Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

Triều Tiên đối mặt thách thức ‘bất ngờ, không tránh khỏi’ từ bên trong lẫn bên ngoài

Triều Tiên đối mặt thách thức ‘bất ngờ, không tránh khỏi’ từ bên trong lẫn bên ngoài https://ift.tt/2GFjoRS

Dịp hiếm hoi khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thừa nhận kết quả kinh tế không mấy khả quan của đất nước.

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ngày 19/8 công bố Quyết định của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 của Đảng Lao động Triều Tiên diễn ra cùng ngày, thừa nhận chính phủ đã thất bại trong việc cải thiện nền kinh tế nước nhà.

Quyết định viện dẫn các "tình huống bên trong lẫn bên ngoài gay go và những thách thức bất ngờ, do đó, kế hoạch đạt được các mục tiêu cải thiện nền kinh tế quốc dân bị đình trệ nghiêm trọng và mức sống của nhân dân chưa được cải thiện rõ rệt". Sự thừa nhận trước công chúng hiếm hoi này của chính quyền Kim Jong Un cho thấy mức độ nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng do dịch bệnh, thiên tai và tình hình kinh tế tồi tệ mà Triều Tiên đang phải đối mặt.

Chính quyền Bình Nhưỡng ngay từ đầu năm đã coi đại dịch Covid-19 là nguy cơ đe dọa tới "sự tồn vong quốc gia". Dịch bệnh khiến khó khăn kinh tế của Triều Tiên thêm phần chồng chất. Quốc gia độc tài phải đóng cửa biên giới từ hồi tháng Một, kéo theo hoạt động xuất nhập khẩu với nước láng giềng Trung Quốc sụt giảm mạnh. Đây vốn là lĩnh vực chiếm gần như toàn bộ hoạt động ngoại thương của Triều Tiên.

Trong vài tuần qua, các trận mưa lớn cấp độ lịch sử gây thiệt hại trên diện tích rộng khắp cả đất nước và khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và 4 người mất tích. Hàng nghìn ngôi nhà và công trình công cộng đã ngập lụt, gần 100.000 mẫu cây trồng bị hư hại và cơ sở hạ tầng quan trọng bị phá hủy, hầu hết ở vùng trung tâm nông nghiệp của đất nước, nơi vốn đã thiếu lương thực và khẩu phần ăn triền miên ngay cả trong thời điểm bình thường, theo công bố của trang Human Right Watch. Thiên tai đe dọa tổ hợp hạt nhân Yongbyon khi nước lũ dâng cao khiến các trạm bơm làm mát lò phản ứng hạt nhân có thể đã bị hư hại.

Nền kinh tế Triều Tiên đã bị thu hẹp đáng kể từ năm 2016, do các biện pháp trừng phạt tăng cường liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Kể từ vụ thử hạt nhân của Triều Tiên năm 2006, Liên Hợp Quốc và Mỹ đã áp đặt các lệnh cấm vận đối với Bình Nhưỡng. Năm 2016, Mỹ áp lệnh trừng phạt bổ sung, trong đó có phong tỏa tài sản của Chính phủ Triều Tiên và đảng Lao động Triều Tiên, cấm một số giao dịch liên quan tới Triều Tiên. Sự cô lập quốc tế do các biện pháp mạnh tay của các tổ chức và một số quốc gia đối với chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của chính quyền họ Kim tới nay vẫn như một chiếc vòng kim cô siết chặt Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những đánh giá về tình hình khắc nghiệt mà chính quyền Triều Tiên đang đối mặt cũng không mang lại sự lạc quan cho những người tin rằng các lệnh trừng phạt bổ sung sẽ khiến Triều Tiên phải thay đổi chiến lược vũ khí hạt nhân. Trước đại dịch COVID-19 và trận lụt năm nay, Kim Jong Un đã lên dây cót tinh thần cho lãnh đạo WPK rằng hãy chuẩn bị cho những thời điểm khó khăn hơn. Sau hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội vào tháng 2/2019 thất bại, dẫn đến không đạt được thỏa thuận nào với Mỹ trong việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, thông điệp nội bộ đã chuyển sang chủ đề: "làm việc chăm chỉ vì các lệnh trừng phạt vẫn còn ở đây".

Khả năng răn đe hạt nhân của Triều Tiên - thường được truyền thông nhà nước khuếch trương mô tả là một "thanh gươm báu" - được đặt ra như một cái cách để đảm bảo sự thịnh vượng cho đất nước, nhưng tới nay, sự đánh cược đó vẫn chưa mang lại thành công gì cho ông Kim.

Bất chấp sự thừa nhận của Kim trước công chúng về sự khó khăn kinh tế của đất nước, tổ chức nhân quyền Human Right Watch cho rằng, những hành động đối phó với khủng hoảng của gia tộc Kim là điển hình cho sự tàn ác của gia tộc ông trong nhiều thập niên, và nhằm đặt chế độ lên hàng đầu hơn là cho người dân Triều Tiên.

Trong đại hội lần thứ 7, Kim Jong Un cam kết sẽ đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế đất nước trong 5 năm tiếp theo tại Đại hội lần thứ 8, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2021.

"Bạn không thể ăn được một đám rước - cảnh phô trương rỗng tuếch sẽ không nuôi sống được gia đình nào cả...", Human Right Watch bình luận về kế hoạch hội nghị mới của Triều Tiên, và nói thêm rằng: "thay vì tổ chức một sự kiện tuyên truyền rầm rộ, chính phủ Triều Tiên nên tham vấn ý kiến của Liên Hợp Quốc và các quốc gia thành viên về những cải cách thực sự, đồng thời chấp nhận hỗ trợ lương thực khẩn cấp". Triều Tiên đã từ chối viện trợ bên ngoài hồi tháng 7, viện lý do lo ngại dịch Covid-19 lây lan. Human Right Watch khuyến nghị Liên Hợp Quốc và các quốc gia tài trợ nên thông báo rằng họ vẫn sẵn sàng hỗ trợ và thậm chí nhiều hơn thế nếu Triều Tiên thay đổi chính sách thực tế. Chỉ có cải cách kinh tế và chính trị thực chất mới có thể đưa Triều Tiên thoát khỏi các cuộc khủng hoảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét