không khiến nhiều người bất ngờ. Song biết bao năm qua, người ta vẫn thường tự hỏi nhau rằng: Vì sao Mã Tốc bị trảm? Ai cũng biết Gia Cát Lượng yêu quân như con, chưa từng dùng hình phạt nặng đến mức trảm tướng. Trước đó, ngay cả khi Quan Vũ để xổng Tào Tháo ở hẻm Hoa Dung, Gia Cát Lượng cũng không xử nặng tay như vậy. Quan Vũ khi ấy cũng lập quân lệnh trạng và về lý mà nói tội để xổng Tào Tháo là nặng hơn tội để mất Nhai Đình.

Mã Tốc thực sự khiến Gia Cát Lượng thất vọng. Gia Cát Lượng luôn tin tưởng Mã Tốc, bỏ không dùng những danh tướng như Nguỵ Diên, Ngô Ý mà cất nhắc ông làm tiên phong chính là để Mã Tốc có cơ hội rèn luyện trên cương vị chủ soái quân đội. Thế mà Mã Tốc chỉ biết bàn việc quân trên giấy, quá ngạo mạn, tự đại tự cao, không nghe lời can, làm mất Nhai Đình trọng yếu, ảnh hưởng đến cục diện của cả cuộc chiến Bắc phạt của Gia Cát Lượng. Thử hỏi Gia Cát Lượng có thất vọng hay không? Nhưng mà từ xưa cổ nhân cũng đã nói “Thắng bại là chuyện thường của nhà binh”, tướng thua trận không phải lúc nào cũng bị xử tử. Thế nhưng Gia Cát Lượng lại quyết trảm Mã Tốc dù rất nhiều người khuyên nên lưu lại cho Mã Tốc một cơ hội đoái công chuộc tội. Rốt cuộc thì Mã Tốc đã phạm phải những tội gì?

Gia Cát Lượng chặt đầu Mã Tốc trong nước mắt (Ảnh: chuyên mục Văn hóa Tân Đường Nhân)

Tội thứ nhất của Tốc là làm mất Nhai Đình, lâm chiến thua trận. Trong chiến lược Bắc phạt, đây có thể nói là trận chiến then chốt và quan trọng nhất. Mã Tốc có thể thua 10 trận bình thường cũng không to tội như trận quyết chiến chiến lược này. Mã Tốc thua trận này còn khiến những thành quả trước đó đổ xuống sông xuống biển, 3 quận mà quân Thục chiếm được của nước Nguỵ cũng bị mất sau khi Gia Cát Lượng buộc phải rút quân về Hán Trung. Nhưng tội thứ nhất chưa đáng xử tử. Tội sau này mới là tội nặng nghiêm trọng.

Tội thứ hai chính là Mã Tốc làm trái quân lệnh. Trước khi xuất chinh, Gia Cát Lượng nhiều lần dặn dò Mã Tốc rằng: “Nhai Đình tuy nhỏ nhưng rất trọng yếu. Đó là yết hầu dẫn đến Hán Trung. Nếu mất Nhai Đình, quân ta ắt bại”. Ngoài ra, vốn tính cẩn thận, Gia Cát Lượng tiếp tục dặn Mã Tốc phải dựng trại ở đường lớn để chặn địch, nhất định không được mắc sai lầm. Ông còn biệt phái Vương Bình, một người dày dạn kinh nghiệm và hành sự cẩn thận, làm phó tướng để trợ giúp Mã Tốc. Thế nhưng Mã Tốc đã hành động thế nào? Đến nơi, sau khi khảo sát địa thế, Mã Tốc quyết định làm trái lời Gia Cát Lượng, mang hết đại quân lên núi đóng trại, tự kiêu tự phụ, coi thường kẻ thù. Phó tướng Vương Bình thấy trại đóng trên núi vừa xa nguồn nước, lương thực, vừa dễ bị vây khốn, đã hết lời khuyên can song Mã Tốc một mực không nghe, lại nói lời cao ngạo: “Ta học binh thư chán ra rồi đây”. Sự tự tin thái quá của Mã Tốc khiến quân Thục phải chịu thảm hoạ.

Khi quân Nguỵ vây núi, Mã Tốc ở trên núi trông ra, thấy quân Ngụy đứng kín đặc, tinh kỳ đội ngũ rất là nghiêm chỉnh. Quân Thục rụng rời hết vía, không ai dám xuống núi. Mã Tốc ngồi trên đỉnh núi, phe phẩy lá cờ đỏ, quân tướng chỉ nhìn nhau đưa đẩy, không ai nhúc nhích. Tốc nổi giận, chém luôn hai tướng. Quân sĩ sợ hãi, phải cố sức ào xuống núi. Nhưng xuống đến nơi, thấy quân Ngụy vẫn đứng vững, không động đậy, lại vội vã chạy trở lên. Mã Tốc thấy việc không xong, sai quân giữ vững cửa trại, chỉ còn chực quân ngoài đến cứu. Quân Thục bị vây từ giờ Thìn đến mãi giờ Tuất ở trên núi không có nước, quân sĩ đói khát, trong trại nháo nhác. Đến nửa đêm, quân Thục ở mé nam mặt núi, mở toang cửa trại xuống hàng Ngụy. Mã Tốc quát ngăn lại cũng không được. Tư Mã Ý lại sai người đốt lửa xung quanh núi, quân sĩ lại càng rối loạn lắm. Mã Tốc biết thế giữ cũng chẳng được, phải dắt tàn binh liều chết đánh xuống mé tây núi mà tháo đường chạy.

Mã Tốc cậy mình có tài, nhất quyết không nghe lời Vương Bình, cũng chẳng nghe lời Gia Cát Lượng, kết quả thân bại danh liệt. Trong quân đội, “quân lệnh như sơn”, tuân thủ mệnh lệnh của cấp trên là nguyên tắc thứ nhất. Một kẻ không nghe lệnh chỉ huy, làm hỏng việc, nếu tha thứ thì phép quân không còn, lòng quân không phục, dễ tạo tiền lệ xấu. Tội thứ hai này của Mã Tốc rất nghiêm trọng, nhất định phải trừng phạt.

Tướng quân Mã Tốc dàn quân trên một ngọn núi xa nguồn nước (Ảnh: chuyên mục Văn hóa Tân Đường Nhân)

Giả sử Mã Tốc trấn thủ vững ở Nhai Đình, không cho Tư Mã Ý chẹn đường vận lương của quân Thục thì có thể mở ra một con đường thênh thang mà tiến vào Trường An. Mà đánh chiếm Trường An chính là bước thứ nhất trong chiến lược Bắc phạt của Gia Cát Lượng. Chiếm được cố đô Trường An, quân Thục sẽ có được bàn đạp mạnh mẽ để xua quân sang phái đông đánh vào Lạc Dương, Hứa Xương, diệt nhà Tào Nguỵ. Nhưng thất bại ở Nhai Đình đã phá huỷ toàn bộ kế hoạch trong mơ ấy của Gia Cát Lượng. Không còn điểm tựa để tấn công nước Nguỵ, quân Thục đã mất đi cơ hội ngàn vàng, một cơ hội mà cho đến những năm cuối đời của mình Gia Cát Lượng vẫn không thể có lại thêm một lần nữa. Lỗi của Mã Tốc không thể nói là nhỏ.

Sau khi trảm Mã Tốc, nhìn võ sĩ mang thủ cấp của của Tốc vào dưới trướng, Gia Cát Lượng đã bật khóc nức nở mãi không thôi. Tưởng Uyển lấy làm lạ, hỏi Khổng Minh rằng: “Ấu Thường phải tội đã trị theo quân pháp rồi, cớ sao Thừa tướng còn khóc mãi?”. Gia Cát Lượng gạt lệ mà rằng: “Ta không phải là khóc Mã Tốc đâu! Ta nhớ khi tiên đế lâm chung ở thành Bạch Đế có dặn rằng: "Mã Tốc nói khoác quá sự thật, không nên đại dụng". Nay đúng như lời ấy. Vì thế ta hối hận là không minh, mà lại nhớ đến tiên đế, cho nên đau lòng mà khóc đó thôi!”. Tướng sĩ nghe nói vậy, ai nấy đều chảy lệ cảm thương.

Có thể thấy, trong lòng Gia Cát Lượng kể cả là trước hay sau khi trảm Mã Tốc đều rất nặng nề. Đó là một phức cảm tâm lý không dễ lý giải: vừa giận dữ, vừa hối hận, vừa hổ thẹn lại vừa cay đắng. Trận thua này khiến Gia Cát Lương vừa đau lòng vì làm lỡ thời cơ ngàn năm để tiến vào Trung Nguyên, vừa đau lòng khi không theo lời dặn dò của tiên đế Lưu Bị. Có thể nói, Lưu Bị không phải là người dùng binh giỏi, tài năng quân sự không thuộc tốp đầu trong thời Tam Quốc nhưng con mắt nhìn người của ông thì là số một, chưa một lần nhìn sai người. Dưới trướng Lưu Bị, võ có Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung, Nguỵ Diên… đều là anh hùng đương thời; văn có Gia Cát Lượng, Bàng Thống, Từ Thứ… cũng là mưu lược xuất chúng; những người còn lại như Tưởng Uyển, Pháp Chính, Phí Y… cũng đều là nhân tài trị quốc hiếm có. Trước khi chết ở thành Bạch Đế, Lưu Bị đã dặn dò rất kỹ Gia Cát Lượng rằng không nên dùng Mã Tốc vào việc lớn. Tầm nhìn của Lưu Bị quả thực chẳng tầm thường.

Nhưng sai lầm chết người của Mã Tốc có phải chỉ vì chủ quan thất thủ Nhai Đình chăng? Điều gì mới thực sự là điểm cốt tử khiến Mã Tốc thân bại danh liệt? Người đời cho rằng, Mã Tốc tự đào hố chôn mình là bởi vì tâm háo danh quá mạnh mẽ. Trước khi nổi tiếng và được trọng dụng, Mã Tốc hành động cẩn trọng, chịu khó học hỏi, được mọi người khen ngợi, kể cả Gia Cát Lượng cũng rất vừa ý, truyền thụ cho nhiều kiến thức. Nhưng một khi đã nổi danh, lập được chút công trạng và được người khác coi trọng, Mã Tốc liền thay đổi thái độ, gần như trở thành một người khác, sớm đã bị danh lợi làm cho rối loạn bản tính. Tính khoe khoang của Mã Tốc thể hiện rõ ở phần đối thoại với Gia Cát Lượng trước khi nhận nhiệm vụ ra trấn thủ Nhai Đình. Khổng Minh nói: “Nhai Đình tuy nhỏ, nhưng rất hệ trọng. Nếu lỡ ra để mất thì đại quân của ta đều vứt đi cả đó. Ngươi tuy biết thao lược, nhưng ở đó không có thành quách hiểm trở gì, thực khó giữ đấy!”. Mã Tốc nói: “Tôi từ thuở nhỏ thuộc làu binh thư, thông hiểu binh pháp, không giữ nổi một xứ Nhai Đình hay sao?”. Khổng Minh nói: “Tư Mã Ý không phải là tay tầm thường, lại có danh tướng Trương Cáp làm tiên phong. Ta e ngươi không địch nổi”. Mã Tốc nói: “Không kể Tư Mã Ý, Trương Cáp làm chi, cho đến cả Tào Tuấn đến, cũng không ngại gì! Nếu có lầm lỡ, cả nhà tôi xin chịu tội”. Trước Gia Cát Lượng mà Mã Tốc còn tự cao tự đại làm vậy, trách chi trước mặt Vương Bình y chẳng coi là gì. Tư Mã Ý và Trương Cáp đều là nhân tài đương thời, Gia Cát Lượng còn e ngại, Mã Tốc rõ ràng không phải đối thủ. Người cầm binh giỏi thì phải giữ được tĩnh khí, dẫu địch yếu hơn ta thì cũng không thể khinh suất, chủ quan. Ở đây thực lực Mã Tốc yếu hơn Tư Mã Ý rất nhiều nhưng lại kiêu ngạo, coi người bằng nửa con mắt, như thế làm sao tránh nổi thất bại đây?

Thêm một chi tiết nữa cho thấy cái tâm danh lợi của Mã Tốc đã lên đến đỉnh điểm. Khi Vương Bình khuyên nên đóng quân giữa đường để chặn địch, Mã Tốc cao ngạo: “Ta học binh thư chán ra rồi đây. Thừa tướng mọi việc còn phải hỏi đến ta, sao ngươi cứ ngang ngạnh làm vậy?”. Sự kiêu ngạo của Mã Tốc đã lên đến đỉnh điểm, ngay cả Thừa tướng Gia Cát Lượng y cũng không còn coi trọng. Ý tứ sâu xa trong câu nói của Mã Tốc có thể hiểu nôm na rằng: Thừa tướng Gia Cát Lượng nhiều việc còn không sáng suốt, phải cầu đến ta hiến kế. Trong mắt Mã Tốc quả thực không còn Gia Cát Lượng nữa, nếu không thế thì cớ sao ông còn dám chống lại quân lệnh của Thừa tướng, tự ý đem quân lên núi đóng? Từ xưa, kẻ kiêu ngạo chuốc lấy bại vong đã có quá nhiều tấm gương. Mã Tốc không chỉ kiêu ngạo, mà đích thực là cuồng ngạo vậy!

Bạn lại thử nghĩ xem, một Gia Cát Lượng thần cơ diệu toán, chưa ra khỏi lều cỏ đã tính được thiên hạ chia ba, liệu có phải vì không biết tính toán việc quân nên mới phải cậy nhờ Mã Tốc? Không, dụng ý của Gia Cát Lượng chính là muốn tạo cho Mã Tốc một cơ hội để thể hiện bản lĩnh, một cơ hội lập công trước mặt các tướng. Gia Cát Lượng quả thực muốn bồi dưỡng Mã Tốc trở thành người kế nhiệm mình cai quản đất Thục. Nhưng Mã Tốc lại kiêu ngạo đến loá mắt, tưởng rằng Thừa tướng không biết quân cơ nên mới phải hỏi đến mình. Vậy thì việc Mã Tốc phải chết cũng là điều sớm muộn, nếu không thua ở Nhai Đình thì ắt sẽ phải thua ở một trận chiến khác.

Câu chuyện của Mã Tốc cho người ta một cảm ngộ sâu sắc rằng tâm danh lợi quả thực là hại mình, hại người, vô cùng nguy hiểm. Nếu ai cũng như Mã Tốc, háo danh cuồng ngạo thì giang sơn nhà Thục Hán sẽ đi về đâu? Nếu không có một Gia Cát Lượng cúc cung tận tuỵ, khiêm tốn nhún mình, hành sự cẩn thận thì liệu công lao chinh chiến một đời Lưu Bị chẳng phải sẽ đổ xuống sông xuống biển ráo ư?

Theo Sound Of Hope
Tịnh Văn biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét