Roy Cheung, 21 tuổi, bị bắt vì sở hữu một quả bom xăng trong một cuộc biểu tình đòi dân chủ vào tháng 10 năm ngoái. Anh nói với Reuters rằng anh đã bị quản ngục đánh đập và làm nhục trong thời gian thụ án.
Roy Cheung cho biết các lính canh tại Viện cải huấn Pik Uk ở Tân Giới thường xuyên tát, đánh anh bằng thước kẻ và thúc cùi chỏ vào cột sống của anh.
Anh Cheung kể lại rằng, vào ngày 7/2, anh bị đánh đập vì là một trong sáu tù nhân hát bài Vinh quang cho Hồng Kông, một ca khúc thường xuyên được cất lên trong trào dân chủ.
Cheung nói: “Chúng tôi đã hát trong phòng giam. Chúng tôi đã bị trừng phạt vào ngày hôm sau". Không chỉ vậy, người thanh niên này cho biết một người lính canh còn yêu cầu anh phải cảm ơn sau khi bị tát.
Cheung đã chấp hành bản án 8 tháng tù, từ ngày 2/11/2019 đến ngày 30/6/2020. Anh nói với Reuters rằng hồi tháng 5, anh đã đệ đơn khiếu nại về việc bị đánh đập tới Đơn vị Điều tra Khiếu nại của Sở Dịch vụ Cải huấn Hồng Kông, nơi điều hành các nhà tù của thành phố. Reuters không thấy được bản sao của đơn khiếu nại này và Cheung nói rằng anh không được cung cấp một bản sao.
Trong một bức thư đề ngày 10/7 mà Reuters xem được, một thành viên của Đơn vị Điều tra Khiếu nại đã trả lời rằng cơ quan này đang điều tra vụ việc của Cheung.
Một đại diện của Sở Dịch vụ Cải huấn từ chối bình luận về đơn khiếu nại của Cheung. Người này tuyên bố Đơn vị Điều tra Khiếu nại sẽ điều tra công bằng, chính xác và cụ thể.
Cheung nói với Reuters rằng anh muốn công khai khiếu nại của mình để ngăn việc ngược đãi những người biểu tình khác vẫn đang bị giam giữ tại Viện Cải huấn Pik Uk.
Tom, Ivan, Jackson và Henry là bốn người biểu tình ủng hộ dân chủ ở độ tuổi 18, 19. Họ đã thuật lại những hành vi ngược đãi tương tự mà họ phải chịu khi bị giam giữ tại Viện Cải huấn Pik Uk. Cả bốn người này đã được thả khỏi Pik Uk và đang chờ xét xử.
Họ cho biết cai ngục đánh họ theo cách để không có những vết bầm tím và sẹo. Ngoài ra, những thanh niên này bị đánh ở những nơi không có camera, chẳng hạn như gần cầu thang bên ngoài phòng sinh hoạt hoặc bên trong phòng tắm.
Không ai trong số bốn người này dám đệ đơn khiếu nại lên Sở Dịch vụ Cải huấn vì họ sợ bị lính canh trả thù nếu tương lai phải trở lại Viện Pik Uk.
Cheung nói với Reuters rằng phòng giam của anh bị lính canh theo dõi hàng ngày sau khi anh nộp đơn khiếu nại. Ngoài ra, Cheung còn bị biệt giam trong một khoảng thời gian.
Khiếu nại lên Liên Hợp Quốc
Vào tháng 6, đảng Demosisto đã thay mặt Tom, Ivan và Jackson đệ đơn khiếu nại lên Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp quốc với cáo buộc lạm dụng người biểu tình bị giam giữ ở nhà tù.
Theo đơn khiếu nại của Demosisto, các lính canh tại Viện Cải huấn Pik Uk đã có hành vi bạo lực với những người biểu tình bị bắt, cụ thể là tát, thúc cùi chỏ vào xương sống và dùng gậy, thước kẻ hay dùi cui cảnh sát đánh vào tay và chân của họ. Cơ quan Dịch vụ Cải huấn từ chối bình luận về vụ khiếu nại này.
Hoàng Chi Phong, cựu thành viên của đảng Demosisto, đã bị bỏ tù vào năm 2017 vì tham gia phong trào Ô dù 2014. Anh nói với Reuters rằng anh đã bị đối xử bất công trong tù, chẳng hạn như bị bắt khoả thân và ngồi xổm trong khi bị lính canh thẩm vấn ở khu vực không có camera.
Anh đã đệ đơn khiếu nại lên Cơ quan Dịch vụ Cải huấn, nhưng một cuộc điều tra nội bộ vào năm ngoái kết luận rằng khiếu nại của Hoàng Chi Phong là vô căn cứ với lý do là không có bằng chứng. Cơ quan Dịch vụ Cải huấn từ chối bình luận về quyết định này, viện cớ không thể bình luận về các trường hợp cá nhân.
Theo Reuters
Hải Lam dịch và biên tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét