Những ngày này, miền Trung bỗng chốc trở nên tan hoang, tiêu điều vì lụt. Có lẽ chúng ta chưa bao giờ từng trải qua một đợt thiên tai nào mà để lại nhiều mất mát và đau thương đến vậy. Hơn lúc nào hết, chúng ta rất cần tìm một giải pháp chống lụt hiệu quả. Dưới đây là 5 cách ngăn nước lụt mà các nước trên thế giới đã áp dụng.
Đê và đập di động để chống lụt và nước tràn
Năm 2014, nước Anh đột nhiên nhận lượng mưa lớn nhất trong 248 năm, gây úng lụt cho hàng vạn hộ gia đình và thiệt hại 1,1 tỷ bảng. Điều này thúc đẩy chính quyền phải sáng tạo hơn trong các cách chống lụt.
Quanh London, người ta đã cho xây dựng các loại đập chắn linh hoạt trên sông Thames (Thames Barriers). Hệ thống này có thể đóng, mở, nâng các lớp, xoay tấm chắn để chuyển dòng tháo nước, tùy nhu cầu nhằm ngăn lụt lội cho thủ đô Anh.
Ngoài ra, từ 2015, Anh đã cho thiết kế nhiều loại đập nhẹ (lightweight sectional metal barriers) có thể thay đổi cấu trúc và đặt vào các điểm cần ngăn nước tràn. Khi hết lụt, người ta dỡ bỏ các loại đập này.
Đập di động có bộ khung kim loại và phần ruột bằng vật liệu không thấm nước. Chính các bộ phận này nhận nước lụt để trở thành khối trọng lượng nặng để giữ vỏ đập tại chỗ. Đây là cách dùng nước lụt ngăn nước lụt. Loại tấm chắn linh hoạt sẽ phụ trợ cho việc nâng cao bờ đê để bảo vệ vùng dân cư.
Điều chỉnh dòng lũ
Các vùng miền Trung nước Anh nằm xa sông lớn nên việc điều tiết dòng nước lụt khi các sông nhỏ bị tràn bờ là rất quan trọng.
Người ta đều hiểu rằng không thể nào "cưỡng bức dòng nước", nên chỉ có cách tạo chỗ để tháo nước, và dẫn dòng nước thoát đi ra khỏi vùng đồng ruộng, khu dân cư...
Đây cũng là cách 'chống lụt' theo nguyên tắc 'Tạo không gian cho nước' (Make Space for Water) áp dụng ở Anh, Đức, Hà Lan từ 1999.
Hút nước lụt qua hệ thống cống và bể bền vững
Các cơn mưa lớn thường tạo một khối lượng nước khổng lồ nhanh chóng làm đầy hệ thống cống rãnh và gây ngập úng. Vậy nên, từ 2010, Luật chống lụt (Flood Act) ở Anh buộc các công ty xây dựng phải tính toán và thực hiện làm sao để nước từ mái nhà chảy ra khu vực có mặt đất (ground) thấm nước (rìa phố, công viên…) mà không đổ thẳng xuống cống ngầm của thành phố.
Cùng lúc, người ta cho xây dựng các bể chứa lớn dưới ngầm (large detention basins) hoặc hồ chứa để hỗ trợ việc thu nước mưa rồi bơm ra dần sau trận lụt.
Tại London từ 2007 đã có chừng tám khu vực quản trị nước (water catchments), ở Beckton, Beddington, Crossness, Deephams, Hogsmill, Longreach, Mogden và Riverside cùng gần 897 điểm nhỏ (sub-catchment) thuộc 32 hội đồng địa phương. Các dự án này giúp đô thị 8 triệu dân xử lý nước thải, chống lụt và bảo vệ môi trường cùng toàn bộ khu vực hạ lưu sông Thames.
Thủ đô Nhật Bản từ cuối 2015 cũng đã hoàn tất hệ thống bể ngầm (cistern) khổng lồ, có độ sâu 76 mét, diện tích 14 nghìn mét vuông, trị giá 2 tỷ USD. Các bể này thu nhận nước lụt từ bốn con sống lớn phía Bắc Tokyo.
Nạo vét dòng sông, lòng hồ
Cách làm này như đã thực hiện ở Somerset sau trận lụt lớn tháng 1/2014: người ta nạo vét đáy hồ và sông nhằm tăng thể tích chứa nước khi có mưa to. Việc tháo bỏ đá, cát ở đáy sông cũng giúp cho dòng chảy nhanh hơn, đưa nước lụt tháo đi nhanh về hạ lưu.
Tuy nhiên, cách này bị nói là gây hại môi trường và chưa chắc đã hiệu quả trong chống lụt to. Chưa kể sau một trận lụt to, bùn đất lại tích xuống đáy sông hồ và công việc nạo vét cần thực hiện lần nữa.
Cách nạo vét lòng sông đang được tính đến ở Jakarta sau trận lụt năm 2013 làm ngập úng 40% diện tích thành phố này. Tuy thế, toàn bộ chương trình phòng ngừa lụt của Jakarta đã được hàng trăm triệu USD tiền viện trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mà đến nay vẫn chưa triển khai được bao nhiêu.
Chống lụt bằng cách bảo vệ môi trường
Tại châu Âu đã có cách chính sách chống lụt và thiên tai hiệu quả nhất. Các quốc gia Châu Âu có chính sách 'Flood Risk Management' (Xử lý rủi ro vì lũ lụt) một cách tổng thể hơn, dài hơi hơn, thay vì đối phó khi thiên tai xảy ra.
Họ trồng rừng ở thượng nguồn các sông ngòi, để cây to giữ đất tránh sụt lở, và thảm rừng xanh thấm nước ngay từ đầu trận mưa. Họ cũng duy trì các hồ nước gần đô thị lớn (letting pools) có đường dẫn thông với sông ngòi quanh vùng dân cư để điều tiết nước.
Người Châu Âu ngày càng ý thức được rằng, việc duy trì sông ngòi như hệ thống điều phối nước tự nhiên có sẵn là rất cần thiết; và họ đã bắt đầu trả lại "sự sống" tự do cho các con sông.
Anh Quốc lên kế hoạch phục hồi 1500 km sông trên cả nước. Cho đến nay chừng 1500 dự án đã hoàn tất, nhiều đoạn sông bị lấp nay được khơi lại.
Ở Tây Ban Nha, sông lớn Duero nay đã được chảy tự do với mọi đập chắn bị dỡ đi.
Ở Pháp, nhờ cuộc vận động của giới bảo vệ môi trường, sau 20 năm, sông Loire đã 'thoát' khỏi con đập Serre de la Fare, gần Le Puy.
Tại Đan Mạch, sông Skjern "giành lại" được các đầm lầy ven bờ để nước lụt tràn ra tự nhiên.
Video xem thêm: 14 chữ quý báu nhất đời, người thông minh nhất định phải nhớ
[videoplayer link="https://video3.dkn.tv/lang-dong-dem-ve-so-388-14-chu-quy-bau-nhat-doi-nguoi-thong-minh-nhat-dinh-phai-nho_98d741ae5.html"]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét