Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

‘4 giữ’: Trí tuệ thành công của các bậc Thánh hiền

‘4 giữ’: Trí tuệ thành công của các bậc Thánh hiền https://ift.tt/35t4mre

Những người mưu thành đại sự của thời xưa đều có chung một đặc điểm: Đó chính là giữ sự ngốc nghếch, giữ sự tĩnh lặng, giữ lấy thời cơ, giữ chữ tín...

1. Giữ sự ngốc nghếch

Quân tử nhân đức nhìn giống kẻ ngốc.

Trong “Sử Ký” ghi chép, khi Khổng Tử còn trẻ từng thỉnh giáo Lão Tử về đạo lý làm người. Lão Tử nói với Khổng Tử: “Lương giả thâm tàng nhược hư, quân tử mãnh đức dung mạo nhược ngu.” (Thương nhân khôn khéo che giấu như không có, quân tử nhân đức vẻ ngoài giống kẻ ngốc).

Lão Tử nói với Khổng Tử trẻ tuổi rằng, một thương gia có đầu óc thông minh thì luôn biết che đậy tiền của hàng hóa của mình, nhìn về bề ngoài giống như không có gì trong tay; một quân tử có phẩm hạnh cao thượng thì luôn biết cách che giấu đạo đức của mình, bên ngoài nhìn vào giống như một kẻ ngốc nghếch khờ khạo. Bạn phải từ bỏ tính khí kiêu ngạo và lòng tham của mình, như vậy mới có thể trở thành thánh nhân.

Đây chính là “đại trí nhược ngu” (tức người đại trí tuệ nhìn giống kẻ ngốc). “Sự hồ đồ hiếm có” từ xưa đến nay luôn được xem là cách xử thế cao siêu. Trí tuệ và cảnh giới “hồ đồ” mà rất nhiều người theo đuổi chính là “đại trí nhược ngu” mà Lão Tử nói đến. Làm người kỵ nhất là cậy có tài mà sinh tâm cao ngạo, không biết buông tha cho người khác. Để lộ tài năng quá mức rất dễ bị người khác ganh ghét, và dễ kết thù hơn.

2. Giữ sự tĩnh lặng

Mỗi lần gặp chuyện lớn phải biết tĩnh khí. Tĩnh chính là đại trí tuệ mà cổ nhân luôn tôn sùng.

Trong “Đạo Đức Kinh” nói, tĩnh vi táo quân (tĩnh lặng là vua của sự nóng vội). Tĩnh có thể khắc phục tính nóng vội của một người. Trong “Đại Học” nói: tĩnh xong mới có thể an định, an định xong mới có thể suy nghĩ, suy nghĩ xong mới có được thành tựu.

Có thể nói tĩnh là cơ sở của sự an định, suy nghĩ và sở đắc.

“Tâm yên tĩnh tìm thấy niềm vui đích thực, phóng xa tầm mắt sẽ nhìn được rộng hơn”.

Khi trong lòng một người không có sự yên tĩnh thì sẽ rất khó suy nghĩ được vấn đề một cách nghiêm túc và triệt để, ứng xử hay làm bất cứ việc gì cũng đều trở nên kiêu căng, nóng vội. Còn người yên tĩnh sẽ đánh giá đặc điểm và sự biến đổi của thời thế và hoàn cảnh trong sự quan sát kỹ lưỡng, như vậy sẽ dễ dàng suy nghĩ được sâu hơn, sẽ có được cách giải quyết vấn đề tốt nhất, hoặc là tìm ra chân lý cuộc đời.

Ảnh: Shutterstock

Chỉ có người giữ sự tĩnh lặng mới có thể phát hiện ra hạnh phúc và cái đẹp trong cuộc sống. Ngược lại, những người nóng vội, những người luôn có những bước đi vội vã thì sẽ luôn bỏ qua những thứ tốt đẹp.

Trong cuộc sống có thể chúng ta sẽ phải trải qua những năm tháng lãng phí của cuộc đời hoặc là những trắc trở trên đường đời, nhưng nếu như giữ thái độ xử thế một cách thản nhiên, bình tĩnh xử trí thì có thể sẽ tìm thấy được sự bình yên của nội tâm trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn sẽ không bị thế tục quấy nhiễu và tác động, cuộc đời sẽ trở nên vui tươi hơn.

3. Giữ lấy thời cơ

Quân tử chờ thời mà hành động. Giữ lấy thời cơ không phải là đúng giờ mà là nắm bắt được thời cơ.

Trong “Chu Dịch” nói: “Quân tử giấu vũ khí trong người, chờ thời mà hành động”, ý muốn nói rằng quân tử có tài năng siêu việt, có kỹ năng hơn người nhưng không đi khoe khoang khắp nơi, mà chỉ thể hiện tài năng hoặc kỹ năng của mình vào thời khắc cần thiết nhất mà thôi. Câu nói này cũng nhắc nhở chúng ta rằng trong lúc im hơi lặng tiếng, cần phải tăng cường sự tu dưỡng của bản thân, đợi khi thời cơ đến rồi thì phải thể hiện tài hoa của mình một cách hoàn hảo. Thời thế, thời cơ đều là khách quan, không phải do con người tạo ra. Chúng ta không thể sáng tạo thời cơ mà chỉ có thể làm tốt những gì mình có thể làm được, chờ đợi thời cơ, nắm bắt thời cơ.

Như vậy, một trong những nhân tố quan trọng quyết định thành bại chính là giữ lấy thời cơ, một người biết giữ lấy thời cơ nhất định sẽ có sự chuẩn bị đầy đủ từ trước, sẽ không để tuột mất cơ hội một cách lãng phí.

4. Giữ chữ tín

Người không có chữ tín không biết có thể làm được gì.

Trong “Luận Ngữ” nói: “Người không giữ chữ tín, không biết làm được gì. Xe lớn không chốt, xe nhỏ không chốt, lấy gì để di chuyển?”, nếu con người không có chữ tín thì cũng giống như một chiếc xe bò lớn không có chốt gỗ để nối hai xà ngang và cái ách lại với nhau, giống như chiếc xe kéo nhỏ không có chốt gỗ nối hai xà ngang với cái ách lại với nhau, như vậy xe sẽ không thể di chuyển được. (Xe được nhắc đến ở đây là xe thô sơ thời xưa, xe kéo bằng sức động vật như xe bò, xe trâu, xe ngựa…).

Vào thời Xuân Thu, Lý Trát [cũng có tư liệu ghi tên người này là Ngô Quý Trát] người nước Ngô lần đầu tiên làm sứ thần đi đến nước Tấn, đi ngang qua nước Từ ở phương Bắc.

Quốc vương nước Từ cực kỳ thích kiếm của Lý Trát nhưng lại không nói ra. Trong lòng Lý Trát biết rõ điều đó, nhưng ông còn phải đi đến nước khác làm sứ thần, vì vậy đã không tặng kiếm cho Từ vương.

Sau này sau khi ông hoàn thành nhiệm vụ làm sứ thần xong mới quay trở lại nước Từ, lúc đó Từ vương đã chết rồi, thế là ông tháo bảo kiếm xuống, treo lên trên một cái cây ở trước mộ Từ vương. Tùy tùng của ông nói: “Từ vương đã chết rồi, làm vậy là tặng cho ai chứ?”, Lý Trát nói: “Không phải vậy đâu, lúc đầu trong lòng ta đã quyết định sẽ đem cây kiếm này tặng cho ông ấy, làm sao có thể vì ông ấy chết rồi mà ta phản bội lời hứa của mình chứ?”

Lý Trát chỉ là trong lòng nhận lời người khác thôi chứ chưa nói ra thành lời, nhưng vẫn giữ chữ tín. So với chúng ta ngày nay, rất nhiều người đã nói ra thành lời, thậm chí là còn viết ra giấy trắng mực đen rõ ràng, nhưng có thể thực hiện được bao nhiêu chứ?

Giữ chữ tín là sức hấp dẫn của nhân cách mà có tiền cũng không thể mua được. Làm người phải đường đường chính chính, làm việc phải rõ ràng minh bạch.

Đừng bao giờ làm mất đi sự tín nhiệm của người khác dành cho bạn, bởi vì người khác tin tưởng bạn, đó chính là giá trị của bạn trong mắt họ. Thất tín là sự phá sản lớn nhất của đời người, giữ chữ tín thì mới có được lòng người.

Theo Vision Times
Châu Yến biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét