Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Terry Branstad gần đây đã viết một bài báo với tiêu đề "Thiết lập mối quan hệ dựa trên sự công bằng" và gửi đăng trên tờ Nhân Dân Nhật Báo - cơ quan ngôn luận ĐCSTQ. Tuy nhiên, ngay sau đó bài viết của ông đã bị từ chối.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 9/9 rằng, phản ứng của Nhân dân Nhật Báo một lần nữa phơi bày nỗi sợ hãi của ĐCSTQ về quyền tự do ngôn luận và các cuộc tranh luận trí thức nghiêm túc, cũng như thói đạo đức giả của Bắc Kinh khi phàn nàn về việc bị đối xử thiếu công bằng và bình đẳng tại các nước khác.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Triệu Lập Kiên cho rằng, Mỹ sử dụng bài báo này là đang cố tình “bới lông tìm vết”.
Tuy nhiên, thế giới bên ngoài rất quan tâm đến việc bài báo của Đại sứ Branstad không được đăng trên các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ. Phía đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc sau đó đã công bố toàn văn bài báo bằng tiếng Trung có chữ ký của đại sứ Branstad trên tài khoản Weibo chính thức vào chiều ngày 11/9, nhưng đã bị xóa không lâu sau đó.
Bài báo đề cập đến sự bất bình đẳng lâu dài trong quan hệ Mỹ-Trung và kêu gọi ĐCSTQ tôn trọng quyền đối thoại trực tiếp của các nhà ngoại giao phương Tây với người dân Trung Quốc.
Theo báo cáo của CNA - thông tấn xã Đài Loan, bài báo này được gửi đi lúc 16h30 ngày 11/9, nhận được hơn 2.200 lượt thích và 1937 lượt chia sẻ. Tuy nhiên, mọi người không cách nào đọc được những bình luận của cư dân mạng và phía dưới của bài báo còn hiện dòng chữ "Cấm bình luận". Tính đến thời điểm bài viết của phóng viên Voice of Hope được đăng tải thì bài báo gốc trên Weibo đã bị xóa.
Nhân Dân Nhật Báo từ chối đăng bài viết của Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc
Ngày 26/8, Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đã liên hệ với Nhân Dân Nhật Báo để bày tỏ hy vọng có thể đăng một bài báo có chữ ký của Đại sứ Branstad trước ngày 4/9.
Nhân Dân Nhật Báo đã từ chối yêu cầu này và tuyên bố rằng, nội dung của bài báo "đầy sơ hở, không phù hợp nghiêm trọng với sự thật, đầy rẫy những lời lẽ công kích và bôi nhọ ác độc chống lại Trung Quốc".
Nhân Dân Nhật Báo cũng tuyên bố trong thư trả lời với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc rằng, bản thảo không phù hợp, không đáp ứng được các tiêu chuẩn nhất quán để được một kênh truyền thông nổi tiếng - nghiêm túc - chuyên nghiệp như Nhân dân Nhật Báo tuyển chọn và xuất bản.
Ngày 9/9, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo đã đưa ra một tuyên bố chỉ trích Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan tuyên truyền chính thức của ĐCSTQ khi từ chối đăng bài báo Đại sứ Branstad, đồng thời ông cũng trích dẫn một loạt những vấn đề bất cập.
“Trớ trêu thay, bài báo có chữ ký của vị đại sứ này không làm điều gì khác ngoài việc kêu gọi thiết lập một mối quan hệ tích cực hơn giữa hai quốc gia thông qua quan hệ qua lại không hạn chế và các cuộc thảo luận không kiểm duyệt”, ông Pompeo chỉ trích.
“Phản ứng của Nhân dân Nhật báo một lần nữa phơi bày nỗi sợ hãi của ĐCSTQ đối với quyền tự do ngôn luận và các cuộc tranh luận trí thức nghiêm túc, cũng như thói đạo đức giả của Bắc Kinh khi phàn nàn về việc bị đối xử thiếu công bằng và bình đẳng tại các nước khác”.
Ông Pompeo chỉ ra trong tuyên bố rằng, trong nền dân chủ năng động và tự tin của Hoa Kỳ, các quan chức ĐCSTQ có thể đối thoại trực tiếp với người dân Mỹ, và họ cũng có thể bày tỏ quan điểm của chính quyền ĐCSTQ trên các phương tiện truyền thông Mỹ.
Đơn cử trường hợp Đại sứ của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) đã xuất bản năm bài báo có chữ ký vào năm nay trên các tờ báo nổi tiếng ở Mỹ như The Washington Post và Politico, đồng thời được sắp xếp các cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh truyền hình như CNN và CBS.
Bộ Ngoại giao ĐCSTQ và các cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc như Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), China Daily … thường xuyên sử dụng khả năng tiếp cận tự do các mạng xã hội của Mỹ như Twitter và Facebook để tấn công các chính sách và lối sống của Mỹ và chính bản thân hệ thống mà đang bảo vệ quyền phát ngôn tự do của họ. Họ cũng làm điều tương tự ở các quốc gia dân chủ khác.
Ông Pompeo nói rằng, nếu ĐCSTQ thực sự muốn đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia vĩ đại và tăng cường quan hệ với thế giới tự do, Bắc Kinh nên tôn trọng quyền nói chuyện trực tiếp với người dân Trung Quốc của các nhà ngoại giao phương Tây, cho phép các nhà báo nước ngoài quay trở lại Trung Quốc và ngừng các hành vi đe dọa và quấy rối các phóng viên điều tra, bất luận đó là người hải ngoại hay người Trung Quốc. Bởi vì những nhà báo này đang cố gắng duy trì tính trung thực của các phương tiện truyền thông tự do phục vụ lợi ích công chúng.
"Việc họ từ chối làm điều này cho thấy giới chóp bu trong ĐCSTQ vốn không phải do dân bầu đang lo sợ như thế nào trước việc người dân của họ có tự do tư tưởng cũng như sự đánh giá của thế giới tự do đối với việc quản trị bên trong Trung Quốc", ông Pomeo viết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 10/9 rằng, động thái của Mỹ đã được thiết kế cẩn thận để “bới lông tìm vết”.
“Phía Mỹ hy vọng Nhân Dân Nhật Báo đăng một bài báo giả dối, họ muốn vu oan cho Trung Quốc", ông Kiên nói.
Tuy nhiên, cả hai câu trả lời của tờ Nhân Dân Nhật Báo và của phát ngôn viên Triệu Lập Kiên đều không chỉ ra chính xác những gì được đề cập trong bài báo của Đại sứ Branstad.
Theo quan điểm của Mỹ, quan hệ Trung - Mỹ từ lâu đã là mô hình không cân bằng được thể hiện trên nhiều lĩnh vực.
Lấy ví dụ, trước khi Hoa Kỳ trừng phạt ByteDance và Tencent thì WeChat, QQ, Tik Tok và Weibo đều có thể tự do gia nhập vào thị trường Mỹ, trong khi các công ty công nghệ Mỹ khác như Google, Twitter và Facebook không thể hoạt động ở Trung Quốc.
Như Ngoại trưởng Pompeo đã nói, các quan chức ĐCSTQ có thể chỉ trích các chính sách của Mỹ và ca ngợi Trung Quốc trên các phương tiện truyền thông của Hoa Kỳ. Các tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ có thể tiếp tục xuất hiện trên Twitter và ĐCSTQ có thể kể "những câu chuyện của Trung Quốc" trên tấm bảng quảng cáo ở quảng trường Thời đại New York. Trái lại, nước Mỹ chỉ có thể kể “những câu chuyện của Hoa Kỳ" trên trang web chính thức của đại sứ quán nước mình.
Trung Quốc có 3.000 nhà báo thường trú tại Hoa Kỳ, trong khi Hoa Kỳ chỉ có chưa đến 100 nhà báo Mỹ thường trú ở Trung Quốc. Miễn là các nhà báo Trung Quốc có thể duy trì tư cách nhà báo thì họ không bị giới hạn về thời gian cư trú tại Hoa Kỳ. Còn tại Trung Quốc, các nhà báo của Mỹ cần phải phỏng vấn xin gia hạn hàng năm.
Bài báo "Thiết lập mối quan hệ dựa trên sự công bằng'' của Đại sứ Branstad hiện đã được xuất bản trên trang web chính thức của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc với nội dung cũng đề cập đến những vấn đề này.
Mở đầu bài báo, Hoa Kỳ luôn mong muốn một mối quan hệ mang tính xây dựng và có kết quả với Trung Quốc, nhưng từ góc độ quan điểm của Hoa Kỳ thì hiện rất ít tiến triển được ghi nhận. Trong nhiều năm, ban lãnh đạo ĐCSTQ đã kêu gọi Hoa Kỳ tập trung vào các lĩnh vực hợp tác, đồng thời gác lại những điểm bất đồng. Hoa Kỳ đã đồng ý với cách tiếp cận này. Bắc Kinh yêu cầu Hoa Kỳ tránh thảo luận về sự khác biệt như một điều kiện tiên quyết để giao thiệp. Tuy nhiên, những lời hứa được đưa ra thường không được thực hiện và mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng mang lại ít kết quả có ý nghĩa hơn cho người dân Mỹ.
Bài báo tập trung vào sự bất bình đẳng trong quan hệ Mỹ-Trung. Đại sứ Branstad nói rằng, Hoa Kỳ hoan nghênh các công ty Trung Quốc tiến vào thị trường Mỹ, bán sản phẩm cho người tiêu dùng Mỹ, đầu tư và tham gia đấu thầu dự án và gây quỹ. Trong khi đó ĐCSTQ không đối xử bình đẳng với các công ty, nhà báo, nhà ngoại giao, … của Mỹ. Trong khi các nhà báo của Mỹ đưa tin phải đối mặt với các hạn chế nhập cảnh vào Trung Quốc, thì các nhân viên truyền thông quốc gia Trung Quốc có thể đưa tin mà không bị hạn chế ở Mỹ trong một thời gian dài.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc có thể bước vào xã hội Mỹ một cách tự do không hạn chế. Trong khi các nhà ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc cần phải đối diện với một hệ thống phê duyệt quốc gia, ngay cả với những tương tác cơ bản nhất với người dân đại lục.
Bài báo cũng tuyên bố rằng, trong khi hưởng lợi từ sự cởi mở của Hoa Kỳ, chính quyền ĐCSTQ đã lợi dụng sự cởi mở của Hoa Kỳ - theo cách thức ngày càng không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Một số công ty Trung Quốc mua lại các công ty Mỹ không phải để tạo cơ hội việc làm, mà là để thu thập công nghệ và sau đó mang về Trung Quốc phát triển nhằm cạnh tranh ngược trở lại với Mỹ. Một số sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc tiến vào các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và công ty của Mỹ, không phải để tham gia vào nghiên cứu học thuật mà là để đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, ông đã khởi động các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.
"Nhiều người cáo buộc rằng điều này là để cản trở nguyện vọng phát triển hợp lý của Trung Quốc, để ‘kiềm chế’ sự trỗi dậy của Trung Quốc hay ‘tách rời’ với Trung Quốc". Nhưng Đại sứ Branstad cho biết: "Điều này hoàn toàn sai lầm".
Ông tiếp tục nói trong bài báo: "Nguyên nhân sâu xa của những căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung hiện nay là chiến lược lâu dài của Trung Quốc, theo đó phía Trung Quốc chỉ muốn ‘kết nối’ có chọn lọc với Mỹ, khi kiểm soát một cách có hệ thống sự tiếp cận của người dân Mỹ đối với xã hội Trung Quốc".
Hoa Kỳ hiện đã từ chối cấp thị thực cho những người thu thập tài sản trí tuệ và kết quả nghiên cứu của Hoa Kỳ một cách bất hợp pháp, ví như áp lệnh trừng phạt với các doanh nghiệp như Huawei. Các công ty này đã đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, đi đường vòng để né tránh các kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ hoặc gây ra mối đe dọa đối với an ninh dữ liệu cá nhân và mạng lưới liên lạc của công dân Mỹ.
Ở phần cuối bài báo, Đại sứ Branstad cho biết, Trung Quốc và Hoa Kỳ cần thiết lập nền tảng cho sự hiểu biết lẫn nhau và sự hợp tác chân chính. Nó phải bắt đầu từ việc chính phủ Trung Quốc sẵn sàng giải quyết những lo ngại về sự mất cân bằng trong quan hệ giữa hai nước và cho phép người dân hai nước thiết lập quan hệ thông qua trao đổi không hạn chế và thảo luận không bị kiểm duyệt.
"Chỉ khi đó, tôi mới có thể được hưởng quyền tự do tiếp xúc với người Trung Quốc, giống như chúng tôi đã hứa với Đại sứ Thôi cũng sẽ làm như vậy ở Hoa Kỳ và chỉ khi đó, chúng ta mới có thể có một mối quan hệ thực sự bình đẳng và cân bằng".
Theo Nguyên Minh Thanh, Sound of Hope
Tâm Thanh biên dịch
(Nguồn thumbnail: Gaga Skidmore/Flickr)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét