Sửa Luật Quốc phòng, Trung Quốc dọa phát động chiến tranh? https://ift.tt/34GkmXA
Tác giả Trình Hiểu Nông có bài phân tích trên Vision Times, cho thấy những dấu hiệu chuẩn bị chiến tranh của chính quyền Trung Quốc, nhưng có vẻ nó chỉ để thị uy và không có tính khả thi.
Sau đây là nguyên văn bài viết:
Khi cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ bước vào giai đoạn cuối cùng, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã có lập trường cứng rắn hơn đối với Hoa Kỳ. Chính quyền Trung Quốc đã liệt kê các nhu cầu kinh tế làm điều kiện cho phát động chiến tranh. Việc sửa đổi Luật Quốc phòng của ĐCSTQ và các hoạt động kỷ niệm chiến tranh Triều Tiên không chỉ đánh dấu sự leo thang hơn nữa chiến tranh lạnh Trung-Mỹ, mà còn cho phép mọi tầng lớp xã hội ở Hoa Kỳ nhìn thấy rõ bộ mặt thật của ĐCSTQ và ý định cuối cùng của nó đối với Hoa Kỳ.
Đối với nước Mỹ mà nói, ĐCSTQ là kẻ thù chiến lược còn nguy hiểm hơn cả Liên Xô.
Sửa Luật Quốc phòng, tăng thêm "điều kiện khai chiến"
Ngày 22/10, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc Duowei News trong một báo cáo có tựa đề "Nổi bật bất ổn an ninh quốc tế, luật Quốc phòng Trung Quốc đặt ra thêm 'Điều kiện khai chiến'" cho biết, ĐCSTQ gần đây đã đi vào trình tự sửa đổi Luật Quốc phòng quốc gia và đang chuẩn bị mở rộng "điều kiện khai chiến", liệt kê các nhu cầu kinh tế như một lý do quan trọng cho "huy động chiến tranh", đây là một tín hiệu rất nguy hiểm.
Tài khoản chính thức WeChat của Báo Thanh Niên Bắc Kinh "Zhengzhijian" đưa tin rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa đã báo cáo tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần này cho biết: “Trước sự phát triển và thay đổi của tình hình thế giới, trong nước, trong đảng, trong quân đội, Luật Quốc phòng hiện hành không thể đáp ứng hoàn toàn với nhiệm vụ, yêu cầu mới trong việc bảo vệ tổ quốc và xây dựng quân đội trong thời kỳ mới, cần phải sửa đổi, hoàn thiện. Các mối đe dọa và thách thức an ninh mà Trung Quốc phải đối mặt ngày càng đa dạng và phức tạp hơn, đòi hỏi cấp bách phải có những điều chỉnh tương ứng đối với hệ thống chính sách quốc phòng".
Theo báo cáo truyền thông của nhà nước Trung Quốc, Luật Quốc phòng hiện hành của Trung Quốc hiện có 12 chương và 70 điều. Dự kiến cải cách lần này sẽ sửa đổi 50 điều, thêm 6 điều và xóa 3 điều. Đặc biệt, xác định rõ ràng “khi chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và lợi ích phát triển bị đe dọa” thì tiến hành huy động toàn quốc hoặc huy động từng phần, trong đó bổ sung nội dung mới là “lợi ích phát triển”.
Vậy thì, ĐCSTQ dự định sửa đổi Luật Quốc phòng như vậy có mục đích gì?
Vì để để tiến hành các cuộc chiến tranh với nước ngoài, bất kỳ quốc gia nào cũng cần huy động quân đội và dân thường tham chiến. Các biện pháp về phương diện này thường bao gồm những điều sau:
Thứ nhất, mở rộng nguồn cung cấp lính và chiêu mộ quân nhân đã giải ngũ quay trở lại phục vụ cho quân đội.
Thứ hai, chuyển đổi một phần kinh tế dân sự sang dịch vụ quân sự và kéo dài thời gian làm việc.
Thứ ba, phù hợp với nhu cầu của chiến tranh, hạn chế cung cấp hàng tiêu dùng dân sự và các sản phẩm công nghiệp dân dụng.
Lần này, ĐCSTQ sửa đổi Luật Quốc phòng đề cập đến "tổng động viên", nhưng không thêm từ nhạy cảm "chiến tranh" bên cạnh "tổng động viên". Trên thực tế thì chỉ có một loại “tổng động viên” liên quan đến Luật Quốc phòng, đó chính là tổng động viên chiến tranh.
ĐCSTQ bất ngờ sửa đổi Luật Quốc phòng thực chất chính là chuẩn bị hợp pháp cho việc tổng động viên cho chiến tranh. Một khi cuộc chiến được phát động, tất cả mọi người đều có thể ngay lập tức bước vào trạng thái thời chiến. Tất nhiên, khi tầng lớp cấp cao của ĐCSTQ và quân đội đã quyết định phát động chiến tranh thì không cần thực hiện các thủ tục pháp lý. Trước đó, ĐCSTQ đã từng phát động chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam… họ đều giữ bí mật với nhân dân trong nước, sau đó các phương tiện truyền thông nhà nước sẽ dựa theo các phiên bản tuyên truyền đã định sẵn để tiến hành huy động xã hội.
Khía cạnh đáng chú ý nhất của lần sửa đổi Luật Quốc phòng này là ý đồ của ĐCSTQ, có sự bất thường ở đây khi ĐCSTQ lấy các nhu cầu kinh tế làm lý do thực hiện tổng động viên chiến tranh (phương tiện truyền thông nhà nước thường gọi là "lợi ích phát triển").
Trong những tình huống bình thường, nếu an ninh quốc phòng của một quốc gia đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng, thì quốc gia đó có thể chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh. Vì thế, việc thực hiện tổng động viên chiến tranh là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, ĐCSTQ hiện cho rằng, chỉ cần sự phát triển kinh tế gặp khó khăn, đất nước họ có thể sẵn sàng phát động chiến tranh. Nói cách khác, thông qua việc sửa đổi luật Quốc phòng lần này, ĐCSTQ đã mở rộng “điều kiện chiến tranh” đối với chiến tranh nước ngoài đến vô hạn. Bất kỳ lập luận nào cũng có thể dễ dàng liên kết với "lợi ích kinh tế", và sau đó nó có thể được ĐCSTQ sử dụng làm lý do cho để khai chiến.
ĐCSTQ muốn tiếp bước Quân đội Đế quốc Nhật Bản?
Quân đội Đế quốc Nhật Bản đã kích động cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và cuối cùng bị Hoa Kỳ đánh bại. Năm đó, Đế quốc Nhật Bản chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại Hoa Kỳ có một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, khi Hải quân Nhật Bản tương đối lạc hậu về sức mạnh, trước tiên họ sẽ tăng cường chạy đua vũ trang để chuẩn bị cho chiến tranh, cho đến khi xây dựng xong hạm đội hàm không mẫu hạm lớn nhất thế giới và bước tiếp theo là chuẩn bị thách thức Hoa Kỳ.
Thứ hai, Hải quân Nhật Bản luôn coi quân đội Hoa Kỳ như kẻ thù giả tưởng, thực hiện các cuộc huấn luyện có độ khó cao và xây dựng chiến lược chiến trường cho cuộc chiến hải quân chống lại Hoa Kỳ, tuy nhiên họ lại thiếu chiến lược dài hạn rõ ràng trong việc chống lại Hoa Kỳ. Tư lệnh Hạm đội Liên hợp Isoroku Yamamoto từng nói với Thủ tướng Konoe Fumimaro khi đó rằng, ông có thể thành công trong một cuộc tấn công lén lút, nhưng 2 năm sau, chắc chắn sẽ ở hoàn cảnh bất lợi trên chiến trường mà ông không biết làm thế nào để kết thúc chiến tranh, làm thế nào để tránh thua trận trong chiến tranh.
Thứ ba, trước khi Nhật Bản phát động chiến tranh Thái Bình Dương, nước này đã dựa vào dầu nhập khẩu từ Hoa Kỳ trong một thời gian dài, nhưng do Nhật Bản xâm lược Trung Quốc và Đông Dương, Hoa Kỳ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nhật Bản và hạn chế xuất khẩu dầu sang Nhật. Nhật Bản lập tức lấy lý do nhu cầu kinh tế (dầu mỏ) để phát động chiến tranh Thái Bình Dương.
Sau chiến tranh, Nhật Bản suy ngẫm lại về cuộc chiến đó, một số người từng nói rằng, nếu quân đội Nhật Bản là quân đội do "quan văn" cai trị, thì các sĩ quan chiến đấu không hiểu chiến tranh, nhưng đó không phải là vấn đề, bởi vì các "quan văn" sẽ định ra phương hướng, mục tiêu của mình. Tuy nhiên, Nhật Bản khi đó là một quốc gia theo chủ nghĩa quân phiệt, đất nước nằm trong tay quân đội, những quân nhân này không hiểu chiến tranh, họ đem chiến tranh và tác chiến hợp lại làm một thì hỏi sao không thất bại cho được. Tổ tiên của họ, những người đã biến Nhật Bản thành chủ nghĩa quân phiệt biết chiến tranh là gì? Trong suy nghĩ của họ, chiến tranh chỉ là một trong những phương tiện để đạt được mục đích chính trị và mục đích của chiến tranh không phải là để đánh giặc.
Trong vài năm qua, việc mở rộng quân sự của ĐCSTQ và chuẩn bị chống lại Hoa Kỳ gần như lặp lại cách làm cũ của Đế quốc Nhật Bản, đầu tiên là tăng cường chạy đua vũ trang và chuẩn bị cho chiến tranh, xây dựng một hạm đội lớn và hải quân bắt đầu tiến hành huấn luyện chiến đấu chống lại Hoa Kỳ sau khi sức mạnh của họ tăng lên (cuộc tập trận Midway vào cuối tháng 1 năm nay là một ví dụ).
Gần đây, ĐCSTQ lại lấy nhu cầu kinh tế để làm điều kiện cho việc chuẩn bị phát động chiến tranh. Nhưng đế quốc Nhật Bản vĩ đại như vậy cuối cùng cũng đã mất trong cuộc chiến chống lại Hoa Kỳ, liệu rằng ĐCSTQ có thành công?
Rõ ràng, ĐCSTQ không muốn đối mặt với bài học về sự sụp đổ của Đế quốc Nhật Bản vĩ đại, bởi vì:
Thứ nhất, không khó khi sử dụng xung đột quân sự để tạo ra chiến tranh, khó khăn nằm ở chỗ làm thế nào để kết thúc chiến tranh. Bản thân logic của cuộc chiến là tiếp tục chiến đấu cho đến khi một bên bị đánh bại hoàn toàn. Chiến tranh Lạnh Trung-Mỹ chỉ mới bắt đầu vào tháng 7 năm nay đã phơi bày sự leo thang nhanh chóng của cuộc đối đầu quân sự.
Thứ hai, chiến tranh về cơ bản không thể giải quyết được các vấn đề kinh tế, ngược lại chiến tranh sẽ làm trầm trọng thêm khó khăn kinh tế. Năm xưa, Nhật Bản đã từng chiếm các mỏ dầu ở Nam Dương và đáp ứng đủ nhu cầu dầu trong 2 năm, sau đó do một số lượng lớn tàu chở dầu bị đánh chìm nên cuối cùng nước này đã thua trận do cạn kiệt kho dự trữ dầu, họ đã chiến đấu vì thiếu dầu, và thua cũng chính vì thiếu dầu.
Thứ ba, nhu cầu kinh tế chỉ có thể đạt được trong một môi trường hòa bình. Một khi chiến tranh bắt đầu, mọi hoạt động kinh tế dân sự phải nhường chỗ cho nhu cầu chiến tranh. Những khó khăn ngày càng nghiêm trọng về kinh tế và đời sống trong nước, cuối cùng sẽ làm hao mòn quân bị, tinh thần của binh sĩ và lòng dân, làm cho quân đội ngày càng suy yếu trong cuộc kháng chiến và không tránh khỏi từng bước đi đến thất bại.
Những gì trình bày ở đây chỉ là kết cục của một cuộc chiến tranh thông thường truyền thống. Đối với các cường quốc hạt nhân, sau khi một trong các cường quốc hạt nhân khơi mào một cuộc chiến tranh thông thường, sẽ còn có một kết quả khủng khiếp khác, đó là vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được sử dụng để cứu vãn thất bại trên chiến trường. Đây là lý do tại sao trong chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, các lực lượng quân đội của hai bên đã tuân thủ 'luật sắt' là không trực tiếp cuốn vào các cuộc chiến tranh trên bộ thông thường, càng không thể sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại bên kia.
Nếu ĐCSTQ phát động cuộc chiến vì kinh tế bị đe dọa, liệu có thể đạt được điều mình muốn không?
Sự phát triển kinh tế một cách bình thường của bất kỳ quốc gia nào chỉ có thể thực hiện thuận lợi trong trạng thái hòa bình. Sự phát triển kinh tế của mọi quốc gia đều có thể gặp phải những phiền toái, những rắc rối đó cần được giải quyết theo các quy định quốc tế và các cuộc đàm phán giữa các quốc gia. Chiến tranh có thể thực hiện để đạt được những lợi ích cần thiết cho sự phát triển kinh tế chăng? Liệu những lợi ích kinh tế không thể có được trong cạnh tranh bình thường có thể nhờ vào chiến tranh mà giành giật được sao?
Nếu lợi ích kinh tế của ĐCSTQ thực sự như những tuyên bố của ĐCSTQ rằng, có thể đạt được một cách suôn sẻ thông qua tuần hoàn kinh tế trong nước, vậy thì nếu lợi ích kinh tế của ĐCSTQ gặp bất kỳ rắc rối nào, vấn đề đó chính là nằm ở đất nước của họ.
Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, nền kinh tế của ĐCSTQ vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu.
Về nhập khẩu, để duy trì các hoạt động kinh tế bình thường, ĐCSTQ phải nhập khẩu một lượng lớn các mặt hàng như dầu mỏ, ngũ cốc thức ăn chăn nuôi, quặng kim loại và các bộ phận công nghệ cao (chip)…
Về xuất khẩu, để thu được ngoại tệ cần thiết cho việc nhập khẩu, họ cần phải bán một số lượng lớn các sản phẩm công nghiệp sang thị trường châu Âu và châu Mỹ.
Trong trạng thái hòa bình, các hoạt động xuất nhập khẩu liên quan đến nước ngoài có thể gặp phải nhiều phiền toái khác nhau, chẳng hạn như các biện pháp chống bán phá giá hoặc hạn chế xuất khẩu của một quốc gia, hoặc đường vận chuyển nhập khẩu bị chặn do các yếu tố không mong muốn…Theo luật quốc phòng sửa đổi, những rắc rối này có thể tạo thành một cái cớ để ĐCSTQ phát động chiến tranh?
Trong lịch sử thế giới, chỉ có các chế độ phát xít, chẳng hạn như Đế quốc Nhật Bản, mới coi đây là cái cớ để gây chiến.
Đứng từ góc độ nguồn nhập khẩu của ĐCSTQ, các quốc gia nhập khẩu xăng dầu, ngũ cốc thức ăn chăn nuôi, quặng kim loại và các thành phần công nghệ cao (chẳng hạn như chip) được phân phối ở Trung Đông, Bắc và Nam Mỹ, Úc, mà thị trường tiêu thụ chính các sản phẩm công nghiệp của nó là châu Âu và châu Mỹ.
Với sức mạnh quân sự của ĐCSTQ, họ không thể chiếm hơn một nửa thế giới, cũng như không thể đạt được xuất khẩu sang các nước châu u và Mỹ thông qua chiến tranh.
Nếu ĐCSTQ muốn sử dụng chiến tranh để chiếm lĩnh các quốc gia sản xuất tài nguyên như Trung Đông, Nam Mỹ và những nơi khác, từ đó cướp đoạt tài nguyên nơi đó, trên thực tế họ không có khả năng thực hiện. Nếu ĐCSTQ kích động một cuộc chiến tranh như vậy, thì con đường xuất nhập khẩu nói trên về cơ bản sẽ bị cắt đứt. Sau khi hầu hết các nguyên liệu chiến lược được tích trữ trước chiến tranh đã bị tiêu hao, nền kinh tế thời chiến của nó chắc chắn sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn nghiêm trọng.
Nếu các lợi ích kinh tế của ĐCSTQ không thể đạt được bằng chiến tranh, tại sao ĐCSTQ phải mở rộng “điều kiện chiến tranh” và liệt kê các nhu cầu kinh tế như một lý do quan trọng để “phát động chiến tranh”? Có vẻ như việc mở rộng "điều kiện chiến tranh" của ĐCSTQ thực chất chỉ là thêm một cái cớ kinh tế để thực hiện chiến lược chuẩn bị chiến tranh. Ý đồ của họ là cho Hoa Kỳ thấy một mối đe dọa quân sự.
Bài phát biểu mới nhất của ông Tập Cận Bình: "Chấm dứt chiến tranh bằng chiến tranh"
Gần đây, ĐCSTQ đã bất ngờ kỷ niệm chiến tranh Triều Tiên, ông Tập Cận Bình đã có một bài phát biểu đặc biệt trong buổi lễ kỷ niệm, phải "nói chuyện với họ bằng ngôn ngữ mà họ có thể nghe hiểu được. Đây chính là dùng chiến tranh để chấm dứt chiến tranh và dùng vũ khí để ngăn chặn giáo mác", ông Tập nói.
Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, Duowei News, đã đưa tin này với tiêu đề "Tập Cận Bình hiếm khi dùng lời lẽ nghiêm khắc để cảnh báo với Mỹ rằng, Trung Quốc có thể có kế hoạch tồi tệ nhất đối với Trung Quốc và Mỹ" vào ngày 24/10; "Bài phát biểu của Tập Cận Bình trong lễ kỷ niệm Kháng Mỹ Viện Triều, Mỹ và Đài Loan nên đọc để biết điều gì" vào ngày 23/10.
Tại sao ĐCSTQ lại kỷ niệm Chiến tranh Triều Tiên? Lý Minh Giang, phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Nam Dương chỉ ra rằng, trong hai năm qua, quan hệ Trung-Mỹ không ngừng xấu đi, ông Tập Cận Bình hiếm khi chỉ trích Mỹ bằng ngôn từ gay gắt như vậy. "Phát biểu mạnh mẽ theo cách này rất khác với những bài phát biểu của ông ấy vào các dịp quốc tế hai trong năm qua".
Tờ Lianhe Zaobao của Singapore dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, phát biểu của ông Tập Cận Bình nhằm gửi đi một tín hiệu chính trị trong nội bộ, tập hợp lòng dân, khích lệ tinh thần và để người dân trong nước "chuẩn bị chiến đấu" cho tình hình hỗn loạn lâu dài bên ngoài, đồng thời chuẩn bị tư tưởng cho đấu tranh.
Tờ Bưu điện hoa nam buổi sáng (South China Morning Post) đưa tin,Thôi Lỗi, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc cho rằng, đối với Trung Quốc, việc sử dụng ngôn từ mạnh mẽ không có nghĩa là sẵn sàng tham chiến, mà chỉ là chuẩn bị tâm lý và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Vậy ý nghĩa của "lấy chiến tranh chấm dứt chiến tranh" của ĐCSTQ là gì?
Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện đang trong tình trạng chiến tranh lạnh, cuộc chiến tranh lạnh này đã được ĐCSTQ châm ngòi thông qua 3 lần đe dọa quân sự đối với Hoa Kỳ trong nửa đầu năm nay. Hoa Kỳ chỉ bắt đầu có các biện pháp đối phó kể từ tháng 7 năm nay sau khi các hành động của ĐCSTQ phát sinh. Trong trường hợp này, không phải ĐCSTQ nên “đình chiến” hay sao? Rõ ràng ĐCSTQ đã chơi lại thủ đoạn cũ là “gọi kẻ trộm bắt kẻ trộm”.
Các mối đe dọa quân sự của ĐCSTQ đã bộc lộ thái độ thù địch toàn diện của nó đối với Hoa Kỳ khiến Hoa Kỳ hiểu được ý nghĩa trong mối quan hệ quốc tế với Trung Quốc. Từ đó, Mỹ đã phản ánh kịp thời và sâu sắc về sự thất bại của chính sách “giao thiệp” với Trung Quốc trong những năm qua: quyết định thay đổi các nguyên tắc trong quá khứ về sự tin cậy, hợp tác và kỳ vọng đối với ĐCSTQ, cũng như điều chỉnh lại mối quan hệ Mỹ-Trung, bao gồm cả đối đầu kinh tế trong Chiến tranh Lạnh.
Khi Hoa Kỳ bắt giữ gián điệp của ĐCSTQ trên quy mô lớn, phong tỏa không gian của ĐCSTQ vì đánh cắp bí mật kỹ thuật của Hoa Kỳ, hạn chế việc cung cấp các sản phẩm và công nghệ kỹ thuật cao hữu ích cho việc mở rộng vũ khí của ĐCSTQ chuẩn bị cho chiến tranh, đồng thời tăng thuế quan để giảm thâm hụt thương mại Mỹ-Trung, ĐCSTQ dường như lại coi những biện pháp chế tài này là "cây gậy lớn" hay "ngọn giáo" của Hoa Kỳ, từ chối thừa nhận tổn hại lâu dài mà mình đã gây ra cho Hoa Kỳ.
Vậy thì, liệu có thể sử dụng mối đe dọa chiến tranh để chấm dứt các biện pháp chế tài kinh tế và công nghệ của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc không? Theo phân tích ở trên của tác giả thì câu trả lời là không thể.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của DKN.