Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

Cảm ngộ Tam Quốc: Bức hại người trung nghĩa và người tu luyện nhận quả báo kinh hoàng

Cảm ngộ Tam Quốc: Bức hại người trung nghĩa và người tu luyện nhận quả báo kinh hoàng https://ift.tt/2HFSLxg

Chuyện cũ kể rằng: Sau khi Lã Mông hại chết Quan Vũ, vào lúc Tôn Quyền muốn ban thưởng xứng đáng cho Lã Mông thì Lã Mông đột nhiên bị Quan Vũ nhập vào người rồi chửi mắng ông ta thậm tệ. Tôn Quyền vô cùng kinh hãi lập tức thống lĩnh các tướng sĩ quỳ lạy trước linh hồn Quan Vũ, sau đó mới dập tắt được sự phẫn nộ này. Sau khi Quan Vũ rời đi, Lã Mông liền ngã xuống đất, thất khiếu chảy máu mà chết...

Khi nhìn lại dòng chảy của văn hóa Á Đông, ta sẽ thấy có rất nhiều nhân vật lịch sử từng xuất hiện và tạo ra những tấm gương về “trung, hiếu, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” cho hậu thế noi theo. Đặc biệt, sự đối lập của các hình tượng “gian” và “trung” luôn vô cùng sinh động, để lại cho người đời sau đạo lý căn bản về cách đối nhân xử thế. Đọc "Tam Quốc diễn nghĩa", chúng ta có thể chiêm nghiệm rõ ràng điều đó...

Quan Vũ có tình có nghĩa

"Tam Quốc diễn nghĩa" thể hiện đầy đủ sự bất lực của con người sống trong thời loạn thế. Có người nhân lúc loạn thế để thực hiện tham vọng ích kỷ của mình mà tranh bá thiên hạ. Có người vì hạnh phúc của bá tánh mà không tiếc hy sinh tính mạng của bản thân. Có người vì mong muốn bá tánh được hạnh phúc mà cống hiến hết mình không chút vị kỷ. Cũng có người thì chỉ biết toan tính mưu cầu cho lợi ích riêng của cá nhân mình...

Sự trung nghĩa của Quan Vũ được ca tụng và lưu truyền đến tận ngày nay. Ông vì bảo vệ gia quyến của chủ công (Lưu Bị), bất đắc dĩ phải giao ước ba việc với Tào Tháo. Trên đường quay về Tào doanh, Tào Tháo cố tình tạo cơ hội cho Quan Vũ và vợ của Lưu Bị ở cùng một phòng, ý đồ quấy rối lễ nghi giữa quân thần để khiến Quan Vũ không giữ được lễ tiết. Thế là một mình Quan Vũ đứng ở bên ngoài phòng, cả đêm không ngủ để bảo vệ gia quyến của Lưu Bị mà không chút biểu hiện mệt mỏi, trong tình huống này, ông không chỉ tận trung mà còn giữ đúng lễ tiết.

Sau khi đến Tào doanh, Tào Tháo lại cố tình chỉ cấp phát một phủ cho Quan Vũ cư trú. Quan Vũ liền chia phủ thành làm hai gian nhà, nhà trong nhường cho hai vị phu nhân của Lưu Bị ở, và phái mười lão tướng canh phòng, bản thân cam chịu ở nhà phía ngoài.

Tào Tháo thấy Quan Vũ giữ lễ tiết như vậy lại càng kính phục hơn, nên càng muốn dùng vàng bạc và mỹ nữ để dụ dỗ, hy vọng Quan Vũ có thể sớm ngày quy thuận phụng sự ông. Quan Vũ không những không bị mê hoặc mà còn đem toàn bộ của cải dâng cho hai vị phu nhân sử dụng, cũng như đem toàn bộ mỹ nữ tặng cho hai vị phu nhân làm tỳ nữ.

Cứ cách ba ngày, Quan Vũ lại đứng bên ngoài gian nhà trong khom người hành lễ, chào hỏi hai vị phu nhân, nghiêm túc giữ lễ tiết quân thần, đạo nghĩa huynh đệ. Đợi đến khi vừa biết được tung tích của huynh trưởng, ông liền qua năm ải chém sáu tướng, thề chết bảo vệ hai vị phu nhân đi đến nơi an toàn để gặp lại huynh trưởng. Tào Tháo cảm phục lòng trung thành và đạo nghĩa của Quan Vũ mà không nhẫn tâm giết hại, cuối cùng cũng chịu thả Quan Vũ đi.

Trái ngược với Quan Vũ, trong "Tam Quốc diễn nghĩa" cũng có rất nhiều nhân vật vì củng cố quyền thế của mình mà sẵn sàng quay lưng với huynh đệ, trở mặt thành thù, tàn sát lẫn nhau; cũng có kẻ háo sắc mà cưỡng đoạt vợ người khác dẫn đến quân thần trở mặt, càng không thiếu những kẻ bán chủ cầu vinh, 'qua cầu rút ván'… Điều đó đã làm nổi bật sự trung nghĩa khí tiết của Quan Vũ.

Nhân vật Quan Vũ trong phim Tam Quốc Diễn Nghĩa 1996.

Thiên lý tuần hoàn báo ứng không sai lệch

Trung Hoa từ xưa luôn là một dân tộc kính trời tín Thần, trong các sách cổ, sử sách đến các tác phẩm dân gian tự cổ chí kim đều có rất nhiều miêu tả và ghi chép về phương diện này. Trong "Tam Quốc diễn nghĩa" cũng có miêu tả rất nhiều về các câu chuyện nhân quả tuần hoàn, thiện ác đều có báo ứng. Ví dụ như sau:

Tôn Quyền của Đông Ngô vốn dĩ với Lưu Bị đã có minh ước từ trước là cùng nhau đối kháng Tào Tháo, nhưng lại dùng gian kế của Lã Mông để giết hại Quan Vũ, sau đó còn vô cùng đắc ý. Vào lúc Tôn Quyền muốn ban thưởng xứng đáng cho Lã Mông thì Lã Mông đột nhiên bị Quan Vũ nhập vào người rồi chửi mắng Tôn Quyền. Tôn Quyền vô cùng kinh hãi lập tức thống lĩnh các tướng sĩ quỳ lạy trước linh hồn Quan Vũ, sau đó mới dập tắt được sự phẫn nộ của ông. Sau khi Quan Vũ rời đi, Lã Mông liền ngã xuống đất, thất khiếu chảy máu mà chết. (Thất khiếu: 2 lỗ tai, 2 mắt, 2 lỗ mũi và miệng).

Tôn Quyền sợ đắc tội với Lưu Bị, liền cho đầu của Quan Vũ vào trong hộp gỗ để làm quà tặng cho Tào Tháo. Tào Tháo tuy là cảm động tấm lòng trung thành của Quan Vũ mà không nhẫn tâm giết hại Quan Vũ, nhưng về sau dẫn binh đi giao đấu với Quan Vũ bị thua trận, trong lúc tình huống nguy cấp Tào Tháo đành nghe theo kiến nghị của Tư Mã Ý và Tưởng Tế, phái người đến Đông Ngô khuyên Tôn Quyền đánh lén Quan Vũ. Vì thế mà Quan Vũ bị Lã Mông dùng kế giết hại, sau đó Tào Tháo mới phá giải được vòng vây ở Tương Dương, Phàn Thành.

Sau khi Tào Tháo mở hộp gỗ ra thì vô cùng đắc ý, nhưng lại nhìn thấy Quan Vũ há mồm và chuyển động hai con mắt, râu tóc đều bung ra, Tào Tháo sợ hãi quá mức mà ngất xỉu, các quan viên cấp cứu rất lâu Tào Tháo mới tỉnh lại. Sau khi Tào Tháo tỉnh lại liền an táng Quan Vũ chu đáo theo lễ nghi của vương hầu, và truy phong ông làm Kinh Vương.

Từ đó về sau, hàng đêm Tào Tháo cứ nhắm mắt lại là nhìn thấy Quan Vũ, trong lòng vô cùng hoảng hốt sợ hãi, sức khỏe cũng theo đó mà càng ngày càng tệ. Mặt khác, sau khi Quan Vũ bị hại chết, hồn phách không được yên, thường xuyên gào thét lúc nửa đêm canh ba: “Trả đầu cho ta!”. Về sau, linh hồn của Quan Vũ gặp được một vị cao tăng đắc đạo tên Phổ Tĩnh ở trên núi Ngọc Tuyền, cao tăng thuyết pháp: “Nay đã khác xưa, tất cả ngừng bàn luận, nhân quả trước sau, không chút sai lệch. Nay tướng quân bị Lã Mông hãm hại, gào thét ‘trả đầu cho ta’, vậy thì Nhan Lương, Văn Xú, năm ải sáu tướng, đầu của những người đó, thì biết đòi ai hả?”. Lúc này hồn phách Quan Vũ mới đột nhiên đại ngộ, quy y rồi bỏ đi. Từ sau lần đó, Quan Vũ thường xuyên hiển linh bảo vệ người dân ở xung quanh núi Ngọc Tuyền.

Tào Phương bị phế ngôi vua là quả báo của nhà Ngụy, vua mới của nhà Tấn lên ngôi cũng bắt chước khuôn mẫu có sẵn. Từ sau khi Tào Tháo bắt giữ Thiên tử để hiệu lệnh chư hầu, quyền lực rất cao, nhưng lại sợ Thiên tử không phục, thông đồng với những đại thần bất mãn để mưu phản, làm hại đến quyền thế của mình. Vì vậy, Tào Tháo càng quản thúc nghiêm ngặt nhất cử nhất động của Hán đế, lần lượt giết chết Đổng quý phi đang mang thai 5 tháng và Phục hoàng hậu cùng với hai vị hoàng tử do Phục hoàng hậu sinh ra, lại giết toàn bộ gia tộc của rất nhiều đại thần.

Sau khi Tào Tháo chết, con trưởng Tào Phi lên kế vị, tiến thêm một bước, giết vua cướp ngôi, thay quốc hiệu thành Ngụy. Nhưng khi hoàng vị truyền đến đời thứ ba là Tào Phương thì lại rơi vào cục diện giống như Hán đế. Tất cả mọi quyền lực đều thuộc về gia tộc Tư Mã, hoàng hậu bị giết, đại thần Tư Mã Sư phế hoàng đế Tào Phương hạ xuống thành Tề Vương và lập Tào Mao lên làm vua mới. Tào Phương đành khóc lóc bái biệt Thái hậu, ngồi lên xe rớt nước mắt rời đi. Đúng là:

"Năm xưa Phục hậu ra cửa cung
Chân trần kêu khóc biệt tôn quý
Tư Mã ngày nay y như vậy
Thiên giáo hoàn báo đời con cháu
Năm xưa Tào Man làm tướng Hán
Ức hiếp quả phụ và cô nhi
Ai ngờ hơn bốn mươi năm sau
Quả phụ cô nhi bị ức hiếp!"

Nước Ngụy truyền đến đời thứ năm là Tào Hoán thì Tư Mã Viêm (cháu nội của Tư Mã Ý) bắt chước theo cách Tào Phi soán ngôi Hán đế để ép Ngụy đế nhường ngôi, đổi quốc hiệu thành Đại Tấn, nước Ngụy từ đó diệt vong, tổng cộng chỉ truyền được năm đời Hoàng đế. Quả là: “Ngụy nuốt Hán thất Tấn nuốt Tào; Thiên vận tuần hoàn chạy không thoát”.

Từ đây chúng ta không khó để nhận ra rằng: Thiên lý tuần hoàn, báo ứng là không sai lệch. Cho dù con người có núp ở trong bóng tối để làm chuyện xấu cũng không thể thoát khỏi ánh mắt của Thần linh. Đây cũng là nguyên nhân mà người xưa luôn dạy dỗ hậu thế là phải luôn luôn tích đức hành thiện vậy.

Không kính Thần Phật, bức hại người tu Đạo, không có kết cục tốt

Tôn Sách bức hại người tu đạo là Vu Cát nên gặp báo ứng. Vì chiến loạn triền miên, thời tiết khô hạn kéo dài, bá tánh nghèo đói nhiều bệnh tật, đạo sĩ Vu Cát thường xuyên dùng đạo thuật giúp mọi người chữa bệnh nhưng không lấy tiền, vì vậy mà được quan dân kính trọng. Tôn Sách lại xem ông là yêu sĩ mê hoặc dân chúng nên muốn giết chết ông, mặc cho các thần dân ra sức khuyên ngăn, Tôn Sách vẫn hạ lệnh giết Vu Cát.

Tôn Sách chuẩn bị giết đạo sĩ Vu Cát trong một tập của bộ phim truyền hình dài 84 tập Tam Quốc Diễn Nghĩa 1996.

Vu Cát tự biết số mình đã tận khó mà thoát khỏi cái chết, trước lúc chết vì muốn cứu giúp bá tánh, ông vẫn tắm rửa thay quần áo rồi bước lên đàn cầu mưa, quả nhiên cầu được cơn mưa ba thước từ trên trời trút xuống, sau đó lại hô một tiếng lớn thu nhiếp mưa lại. Mặc dù Vu Cát đã thể hiện thần thông như vậy, nhưng Tôn Sách vẫn không ngộ ra, nhìn thấy toàn bộ thần dân cúi đầu cảm tạ Vu Cát, Tôn Sách lại càng giận dữ hơn, không những chém đầu Vu Cát mà còn đem thi thể của ông treo ở ngoài chợ, xem ông là một tội nhân.

Nhưng dù sao Vu Cát cũng là một Tiên nhân tu đạo, chỉ trong một đêm thi thể của Vu Cát không cánh mà bay, tìm khắp nơi cũng không tìm thấy. Từ đó, Tôn Sách thường xuyên nhìn thấy Vu Cát vào ban ngày và cả ban đêm, mỗi lần nhìn thấy Vu Cát đều không biết hối cải, thậm chí muốn chém giết Vu Cát lần nữa. Vì Vu Cát đã chết đúng với số kiếp của mình, nên thân thể không còn chịu sự trói buộc của không gian này nữa, ông có thể đi lại tự do theo ý muốn, Tôn Sách vốn dĩ không giết nổi ông.

Thân mẫu của Tôn Sách biết được sự việc này, hiểu rằng báo ứng sắp đến rồi, kêu Tôn Sách đi đến đạo quán sám hối, Tôn Sách đành phải nghe theo lệnh của mẹ mà đi đến đạo quán thắp nhang sám hối, nhưng trong lòng thì không tình nguyện chút nào, cho nên chỉ là làm cho có lệ mà thôi, chỉ thắp nhang nhưng không chịu nhận sai lầm của mình.

Khi bước ra khỏi đạo quán Tôn Sách lại nhìn thấy Vu Cát đang trợn to mắt nhìn mình, lại càng thêm giận dữ, vì vậy đã rút kiếm chém về phía Vu Cát. Một người bị kiếm chém trúng ngã xuống, thì ra đó chính là binh sĩ phụng lệnh ra tay giết Vu Cát khi đó, kiếm chém vào đầu thất khiếu chảy máu mà chết.

Cho dù là như vậy, Tôn Sách vẫn không chịu hối cải, ngược lại còn kêu người phá dỡ đạo quán. Khi các binh lính đang định tháo dỡ mái ngói, thì nhìn thấy Vu Cát đứng ở phía trên đạo quán sử dụng ngói để tấn công những người dưới mặt đất. Vì vậy đám lính không dám phá dỡ đạo quán nữa. Tôn Sách nhìn thấy tình cảnh này lại càng thêm tức giận, ra lệnh cho binh lính đuổi hết toàn bộ đạo sĩ trong đạo quán ra ngoài, sau đó phóng hỏa đốt cháy đạo quán, kết quả lại nhìn thấy Vu Cát đứng trong đám lửa.

Tôn Sách không những không đốt cháy được Vu Cát, mà ngược lại còn khiến cho bản thân tức giận đến sắc mặt tiều tụy, bệnh cũ tái phát, vết thương cũ rách ra mà chết, ông ta chết yểu - lúc chết mới có 26 tuổi. Trong đoạn truyện này như muốn nhắn gửi tới người đời sau một thông điệp quan trọng: Một khi chúng ta đã gây ra tội lỗi với người tu luyện thì phải lập tức hối cải, nếu không cuối cùng sẽ gặp phải quả báo khôn lường.

Theo Epochtimes
Châu Yến biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét