Trong những ngày lũ dữ, anh Lê Văn Thành (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cùng 3 người khác trong thôn đã bất chấp nguy hiểm, chèo thuyền đưa hơn 300 người dân gặp nạn đến nơi an toàn.
Khi nước rút dần khỏi rốn lũ xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), câu chuyện về anh Lê Văn Thành (SN 1982) và nhóm thanh niên cứu dân trong lũ được nhiều người nhắc đến với sự cảm kích và lòng biết ơn vô hạn.
Cứu người trong đêm
Theo lời kể của người dân, ngày 18/10, mưa như trút nước. Đến tối cùng ngày, hồ Kẻ Gỗ xã tràn với lưu lượng lớn khiến nước ngập vào nhà. Lũ lên nhanh vào ban đêm, khiến các tuyến đường ngập sâu, hàng trăm người dân bị mắc kẹt bên trong các ngôi nhà, mọi người ai cũng hoảng hốt kêu cứu.
Chia sẻ với PV VTC, anh Thành cho biết: "Hôm đó, dòng nước chảy xiết. Khi nghe tiếng kêu cứu khắp nơi, tôi vội chèo thuyền đưa ông nội đi trú ẩn, sau đó vượt dòng nước lũ đi ứng cứu các hộ dân gặp nạn".
Lúc quyết định đi cứu dân, trong lòng anh Thành cũng rất lo lắng, bởi trong nhà còn có mẹ già và 3 đứa con nhỏ, nếu nước vào thì rất khó xoay xở. Nhưng ở nhà vẫn còn chiếc thuyền nhỏ, anh nghĩ nếu có việc gì thì vợ anh có thể đưa mọi người lên thuyền cầm cự, chứ nhiều người còn cấp bách hơn.
Nghĩ vậy, snh Thành gọi thêm 3 người khác là anh Lê Văn Công (em trai anh Thành), anh Phạm Văn Đồng và em Đậu Văn Hoàng chèo thuyền vượt dòng nước xiết đến các nhà dân để đưa họ thoát khỏi cơn lũ.
Anh Thành làm nghề đánh cá, biết lái thuyền, hơn nữa chỉ có thuyền của anh mới di chuyển được vào các khu vực dân cư nên người dân gọi điện anh cầu cứu rất nhiều. Có những nhà khi nhóm anh Thành tới, đã thấy nước ngập đến tận cổ người lớn.
Đò liên tục ra khu vực ngập nước rồi quay về nơi sơ tán, mỗi chuyến vật lộn 20-30 phút. Đến 23h, họ cứu được khoảng 60 người. Giữa khuya, nhóm anh Thành phải tạm dừng cuộc giải cứu vì quá mệt, lạnh và đói.
Về đến nhà, anh thấy nhà mình đã ngập sâu khoảng 2m, mẹ và vợ con anh đang ngồi trên con thuyền nhỏ, người ướt sũng. Lúc ấy chị Tĩnh (vợ anh) vừa giận vừa lo, sợ có chuyện không hay xảy ra với chồng. Nhưng rồi nghe chồng kể lại sự việc, rồi nhìn dáng vẻ của anh, chị không còn giận nữa.
Người hùng trong cơn lũ
Ngay sáng sớm hôm sau (19/10), nhóm anh Thành lại tiếp tục lên đường cứu người.
Cứu được gia đình này thì gia đình khác kêu cứu, cứ thế, trong mấy ngày, nhóm anh Thành dường như không ngủ, chỉ ăn vài mẫu lương khô, mì tôm cầm chừng.
Nhớ lại giây phút giành giật mạng người trong lũ dữ, anh kể “Mình vào cứu người này thì nhà kế bên cũng kêu cứu. Mình không thể bỏ mặc họ được, mình không cứu họ có chuyện gì thì mình hối hận cả đời. Trong ngày 19/10, tôi cùng anh em đã cứu được gần 200 người. Đến ngày 20 và 21/10, chúng tôi cứu được thêm hơn 100 người nữa".
Anh chia sẻ với PV Báo Hà Tĩnh: "Cứu người hơn xây 7 tòa tháp thì em phải đi giúp dân, có nhiều nhà lụt đến nóc nhà rồi... Em phải cố gắng cứu được nhiều người từng nào thì càng tốt từng ấy".
Bà Trần Thị Loan (63 tuổi), người được nhóm của anh Thành cứu sống, nhớ lại khoảnh khắc chạy lũ kinh hoàng: Ngày 19/10, cả 4 người nhà bà đã dầm mình trong nước lũ. Lúc ấy nước tiếp tục dâng nhưng nhà lại không còn chỗ trú. Bà hô hoán kêu cứu nhưng mãi không thấy ai đến.
Một lát sau, nhóm anh Thành đến và cứu cả gia đình lên thuyền ra khỏi nước lũ. Bà xúc động nhớ lại: "Khi đến đường lớn tôi mới bớt sợ hãi và biết mình vẫn còn sống sót. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn các chú ấy nữa..."
Đến giờ, các anh đã cảm thấy nhẹ nhõm khi người dân khu vực mình sống được an toàn qua đợt mưa lũ. “Việc đó, chúng tôi phải làm chứ không có gì to tát cả. Chúng tôi làm nghề đánh cá trên sông, thông thuộc địa bàn nên có kinh nghiệm thôi”, anh Thành khiêm tốn chia sẻ cùng PV báo Zing.
Video xem thêm: Sao người miền trung khổ vậy? Đâu là lối thoát?
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/sao-nguoi-mien-trung-kho-vay-dau-la-loi-thoat-video_f76dc103f.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét