Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Năm (29/10) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Rò rỉ ghi âm Hunter Biden thừa nhận làm ăn với trùm gián điệp ĐCSTQ
The National Pulse hôm 27/10 đăng tải một đoạn ghi âm bị rò rỉ, tiết lộ chính Hunter Biden thừa nhận là đối tác với chủ tập đoàn năng lượng Trung Quốc CEFC, và là đại diện cho một “trùm gián điệp” của ĐCSTQ.
Trong đoạn ghi âm, Hunter Biden gọi Hà Chí Bình (Patrick Ho) – Giám đốc Sở Nội vụ Hồng Kông, là “trùm gián điệp Trung Quốc”, đồng thời than thở đối tác làm ăn của mình, Diệp Giản Minh (Ye Jianming) - ông chủ của Tập đoàn năng lượng Trung Quốc CEFC - đã “bốc hơi”.
Diệp Giản Minh đã “mất tích” từ đầu năm 2018, sau khi bị chính quyền Bắc Kinh điều tra vì "nghi ngờ là tội phạm kinh tế".
Năm 2017, FBI đã ra lệnh bắt Patrick Ho Chi-ping, và ông ta bị buộc tội rửa tiền liên quan đến các hợp đồng của Tập đoàn CEFC tại Uganda và Chad, và vi phạm Đạo luật Hành vi Tham nhũng Nước ngoài.
Thái - Trung Quốc ký thỏa thuận dự án thuộc Sáng kiến Vành đai, Con đường
Giới chức Thái Lan và Trung Quốc hôm thứ Tư (28/10) đã ký thỏa thuận về việc xây dựng một đoạn tuyến đường sắt cao tốc trị giá 50,6 tỷ baht (1,62 tỷ USD), thuộc sáng kiến Vành đai, Con đường của Bắc Kinh, theo Nikkei Asia.
Theo hợp đồng, Công ty Đường sắt Nhà nước Thái Lan sẽ hợp tác với hai doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc là Công ty Đường sắt Trung Quốc và Công ty Thiết kế Đường sắt Trung Quốc để thi công một phần trong dự án giai đoạn đầu khoảng 253 km đường sắt nối Bangkok với tỉnh Nakhon Ratchasima ở Đông Bắc Thái Lan.
Cả hai bên đều đặt mục tiêu hoàn thành phân đoạn đầu tiên vào năm 2026. Người phát ngôn của chính phủ Thái Lan cho biết, hợp đồng hôm thứ Tư bao gồm hợp tác kỹ thuật và đào tạo công nhân.
Phát biểu tại lễ ký hôm thứ Tư, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha bày tỏ hy vọng rằng tuyến đường sắt sẽ tăng cường quan hệ với Trung Quốc và "thúc đẩy sự thịnh vượng và liên tục về kinh tế của cả hai nước".
CEO Facebook, Twitter, Google điều trần về kiểm duyệt nội dung
Phiên điều trần diễn ra hôm 27/10 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Uỷ ban Thương mại Thượng viện Roger Wicker về vai trò của Facebook, Twitter, Google trong kiểm duyệt nội dung. Cả 3 CEO đều tham gia theo hình thức trực tuyến.
Uỷ ban Thương mại Thượng viện Mỹ chất vấn Mark Zuckerberg, Sundar Pichai và Jack Dorsey về việc liệu họ có thành kiến khi kiểm duyệt nội dung, cũng như có nên thay đổi Điều 230 trong Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông (CDA) của Mỹ. Điều 230 được ví như "lá chắn" khi cho phép các mạng xã hội không phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với nội dung mà người dùng đăng tải.
Trong buổi điều trần, CEO Twitter Jack Dorsey bị chất vấn về việc Twitter kiểm duyệt các bài báo của New York Post và tổng thống Trump, trong khi phớt lờ ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. CEO Google Sundar Pichai bị chất vấn về hành vi độc quyền, trong khi CEO Facebook Mark Zuckerberg bị chất vấn về cáo buộc gây chia rẽ và trích dẫn các nghiên cứu nói các thuật toán của mạng xã hội này đang hướng mọi người tới những nội dung phân cực hơn.
Pháp - Đức siết phong tỏa vì virus Vũ Hán
Theo Reuters, Đức và Pháp dự kiến công bố các biện pháp phong tỏa vào thứ Tư 28/10 trong bối cảnh số ca tử vong do nhiễm virus Vũ Hán trên khắp châu Âu tăng gần 40% trong một tuần.
Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến sẽ trao đổi trực tuyến với các thống đốc bang để thảo luận về việc đóng cửa các nhà hàng và quán bar. Tuy nhiên, các trường học và nhà trẻ vẫn được phép mở cửa. Người dân vẫn được đến các địa điểm công cộng nhưng chỉ với các thành viên trong gia đình.
Tại Pháp, nơi ghi nhận hơn 50.000 trường hợp nhiễm virus Vũ Hán mới mỗi ngày, Tổng thống Emmanuel Macron dự kiến có bài phát biểu trên truyền hình vào buổi tối và thông báo thêm về việc hạn chế di chuyển sau khi các biện pháp giới nghiêm được áp dụng trên hầu hết đất nước vào tuần trước.
Kênh truyền hình BFM TV đưa tin rằng chính phủ đang xem xét biện pháp phong tỏa một tháng kể từ nửa đêm ngày thứ Năm 29/10, nhưng văn phòng của ông Macron vẫn chưa xác nhận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét