Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí đến Việt Nam

Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí đến Việt Nam https://ift.tt/30nVu4g

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về kiểm soát vũ khí, ông Marshall Billingslea vừa đến Việt Nam vào hôm 30/9 trong chuyến công du Châu Á để bàn về mối đe dọa của việc phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến vào chiều hôm 1/10 tại Hà Nội, VnExpress dẫn lời Đặc sứ Billingslea nói: “Việt Nam được chọn làm điểm đến trong chuyến công du này vì những lý do rất rõ ràng, không chỉ nhằm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mà còn vì Việt Nam đang là nước Chủ tịch ASEAN và có nhiều nhà ngoại giao cấp cao dày dạn kinh nghiệm, có nhiều thành tích trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí”.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết rằng chuyến thăm của đặc phái viên Marshall Billingslea đến Hà Nội là “nhằm trao đổi quan hệ song phương, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm”.

Ông Billingslea đang dẫn đầu phái đoàn công du 3 nước châu Á gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

Nội dung thảo luận của ông Billingslea với các quan chức ở Hà Nội vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Yonhap của Hàn Quốc trước chuyến công du châu Á, ông Billingslea nói mục đích chuyến đi của ông là thảo luận “sự tăng cường nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân và các tên lửa đạn đạo và quy ước của Trung Quốc”.

Ông Billingslea đồng thời cho biết ông đã có “các thông tin tình báo bổ sung để chia sẻ với đồng minh của Mỹ về các chương trình này của Trung Quốc”.

Theo Japantimes, trong chuyến thăm tới Tokyo, ông Billingslea cũng thảo luận về vấn đề triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ để đối phó với kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Trước đó, hôm 30/9 Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ có chuyến thăm Nhật Bản, Mông Cổ và Hàn Quốc từ ngày 4 đến ngày 8/10 tới đây.

Tại Nhật Bản, ông Pompeo sẽ dự hội nghị ngoại trưởng các nước thuộc Bộ tứ kim cương (Quad) với những người đồng cấp Nhật, Ấn Độ và Úc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét