Sự trải nghiệm phi thường trong chuyến hành trình đi Tây Thiên đầy gian nan và huyền bí của Huyền Trang rất được Hoàng đế Đường Thái Tông xem trọng. Hoàng đế đã mời gặp Huyền Trang tại Lạc Dương, yêu cầu ông viết lại những gì nghe được thấy được trong chuyến đi ở Tây Vực, sửa thành “Tây Vực Truyện”, để cho người đời sau tham khảo...
Đường Tăng, người đời còn gọi là Đường Tam Tạng, tên tục là Trần Vĩ, người huyện Câu Thị, Lạc Châu, Hà Nam. Ông sinh vào năm Khai Hoàng thứ 20 của Tùy Văn Đế (năm 600 CN), cũng có tư liệu cho rằng ông sinh vào năm Nhân Thọ thứ hai (năm 602 CN), mất năm Lân Đức thứ nhất của nhà Đường (năm 664 CN). Sau khi Đường Tăng xuất gia lấy pháp danh là Huyền Trang, vì vậy còn gọi là Huyền Trang pháp sư.
Cha của Trần Vĩ là người chuyên tâm nghiên cứu Nho học, kinh thuật. Trần Vĩ có tổng cộng bốn anh em, người anh trai thứ hai từ nhỏ đã xuất gia, pháp danh là Trường Tiệp, sống ở Tịnh Thổ Tự tại Lạc Dương. Trần Vĩ - tức Huyền Trang là người con thứ tư trong gia đình, từ nhỏ ông đã có tư chất thông minh, phong thái phi phàm, tám tuổi đã siêng năng học tập kinh điển từ cha mình.
Khi nghe cha kể về câu chuyện Tăng Tử tị tịch, Huyền Trang đột nhiên đứng dậy. Cha hỏi nguyên nhân vì sao đứng dậy, Huyền Trang đáp Tăng Tử thấy trưởng bối dạy bảo mà tránh ngồi, nay cha giảng kinh cho con, con đâu dám ngồi yên chứ? Người cha nghe xong vô cùng hài lòng.
Ngoài ra lúc nhỏ Huyền Trang đã có tố chất đặc biệt, không chơi cùng những đứa trẻ nghịch ngợm, không nghe những lời tà ngôn, thường xuyên đi theo người anh trai thứ hai là Trường Tiệp pháp sư để học tập kinh Phật. Tị tịch là một trong lễ tiết giao lưu của Á Đông thời xưa, thời xưa mọi người có thói quen ngồi dưới sàn nhà, khi ai đó muốn bày tỏ lòng tôn kính với đối phương và thể hiện sự khiêm nhường của bản thân, thì sẽ rời khỏi chỗ ngồi, lùi ra sau để giữ một khoảng cách nhất định với đối phương, hành động này gọi là tị tịch.
Vào thời Tùy Đường, Phật giáo rất thịnh hành, triều đình quy định chế độ thi cử độ tăng xuất gia, cực kỳ nghiêm khắc. Những ai muốn xuất gia học Phật đều phải được triều đình thống nhất tổ chức cuộc thi, phải thông qua được cuộc thi thì mới được làm tăng, gọi là “độ tăng”. Trong đại nghiệp năm thứ mười của Tùy Dạng Đế, triều đình công bố sẽ độ tăng 10 người, lúc đó Huyền Trang mới 13 tuổi, không phù hợp độ tuổi quy định của độ tăng, nên không được vào trường thi.
Huyền Trang rất thất vọng, đi qua đi lại trước cổng trường thi, không chịu rời đi, quan chủ khảo đại lý khanh Trịnh Thiện Quả là một người kính tin Phật giáo, nghe được chuyện này, cho gọi Huyền Trang đến gặp mặt, cảm thấy Huyền Trang tuổi còn nhỏ mà ôn nhu nho nhã, không giống với người thường. Nên mới hỏi Huyền Trang vì sao muốn xuất gia? Đáp rằng: “Chí dục viễn thiệu Như Lai, cận quang di Pháp”, (đại ý là: Chí hướng nếu nói xa là kế thừa sự nghiệp của Như Lai, nếu nói gần là hoằng dương Phật Pháp để cứu độ chúng sinh). Thấy Huyền Trang tuy tuổi còn nhỏ nhưng khẩu khí rất lớn, quan chủ khảo khen ngợi không ngớt. Vậy là ông đặc biệt phê chuẩn cho Huyền Trang được chọn thẳng không cần phải qua thi cử, và nói với mọi người: “Tụng nghiệp dễ thành, thành tựu khó đắc, nếu độ người này, chắc chắn thành nhân tài Phật môn!”.
Hành trình lấy kinh, thập tử nhất sinh
Huyền Trang pháp sư trải qua một thời gian nghiên cứu học tập, cảm thấy nhiều năm qua, sau khi đi khắp nơi nghe giảng giải các kinh điển đều chứng kiến cảnh các môn phái đối với một số vấn đề đều có những cách lý giải khác nhau, nội dung có sự khác biệt rất lớn, vì vậy ông cảm thấy khó mà nghe theo, nên quyết định đi Tây Thiên lấy kinh.
Năm Trinh Quán thứ nhất (năm 627 CN), Huyền Trang pháp sư đã có chủ ý muốn đi Tây Thiên lấy kinh. Nhưng lúc đó triều Đường vừa dựng lập, biên cương không yên ổn, lệnh cấm ra khỏi đất nước rất nghiêm. Ngài từng hai lần chính thức xin đi Ấn Độ, nhưng đều không được chấp thuận. Vì vậy muốn đi Tây Thiên ngoại trừ vượt biên thì không có cách nào cả. (Tây Thiên là cách gọi nước Ấn Độ của Trung Quốc thời xưa, vì ngày xưa Ấn Độ gọi là Thiên Trúc, mà lại nằm ở phía tây của Trung Quốc nên gọi tắt là Tây Thiên).
Lúc đó đang là năm đói khát, triều đình cho phép bá tánh đi khắp nơi tự mình mưu sinh, Huyền Trang pháp sư liền nhân cơ hội đó ra khỏi Trường An để Tây hành - cuộc hành trình đi đến Tây Thiên, từ Tây An đi qua Tần Châu, Lan Châu, sau đó đến Lương Châu, lúc này Huyền Trang tìm được một người Hồ biết võ công tên Thạch Bàn Đà làm người dẫn đường. Hai người họ ban ngày ngủ ban đêm lên đường, trốn ra khỏi Ngọc Môn Quan. Nhưng sau khi Thạch Bàn Đà ra khỏi Ngọc Môn Quan, không chịu nổi những cực nhọc trên đường đi, nên từ chối đi cùng, và chỉ ra rằng bên ngoài quan ải vẫn còn vài thành lũy phòng thủ, dặn Huyền Trang pháp sư cẩn trọng hành sự.
Huyền Trang pháp sư đi chưa được bao xa thì bị tiêu binh phát hiện, bắt giữ tra hỏi. Trùng hợp là tiêu binh này cũng là một người tín Phật, nghe Huyền Trang pháp sư nói về ý nguyện đi lấy kinh, ý chí kiên định, tiêu binh liền thả ngài ra. Từ đó Huyền Trang pháp sư một mình mạo hiểm lên đường, nằm ngủ ngoài trời, đi mất ba ngày ba đêm, vẫn chưa đi ra khỏi vùng sa mạc Qua Bích (sa mạc Gobi) dài tám trăm dặm.
Lúc này người ngựa đều kiệt sức, sau cùng Huyền Trang pháp sư vì khát nước không chịu được mà ngất xỉu. Đột nhiên bị gió lạnh thổi tỉnh dậy, rồi lại tiếp tục đi về phía trước, may mắn là có kỳ tích xuất hiện, trên vùng sa mạc hoang vu xuất hiện một ốc đảo xanh mướt. Huyền Trang tìm thấy nước suối, như gặp được cứu tinh, mạng sống nhờ đó mới được tiếp tục kéo dài.
Hành trình gian nan trên sa mạc rất khó để diễn đạt hết bằng chữ viết hay lời nói. Trong bài viết này sẽ dẫn chứng một đoạn trong “Tây Du Ký” như sau: “Trên trời không có chim bay, dưới đất không có thú chạy, cỏ cây không mọc nổi, không dấu vết con người. Khi thì cát bay mù mịt, khi thì mưa bão ướt sũng, không ăn không uống, ngất đi rồi tỉnh lại. Khi thì xương tàn kiếm gãy, dấu vết chiến trường. Khi thì hung ác khủng khiếp, hình ảnh ma quỷ”. Có thể thấy được là chuyến du hành trong sa mạc thật sự là thập tử nhất sinh.
Đi qua sa mạc này mới đến được nước Cao Xương. Quốc vương Khúc Văn Thái là một Phật tử thuần thành, ông biết được chuyện của Huyền Trang pháp sư, liền sai sứ thần nghênh đón. Nhìn thấy Huyền Trang đến, như tìm được bảo bối, vô cùng kính lễ, nhận làm huynh đệ khác họ, và muốn giữ Huyền Trang ở lại Cao Xương, lại dùng câu nói “nếu không chịu ở lại thì quyết đưa về Trung Quốc” để uy hiếp Huyền Trang.
Huyền Trang tuyệt thực để kháng nghị, cương quyết không chịu ở lại, cuối cùng khiến đối phương cảm động, đồng ý thả người. Đồng thời còn phái hai ba chục người hộ tống, chuẩn bị hành trang đầy đủ, ban cho rất nhiều ngựa và báu vật, và đích thân viết chiếu thư nói rõ với các nước, đề xuất ưu tiên cho thông hành.
Thế là, Huyền Trang đi về phía Tây dọc theo chân núi Thiên Sơn, đi qua cao nguyên Tây Vực huyền bí, đi qua Afghanistan, đi đến nước Kasmira ở miền Tây Bắc của Ấn Độ (nay là Kashmir).
Sau đó ông lại gặp phải lộ trình gian nan, phải vượt qua những ngọn núi cao chót vót bị tuyết trắng bao phủ quanh năm, vượt qua một sa mạc rộng lớn không có bóng người, dắt con ngựa trắng đi lên ngọn núi băng lạnh giá, đi xuyên qua những con đường nhỏ quanh co hiểm trở, chỉ cần một chút bất cẩn là sẽ rơi xuống vực thẳm sâu ngàn trượng, thịt nát xương tan.
Những thương nhân đi cùng, thỉnh thoảng lại có người bị chết cóng trên núi băng, hoặc là trượt chân ngã xuống vực, chôn thân trong tuyết. Trong “Huyền Trang Tây Du Ký” có nói: “Ngay cả bản thân tôi cũng không dám nhìn xuống đáy vực, vì bên dưới có vô số xác chết đông cứng ngàn năm chưa mục rữa”. Trong chuyến hành trình đầy gian nan này, thật sự không thể đếm hết nổi những hoàn cảnh nguy hiểm gặp phải trên đường đi. Trải qua hành trình bảy ngày bảy đêm, cuối cùng Huyền Trang pháp sư đã vượt qua được dãy núi tuyết, rồi tiếp tục đi về phía trước là đến lãnh thổ của Ấn Độ.
Bọn cướp sám hối, cải tà quy chính
Huyền Trang trải qua hai năm vào sinh ra tử, trong chuyến Tây hành đi qua 110 nước, cuối cùng vào năm Trinh Quán thứ 3 ông đã đến được vùng Tây Bắc của Ấn Độ, đi vào nước Kasmira, Kiền Đà La (Gandhara). Huyền Trang nghiên cứu kinh điển Tiểu Thừa từ luận sư Tiểu Thừa. Vì muốn nắm bắt lý luận Phật giáo tốt hơn, Huyền Trang còn nghiên cứu triết học Vệ Đà từ các Bà Là Môn, chuyên tâm học tiếng Phạn, để làm công cụ nghiên cứu kinh điển tiếng Phạn. Ông sống tại đây khoảng hai - ba năm, rồi từ miền Bắc Ấn Độ dọc theo con sông phía đông để đi vào miền Trung Ấn Độ.
Khi Huyền Trang pháp sư ngồi thuyền vừa qua sông Hằng thì gặp phải một đám cướp, bọn chúng nhìn thấy Huyền Trang mày thanh mục tú, dáng vẻ oai nghi, muốn giết Huyền Trang tế trời, để kính trời cầu phúc. Trong lúc nguy cấp, đột nhiên gió to nổi lên, sấm chớp liên hồi, đất cát bay mịt mù, trời đất tối đen, khiến cho bọn cướp hoảng sợ tím tái mặt mày, tưởng rằng đã làm cho ông trời tức giận, nên không dám ra tay. Sau đó mới hỏi rõ duyên cớ, biết được là Tam Tạng của Đại Đường đến Tây Thiên thỉnh kinh, thế là chúng quỳ xuống cầu xin sám hối, cải tà quy chính. Tin này nhanh chóng được lan truyền đi khắp nơi, khiến cho uy danh của Huyền Trang vang khắp xa gần, được người dân Ấn Độ vô cùng sùng bái.
Bồ Tát chỉ điểm, cao tăng truyền thụ
Tu viện Nalanda là một ngôi đền Phật nổi tiếng ở miền Trung Ấn Độ, cũng là trung tâm học tập Phật giáo cao cấp nhất Ấn Độ, trong tu viện có khoảng 13.000 người, trong đó có rất nhiều cao tăng, học giả nổi tiếng. Khi Huyền Trang vào tu viện, bốn đại đức của tu viện Nalanda ra nghênh đón, hơn hai trăm tăng chúng và hơn một ngàn thí chủ tay cầm tràng phan hương hoa, tán thán vây quanh nghênh đón. Tại đây, Huyền Trang nhận Giới Hiền (Śīlabhadra) làm sư phụ.
Luận sư Giới Hiền sống trong tu viện, đã trăm tuổi, là lãnh tụ Phật giáo của Ấn Độ, đặc biệt còn là người vô cùng am hiểu duy thức Phật học, rất được quốc vương kính trọng. Tuy rằng ngài có trí huệ cao thâm, nhưng vì thân mang bệnh lạ, lúc nào cũng đau đớn đến muốn sống không được, muốn chết không xong.
Có một đêm, Giới Hiền mơ thấy gặp được ba vị Thánh giả, một vị là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thân sắc màu vàng kim, một vị là Quan Âm Bồ Tát thân sắc màu trắng bạc, một vị là Phổ Hiền Bồ Tát thân sắc màu thủy tinh. Phổ Hiền Bồ Tát nói với ông: “Kiếp trước ông từng làm quốc vương tại nơi này, vì giết hại quá nhiều sinh linh, kiếp này chịu báo ứng đau đớn, tuy là đau đớn cùng cực nhưng không cần tìm đến cái chết. Ba năm sau Trung Quốc sẽ có một tăng nhân đến Ấn Độ cầu Pháp, ông chỉ cần cố gắng đem duy thức học truyền thụ cho người ấy, để đại Pháp lưu truyền vào Trung thổ. Nghiệp của ông sẽ được tiêu trừ, bệnh đau cũng theo đó mà biến mất”.
Sau khi tỉnh dậy, luận sư Giới Hiền thường xuyên mong chờ Đường Tăng đến, sau đó quả nhiên Huyền Trang mang tâm cầu Pháp mà đi đến tu viện Nalanda, chứng minh chuyện trong mơ là sự thật. Cao tăng Giới Hiền vô cùng vui mừng, đem toàn bộ những gì học được trong đời truyền thụ cho Huyền Trang, lại khuyên Huyền Trang nên đi ra ngoài thỉnh giáo minh sư nhiều năm.
Kể từ đó Huyền Trang pháp sư du học khắp nơi tại Ấn Độ, tổng cộng đã trải qua 17 năm học tập ròng rã, trong đó đặc biệt là 5 năm học tập tại tu viện Nalanda, nơi mà các học giả tụ tập đông đảo. Trong thời gian ly hương, ông rất mong mỏi quay về nước truyền dạy những gì mình biết. Vào tháng chạp năm Trinh Quán thứ 19 (năm 645 CN), trải qua nhiều lộ trình gian nan, cuối cùng Huyền Trang đã quay về đến Trường An. Bên trong thành Trường An các văn võ bá quan đứng ngoài đường nghênh đón, vạn dân tung hô, nhiệt liệt chúc mừng.
Sự trải nghiệm phi thường trong chuyến hành trình đi Tây Thiên đầy gian nan và huyền bí của Huyền Trang rất được Hoàng đế Đường Thái Tông xem trọng. Hoàng đế đã mời gặp Huyền Trang tại Lạc Dương, yêu cầu ông viết lại những gì nghe được thấy được trong chuyến đi ở Tây Vực, sửa thành “Tây Vực Truyện”, để cho người đời sau tham khảo. Sách này chính là “Đại Đường Tam Tạng Tây Vực Ký” được lưu giữ đến ngày nay.
Toàn bộ cuốn sách nêu trên có 12 quyển, kể lại tình hình của 110 nước mà Huyền Trang đích thân đi qua và 28 quốc gia được nghe nói đến, kể lại phong cảnh con người ở các khu vực, địa lý sông ngòi, sản vật khí hậu, văn hóa chính trị, trở thành tư liệu lịch sử quý giá.
Bắt đầu từ năm Trinh Quán thứ 19 (năm 645 CN), Huyền Trang chủ trì dịch kinh đến năm 663 CN, trong suốt 19 năm đó tổng cộng dịch ra hơn 1.000 quyển các loại Kinh điển. Đồng thời Huyền Trang còn dịch trước tác triết học “Lão Tử - Đạo Đức Kinh” nổi tiếng của Trung Quốc thời xưa thành tiếng Phạn, lưu truyền vào Ấn Độ.
Năm thứ hai sau khi hoàn thành việc dịch kinh, tức là vào tháng 2 năm 664 CN, Huyền Trang viên tịch tại Ngọc Hoa Tự thành phố Đồng Xuyên. Di thể được đưa về Trường An mai táng theo ý chỉ của Hoàng đế. Vào ngày An Táng, trong vòng 500 dặm gần Kinh Thành, hàng ngàn người dân đưa tiễn, những người ngủ lại bên cạnh mộ ông trong đêm đó lên đến hơn 3.000 người.
Theo Epochtimes
Châu Yến biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét