Động đất là hiện tượng thiên nhiên vô cùng phức tạp, rất khó có thể dự đoán và dự báo một cách chính xác. Nhưng lật tìm lại sách lịch sử, chúng ta sẽ thấy được nhiều ghi chép về ngũ hành rất khoa học cho thấy dấu hiệu trước khi động đất xảy ra. Tổng kết của cổ nhân cho thấy sự hiểu biết của họ rất toàn diện và không thiếu khoa học chút nào.
Dấu hiệu thứ nhất: Bầu trời biến đổi
Người xưa thường nhìn biến hóa của thiên tượng mà biết được điềm báo trước về động đất. Vào thời nhà Hán, người ta nhìn dấu hiệu nhật thực mà biết động đất sắp xảy ra. Tuy nhiên, đến ngày nay, con người hầu như không còn nhìn hiện tượng này giống như dấu hiệu báo trước địa chấn nữa. Trong "Hán thư" quyển 75, "Dực phụng truyện" có ghi chép: "Tiểu Nhã tháng 10 ghi chép sách", sau nhật thực sẽ phát sinh động đất, "Nhật thực và địa chấn có mối liên hệ với nhau rất rõ ràng và sáng tỏ, quan sát tổ chim biết gió, nhìn hang động biết mưa". Nội dung bài viết cũng cho rằng: "Trời biến sẽ có nhật thực, đất biến sẽ có địa chấn".
Tất nhiên, thực tế cũng lưu lại không ít những lá số tử vi bói ra biến hóa báo trước địa chấn. Trong "Biên niên sử ngũ hành" của các triều đại trước đây cũng ghi lại những thay đổi trong mối liên hệ giữa quan sát chiêm tinh và động đất. Chẳng hạn như trong "Ngu hương huyền chí, quyển 10 Cựu văn khảo" có ghi: “Đêm ngày 15 tháng 7 năm 1862, thời hoàng đế Đồng Trị nhà Thanh, trời đổ mưa sao băng, tiếp đến là địa chấn, sau đó là động đất liên tục, ngày 7/10 động đất, ngày 7/11 lại động đất”.
Dấu hiệu thứ hai: Đất phát ra tiếng sấm
Vào ngày 18 tháng 2 năm 734, năm thứ 22 niên hiệu Khai Nguyên đời nhà Đường, hiện tượng "đất phát ra tiếng sấm sét" tại Tần Châu đã được ghi lại trong cuốn "Cựu đường thư, quyển 37, Ngũ hành" như sau: "Ban đầu, người dân ở Tần Châu nghe thấy tiếng sấm sét dưới mặt đất tại khu vực phía Tây Bắc, ngay sau đó là động đất xảy ra".
“Biên niên sử quận Tam Hà” của Hà Bắc cũng ghi lại một số dấu hiệu trước trận động đất, ngày 28 tháng 7 năm Khang Hy đại đế thứ 18: “Âm thanh phát ra từ đất phía Tây Bắc, giống như tiếng sấm, mỗi lúc một rõ và tiến đến gần. Ngay sau đó, lòng đất nổ như tiếng pháo, tiếp đến là giống như hàng ngàn khẩu pháo bằng đá bắn ra giống như trăm quân vạn mã đang tiến đến".
Dấu hiệu thứ ba: Động vật phản ứng bất thường
"Tấn thư quyển 29, Ngũ hành chí hạ" có ghi: "Tấn vương Vĩnh Hà năm thứ 10, tháng giêng Đinh Mão, địa chấn xảy ra, âm thanh nghe như sấm, gà trĩ đều gáy". "Đại Đường Khai Nguyên chiêm kinh" là một bộ sưu tập các tài liệu thiên văn cổ thời nhà Đường, có ghi lại phản ứng bất thường của loài chuột trước khi động đất xảy ra: "Lũ chuột thi nhau chạy ra giữa đường mà kêu, ở đó mà tàn phá các thứ".
Dấu hiệu thứ 4: Thời tiết dị thường
Trong sách cổ có ghi chép về việc xuất hiện thời tiết không bình thường trước khi động đất xảy ra. Ví như nhìn thấy sao Thái Bạch giữa ban ngày, mưa đá, tuyết đỏ, mây mù che trời, lũ lụt hạn hán, thời tiết các mùa khác thường, phát sinh lốc dị thường, tiếp theo dấu hiệu này sẽ phát sinh động đất.
Ví dụ ghi chép liên hệ giữa mưa tuyết và động đất, trong "Tống sử, quyển 295" Từ Tôn Phù đến Tống Nhân Tông có ghi lại 12 sự việc nổi bật, trong đó: "Tỉnh Hà Bắc có tuyết rơi màu đỏ, vùng Hà Đông liên tiếp chịu nhận động đất trong 5, 6 năm liên tiếp". "Khu vực Hãn Châu, 6 năm xảy ra động đất, mỗi lần phát sinh đều có âm thanh như sấm vang ra từ lòng đất, thời điểm trước đó không có xảy ra động đất lâu như vậy".
Tôn Phù cho rằng những hiện tượng tự nhiên này là báo hiệu “chính sự không nghiêm, thưởng phạt không rõ ràng, quan lại không làm hết chức trách, cho nên đã chiêu mời loạn lạc". Vì vậy, muốn "Hành theo thiên ý" cần phải làm cho đất thịnh, bên ngoài giúp quân đội hùng mạnh, bên trong đưa ra quy định cho hậu cung". Đây là một nhận thức để giảm nhẹ thiên tai. Đến thời nhà Minh, nhận thức này đã có chút thay đổi, một số quan lại không nhìn nhận việc chính sự được mất liên hệ với thiên tượng dị thường nữa.
Các ghi chép lịch sử cũng để lại các ghi chép về gió, mây, mưa lũ có liên quan đến động đất. Ví dụ như "Minh sử, Nhất ngôn cuốn 2, Chu Hoằng tổ truyền", năm đầu niên hiệu Long Khánh có mô tả địa chấn: "Từ bắt đầu vào mùa hạ đến nay, mưa liên tục suốt tháng. Mùa đông kinh thành có động đất, mùa xuân mây mù dày đặc khiến ban ngày không có ánh sáng. Gần Đại Đồng lại báo có mưa đá gây hại vạn vật, động đất có âm thanh".
Các dấu hiệu khác báo trước động đất
Trong lịch sử cũng có nhiều ghi chép về các dấu hiệu báo trước địa chấn sẽ xảy ra. Ví dụ như "Hoàng triêu kinh thế văn tứ biên, quyển 10, học thuật địa học" có ghi lại 6 điềm dự báo động đất xảy ra. "Long đức huyền chí, quyển 4, Thập di chấn tai" cũng dẫn lại 6 điềm báo này như sau:
1. Nước trong giếng đang yên lặng không có sóng, bỗng nhiên đục ngầu, bùn nổi lên nhất định có động đất.
2. Nước trong ao, gió thổi cuộn sóng, bèo dạt ào ào, bọt tung trắng xóa giống như nước sôi sùng sục, nhất định có động đất.
3. Mặt biển có sóng cao cuộn dâng, lao nhanh trên diện rộng, tảo rong dạt vào bờ, bỗng dưng mặt biển sủi bọt như nước sôi là điềm báo động đất. Nếu gió lớn vào ngày nắng ấm, bão tố không xuất hiện, nước biển nổi sóng mãnh liệt dị thường, thì đó là địa chấn sắp xảy ra.
4. Nửa đêm tối đen, trời đột nhiên sáng sủa, ánh sáng chiếu rọi khác ngày bình thường, đây là dấu hiệu của địa chấn.
5. Thời tiết đang nắng ấm, trời trong xanh, bỗng thấy mây đen như bấc, uốn lượn như những con rắn dài ngang trời, nếu tụ lâu, nhất định là động đất.
6. Đang giữa mùa hè, hơi nước bốc lên mạnh mẽ, mồ hôi rơi như mưa, đột nhiên xuất hiện cảm giác mát lạnh như băng tuyết, hơi lạnh bao vây người, như thế sẽ có địa chấn.
Tác giả của cuốn biên niên sử cũng ghi rõ: "Người dân thấy 6 dấu hiệu này, nên có phương án phòng tránh để giảm thiệt hại do thiên tai".
Trên đây là những dị tượng trong lịch sử, nghe có phần xa xôi, mơ hồ. Nhưng cho đến ngày nay, những hiện tượng này vẫn còn tính thời sự nóng hổi. Gần đây, trong một thung lũng ở thôn Kiên Cường, thị trấn Tú Thủy, quận Uy Ninh, tỉnh Quý Châu, những âm thanh kỳ lạ đã phát ra trong nhiều ngày, gây hoang mang cho người dân địa phương và thu hút sự chú ý của thế giới bên ngoài. Có người cho rằng âm thanh phát ra giống như “tiếng bò kêu”, cũng có người nói là “đất kêu”, hoặc do “sự va chạm giữa các vỏ lục địa mà phát ra âm thanh”, cũng có thể là điềm báo cho một trận động đất lớn sắp xảy ra? Quả nhiên, ở huyện Hách Chương lân cận cùng ở thành phố Tất Tiết đã có một trận động đất xảy ra. Vậy thì những âm thanh kỳ lạ đó thực sự có liên quan đến động đất.
Theo Epochtimes
San San biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét