Mới đây, tại Bắc Kinh đã mở phiên tòa xét xử ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang) - trùm bất động sản Trung Quốc và là “hồng nhị đại” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Vụ án ông Nhậm Chí Cường đã nhận được sự quan tâm cao độ của từ các giới cả trong và ngoài nước, nhưng chính quyền đã thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, và chỉ "những người đặc biệt được mời" mới được phép tham dự phiên tòa. Có nguồn tin trong cuộc cho hay, ông Nhậm Chí Cường xuất hiện tại phiên tòa trong tình trạng “vẫn tạm ổn”. Ông Nhậm từ chối nhận tội và kiên quyết muốn tự bào chữa cho mình.
Sáng ngày 11/9, phiên tòa xét xử ông Nhậm Chí Cường diễn ra tại Tòa án Trung cấp thứ hai của Bắc Kinh. Ông bị cáo buộc 4 tội danh lớn: tham nhũng, hối lộ, biển thủ công quỹ và lạm dụng chức quyền. Đây là lần đầu tiên ông xuất hiện trước công chúng kể từ khi bị bắt vào tháng Ba năm nay.
Đông đảo dư luận tin rằng vụ án ông Nhậm Chí Cường là “họa từ miệng ra”. Vào tháng Ba năm nay, ông Nhậm Chí Cường đã đăng một bài bình luận với tiêu đề: “Gã hề xấu dù đã bị lột sạch quần áo cũng muốn trở thành hoàng đế” được lan truyền rộng rãi trên mạng. Bài viết chỉ trích ông Tập Cận Bình và giới chức ĐCSTQ vì đã che giấu dịch bệnh, xử lý dịch bệnh không thỏa đáng khiến dịch bệnh lây lan trên khắp cả nước và thế giới. Sau đó, ông Nhậm Chí Cường đã bị nhà chức trách bí mật bắt giữ.
Vụ án ông Nhậm Chí Cường có bối cảnh là “thế hệ đỏ thứ hai” đã nhận được sự quan tâm cao độ của các giới cả trong và ngoài nước. Mặc dù bên phía chính quyền lên tiếng nói rằng đây là một phiên tòa xét xử công khai nhưng bên ngoài phiên tòa đã được bố trí dày kín lực lượng an ninh canh phòng nghiêm ngặt.
Khoảng 7h sáng, nhiều phương tiện khác nhau lần lượt đến nơi. Có nhân chứng nói rằng chiếc xe tù được cho là đang áp giải ông Nhậm Chí Cường đã đi vào theo lối vào theo cửa bên của tòa án.
Sáng sớm hôm đó, nhiều kênh truyền thông nước ngoài và những người ủng hộ ông Nhậm Chí Cường đã tập trung bên ngoài tòa án, nhưng họ đã bị cảnh sát truy hỏi và xua đuổi, những người chụp ảnh bên ngoài tòa án được yêu cầu rời đi càng sớm càng tốt. Cảnh sát nói rõ rằng chỉ "những người đặc biệt được mời" mới được vào phiên tòa dự thính.
Cô Vương, người quan tâm theo dõi vụ án của ông Nhậm Chí Cường, nói với đài Á Châu Tự Do rằng, nhà chức trách dàn ra trận thế như đang giáp mặt với kẻ thù hòng dọa nạt người dân: "Xe cảnh sát dàn trận ở đó, không cho phép người dân vây xem, cũng không cho phép người dân đến gần”.
Cô Trương Dĩnh, người của kênh truyền thông Trùng Khánh cho biết, "Có rất nhiều cảnh sát mặc thường phục, và cũng có rất nhiều cảnh sát mặc đồng phục. Ở Trung Quốc có rất nhiều người quan tâm đến vụ án ông Nhậm Chí Cường, bởi ông là một ‘hồng nhị đại’, ông ấy dám can đảm nói ra những ý kiến phản đối thực sự của mình, có thể thấy ông ấy thực sự là một người có lương tâm ”.
Các kênh báo chí nước ngoài như Hoa Kỳ, châu Âu, Úc, Nhật Bản cùng đại sứ quán của nhiều nước phương Tây có trụ sở tại Trung Quốc đều đã gửi đơn lên tòa xin được dự thính, nhưng đều bị nhà chức trách chối bỏ với lý do “phòng chống dịch bệnh”.
Nguồn tin nội bộ cho hay, người nhà của ông Nhậm Chí Cường nhận được 2 đến 3 tờ giấy dự thính, nhưng sau khi vào tòa, người nhà ông Nhậm thấy rằng bên trong tòa án đã chật kín người, hơn nữa hầu hết đều là các nhân viên giới tư pháp do chính quyền sắp xếp.
Một người nhà của một tù nhân chính trị xin giấu tên cho biết: "Họ (chính quyền) cũng sẽ cho một vài người trong gia đình ông Nhậm có mặt trong phiên tòa xét xử, còn 99% trong số đó đều là nhân viên của cục công an, viện kiểm sát, sở tư pháp cải trang dự thính”.
Thông tấn xã Trung ương CNA dẫn lời từ người thạo tin cho biết, phiên tòa hôm đó được tiến hành vào buổi sáng và buổi chiều. Trong phiên tòa buổi sáng, công tố viên đã liệt kê nhiều cáo buộc khác nhau đối với các khoản nợ của công ty trong nhiệm kỳ của ông Nhậm Chí Cường. Phía công tố cũng đưa ra bằng chứng cho thấy ông Nhậm Chí Cường đã lợi dụng quyền lực của mình để trục lợi cho con trai mình. Khoảng 3 giờ chiều, thẩm phán tuyên bố hoãn phiên tòa, chọn ngày tái thẩm.
Nguồn tin trong cuộc cho hay, khi ông Nhậm Chí Cường ra hầu tòa, trạng thái tinh thần của ông "vẫn tạm ổn". Ông ấy không mời luật sư và nhất quyết muốn tự bào chữa cho mình. Đối mặt với cáo buộc tại tòa của công tố viên và thẩm vấn của quan tòa, ông ấy hầu như đều từ chối nhận tội, thậm chí còn tự mình phản bác. Chỉ có một phần nhỏ ông trả lời rằng "không nhớ rõ".
Người nhà của tù nhân chính trị nói trên cũng cho biết: "Ông ấy không thuê luật sư, mà muốn tự mình bào chữa cho mình. Tôi cũng tin rằng ông ấy có năng lực này. Nhậm Chí Cường nhất định sẽ nắm bắt cơ hội này".
Một nhân viên kế toán nghỉ hưu ngày trước từng làm việc tại Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Trung Quốc nói với kênh CNA rằng, năm đó ông đã từng kiểm tra tài khoản của tập đoàn Hoa Viễn (Huayuan Group) và ông Nhậm Chí Cường, "Các tài khoản đều rất rõ ràng. Hơn nữa, ông Nhậm Chí Cường năm đó là người có thu nhập cao với thu nhập hàng năm lên đến vài triệu Nhân dân tệ. Dưới tình huống này, ông Nhậm Chí Cường có cần phải tham nhũng nữa không?”.
Cao Du, một người trong giới truyền thông Trung Quốc cho biết: "Ông Nhậm Chí Cường không mời luật sư. Bản thân ông ấy từng nói rõ rằng ông ấy sẽ tự bào chữa cho mình. Khi ông ấy nghỉ hưu (năm 2014), ông ấy đã thực hiện kiểm toán công việc và không có vấn đề gì”.
Ông Nhậm Chí Cường, năm nay 69 tuổi, sinh tháng 3/1951 tại tỉnh Sơn Đông. Cha của ông là Nhậm Tuyền Sinh (Ren Quansheng), cựu thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc. Ông là một "thế hệ đỏ thứ hai" điển hình. Ông Nhậm Chí Cường nổi tiếng là người dám ăn ngay nói thẳng, vậy nên có biệt danh là "Nhậm đại pháo”.
Về việc ông Nhậm Chí Cường bị kết tội vì lời nói của mình, ông Dương Kiện Lợi (Yang Jianli), người sáng lập Lực lượng Công dân, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Washington, D.C., nói với hãng thông tấn VOA rằng vụ án ông Nhậm Chí Cường "cho thấy sóng ngầm đang cuộn trào bên trong thể chế ĐCSTQ".
Hiện, vụ án ông Nhậm Chí Cường vẫn đang tiếp tục thẩm lý. Kênh truyền hình Đức Deutsche Welle phân tích rằng do ông Nhậm Chí Cường là thế hệ đỏ thứ hai, nên nếu nhà chức trách xử lý nghiêm khắc ông Nhậm Chí Cường có thể sẽ dẫn đến làn sóng phản ứng lớn từ thế hệ đỏ thứ hai, không loại trừ thế hệ đỏ thứ hai chống Tập cũng sẽ theo đó trỗi dậy.
Phân tích chỉ ra rằng chính quyền ĐCSTQ trước đó không công khai tin tức về phiên tòa xét xử ông Nhậm Chí Cường, mà cố tình xử lý một cách âm thầm, điều này cho thấy rằng người đứng đầu cũng không dám hoặc không muốn dồn ông Nhậm Chí Cường đến chỗ chết để ngăn chặn các lực lượng chống Tập trong thế hệ đỏ thứ hai “vùng lên” quyết một phen sống chết với ông Tập Cận Bình.
Theo Dai Ming, Epochtimes
Vũ Dương biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét