Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

ĐCSTQ khai quật lăng mộ Hoàng đế Vạn Lịch, dị tượng liên tiếp xảy ra

ĐCSTQ khai quật lăng mộ Hoàng đế Vạn Lịch, dị tượng liên tiếp xảy ra https://ift.tt/2DwaeG6

Người Trung Quốc thời xưa tin vào Âm dương diễn hóa, Phong thủy Bát quái. Các đế vương thời xưa lại càng xem trọng  thuyết Phong thủy trong Chu Dịch, trong đó biểu hiện nổi bật nhất là thiết kế lăng mộ hoàng gia. Nơi được chọn để xây hoàng lăng luôn luôn là nơi có phong thủy cực kỳ tốt, bố cục và các cơ quan bên trong mộ cũng được bố trí kỹ lưỡng, không chỉ là vì để tương xứng với thân phận của chủ nhân lăng mộ, quan trọng hơn là để bảo vệ quan tài và vật bồi táng được nguyên vẹn.

Vì muốn vén tấm khăn che mặt bí mật của các Hoàng đế nhà Minh, Trung Quốc quyết định khai quật Thập Tam Lăng. Nhưng vụ khảo cổ lần đó lại trở thành kỳ án Định lăng mà sau này ai nghe đến cũng đều khiếp sợ. Vì hành động khai quật khảo cổ lần đó không có đủ điều kiện công nghệ kỹ thuật, cho nên khi vừa mở lăng mộ ra đã khiến cho vô số châu báu bị phong hóa và oxy hóa cực kỳ nghiêm trọng, thậm chí có một số sản phẩm tơ lụa bốc hơi ngay tức thì. Đó thực sự là một điều quá xót xa.

Năm 1956, sau khi đội khai quật khảo cổ Định lăng lấy được giấy phép, khởi công chưa bao lâu thì đã gặp không ít những chuyện kỳ lạ. Tất cả những chuyện kỳ lạ này giống như lời cảnh báo trước tai hoạ khi người ta cứ nhất quyết đòi khai quật lăng. Tuy nhiên lúc đó có một số người vẫn muốn làm đến cùng, cuối cùng quả nhiên xảy ra chuyện. Tại hiện trường khai quật khi đó rốt cuộc đã xảy ra những chuyện kỳ quái gì?

Đầu tiên, người ta đã phải mất một năm ròng rã tìm kiếm lối vào của Định lăng, sau đó lại xảy ra những trận mưa nặng hạt, kéo dài trong suốt hai tháng trời. Điều này vô cùng hiếm có tại thành phố vốn dĩ rất ít mưa như Bắc Kinh. Đồng thời trận mưa này còn kèm theo giông bão. Tượng sư tử đá canh giữ ở lối vào có 1 con bị sét đánh nát. Xuất hiện nhiều điềm báo xấu như vậy đã một số học giả lúc đó phải rút khỏi đội khảo cổ.

Tường kim cang trong Định Lăng. (Nguồn: wikipedia)

Điều đáng nói là, có rất nhiều người dân ở các thôn làng gần đó đến khuyên ngăn đội khai quật khảo cổ nhưng cuối cùng đều bị đuổi về hết. Nhưng trong số những người dân làng đến khuyên ngăn có một ông lão rất cổ quái. Ông ăn mặc rất luộm thuộm, rách nát, đầu tóc bạc trắng nhưng trông lại có đôi chút phong thái của Đạo giáo. Ông không trực tiếp khuyên ngăn họ dừng việc khai quật lại, mà chỉ đưa ra lời cảnh báo. Ông nói rằng: “Nếu như muốn khai quật mộ một cách thuận lợi, thì cần phải tìm được một người có bát tự hợp với chủ nhân của Định Lăng tức là Vạn Lịch Đế. Chỉ có người đó mới có thể đưa mấy người vượt qua được con sông sinh tử ở bên trong Định Lăng”. Sau khi cảnh báo xong, ông lão liền âm thầm rời đi, thậm chí cũng không để lại bất cứ dấu vết gì, giống như biến mất trong không khí vậy.

Cảnh vật bên trong địa cung Định Lăng (Nguồn: wikipedia)

Ngay cả những người dân làng ở đó cũng không ai biết lai lịch của ông lão này. Điều này khiến cho đội khảo cổ vô cùng lo sợ. Vài ngày sau, vì thời tiết mưa bão nên có hai công nhân đã bị sét đánh chết. Trong phút chốc mọi người đều hoang mang tột độ, tất cả đều chuẩn bị bỏ chạy không làm tiếp nữa. Nhưng cuối cùng dưới sự thuyết phục, dụ dỗ của người phụ trách đội, mọi người lại bắt đầu tiếp tục khai quật. Cho đến năm 1957 thì người ta khai quật được cung điện dưới lòng đất (địa cung). Sau khi cánh cổng đá ở Định Lăng được mở ra, nhân viên khảo cổ quả nhiên nhìn thấy “con sông sinh tử” đó ở trong cung điện lòng đất. Đó là một rãnh mương có chứa chất lỏng màu đen không biết là dung dịch gì, còn bốc ra mùi hôi khó chịu. Lần khai quật đó tổng cộng đào được hơn 3000 văn vật quý hiếm, nào là mũ trang trí bằng vàng, vương miện, dạ minh châu, phỉ thúy ba màu của nhà Minh... có thể nói có là thu hoạch phong phú.

Trang sức vàng hình chữ “tâm” được đào lên từ Định Lăng (Nguồn: wikipedia)

Nhưng không lâu sau, lời cảnh báo của ông lão năm xưa đã bắt đầu ứng nghiệm. Đầu tiên là Ngô Hàm, người phụ trách chỉ đạo công việc khai quật năm đó. Vì biên soạn “Hải Thụy bãi quan” trong giai đoạn mười năm thảm họa (Đại cách mạng văn hóa vô sản), Ngô bị bức hại, cuối cùng đã tự sát trong nhà tù, đến nay không rõ hài cốt ở đâu. Vợ và con gái nuôi của ông cũng lần lượt bị bức hại đến chết, rơi vào kết cục mất mạng tan nhà nát cửa. Còn Trịnh Chấn Đạc phụ trách chỉ huy hiện trường khai quật năm đó thì bị chết do tai nạn máy bay. Người phụ trách chụp hình các văn vật thì bị rối loạn tâm thần dẫn đến tự sát. Những nhân viên khảo cổ chủ yếu của năm đó phần lớn đều gặp chuyện không may.

Một bức tranh màu nước về bố cục các lăng mộ thời nhà Minh (Nguồn: Wikipedia)

Chưa hết, từng có một người dân làng nhân lúc nửa đêm lẻn vào trong Định lăng, lấy cắp quan tài của hoàng hậu của Vạn Lịch Đế. Không lâu sau đó người này được phát hiện là đã chết ở trong nhà. Sau đó bộ quan tài này lại được một gia đình khác nhặt lại, kết quả mấy ngày sau, người trong gia đình này cũng bị phát hiện chết ngạt trong quan tài.

Cái chết ly kỳ của các nhân viên khảo cổ, cộng thêm việc khai quật khảo cổ bị thất bại khiến người ta không thể không chú ý đến lời cảnh báo của ông lão có mặt tại hiện trường khảo cổ vào năm 1955. Chẳng lẽ “con sông sinh tử” này thật sự tồn tại? Hay là đế vương thực sự đã lập lời nguyền trong lăng mộ? Và vì vậy, cho đến ngày nay, không còn ai dám động đến bất cứ lăng mộ nào trong Minh Thập Tam Lăng nữa. Tất cả những việc đó rốt cuộc là trùng hợp hay là có sự tác động của quỷ thần, người ta vẫn chưa có câu trả lời xác đáng. Nhưng có một sự thật là việc khai quật mồ mả, lăng tẩm không phải là việc thiện, thậm chí là một trong những tội ác lớn nhất. Con người chết đi, phần mộ được coi là ngôi nhà dưới âm gian, là nơi gắn kết giữa dương thế và âm gian. Phá mộ, đào trộm báu vật chính là tội ác phải gánh chịu quả báo, thậm chí phải trả giá bằng sinh mệnh của mình.

Theo Sound Of Hope
Châu Yến biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét