Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

Mỹ muốn cùng Ấn Độ, Nhật, Úc tạo ‘liên minh NATO Thái Bình Dương’ đối phó Trung Quốc

Mỹ muốn cùng Ấn Độ, Nhật, Úc tạo ‘liên minh NATO Thái Bình Dương’ đối phó Trung Quốc https://ift.tt/2Dk6aJ6

Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cùng lên tiếng về ý định thành lập liên minh như NATO để đối phó Trung Quốc. 

Washington đang dự tính chính thức hóa mối quan hệ quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chặt chẽ hơn với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia - để tạo nên một "Bộ Tứ" - một cơ cấu tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm thứ Hai (31/8), theo SCMP.

Mục tiêu của chính phủ Mỹ là hợp tác với nhóm bốn quốc gia này cùng một số quốc gia khác trong khu vực để tạo nên một bức tường thành chống lại “thách thức tiềm tàng từ Trung Quốc”, đồng thời “tạo ra một khối sức mạnh chia sẻ các giá trị và lợi ích chung, từ đó thu hút được nhiều quốc gia hơn tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và thậm chí từ khắp nơi trên thế giới tham dự … để liên kết lại theo một cách thức có cấu trúc hơn”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho biết.

Ông nói: “Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thực sự đang thiếu các cấu trúc đa phương mạnh mẽ. Nơi này chưa có bất cứ điều gì có sức mạnh như NATO hoặc Liên minh Châu Âu. Tôi nghĩ, các khối liên kết mạnh nhất ở châu Á chưa mang tính bao quát. Vì vậy… cần đặt vấn đề là đến một thời điểm nào đó sẽ cần chính thức hóa một cấu trúc như vậy”.

“Hãy nhớ rằng ngay cả NATO cũng bắt đầu với những kỳ vọng tương đối khiêm tốn, một số quốc gia ban đầu đã chọn vị thế trung lập thay vì thành viên chính thức của NATO”, ông Biegun nói thêm.

Ông cũng lưu ý Washington thật sự mong muốn thiết lập một NATO phiên bản Thái Bình Dương. Ông nói rằng một liên minh chính thức như vậy "sẽ chỉ xảy ra nếu các quốc gia khác có sự cam kết như Hoa Kỳ".

Trao đổi với cựu đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, Richard Verma, trong một cuộc thảo luận trực tuyến tại Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ-Ấn, ông Biegun cho biết nhóm bốn quốc gia dự kiến ​​sẽ gặp nhau tại Delhi vào mùa thu.

Ông Biegun cho rằng khả năng Australia tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar của Ấn Độ là một bước tiến dài hướng tới một khối quân sự chính thức hơn.

Ông nói: “Rõ ràng Ấn Độ đang có ý định mời Australia tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar. Đây sẽ là một bước tiến to lớn trong việc đảm bảo quyền tự do hàng hải và an ninh tại các vùng biển ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Malabar là cuộc tập trận hải quân giữa Mỹ và Ấn Độ được tổ chức thường niên ở Vịnh Bengal kể từ năm 1992. Nhật Bản bắt đầu tham dự từ năm 2015.

Australia đã từng tham gia Malabar một lần vào năm 2007, "nhưng Bắc Kinh đã gây sức ép khiến Ấn Độ không thể tiếp tục gửi lời mời, mặc dù Australia có mong muốn tham gia", Viện nghiên cứu Lowy ở Sydney cho biết trong một báo cáo hồi tháng 7. Singapore cũng đã tham gia một lần vào năm 2007.

Báo cáo của Viện Lowy nhận định các cuộc đụng độ biên giới giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ hồi tháng 6 sẽ khiến Ấn Độ có thêm động lực để mời Úc tham gia lại cuộc tập trận Malabar.

Năm nay Nhật Bản và Mỹ đã được mời tham gia cuộc tập trận, vốn bị trì hoãn vì Covid-19, nhưng Ấn Độ vẫn chưa chính thức mời Úc.

Nhận xét của ông Biegun nối tiếp những bình luận của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien, người gần đây đã gọi những yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là “lố bịch”.

Ông Biegun cũng đề cập đến các cuộc họp bốn bên sắp tới trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo với những người đồng cấp Ấn Độ, Nhật Bản và Australia vào tháng 9 và tháng 10 tới.

Vị quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng gợi ý Washington mong muốn Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand tham gia “nhóm Bộ Tứ” phiên bản mở rộng, đồng thời đề cập đến các cuộc họp "rất gắn kết" của nhóm bộ tứ với các quan chức từ các nước này về cách thức phản ứng trước đại dịch.

Ông Biegun nói, các cuộc họp giữa các quan chức cấp cao của bảy quốc gia là “một cuộc thảo luận vô cùng hiệu quả giữa các đối tác rất, rất gắn kết. Chúng tôi nhìn nhận đây là “một nhóm các quốc gia gắn kết một cách tự nhiên” trong việc thúc đẩy chặt chẽ sự phối hợp lợi ích mà chúng ta đã có được ở khu vực Thái Bình Dương”.

Theo SCMP,
Đại Nghĩa dịch & biên tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét