Dịch vụ mai mối kết hôn giữa phụ nữ Triều Tiên và đàn ông Hàn Quốc đang có xu hướng tăng cao. Những cuộc sống hôn nhân "Bắc - Nam" giúp người dân 2 nước 1 dân tộc này hòa nhập và hiểu nhau hơn.
Kết hôn Bắc - Nam
Ngày nay, khi người dân Triều Tiên bất chấp nguy hiểm vượt biên sang Hàn Quốc ngày càng nhiều, việc hòa nhập với một xã hội phát triển và sống nhanh như Hàn Quốc không phải là điều dễ dàng.
Theo thống kê, trong 33.000 người Triều Tiên chạy sang Hàn Quốc, phụ nữ chiếm hơn 70%. Con số này phần nào phản ánh xu hướng giám sát chặt chẽ của chính quyền Triều Tiên đối với nam giới. Một cuộc khảo sát do chính phủ tài trợ năm 2019 cho thấy, trong 3.000 người Triều Tiên sống ở miền Nam đã có 43% phụ nữ đang sống với chồng Hàn Quốc. Tỷ lệ này chỉ đạt 19% vào năm 2011.
Kim Seo-yun, một cô gái Triều Tiên 33 tuổi đang điều hành Công ty môi giới Unikorea vừa kết hôn với chồng của mình Lee Jeong-sup người Hàn Quốc vào tháng 6 năm nay đã chia sẻ với tờ AP về cuộc sống hôn nhân của mình.
Cô đã gặp chồng mình tại một bữa ăn tối do sự sắp xếp của một người bạn. Phải đến lần hẹn hò thứ hai tại một nhà hàng bên bờ biển Seo-yun mới dám tiết lộ với chồng (lúc này đang là bạn trai) mình là người Triều Tiên và đã một mình vượt biên đến Hàn Quốc từ 10 năm trước. Lúc mới nghe xong, Jeong-sup còn đùa rằng liệu cô có phải là gián điệp không nhưng ngay sau đó, anh thì thầm với cô: “Không có gì phải giấu khi mình đến từ Triều Tiên cả”.
Tuy nhiên, giống như bao người Triều Tiên khác sống trên đất Hàn, Seo-yun vẫn luôn cảm thấy xấu hổ ở một đất nước mà những người như cô, có thể phải đối mặt với sự phân biệt đối xử. Không những thế, sống xa gia đình luôn khiến cô cảm thấy cô đơn. Vậy nên, kết hôn giúp cô hạnh phúc hơn "chồng là tất cả những gì tôi có, không một ai khác nữa. Anh nói rằng sẽ không chỉ là chồng mà còn là cha mẹ tôi nữa. Nhờ vậy, tôi cảm thấy ổn hơn rất nhiều”, cô chia sẻ với AP.
Nhiều phụ nữ trốn khỏi Triều Tiên giống như Seo-yun thường tìm đến các công ty mai mối, phần lớn do những người cùng hoàn cảnh điều hành, để tìm chồng. Phí môi giới được tính cho đàn ông Hàn Quốc là 3 triệu won (tương đương 2.520 USD) để có các cuộc hẹn hò. Hầu hết phụ nữ không bị tính phí này. Ngược lại, không có dịch vụ mai mối tương tự dành cho nam giới tị nạn, hoặc những người thường kết hôn với đồng hương Triều Tiên.
Hiện nay, đàn ông Hàn Quốc rất khó tìm được vợ người Hàn cũng là một trong những nguyên nhân khiến họ muốn kết hôn với phụ nữ Triều Tiên hoặc nước ngoài. Trên thực tế, số lượng các công ty chuyên mai mối phụ nữ Triều Tiên với đàn ông Hàn Quốc đã tăng lên. Hiện có khoảng 30 công ty như vậy đang hoạt động, tăng gấp đôi từ giữa thập niên 2000.
Dù có chung ngôn ngữ và sắc tộc, nhưng sự khác biệt về hoàn cảnh và xã hội cũng khiến các cặp đôi gặp một số khó khăn trong hôn nhân. Ví dụ, như khi hai vợ chồng nói chuyện Jeong-sup hay dùng những từ vay mượn từ tiếng anh thông dụng ở Hàn Quốc khiến Seo-yun không hiểu, còn Seo-yun đôi khi khiến anh khó chịu vì sử dụng tiếng lóng ở Triều Tiên,... Tuy nhiên, họ luôn cố gắng thấu hiểu để loại bỏ những gián cách này.
Phần đông phụ nữ Triều tiên có hôn nhân hạnh phúc, nhưng cũng có một số lại không may mắn như vậy. Nhà nghiên cứu Ahn Kyung-su - thuộc viện nghiên cứu tư nhân các vấn đề sức khỏe miền Bắc cho biết, một số phụ nữ Triều Tiên mà anh phỏng vấn nói rằng họ bị chồng Hàn Quốc coi thường và ngược đãi. Một số khác thì luôn dằn vặt, xót xa khi bỏ lại gia đình ở miền Bắc.
Dù thế nào đi chăng nữa, những cặp đôi vợ Bắc chồng Nam cũng đang góp phần xóa đi định kiến và giúp người dân hai bên thấu hiểu nhau hơn.
Video xem thêm: Đời trước thiếu nợ, đời này gặp nhau!
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/doi-truoc-thieu-no-doi-nay-gap-nhau_310e36309.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét