Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Lá thư cầu cứu giấu trong hộp quà vén mở bức màn đen tối về Trung Quốc

Lá thư cầu cứu giấu trong hộp quà vén mở bức màn đen tối về Trung Quốc https://ift.tt/2JsOxpO

Như một vòng xoáy bất thường của định mệnh, lời kêu cứu của nạn nhân bị cưỡng bức lao động ở Trung Quốc đã vượt qua nửa vòng trái đất, đến Mỹ và được công bố ra toàn thế giới.

Xem nhanh:

Trước lễ hội hóa trang Halloween năm 2012, cô Julie Keith phát hiện một hộp quà trang trí “12 đồ vật nghĩa trang sởn gai ốc” mà cô đã mua từ lâu nhưng bỏ quên trong nhà xe của cô ở thành phố Damascus, tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ.

"Khi tôi mở một số tấm bia mộ bằng nhựa mềm, thì một tờ giấy rơi ra. Tôi mở ra đọc, đó là bức thư của một người cầu xin sự giúp đỡ từ một trại lao động ở Trung Quốc,” Keith cho biết.

Bức thư viết bằng tiếng Anh: "Nếu bạn tình cờ mua sản phẩm này, làm ơn hãy chuyển bức thư tới Tổ chức Nhân quyền Thế giới. Hàng nghìn người ở đây đang chịu sự đàn áp của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ cảm ơn và nhớ đến bạn suốt đời".

thư cầu cứu
Lá thư cầu cứu trong hộp quà Halloween được sản xuất tại Trung Quốc (Ảnh: Julie Keith / Facebook)

Cô Keith cho biết: “Lúc đầu tôi đã rất sốc vì họ đưa được lá thư này ra ngoài. Tôi biết là họ có thể sẽ mất mạng nếu bị phát hiện.”

Tác giả bức thư cho biết hộp quà được sản xuất tại trại lao động Mã Tam Gia, nơi các tù nhân bị giam cầm từ 1-3 năm không qua xét xử. Họ phải làm việc 15 giờ/ngày, không có ngày nghỉ, bị tra tấn, đánh đập, sỉ nhục và chỉ được trả 10 tệ/tháng (khoảng 33 nghìn đồng).

“Tôi lập tức lên mạng, tìm kiếm tên của trại lao động và dường như những gì họ viết trong bức thư là sự thật. Tôi đã rất buồn. Tôi biết một chút ít về tình hình Trung Quốc. Nhưng khi điều này thật sự đến với tôi, nó làm tôi rất buồn, vì có những con người bị đối xử tàn nhẫn đến vậy", cô Keith chia sẻ.

Bức thư cho biết những người phải chịu nhiều cực hình hơn cả là các học viên Pháp Luân Công, môn khí công phổ biến tại nhiều nước nhưng bị đàn áp ở Trung Quốc từ năm 1999.

Pháp Luân Công
Hàng trăm học viên Pháp Luân Công từ nhiều nước luyện tập tại công viên Trung tâm, thành phố New York, Mỹ, ngày 27/8/2011 (Ảnh: Clearwisdom)

Khoảng nửa triệu học viên bị giam giữ trong các trại lao động tại Trung Quốc, theo ước tính của nhà báo điều tra người Mỹ Ethan Gutmann, người được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2017 cho nỗ lực phơi bày hoạt động mổ cướp nội tạng của chính quyền Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công.

Ông nhận định một lý do quan trọng khiến cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp đối với Pháp Luân Công là vì số lượng người tập vượt quá số lượng Đảng viên Trung Quốc vào thời điểm thống kê năm 1999.

“Các giá trị của Pháp Luân Công rất chân thực, và rất hấp dẫn nữa. Họ thật sự đại diện cho một Trung Quốc khác, một Trung Quốc đã bị đàn áp suốt nhiều năm, một xã hội Trung Quốc mà hầu hết người phương Tây chưa từng được thấy”, ông Gutmann nói với đài truyền hình NTD.

mổ cướp nội tạng
Nhà báo Ethan Gutmann là tác giả cuốn sách điều tra The Slaughter (tạm dịch: Đại Thảm Sát) về hoạt động mổ cướp nội tạng của chính quyền Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Các trại lao động cưỡng bức là một công cụ mà chính quyền Trung Quốc dùng để 'chuyển hóa' các học viên Pháp Luân Công, nghĩa là ép buộc họ phải từ bỏ việc tu luyện. Một trong những nhân chứng của hoạt động 'chuyển hóa' trong trại lao động là cô Jennifer Zeng, hiện đang sống tại Mỹ.

“Ngày đầu chúng tôi tới đó, cảnh sát đã nói rất rõ ràng rằng mục đích duy nhất họ đưa chúng tôi tới đó là để chuyển hóa chúng tôi.”, cô Zeng nói trong bộ phim tài liệu “Máu và nước mắt đằng sau các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc”.

Cô Zeng kể lại: “Họ còn bắt các tù nhân khác tra tấn chúng tôi để hoàn thành hạn mức của họ. Nếu các phạm nhân làm tốt theo yêu cầu của cảnh sát, họ sẽ được thả trước thời hạn. Nếu họ không ngược đãi các học viên Pháp Luân Công, họ có thể sẽ không được ngủ. Như vậy họ đã biến mọi tù nhân khác chống lại các học viên Pháp Luân Công.”

Pháp Luân Công
Cô Jennifer Zeng thoát khỏi cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc và được chính phủ Mỹ cấp quy chế tị nạn vào năm 2001. Cô kể lại hồi ức đau thương tại quê nhà trong cuốn sách "Witnessing History" (Chứng kiến Lịch sử)

Người kêu cứu được giải thoát

Cô Julie Keith đã làm theo lời đề nghị của tác giả lá thư cầu cứu bằng cách liên hệ các nhóm nhân quyền, tuy nhiên cô không nhận được phản hồi, theo CNN. Sau đó cô đã đăng bức thư trên Facebook, thu hút sự chú ý của cư dân mạng và giới truyền thông.

Một câu hỏi được đặt ra trong vụ việc chấn động này là ai đã mạo hiểm gắn bức thư viết tay trong hộp quà Halloween?

Tháng 6 năm 2013, tờ New York Times đưa tin họ đã tìm ra người viết lá thư. Đó là một người đàn ông 47 tuổi bị giam tại Mã Tam Gia, người đã viết khoảng 20 lá thư cầu cứu và cài vào các hộp quà tương tự. Bài báo không nêu danh tính của người đàn ông.

Trong một bài viết hôm 15/3, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh cho biết tác giả bức thư là anh Tôn Nghị (Sun Yi), một học viên Pháp Luân Công bị giam 2 năm rưỡi ở trại lao động Mã Tam Gia.

Anh Nghị mới đây đã thoát khỏi Trung Quốc và có cơ hội gặp cô Julie Keith, tại Jakarta, Indonesia vào ngày 7/3.

Pháp Luân Công
Anh Tôn Nghị, người viết lá thư cầu cứu, gặp cô Julie Keith tại Jakarta, Indonesia (Ảnh: Julie Keith / Facebook)

Chặng đường đến với tự do của anh Nghị không hề đơn giản. Như nhiều học viên Pháp Luân Công Trung Quốc, anh Nghị đã trải qua một loạt các hình thức bức hại, từ mất việc đến bị giam tại các nhà tù và các trại lao động cưỡng bức. Từ năm 2001, anh Nghị đã bị bắt ít nhất 6 lần, và bị cầm tù trong 4 năm cùng với các cuộc tra tấn tàn bạo nhằm ép buộc anh phải từ bỏ tu luyện.

Sau khi lá thư của anh được cả thế giới biến đến, anh Nghị đã cố gắng lặng lẽ trong một vài năm để tránh bị trừng phạt. Tuy nhiên, lực lượng an ninh của Trung Quốc đã nắm được manh mối về anh vào tháng 4 năm 2016.

Anh Nghị buộc phải sống vô gia cư để tránh bị bắt giam trở lại. Vợ anh Nghị luôn lo lắng cho anh, nhưng để tránh bị theo dõi, anh Nghị hầu như không liên lạc với vợ mình. Đôi khi anh Nghị chỉ gửi lén một tin nhắn trực tuyến cho vợ với nội dung không rõ ràng.

Vào ngày 29/11/2016, anh Nghị đã bị bắt trong khi chuẩn bị tham dự một phiên tòa xét xử một học viên Pháp Luân Công khác tại Tòa án Thông Châu ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, 4 ngày sau đó, anh Nghị đã được thả ra vì “những lý do sức khỏe”.

Đó là khi anh Nghị quyết định rời khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch này không dễ thực hiện.

"Nếu bạn nằm trong danh sách đen của họ, bạn có thể bị cấm rời khỏi Trung Quốc", anh Nghị cho biết. May mắn thay, anh Nghị đã được xuất cảnh và trở thành người tự do sau 15 năm bị theo dõi, giám sát, cưỡng bức lao động và tra tấn.

Lao động cưỡng bức vẫn tiếp diễn?

Các trại lao động cưỡng bức đã chính thức bị bãi bỏ ở Trung Quốc vào năm 2013, một năm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhậm chức. Một công cụ chủ yếu để đàn áp Pháp Luân Công đã bị loại bỏ, nhưng cuộc bức hại mà cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân gây dựng vẫn đang tiếp diễn, dù ông Tập có một số tín hiệu cho thấy khả năng ông muốn từ bỏ di họa mà người tiền nhiệm để lại.

giang trạch dân
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) có tín hiệu cho thấy ông đang xử lý các đối tượng tham gia đàn áp Pháp Luân Công theo phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân (Ảnh: Getty)

Các nhà quan sát nhân quyền lo ngại rằng các nhà tù, trại tạm giam, trung tâm sức khỏe tâm thần, và những nơi giam giữ không chính thức tại Trung Quốc vẫn đang được sử dụng cho cùng một mục đích với các trại lao động cưỡng bức.

Đối với cô Julie Keith, kể từ khi biết đến lá thư cầu cứu, cô quyết định không mua hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc.

Cô nói: "Tôi cố không mua các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc.  Tôi biết là không phải sản phẩm nào ở Trung Quốc cũng được sản xuất trong điều kiện như vậy, nhưng khi biết đến chuyện này... Tôi quyết định sẽ không đến cửa hàng tiện dụng nữa, vì mọi thứ ở đó đều sản xuất tại Trung Quốc."

"Tôi hy vọng điều đó sẽ giúp ích... Mọi người có thể thay đổi cách nghĩ, cách mua sắm, và có lẽ điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt."

Petr Svab, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh 

Xem thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét