Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

Nhật, Ấn, Úc hợp tác ‘lái’ chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc

Nhật, Ấn, Úc hợp tác ‘lái’ chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc https://ift.tt/3hRheMQ

Trong một cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal cùng các đồng nhiệm Nhật Bản và Australia là Hiroshi Kajiyama và Simon Birmingham đã đưa ra nhu cầu kiến tạo một môi trường thương mại tự do, công bằng và ổn định, đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng chí hướng trong khu vực tham gia. Trong một tuyên bố chung, các bộ trưởng cho biết họ đã hướng dẫn các quan chức soạn thảo các vấn đề chi tiết cho việc ra mắt vào cuối năm. 

Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Trung-Mỹ leo thang, tình trạng bế tắc ở biên giới Trung-Ấn và đại dịch Covid-19. Nhiều quốc gia có sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc đã bị gián đoạn nguồn cung, làm nổi bật nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung ra khỏi Trung Quốc. 

Shamshad Ahmad Khan, chuyên gia về quan hệ Ấn-Nhật và là phó viện sĩ thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc có trụ sở tại New Delhi, chia sẻ với tờ Nikkei Asian Review rằng ba nước có "sự quan ngại sâu sắc" về hành vi bành trướng của Trung Quốc.

Quan hệ giữa Australia với Bắc Kinh đang rạn nứt, trong khi cả Ấn Độ và Nhật Bản đều có những tranh chấp ranh giới chưa được giải quyết với Trung Quốc đang leo thang trong thời gian gần đây. Ông Khan nói: “Do đó, việc họ áp dụng chiến lược này để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc là điều hoàn toàn tự nhiên”.

Tuy nhiên, động thái này của ba bên sẽ ít có khả năng đem đến các tác động mạnh.

"Trước đây, chúng ta thấy rằng Ấn Độ và Nhật Bản đã ký kết nhiều [hiệp định thương mại tự do] và hạ thuế quan với các nước đối tác [đồng thời từ chối] đặc quyền tương tự đối với Trung Quốc. Nhưng nó không đạt được mục tiêu đã định. Hàng hóa tiếp tục chảy qua từ Trung Quốc làm xáo trộn cán cân thương mại”, ông Khan nói.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama tham gia các cuộc đàm phán trực tuyến ba bên vào ngày 1/9 (ảnh: Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản).

Tuyên bố cho biết, các bộ trưởng công nhận nhu cầu cấp thiết trong việc hợp tác khu vực nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng linh hoạt ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Họ đã "tái khẳng định quyết tâm đi đầu trong việc mang lại một môi trường thương mại và đầu tư tự do, công bằng, bao trùm, không phân biệt đối xử, minh bạch, ổn định, có thể lường trước cũng như giữ cho thị trường cởi mở. Trước cuộc khủng hoảng COVID-19 và những thay đổi trên quy mô toàn cầu gần đây trong bối cảnh kinh tế và công nghệ, Bộ trưởng các bên nhấn mạnh sự cần thiết và tiềm năng tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Ba nước đã kêu gọi các nước khác có cùng tầm nhìn trong khu vực tham gia sáng kiến ​​này.

Nhật Bản đã bắt đầu hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á về chuỗi cung ứng và dự kiến ​​sẽ tìm cách kết hợp hai sáng kiến lại với nhau.

Nhật Bản, Australia, Ấn Độ cùng với Mỹ, đã thành lập Đối thoại An ninh Tứ giác hay còn gọi là "Bộ Tứ (Quad)" - một diễn đàn chiến lược không chính thức nhằm kiềm chế Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho biết Bộ Tứ chuẩn bị tổ chức một cuộc họp vào cuối năm nay. 

"Sẽ có một cuộc họp của Bộ tứ, một cuộc họp cấp bộ trưởng với Bộ tứ vào mùa thu này ở Delhi - dù sao thì đó cũng là ý định riêng của các Bộ trưởng", ông chia sẻ với Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ-Ấn hôm thứ Hai.

Ông Biegun cho biết: Bộ Tứ đại diện cho "bốn nền dân chủ đặc biệt vững chắc. Điều này cực kỳ quan trọng bởi vì trong khi lợi ích sẽ thúc đẩy tất cả các quốc gia của chúng ta đưa ra lựa chọn trong các sách lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hơn thế nữa, các giá trị chung đi kèm các lợi ích chung sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc”.

Ông nói thêm: “Tất cả bốn nước đều là những cường quốc ở Thái Bình Dương”.

Theo Nikkei Asian Review,
Quý Khải biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét