Thế giới bao la vạn tượng, chuyện lạ gì cũng có. Có người tin rằng: thật sự là có thiên mệnh huyền cơ đằng sau những lời tiên tri vĩ đại; lại có người cho rằng những lời tiên tri vốn chỉ là một sự trùng hợp mà thôi...
Dưới đây là sáu nhà tiên tri nổi tiếng trong lịch sử văn hóa Trung Hoa cùng những lời tiên tri ứng nghiệm, từng được sử sách ghi danh:
Quỷ Cốc Tử mượn hoa để tiên tri hướng đi cuộc đời của Bàng Quyên và Tôn Tẫn
Sinh thời, Quỷ Cốc Tử từng dùng hai đóa hoa mã đâu linh và hoa cúc vàng để tiên tri hướng đi cuộc đời của hai người đệ tử, dựa vào hoa của Bàng Quyên gặp nắng là héo, tiên tri nơi cuối cùng thành tựu công danh của Bàng Quyên là ở nước Ngụy. Dựa vào hoa cúc của Tôn Tẫn dầm sương không hỏng, tiên tri cuộc đời của Tôn Tẫn gặp phải trắc trở, nhưng cuối cùng có thể quay về cố hương nước Tề thành tựu công danh cả đời.
Quỷ Cốc Tử là một kỳ nhân, thấu hiểu đạo lý của trời đất, hơn hai ngàn năm qua, các nhà binh pháp đều tôn ông là Binh thánh, Tung hoành gia tôn ông là ông tổ, những người xem số bói toán tôn ông làm tổ sư gia.
“Càn khôn vạn niên ca” của Khương Tử Nha
Khương Tử Nha luôn được xem là một thần thoại trong lịch sử Trung Quốc, là đệ nhất công thần giúp nhà Chu hưng thịnh trong vòng tám trăm năm, sinh thời Khương Tử Nha có để lại trước tác “Càn khôn vạn niên ca” lưu truyền thế gian.
Toàn bộ “Càn khôn vạn niên ca” có 770 chữ, tiên tri về sự hưng suy thành bại của các triều đại Trung Quốc, tiên tri rằng sau thời kỳ Tam hoàng Ngũ đế, vận mệnh quốc gia năm ngàn năm của Trung Quốc sẽ thay đổi.
Hoa Nhị phu nhân tiên tri về cái chết của Tống Thái Tổ
Có lẽ mọi người đều cảm thấy nhân vật Hoa Nhị phu nhân rất xa lạ, nhưng bà là một nữ nhân tài hiếm có trong lịch sử Trung Hoa xưa, bà có đầy đủ sắc đẹp và tài hoa.
Đại văn hào Tô Thức từng có một bài thơ khen rằng: “Băng cơ ngọc cốt, tự thanh lương vô hãn”, có thể thấy sắc đẹp của Hoa Nhị phu nhân không phải tầm thường.
Từ xưa anh hùng khó qua ải mỹ nhân, Triệu Khuông Dận vì say mê sắc đẹp và tài hoa của Hoa Nhị phu nhân, nên bày kế hãm hại phu quân của bà, từ đó chiếm đoạt Hoa Nhị phu nhân làm của riêng, và phong bà làm Quý phi.
Năm 976 Công Nguyên, Triệu Khuông Dận và em trai là Triệu Quang Nghĩa tiến hành cuộc Bắc chinh Khiết Đan, trên lộ trình, họ ngủ chung với nhau trong doanh trại, nhưng mà điều bất ngờ là sáng hôm sau Triệu Khuông Dận chết không rõ nguyên nhân, sau này sử sách điều tra và ghi lại sự thật là do em trai của Triệu Khuông Dận đã mưu sát ông, ý đồ muốn cướp đoạt ngôi vua.
Tương truyền rằng cái chết của Tống Thái Tổ lần đó, Hoa Nhị phu nhân đã từng có cảnh báo trước, bà treo một bức tranh trong phòng ngủ của mình, trong tranh vẽ một người đàn ông tay cầm cung tên, nói là ảnh chân dung của Tống Tử Trương Tiên. Nhưng thật ra, bà đang muốn ám chỉ với Triệu Khuông Dận rằng có người muốn hãm hại ông, nhưng Tống Thái Tổ làm sao có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa trong đó chứ. Tuy vậy dù sao Hoa Nhị phu nhân cũng đa tiên tri được cái chết của Tống Thái Tổ.
'Vĩ Thư kinh điển' tiên tri nước Ngụy thay thế Đông Hán
'Vĩ Thư' là một trước tác của nhà Hán được viết dựa trên tư tưởng của Nho giáo, thông thường dùng để tiên đoán nhân sự hung cát và sự hưng suy của triều đại, rất thịnh hành trong những năm cuối cùng của Đông Hán.
Điều khiến mọi người ngạc nhiên là, trong sách có lời tiên tri rằng: “Quỷ tại sơn, hòa nữ vận, vương thiên hạ”.
Chúng ta cùng xem kết cấu của chữ “Ngụy” (魏), chính là do ba chữ quỷ (鬼), hòa (禾), nữ (女) hợp thành, và cuối cùng người có được thiên hạ chính là gia tộc Tào Thị. Con trai của Tào Tháo là Tào Phi xóa bỏ nhà Hán lập ra nhà Ngụy, dùng nước Ngụy thay thế vương triều Đông Hán, điều này hoàn toàn ứng nghiệm với một câu tiên tri thần kỳ trong "Vĩ Thư".
“Thiêu Bính Ca” của Lưu Bá Ôn
Sử cũ ghi chép: Vào thời nhà Minh, trong một lần Thái tổ Chu Nguyên Chương đang ăn bánh nướng, đột nhiên có người bẩm báo rằng Lưu Bá Ôn cầu kiến.
Chu Nguyên Chương lúc đó không hiểu vì sao lại đột nhiên có nhã hứng, muốn thử xem Lưu Bá Ôn thực chất có bản lãnh như thế nào, thần cơ diệu toán của họ Ôn vi diệu ra sao. Vì thế vị Hoàng đế này đã dùng bát đậy bánh nướng lại, rồi mới chấp thuận cho Lưu Bá Ôn vào gặp.
Lưu Bá Ôn vừa bước vào trong điện, Chu Nguyên Chương liền bắt đầu đặt câu hỏi: “Tiên sinh hiểu rộng biết nhiều, có biết dưới đĩa là vật gì không?” Lưu Bá Ôn vẫn không đổi sắc mặt, ngón tay bấm quẻ tính toán một lúc rồi trả lời: “Nửa giống mặt trời nửa giống mặt trăng, từng bị rồng vàng cắn một miếng, theo như thần thấy vật trong chén chính là bánh nướng”.
Chu Nguyên Chương nghe xong vô cùng vui mừng, khen ngợi Lưu Bá Ôn là kỳ tài trăm năm khó gặp. Sau đó giữa hai người có một cuộc vấn đáp tiên tri về tương lai thế sự và sự hưng vong của nhân loại... được tập hợp ghi chép thành tác phẩm "Thiêu Bính Ca". Vì chuyện này mà "Thiêu Bánh Ca" được lưu truyền rộng rãi, mà các lời tiên tri trong "Thiêu Bính Ca" cũng đều ứng nghiệm toàn bộ, có thể nói là vô cùng thần kỳ.
“Thôi Bối Đồ” của Lý Thuần Phong và Viên Thiên Cương
Vào thời kỳ nhà Đường, “Thôi Bối Đồ” đã được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, thịnh hành một thời. Chính sử “Cựu Đường Thư” ghi chép rằng: Đường Thái Tông nhìn thấy một cuốn “Bí kỷ” có viết là: “Ba đời nhà Đường về sau, tức nữ chủ võ vương thay thế cả nước”.
Vì thế Đường Thái Tông cho gọi Lý Thuần Phong đến hỏi chuyện, Lý Thuần Phong nói với Lý Thế Dân: “Đây là ý trời, hơn nữa người phụ nữ này chính là người trong hoàng thất, ba mươi năm sau xưng đế, và tàn sát con cháu của ngài”.
Quả nhiên hoàn toàn giống với trong sách đã nói, ba mươi năm sau, Võ Tắc Thiên đăng cơ xưng thế, trở thành nữ hoàng đế đầu tiên và cũng là cuối cùng trong lịch sử các triều đại Trung Quốc.
Từ xưa trong dân gian đã lưu truyền rằng Lý Thuần Phong có thể suy đoán được những chuyện xảy ra vào một ngàn năm sau. Tuy nhiên, khi ông đang tính toán đến tượng thứ 59 thì người bạn tốt của ông là Viên Thiên Cương đã thúc vào lưng ông một cái, nói rằng: “Thiên cơ không thể tiết lộ, tính toán đến đây thôi”.
Vì vậy Lý Thuần Phong đem chuyện này vẽ thành một bức tranh, và đề thơ: “Thương mang thiên số thử trung cầu, thế đạo hưng suy bất tự do, vạn vạn thiên thiên thuyết bất tận, bất như thôi bối khứ quy hưu”. Vì vậy mà bộ dự ngôn này của ông được gọi là “Thôi Bối Đồ”, có sức ảnh hưởng rất rộng lớn.
Do những lời tiên tri trong “Thôi Bối Đồ” liên quan đến việc dự báo về sự kiện Võ Tắc Thiên xưng đế, và sự kiện Loạn An Sử đều vô cùng chính xác, có thể nói là chính xác đến mức khiến người ta phải hoài nghi cuộc đời. Vì vậy cho đến hiện nay vẫn còn tồn tại những tranh luận bất tận về bộ dự ngôn này.
Thế giới rộng lớn, chuyện lạ gì cũng có. Có người tin rằng: thật sự là có thiên mệnh huyền cơ đằng sau những lời tiên tri lớn; lại có người cho rằng những lời tiên tri vốn chỉ là một sự trùng hợp mà thôi... Nhưng có thể khẳng định một điều là, đằng sau mỗi một tiên tri thần kỳ đều có một câu chuyện hay, chúng ta có thể may mắn đọc được những câu chuyện lịch sử này, cũng xem như là một chuyện vui trong cuộc đời vậy.
Theo Sound Of Hope
Châu Yến biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét