Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

Căng thẳng leo thang ở biên giới Ấn-Trung, ‘động thái có chủ ý’ của Bắc Kinh?

Căng thẳng leo thang ở biên giới Ấn-Trung, ‘động thái có chủ ý’ của Bắc Kinh? https://ift.tt/34P0fa7

Chuyên gia cho rằng đây có thể trở thành một hoạt động "bình thường mới" có chủ đích của Trung Quốc.

Theo Bloomberg ngày 31/8/2020, quan hệ Ấn - Trung đang leo thang căng thẳng khi lại có cuộc xung đột mới xảy ra dọc theo biên giới Himalaya, sau nhiều vòng đàm phán quân sự cấp cao không thể chấm dứt bế tắc kéo dài nhiều tháng.

Bộ Quốc phòng New Delhi hôm thứ Hai (31/8) cho biết các binh sĩ của Ấn Độ có thể ngăn chặn động thái vi phạm các thỏa thuận hiện có nhằm lấn thêm đất của quân đội Trung Quốc vào thứ Bảy (29/8).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, tại một cuộc họp giao ban hàng ngày ở Bắc Kinh hôm thứ Hai, đã phủ nhận quân đội của họ đi vào lãnh thổ Ấn Độ và nói rằng họ đang liên lạc chặt chẽ với New Delhi: “Bộ đội biên phòng Trung Quốc luôn tuân thủ nghiêm ngặt Đường Kiểm soát Thực tế”, ông Triệu nói.

Thượng tá Zhang Shuili, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh phía Tây của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, trong một tuyên bố vào cuối buổi tối thứ Hai, cho rằng quân đội Ấn Độ đã phá hoại sự đồng thuận đạt được trong các cuộc đàm phán đa cấp trước đây giữa hai bên và một lần nữa vượt qua giới tuyến ở bờ nam của Pangong Tso.

Tại sao quân Trung Quốc và Ấn Độ lại xung đột?

Cuộc giao tranh mới nhất diễn ra dọc theo Pangong Tso - một hồ băng ở độ cao 14.000 feet - dọc theo Đường kiểm soát thực tế dài 3.488 km (2.162 dặm). Cả Ấn Độ và Trung Quốc đã di chuyển hàng nghìn binh lính, xe tăng, súng pháo và máy bay chiến đấu đến gần biên giới kể từ khi bế tắc của họ bắt đầu vào tháng Năm.

Vipin Narang, phó giáo sư nghiên cứu an ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết: “Có vẻ như đây sẽ trở thành một điều bình thường mới. Người Trung Quốc có thể chọc ngoáy chỉ để buộc người Ấn Độ bảo vệ một vùng lãnh thổ khổng lồ, với cái giá phải trả lớn của các lực lượng vũ trang và cả chính phủ Ấn Độ. Điều này dường như vẫn chưa kết thúc và Ấn Độ cần - và đang chuẩn bị - cho một chặng đường dài".

"Động thái có chủ ý"

Hiện chưa rõ số lượng thương vong hoặc binh lính bị bắt và trong khi đang diễn ra cuộc họp quân sự cấp cao để giải quyết căng thẳng, quân đội của Ấn Độ được triển khai đầy đủ dọc theo biên giới tranh chấp.

Chỉ số chứng khoán chuẩn của Ấn Độ S&P BSE Sensex giảm 2,1% tại Mumbai, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 18/5. Đồng rupee suy yếu 0,3%.

Phó Nguyên soái Không quân đã nghỉ hưu Manmohan Bahadur, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Hàng không có trụ sở tại New Delhi, cho biết dường như cuộc tấn công mới này của quân đội Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng và không chỉ do các chỉ huy địa phương thực hiện:

“Có vẻ như cuộc tấn công mới này của quân đội Trung Quốc là một động thái được suy tính kỹ càng và có chủ ý. Trung Quốc dường như đang cố gắng thay đổi Đường Kiểm soát Thực tế và gây thêm áp lực lên các vị trí của Ấn Độ”.

Bằng đá và dùi sắt, cuộc đụng độ biên giới Ấn - Trung trở thành chết người

Cuộc tranh chấp tồi tệ nhất của Ấn Độ và Trung Quốc trong 4 thập kỷ lên đến đỉnh điểm là cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ và một số binh sĩ Trung Quốc không rõ danh tính trong một trận chiến trực diện vào ngày 15/6.

Kể từ đó, căng thẳng tiếp tục âm ỉ, với việc Ấn Độ tiết lộ vào cuối tháng 7 rằng họ sẽ bố trí thêm 35.000 quân dọc theo biên giới khi ngày càng ít khả năng sớm giải quyết được căng thẳng chết người giữa hai nước láng giềng.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát chung do tờ Thời báo Hoàn cầu và Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc thực hiện cho thấy hơn 70% trong số gần 2.000 người Trung Quốc được khảo sát tin rằng Ấn Độ quá thù địch với Trung Quốc và gần 90% ủng hộ chính phủ trả đũa mạnh mẽ ‘những hành động khiêu khích của Ấn Độ’.

Theo Sudhi Ranjan Sen, Bloomberg
Hương Thảo biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét